Dấu hiệu cho thấy iPhone sắp được lắp ráp tại Việt Nam

    Phương Linh, Theo Trí Thức Trẻ 

    Pegatron – đơn vị lắp rắp iPhone lớn thứ 2 của Apple chỉ sau Foxconn tuyên bố sắp dịch chuyển sản xuất ra khỏi Trung Quốc.

    Dấu hiệu cho thấy iPhone sắp được lắp ráp tại Việt Nam - Ảnh 1.

    Đơn vị lắp ráp iPhone Pegatron nói trong tuyên bố vào ngày thứ 5 rằng họ sẽ đẩy nhanh nỗ lực dịch chuyển sản xuất sang Đông Nam Á từ Trung Quốc – nơi tình hình chiến tranh thương mại đang leo thang cũng như do họ muốn cân nhắc những khoản đầu tư mới.

    "Chúng tôi sẽ làm việc này dù mức thuế có bị áp thêm theo Mục 301 trong luật Thương mại và Cạnh tranh của Mỹ hay không", Giám đốc tài chính Pegatron Charles Lin nói trong bài phỏng vấn với tờ Nikkei. "Những căng thẳng về thương mại chỉ đang đẩy nhanh hơn quyết định làm nó mà thôi".

    Pegatron lo ngại không chỉ về chính quyền của ông Trump mà còn cả những khó khăn về nhân công tại Trung Quốc.

    "Việc tăng lương mỗi năm, thiếu lao động tại Trung Quốc vào mùa cao điểm đã trở nên nghiêm trong hơn trong 3, 4 năm trở lại đây. Chúng tôi phải đa dạng hóa sản xuất để giải quyết những vấn đề về lao động".

    Pegatron – đơn vị lắp rắp iPhone lớn thứ 2 của Apple chỉ sau Foxconn có cơ sở chủ yếu ở Trung Quốc. Ngoài iPhone, họ còn lắp ráp cả máy tính xách tay, điện tử gia dụng, thiết bị mạng và những thiết bị "internet of things" cho các khách hàng gồm cả Sony, Microsoft và Google. Một vài sản phẩm mạng hiện đang bị đánh thuế cao hơn dưới áp lực của ông Trump lên hàng hóa Trung Quốc.

    Đầu tháng 10, tờ Nikkei đã nói rằng Pegatron đang chọn vị trí ở Đài Loan để xây dựng các nhà máy mới lắp ráp các sản phẩm không phải của Apple.

    Còn về phần dây chuyển lắp ráp iPhone dự định dịch chuyển khỏi Trung Quốc, ông Lin nói rằng Pegatron sẽ chọn đặt nhà máy tại 3 quốc gia khác nhau ở Đông Nam Á bởi không 1 quốc gia duy nhất nào có thể cung cấp đủ điều kiện đáp ứng cho mùa cao điểm như Trung Quốc. Dù không tiết lộ thông tin 3 quốc gia dự định lựa chọn nhưng nhiều khả năng Việt Nam sẽ là cái tên nổi bật trong số đó. Bản thân Goertek – đơn vị lắp ráp tai nghe AirPod cũng đã tuyên bố sẽ dịch chuyển sản xuất sang Việt Nam vào tháng trước.

    Tuy nhiên so với cách tiếp cận quản lý tập trung mà Pegatron đã sử dụng trong nhiều thập kỷ ở Trung Quốc, việc quản lý sản xuất dàn trải trên các nhà máy trong vài năm tới sẽ làm gia tăng thêm tình trạng căng thẳng về nguồn lực của công ty.

    Như vậy, Pegatron trở thành nhà cung cấp mới nhất của Apple xác nhận kế hoạch dịch chuyển sản xuất ra khỏi Trung Quốc. Tuy nhiên quyết định của họ tới vào thời điểm khá khó khăn khi doanh thu iPhone đang chậm lại trong bối cảnh thị trường điện thoại thông minh đã bão hòa.

    Trước đó vào thứ 2, Apple đã thông báo với Foxconn và Pegatron rằng không cần phải gia tăng khả năng sản xuất iPhone XR – mẫu giá rẻ mới nhất của hãng trong năm nay.

    "Chúng tôi vừa xem xét hạ dự báo lượng sản xuất 3 mẫu iPhone mới trong năm nay xuống còn 73 triệu chiếc so với 79 triệu chiếc từ 1 năm trước", theo Nicle Tu – chuyên gia phân tích tại Yuanta Investment.

    Tu nói rằng công ty anh đặc biệt cắt giảm dự báo lượng sản xuất iPhone XR từ 39 triệu chiếc xuống còn 32 triệu chiếc. "Chúng tôi nhận thấy nhu cầu giảm với iPhone XR sau khi chúng lên kệ vào cuối tháng 10".

    CEO Pegatron Liao không trực tiếp đề cập tới nhu cầu iPhone trong quý này. Tuy nhiên ông nói rằng công ty lo ngại chiến tranh thương mại giữa 2 nền kinh tế lớn nhất thế giới có thể làm chậm xung lượng nền kinh tế toàn cầu và ảnh hưởng tới thói quen người tiêu dùng.

    "Sản phẩm mới vừa được bán vào ngày 26/10 và chúng tôi sẽ theo dõi chặt chẽ nhu cầu của nó", Allen Horng – chủ tịch CEO nhà cung cấp vỏ iPhone cho Apple là Catcher Technology nói.

    "Tôi chưa thấy có thay đổi gì về đơn hàng nhưng tôi không ngoại trừ khả năng sẽ có những điều chỉnh trong tương lai gần".

    Ông Horng nói thêm rằng còn nhiều điều không chắc chắn đối với những ngành công nghiệp có liên kết với căng thẳng thương mại Mỹ - Trung.

    "Chúng tôi có thể sẽ chứng kiến những ảnh hưởng mạnh hơn từ chiến tranh thương mại và chúng tôi đang giám sát chặt chẽ từng động thái. Hy vọng là, viễn cảnh xấu nhất không xảy ra với chuỗi cung ứng".

    Cùng thời điểm, nhà sản xuất vỏ iPhone vẫn nghiên cứu lựa chọn và đàm phán với khách hàng về việc tăng sản xuất bên ngoài Trung Quốc.

    "Đây là vấn đề liên quan tới toàn bộ chuỗi cung ứng. Nếu cần, tất cả phải dịch chuyển cùng nhau". Horng không chỉ ra rõ khu vực nào đang lọt vào tầm ngắm của ông cho kế hoạch dịch chuyển này. Chatcher hiện có nhà máy ở Đài Loan và Trung Quốc đại lục.

    "Chúng tôi cho rằng sẽ là cấp thiết hơn cho các nhà lắp ráp đồ điện tử dịch chuyển sản xuất ra khỏi Trung Quốc để tránh rủi ro thương mại. Tuy nhiên, các đơn vị làm linh kiện cuối cùng cũng phải theo bước nếu phía nhà lắp ráp quyết định chuyển tới bất kỳ đâu nếu muốn duy trì tính cạnh tranh trong chuỗi cung ứng".

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