Khi nói đến smartphone cao cấp tại Việt Nam, Apple và Samsung là hai thương hiệu độc chiếm phân khúc. Thực tế, trên thế giới còn rất nhiều mẫu smartphone xuất sắc nhưng lại chỉ được bán ở một số thị trường nhất định, ví dụ như Trung Quốc là Huawei P50/Mate 50 series, hay tại Mỹ là Google Pixel 7. Google không chính thức bán Pixel tại Việt Nam, vậy nên tất cả các máy đang được chào bán đều được xách tay từ nước ngoài. Tham khảo tại một hệ thống kinh doanh điện thoại, giá của Pixel 7 Pro là gần 22 triệu đồng, ngang ngửa với Galaxy S22 Ultra của Samsung.
Tương tự như các dòng flagship mới nhất của Apple hay Samsung, bên trong hộp của Pixel 7 Pro chỉ bao gồm cáp sạc, ngoài ra là một adapter chuyển từ USB-C sang USB-A. Adapter này có chức năng chuyển dữ liệu từ điện thoại khác.
Thiết kế của Pixel 7 Pro không quá khác biệt so với Pixel 6 Pro, tuy vậy vẫn tạo được nét riêng. Nếu như đa số smartphone ngày nay có cụm camera được đặt ở góc với những vòng tròn lớn, ba camera của Pixel 7 Pro được đặt nằm ngang, thẳng hàng trên một dải kim loại.
Phiên bản màu “Hazel” của Pixel 7 Pro là sự kết hợp của hai màu xanh và vàng, cũng là cách phối màu độc đáo mà không nhiều smartphone có.
Màn hình của Pixel 7 Pro có kích thước 6.7 inch, 1440 x 3120, công nghệ AMOLED, tần số quét 120hz. Màn hình được uốn cong nhẹ, tuỳ thuộc vào đối tượng người dùng mà đây có thể là điểm cộng hoặc điểm trừ. Màn hình uốn cong tạo cảm giác thị giác tốt hơn, nhưng có thể gây chạm nhầm.
Pixel 7 Pro sử dụng con chip Tensor G2, con chip “mang danh” Google phát triển nhưng thực chất là một phiên bản tùy biến của chip Exynos của Samsung. Pixel 7 Pro được trang bị dung lượng RAM 12GB và ba phiên bản bộ nhớ trong 128GB, 256GB và 512GB. Máy không hỗ trợ thẻ nhớ.
Hiệu năng thuần không phải điểm mạnh của Tensor G2. Khi so sánh với những con chip mới nhất từ Apple hay Qualcomm như Snapdragon 8+ Gen 1, Snapdragon 8 Gen 2 hay A16 Bionic, Tensor G2 tỏ ra thua kém rõ rệt. Thậm chí Tensor G2 còn thua kém cả chip chip Snapdragon 8 Gen 1 xuất hiện trên các flagship 2022, dù mức độ ổn định có cao hơn đôi chút.
Pixel 7 Pro có dung lương pin 5000mAh, nhưng do phải "gánh" con chip Tensor G2 không thật sự tối ưu và màn hình độ phân giải cao, vậy nên thời lượng pin của chiếc máy này chỉ ở mức tốt chứ chưa thể đạt ngưỡng xuất sắc như đối thủ iPhone 14 Pro Max.
Tương tự như Pixel 6 Pro, cảm biến vân tay của Pixel 7 Pro được đặt dưới màn hình. Tuy nhiên, nếu như Pixel 6 Pro thường xuyên bị người dùng phàn nàn về cảm biến vân tay kém nhạy, Pixel 7 Pro đã khắc phục được khuyết điểm này. Song song với cảm biến vân tay, Pixel 7 Pro cũng hỗ trợ mở khóa khuôn mặt, nhưng chỉ là nhận dạng hình ảnh thông thường chứ không phải tạo mô hình 3D như Face ID của iPhone.
