Đây là cặp tai nghe True Wireless với màn hình đầu tiên trên Thế giới
(Tổ Quốc) - Apple vẫn đang ‘ngồi bàn giấy’ để thiết kế tai nghe với màn hình thì JBL đã có thành phẩm là Tour Pro 2 rồi!
‘Thời đại 4.0’ thực chất là thời đại của những chiếc màn hình, bạn muốn xem phim thì đã có TV, giải quyết công việc thì lại nhìn vào màn hình máy tính, giải trí và liên lạc đã có smartphone, thậm chí ta còn thêm một màn hình lên cổ tay dưới dạng smartwatch để không bỏ lỡ bất cứ một thứ gì nữa.
Sản phẩm tiếp theo được tích hợp màn hình là tai nghe, với tin đồn về việc Apple sẽ trang bị màn hình vào hộp sạc AirPods Pro thế hệ mới. Nhưng một hãng đã ‘nổ phát súng’ đầu tiên trước cả Apple là JBL với cặp Tour Pro 2.
Có thêm màn hình để làm gì?
Ta sẽ đến với câu hỏi ‘nhức nhối’ nhất mà có lẽ bạn cũng đang hỏi bản thân, đó là tại sao lại phải thêm màn hình vào một cặp tai nghe - sản phẩm tưởng chừng như mang tính ‘đơn dụng’ rất cao, chỉ dùng để phát nhạc thôi? Thực chất, tai nghe True Wireless hiện nay đã là một bước nâng cấp rất lớn về mặt tính năng so với tai nghe có dây trước đây, và những tính năng này được điều khiển bằng một ứng dụng trên smartphone.
Màn hình của Tour Pro 2 sẽ ‘gánh vác’ nhiệm vụ này, kèm theo việc chỉnh bài nhạc, chỉnh âm lượng. Cụ thể, trên màn hình cảm ứng 1.45 inch này ta có các ‘widget’ tương ứng với các tính năng bao gồm:
Màn hình này có thực sự cần thiết hay không? Thực chất tất cả những thứ ta có thể làm trên màn hình của tai nghe đều có thể làm được trên smartphone cả, nên nếu như đã cầm smartphone có ứng dụng JBL Headphones trên tay thì ta cũng không cần tới màn hình. Ngược lại, với những bạn thường xuyên di chuyển và để smartphone trong cặp, túi xách mà muốn điều chỉnh nhanh 1 thứ gì đó thì màn hình trên hộp sạc sẽ trở nên hữu dụng.
Một cách dùng khác của màn hình là điều khiển các tính năng khi kết nối tai nghe với các nguồn phát không có ứng dụng như TV, máy tính laptop. Điều này đảm bảo độ ‘thông minh’ của JBL Tour Pro 2 sẽ không bị giảm đi kể cả nguồn phát có ‘đơn sơ’ tới mấy.
Màn hình là tính năng đặc biệt nhất của cặp tai nghe này, nhưng ta sẽ tạm bỏ nó qua một bên để…
Trở lại với những tính năng khác của tai nghe
Về vấn đề thời lượng pin, JBL Tour Pro 2 có thể chơi nhạc liên tục trong 8 tiếng khi bật ANC, 10 tiếng khi tắt đi và sạc lại 3 lần nữa bằng hộp sạc. Thời lượng này chắc chắn sẽ còn phụ thuộc vào các mỗi người sử dụng màn hình của hộp sạc nữa, vì đây cũng là một chi tiết sử dụng tới pin.
Trong ứng dụng, ta có thể tìm thấy một vài tính năng không được tích hợp trên màn hình của hộp sạc bao gồm Check my best fit - kiểm tra độ khít của tai nghe để có sự thay đổi về đệm tai; Left/Right Sound Balance để cân bằng 2 bên âm thanh dành cho những bạn bị khiếm thính 1 phần; Personal-Fi cho phép đo thính lực của người đeo để đưa ra 1 EQ phù hợp với từng người và sử dụng ảnh trong smartphone để làm hình nền cho hộp sạc.
Vấn đề mà chắc chắn nhiều bạn sẽ quan tâm vì ảnh hưởng đến trải nghiệm sử dụng hàng ngày đó là độ thoải mái và khả năng chống ồn chủ động của tai nghe. JBL Tour Pro 2 có mặt trong hình oval chéo giống với cặp AirPods Pro nên cảm giác đeo cũng có một chút sự tương đồng, nhưng phần ống dẫn âm được đặt với 1 góc chéo hợp lý hơn nên toàn bộ tai nghe sẽ được đặt lên vành tai một cách tự nhiên hơn sản phẩm của Apple.
Bản thân tai nghe đã đeo khá chắc chắn trên tai khi chọn đúng đệm nên chất lượng chống ồn thụ động cũng đã khá ổn, cộng thêm ANC thì độ cách âm môi trường của JBL nằm ở mức tốt. Tai nghe có thể chặn được hiệu quả tiếng gõ phím trong văn phòng, tiếng nói chuyện của người xung quanh và tiếng xe cộ chạy ngoài đường. ANC cũng có thể điều chỉnh cường độ phù hợp với độ ồn của môi trường, tránh được hiện tượng ‘ù bí’ khi dùng tính năng này trong không gian yên tĩnh.
