Đây là 4 dịch bệnh nguy hiểm nhất trong thời đại của chúng ta

    zknight,  

    Hơn 1 tỷ người đã chết vì bệnh lao trong vòng 200 năm qua.

    Năm 2013, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tuyên bố kháng kháng sinh là một mối đe dọa với an ninh y tế toàn cầu. Giữa thế kỷ 21, nhiều người sẽ khó tin bệnh truyền nhiễm vẫn tạo ra được mối đe dọa lớn đối với thế giới. Tuy nhiên, đó lại là sự thật.

    Tuyên bố của WHO nhấn mạnh những nguy cơ lâu dài của các bệnh truyền nhiễm, khi con người quá phụ thuộc vào thuốc kháng sinh. Ngược lại thì các loại thuốc ngày càng mất dần tác dụng vốn có, khi vi khuẩn và các mầm bệnh đã học được cách đề kháng lại với vũ khí của con người.

    Liệu cách bệnh truyền nhiễm có trở lại giữa bối cảnh đó? Điều này phụ thuộc rất nhiều vào các nỗ lực toàn cầu. Trong hơn một thế kỷ trở lại đây, chúng ta đã đẩy lùi được 4 đại dịch nguy hiểm nhất lịch sử. Hãy cùng nhìn lại xem đó là 4 đại dịch nào, trước khi chúng ta đến với những gì trong tương lai phải đối mặt:

    1. Bệnh lao

    Hơn 1 tỷ người đã chết vì bệnh lao trong vòng 200 năm qua. Con số đưa lao trở thành căn bệnh truyền nhiễm giết người nhiều nhất trong lịch sử nhân loại. Các nhà khoa học không biết nguồn gốc chính xác của bệnh lao: Nó đã bắt đầu từ đâu, trên người hay động vật và từ bao giờ?

    Ngày nay, khoảng một phần ba dân số toàn thế giới mang vi khuẩn lao bất hoạt trong mình. Điều đó nghĩa là hơn 60% bệnh lao đã tiềm ẩn trong cơ thể bạn. Có điều, hệ miễn dịch đang kiểm soát các vi khuẩn, không để chúng gây ra triệu chứng và cũng không tạo cơ hội lây lan.

    Chỉ có một tỷ lệ nhỏ dân số chứa vi khuẩn lao hoạt động, hoặc được kích hoạt từ trạng thái ngủ. Họ được xác nhận bệnh nhân lao khi xuất hiện các triệu chứng sốt, đổ mồ hôi, sút cân, mệt mỏi, ho và ho ra máu.

    Với sự phổ biến của vi khuẩn, bệnh lao có mặt ở tất cả các quốc gia. Thế nhưng, lao ảnh hưởng nhiều đến các nước đang phát triển, nơi bệnh không được kiểm soát tốt và luôn có tỷ lệ bệnh nhân cao. Các căn bệnh khác như ung thư hoặc HIV cũng làm tăng nguy cơ mắc lao do hệ miễn dịch suy yếu.

    Tính riêng trong năm 2015, toàn thế giới có 10,4 triệu ca mắc mới bệnh lao và 1,8 triệu ca tử vong. Năm 2016, con số giảm xuống còn 9 triệu ca mắc mới và 1,5 triệu ca tử vong.

    Trên thực tế, tỷ lệ nhiễm lao và tử vong liên tục giảm kể từ những năm 1900 tới nay. Trước khi con người tìm ra cách chữa lao, cải thiện điều kiện vệ sinh, nhà ở và tiêm chủng đã dẫn đến kết quả tỷ lệ bệnh giảm ở một số quốc gia. Nhưng chỉ đến khi kháng sinh ra đời, thuốc mới làm cho lao trở thành một căn bệnh có thể kiểm soát và chữa khỏi. Nếu không có kháng sinh, tới 70% bệnh nhân mắc lao sẽ chết.