Từ lâu, camera vẫn luôn là điểm mạnh của dòng Pixel, và Pixel 7 Pro không là ngoại lệ. Phần cứng của Pixel 7 Pro khá cạnh tranh với camera chính 50MP f/1.9, camera zoom tiềm vọng 5X 48MP f/3.5 và camera góc siêu rộng 12MP f/2.2. Tuy nhiên, sức mạnh của camera Pixel không phải đến từ phần cứng, mà là từ những thuật toán xử lý ảnh ứng dụng AI của Google (hay còn được gọi là nhiếp ảnh điện toán).
Pixel 7 Pro và các dòng Pixel nói chung đều có chất ảnh khá đặc trưng, thiên về tông màu lạnh và màu sắc trung tính. Vùng shadow của ảnh cũng không được đẩy sáng cao như iPhone hay Samsung, tạo nên những bức ảnh có độ tương phản cao.
Chụp ảnh thiếu sáng là thế mạnh của Pixel 7 Pro. Độ tương phản cao khiến cho chủ thể như nổi bật giữa không gian xung quanh.
Pixel 7 Pro có khả năng zoom rất tốt. Ngoài ống kính zoom quang học với tiêu cự 120mm khá lý tưởng cho đa số các trường hợp, Google còn mang đến thuật toán xử lý Super Res Zoom được xử lý bởi Tensor G2 nhằm tăng cường độ sắc nét cho ảnh.
Ảnh chụp bằng camera zoom trong điều kiện ánh sáng phức tạp cũng cho kết quả ấn tượng.
Tiếc rằng, chụp ảnh xóa phông, một trong những ứng dụng nổi bật nhất của nhiếp ảnh điện toán, lại cho kết quả không thật sự đồng đều. Trong điều kiện ngược sáng và bối cảnh phức tạp, Pixel 7 Pro đưa ra kết quả tương đối tệ hại.
Ngay cả với bối cảnh đơn giản hơn, Pixel 7 Pro vẫn không thể tách biệt chủ thể một cách trọn vẹn và vẫn gặp vấn đề với những chi tiết như ngón tay và tóc. Ngoài ra, nếu như phần hậu cảnh được làm mờ một cách tương đối "mềm mại", thì chủ thể lại bị tăng độ nét và thêm chi tiết giả một cách quá đà, từ đó tạo nên cảm giác giả tạo.
Bên cạnh khả năng chụp ảnh thông thường, Pixel 7 Pro còn đi kèm những tính năng bổ trợ để giúp tạo ra những bức ảnh nghệ thuật hơn. Ví dụ, Motion Mode là ghi lại chuỗi chuyển động để tạo hiệu ứng "phơi sáng" như trên máy ảnh.
Hay Magic Eraser cho phép xóa các đối tượng không mong muốn trên bức ảnh, trong trường hợp này là những người ở phần hậu cảnh. Lưu ý, tính năng này hoạt động với tất cả những bức ảnh được lưu trữ trên máy và Google Photos, bất kể có được chụp bởi Pixel 7 Pro hay không.
Bên cạnh khả năng chụp ảnh, Pixel còn nổi tiếng bởi các tính năng thông minh hỗ trợ người dùng. Ví dụ, dựa vào lịch sử tìm kiếm và sử dụng, Pixel có thể hiển thị kết quả bóng đá trực tiếp tại giải AFF Cup một cách hoàn toàn tự động. Pixel còn được tích hợp khả năng lọc cuộc gọi rác và nhận biết số điện thoại của tổ chức/doanh nghiệp để hiển thị tự động khi có cuộc gọi đến mà người dùng không cần phải lưu số trong danh bạ.