Đây vẫn chưa phải là công nghệ chống ồn có cường độ mạnh mẽ nhất hiện nay, ngôi vị này vẫn thuộc về các thương hiệu đã phát triển nó từ lâu như Sony và Apple với dòng WF-1000X và AirPods Pro. Tuy vậy với cách sử dụng ‘thường ngày’ của tôi ở văn phòng, quán cà phê và trong phòng tập thì Tour Pro 2 vẫn đáp ứng được.
Nói về tính năng cũng đã quá đủ rồi, ta sẽ trở lại với thứ đáng nói nhất của tai nghe đó là…
Chất lượng âm thanh
Nhắc tới JBL ta sẽ nói đến những chiếc loa và tai nghe với chất âm V-shape, sở hữu âm trầm đậm đà để phục vụ những bạn thích nghe nhạc sôi động. Tour Pro 2 vẫn giữ ‘chất’ này nhưng có một chút ‘tiết chế’ hơn để phù hợp với nhiều thể loại nhạc hơn.
Sự ‘tiết chế’ này thể hiện ngay ở dải trầm, khi nói không ‘nhảy’ lên phía trước và trở thành tâm điểm của chú ý ngay từ lần đầu nghe như các sản phẩm JBL khác. Âm trầm vẫn có lượng dồi dào, thể hiện được nội lực mỗi khi nổi lên nhưng luôn biết vị trí của mình và không lấn vào 2 dải âm còn lại. Trong bài Arizona của Upsahl, dải trống tạo thành một ‘lớp nền’ của không gian âm nhạc để tạo sự sôi động, nhưng vẫn luôn có đất diễn cho nữ ca sĩ thể hiện.
Thực chất giọng ca sĩ của Tour Pro 2 cũng không hề quá nổi bật, mang hơi hướng tối vì thiếu đi dải trung cao (high-mid). Tuy vậy việc có một dải trầm không lấn lướt nên giọng ca sĩ vẫn luôn đứng cạnh người nghe và rõ ràng. Giọng MCK và Trung Trần trong Chìm Sâu đậm và dày dặn, mặc dù có nhiều autotune nhưng qua cách thể hiện của Tour 2 thì vẫn khá tự nhiên, không bị ‘điện tử’ quá dẫn đến khó nghe. Như đề cập thì nếu như được chỉnh dải trung của tai nghe thì tôi sẽ thêm 1 chút dải high-mid để thể hiện tốt hơn các ca sĩ nữ.
Cũng như dải trầm, âm cao được đẩy cao để hoàn thành chất âm V-shape nhưng không quá mạnh để giữ sự cân bằng. Âm cao thể hiện được độ sáng của những âm hi-hat trong World On Fire của Sarah McLachlan và không xảy ra hiện tượng chói gắt, sibilance khó chịu. Việc không để âm cao lên cao hơn nữa khiến Tour Pro 2 mất đi sự ‘cá tính’ so với các sản phẩm của hãng, nhưng như đã đề cập tới thì cặp tai nghe này có lẽ được hướng tới đối tượng sử dụng rộng hơn, hợp với nhiều loại nhạc hơn nên được tinh chỉnh như vậy cũng là hợp lý mà thôi.
Có trở thành xu hướng?
Mặc dù là tai nghe 'Gen 1' tích hợp màn hình, JBL Tour Pro 2 đã thực hiện tốt tính năng này: màn hình sáng rõ để sử dụng được ở nhiều điều kiện ánh sáng, giao diện đơn giản dễ sử dụng và tích hợp đầy đủ (thậm chí là còn hơi nhiều) những tính năng điều khiển tai nghe cũng như phục vụ cuộc sống khác.
Xét về những yếu tố khác của một cặp tai nghe True Wireless, Tour Pro 2 cũng thực hiện tốt, với thời lượng sử dụng lâu dài để không quá lo lắng về vấn đề sạc, có chống ồn chủ động hoạt động hiệu quả, kết nối chắc chắn, có thêm những tính năng phụ trợ và chất âm đậm đà.
Trở lại với việc tai nghe có màn hình có trở thành xu hướng được hay không, thì theo đánh giá chủ quan của tôi là có. Màn hình giúp một cặp tai nghe có thể sử dụng độc lập hơn 1 chút với nguồn phát, cũng như tăng tính ‘thông minh’ khi dùng với các sản phẩm không có ứng dụng như đã đề cập ở trên.
Tuy vậy tính năng này chắc chắn sẽ chỉ xuất hiện ở các sản phẩm thuộc phân khúc cao cấp như Tour Pro 2 bởi 2 lý do: tai nghe tầm cao mới có nhiều tính năng để điều chỉnh trên màn hình, và việc tích hợp thêm màn hình cũng sẽ ‘độn’ thêm giá thành nên không phù hợp với tai nghe giá rẻ.
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Sự thật từ nghiên cứu khoa học: Chơi trò chơi điện tử có ảnh hưởng bất ngờ đến chỉ số IQ của trẻ em!
Trò chơi điện tử từ lâu đã là chủ đề gây tranh cãi khi nhắc đến ảnh hưởng của chúng đối với trẻ em. Trong khi nhiều ý kiến chỉ trích việc chơi game có thể gây hại cho sự phát triển trí não, thì một nghiên cứu khoa học đã mang đến cái nhìn khác biệt, cho thấy mối liên hệ tích cực giữa việc chơi game và sự gia tăng trí thông minh ở trẻ nhỏ.
Những tiểu tiết bạn có thể đã bỏ qua trong trailer The Witcher 4