    Mặc dù vậy, điều trị lao khá phức tạp. Bệnh nhân thường phải uống bốn loại thuốc trong hai tháng. Sau đó kéo dài tiếp với hai loại thuốc, trong bốn tháng. Những loại thuốc này dĩ nhiên có tác dụng phụ và thường dung nạp kém.

    Một điều không may, vi khuẩn lao đang ngày càng trở nên kháng thuốc. Trong những năm gần đây, các ca bệnh lao kháng thuốc đã được ghi nhận khắp thế giới, đặc biệt là ở Nga, Trung Quốc và Ấn Độ.

    So với vi khuẩn thường, lao kháng thuốc đòi hỏi điều trị phức tạp hơn, dùng đến loại thuốc độc hơn, mất nhiều thời gian mà tỷ lệ khỏi bệnh không cao. Hiện nay, có một số xét nghiệm nhanh có thể chẩn đoán lao kháng thuốc, vì vậy cho phép chúng ta lựa chọn điều trị tốt hơn dành cho bệnh nhân mắc các chủng lao nguy hiểm.

    Nói về việc phòng bệnh, vắc-xin bệnh lao đã có mặt trong khoảng một thế kỷ trở lại đây. Nhưng nó chỉ chứng tỏ hiệu quả trong việc phòng ngừa bệnh lao nặng ở trẻ em. Vắc-xin lao không cho hiệu quả tốt khi được sử dụng với người trưởng thành.

    Về tổng thế, chúng ta vẫn đang kiểm soát được bệnh lao với những tiến bộ trong điều trị. Thế nhưng, lao vẫn diễn biến khá phức tạp ở một số nước đang phát triển. Sẽ cần thêm nhiều chính sách và nguồn tài chính hỗ trợ kiểm soát bệnh lao.

    Bên cạnh đó, chúng ta cũng tiếp tục cần đầu tư để phát triển các công cụ chẩn đoán và điều trị lao mới, chăm sóc tốt hơn cho những bệnh nhân đã đang mắc bệnh.

    2. Đậu mùa

    Bệnh đậu mùa gây ra bởi virus variola. Nó đã xuất hiện trên con người từ hàng thiên niên kỷ trước, là một nhân tố tác động lớn đến lịch sử loài người. Vào cuối những năm 1960, bệnh đậu mùa vẫn còn diễn biến phức tạp ở châu Á và châu Phi, với ước tính khoảng 2 triệu ca tử vong mỗi năm.

    Bệnh đậu mùa dễ dàng lây lan giữa người với người, thông qua hắt hơi hoặc tiếp xúc thường ngày. Nó gây ra triệu chứng đơn giản với những mụn mủ trên da, nhưng thực chất lại là một bệnh nặng, có tỷ lệ tử vong khoảng 30%.

    Ngay cả khi bệnh nhân sống sót từ đậu mùa, họ cũng gặp các biến chứng liên quan đến nhiễm trùng, từ việc để lại nhiều vết sẹo, viêm khớp, cho đến mù. Đổi lại, gần như họ sẽ được miễn nhiễm với căn bệnh nguy hiểm này suốt đời.

    Vào thế kỷ 18, Edward Jenner, một bác sĩ người Anh phát hiện ra rằng bò cũng có thể nhiễm virus đậu mùa. Những người lây nhiễm virus đậu mùa ở bò dễ khỏi bệnh, nhữn sau đó cũng miễn nhiễm hẳn với bệnh đậu mùa trên người.

    Jenner đoán rằng đó là một chủng virus nhẹ hơn. Ông trích các mụn đậu của một người nhiễm virus từ bò, tiêm chúng vào cánh tay của một cậu bé 8 tuổi. Kì diệu thay, cậu bé này đã miễn nhiễm với căn bệnh. Jenner trở thành cha đẻ kỹ thuật tiêm chủng, người sáng tạo ra phương pháp chủng ngừa bệnh đậu mùa.