Thực tế, Pixel 7 Pro còn rất nhiều tính năng thông minh khác, ví dụ như Crash Detection tự động gọi khẩn cấp khi phát hiện tai nạn giao thông, Call Screening tự động trả lời cuộc gọi lạ, hay tự động nhận dạng giọng nói của tin nhắn thoại hay ghi âm để chuyển thành dạng ký tự. Tuy nhiên, hầu hết những tính năng này không thể sử dụng tại Việt Nam mà chỉ khả dụng tại Mỹ và một vài quốc gia nói tiếng Anh (Ảnh: Google).
Thực tế, do chủ yếu được bán tại thị trường Mỹ nơi quyền riêng tư là yếu tố rất được coi trọng, Pixel 7 Pro không có tính năng ghi âm cuộc gọi mà rất nhiều người kỳ vọng ở những mẫu điện thoại Android.
Mặc dù hỗ trợ 2 SIM, nhưng khay SIM của Pixel 7 Pro cũng chỉ là khay SIM đơn và người dùng sẽ phải sử dụng eSIM là SIM thứ hai. Gần như tất cả các mẫu điện thoại Android bán chính hãng tại Việt Nam đều có khay SIM kép, được đánh giá là tiện lợi hơn so với eSIM.
Giao diện của Pixel 7 Pro đi theo hướng đơn giản, không màu mè như các hãng điện thoại từ Hàn Quốc hay Trung Quốc. Một số người đánh giá giao diện của Pixel có nét tinh tế riêng, tuy nhiên không ít người coi nó quá đơn điệu đến độ khó sử dụng. Pixel cũng không hỗ trợ tính năng nhân bản ứng dụng, được một số người dùng sử dụng đối với các ứng dụng tin nhắn như Facebook Messenger hay Zalo.
Do là "con đẻ" của Google, ưu thế của Pixel so với các dòng máy Android khác là luôn được cập nhật phiên bản Android mới sớm nhất. Google cho biết Pixel 7 sẽ được đảm bảo tối thiểu 5 năm cập nhật phần mềm, trong đó bao gồm 3 phiên bản Android và 5 năm cập nhật bảo mật.
Nhìn chung, đa số người dùng Việt sẽ không cảm thấy hấp dẫn bởi Pixel 7 Pro. Máy có mức giá cao ngang ngửa so với những smartphone Android hàng đầu, nhưng lại thiếu đi nhiều tính năng được đánh giá là cần thiết như 2 SIM vật lý, ghi âm cuộc gọi, nhân bản ứng dụng. Hiệu năng của con chip, một yếu tố quan trọng khác được nhiều người Việt suy xét, cũng thua kém so với các đối thủ. Ngoài ra, Pixel còn không có chế độ bảo hành chính hãng, dẫn đến việc tìm linh phụ kiện trở nên tương đối khó khăn.
Tuy nhiên với một nhóm nhỏ người dùng, khi đã dùng Pixel, họ sẽ cảm thấy cuốn hút bởi dòng máy này và khó có thể chuyển sang thương hiệu điện thoại Android khác. Đó có thể là những người đam mê nhiếp ảnh đòi hỏi một hệ thống camera chân thật, lập trình viên yêu cầu một chiếc điện thoại Android được cập nhật liên tục trong thời gian dài, hay chỉ đơn giản là những người ưa chuộng lối thiết kế đơn giản và mượt mà của giao diện Pixel, kèm theo những tiện ích bổ trợ khác.
[Box thông tin shop] - GK Pixel 7 Pro
Cấu hình Google Pixel 7 Pro
- CPU: Tensor G2
- RAM: 12GB
- Bộ nhớ trong: 128/256/512GB (không hỗ trợ thẻ nhớ)
- Màn hình: 6.7 inch, AMOLED, 120Hz, 1440 x 3120
- Camera chính: 50MP f/1.9 (camera chính) + 48MP 120mm f/3.5 (zoom) + 12MP f/2.2 (siêu rộng)
- Camera phụ: 10.8MP f/2.2
- Pin: 5000mAh, sạc nhanh 23W
- Kết nối: Wi-Fi 6, 5G, Bluetooth 5.2, USB-C