    Cũng phải nói rằng trước đó, ở Trung Quốc và Ấn Độ đã xuất hiện những phương pháp cổ truyền để phòng chống đậu mùa, chẳng hạn như hít bột nghiền từ các các vết thương đậu mùa khô. Tuy nhiên, cách này gây ra một nguy cơ nhiễm bệnh thật cao hơn.

    Cho đến thế kỷ thứ 18 với phương pháp chủng ngừa của Jenner, con người mới tìm được cách phòng bệnh đậu mùa trên quy mô lớn. Các vắc-xin đậu mùa được phát triển kể từ đó. Chiến dịch tiêm chủng được thực hiện liên tục từ thế kỷ 19 kéo dài sang thế kỷ 20.

    Đến những năm 1979, Tổ chức Y tế thế giới WHO chính thức tuyên bố xóa sổ bệnh đậu mùa. Mặc dù dịch bệnh đã chấm dứt, virus variola chưa thực sự tuyệt chủng. Nó vẫn được lưu trữ trong các phòng thí nghiệm tại Nga và Mỹ.

    Điều này để lại một mối lo ngại, rằng có người muốn biến virus đậu mùa thành một vũ khí sinh học giết người hàng loạt. Đặc biệt trong bối cảnh hiện nay chúng ta không chủng ngừa đậu mùa thêm nữa, nếu virus variola được hồi sinh, hậu quả sẽ rất nặng nề.

    3. HIV/ AIDS

    Đầu những thập niên 1980 tại Hoa Kỳ, người ta phát hiện ra một số nam giới đồng tính mắc bệnh nhiễm trùng bất thường. Trong những năm tiếp theo, căn bệnh này ngày càng trở nên phổ biến. Các nhà nghiên cứu cuối cùng phát hiện ra một virus đã gây ra tình trạng suy giảm miễn dịch ở họ.

    Đó chính là HIV. Loại virus này có nguồn gốc từ Châu Phi, ban đầu chỉ lây nhiễm trên động vật linh trưởng. Từ 100 năm trước, HIV bắt đầu lây nhiễm sang cả con người rồi nhanh chóng lan rộng khắp toàn cầu.

    HIV lây nhiễm qua máu, chủ yếu qua hoạt động tình dục không an toàn, truyền máu từ nguồn nhiễm bệnh, dùng chung kim tiêm, từ mẹ sang con trong khi mang thai, khi sinh hoặc khi cho con bú.

    Người nhiễm virus HIV không điều trị sẽ tiến triển thành AIDS, hay còn gọi là hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải. Căn bệnh tàn phá hệ thống miễn dịch của con người, tạo cơ hội cho những bệnh nhiễm trùng cơ hội tấn công rồi gây ra cái chết cho người bệnh.

    Suốt chiều dài lịch sử được ghi nhận của HIV/AIDS, căn bệnh đã giết chết khoảng 40 triệu người. Ước tính hiện tại cho thấy khoảng 36,6 triệu người trên toàn thế giới đang sống chung với virus HIV.

    Hiện tại không có vaccine nào để phòng ngừa lây nhiễm HIV, và cũng không có một liệu pháp nào có thể loại bỏ hoàn toàn virus HIV ra khỏi cơ thể. Tuy nhiên, những người sống chung với AIDS hiện nay có thể kéo dài và cải thiện chất lượng cuộc sống bằng liệu pháp điều trị kháng virus, hay còn gọi là ART (Anti- Retroviral Therapy).

    ART là liệu pháp sử dụng các thuốc kháng virus, làm chậm sự nhân lên của HIV trong cơ thể. Do đó, điều trị ART sẽ làm tăng khả năng miễn dịch và giảm khả năng mắc các nhiễm trùng cơ hội cho người bệnh HIV.

    Hiện nay, các nhà khoa học vẫn đang tích cực trong việc tìm ra một phương pháp chữa trị hoặc ngăn chặn hoàn toàn HIV/AIDS. Tham vọng của chúng ta là sẽ chấm dứt được đại dịch này vào năm 2030.

    4. Cúm

    Nhiều người ngạc nhiên khi cúm xuất hiện trong danh sách này, những bệnh truyền nhiễm nguy hiểm nhất lịch sử. Trong hầu hết các trường hợp, virus cúm chỉ gây bệnh hô hấp nhẹ mà không cần điều trị. Tuy nhiên, một sự thật của thế kỷ này, dịch cúm còn gây ra nhiều cái chết hơn cả HIV/AIDS.

    Thông thường, dịch cúm theo mùa xảy ra hàng năm và ảnh hưởng đến khoảng bốn triệu người, với khoảng 250.000 ca tử vong trên toàn thế giới. Có hai đối tượng dễ tử vong nhất trong dịch cúm: bệnh nhân lớn tuổi, mắc sẵn các bệnh như suy tim hoặc bệnh phổi mạn tính và phụ nữ mang thai.

    Cúm có thể được phòng ngừa bằng tiêm chủng. Nhiều người đã từng mắc cúm cũng có mức độ miễn dịch nhất định. Thế nhưng vẫn cần lưu ý một điều rằng vắc-xin cúm mặc dù an toàn, nhưng không hề hoàn hảo.

    Nó được phát triển từ các chủng virus cúm mùa đông, lây lan ở bán cầu đối diện. Vắc-xin chỉ có hiệu quả khoảng 50% nhưng vẫn là một chiến lược quan trọng để bảo vệ những người có nguy cơ nhiễm cúm cao nhất.

    Đôi khi, con người có thể bị lây nhiễm virus cúm từ các loài gia cầm hoặc gia súc. Những chủng virus này hoàn toàn mới, khiến chúng ta không được bảo vệ bằng cả miễn dịch tự nhiên lẫn vắc-xin. Đa số các trường hợp lây nhiễm virus cúm từ động vật tạo ra các đại dịch tàn phá nếu chúng bắt đầu lây nhiễm từ người sang người.

    Suốt 1 thế kỷ qua, kịch bản này đã xảy ra rất nhiều lần. Đại dịch cúm Tây Ban Nha năm 1918 dẫn đến cái chết của hơn 40 triệu người, gấp hơn 2 lần số người thiệt mạng trong Chiến tranh thế giới thứ nhất 4 năm trước đó.

    Trong thời gian gần đây, nhiều dịch cúm nhỏ hơn đã xảy ra, với virus lây từ gia cầm và gia súc như lợn. Lối chăn nuôi công nghiệp của con người hiện nay đặt chúng ta vào một nguy cơ cao các đại dịch sẽ trở lại.

    Bên cạnh đó, giao thông thuận tiện cũng là một phần thúc đẩy mối nguy hiểm từ các đại dịch lây lan khắp thế giới. Trong những năm gần đây, nhiều quốc gia đã dự trữ thuốc chủng ngừa và văc-xin cúm để chuẩn bị và phòng trường hợp các đại dịch cúm bùng phát trở lại.

     Hơn 1 tỷ người đã chết vì bệnh lao trong vòng 200 năm trở lại đây

    Hơn 1 tỷ người đã chết vì bệnh lao trong vòng 200 năm trở lại đây

    Trên đây chỉ là bốn trong số các bệnh truyền nhiễm tiêu biểu của 100 năm trở lại đây. Thực tế, một số dịch bệnh khác cũng có thể được xếp vào danh sách này, bao gồm bại liệt, sốt rét, bệnh tả và giang mai.

    Lịch sử đã chứng minh mỗi căn bệnh đều rất khác nhau, không chỉ vì mầm bệnh mà cả bối cảnh chúng bùng phát. Trong tương lai, nếu chúng ta muốn cứu thế giới khỏi các mối đe dọa của bệnh truyền nhiễm tương tự, nhìn lại và rút ra các bài học từ chúng là một điều rất quan trọng cần phải làm.

    Tham khảo Businessinsider, Theconversation

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