Đây là những chiếc smartwatch tốt nhất và tệ nhất năm 2015
Mời các bạn cùng điểm qua những thiết bị đeo đáng chú ý nhất trong năm qua (cả thành công lẫn thất bại).
Năm 2015 là một năm đánh dấu nhiều sự kiện quan trọng cho ngành công nghiệp smartwatch và các thiết bị đeo. Apple Watch cuối cùng cũng được trình làng, Google thì đã tạm dừng dự án phát triển Google Glass sau thất bại của phiên bản đầu tiên, các thiết bị đeo tay chăm sóc sức khỏe thật sự nở rộ. Cũng có những sản phẩm thành công và cũng có không ít thiết bị khiến nhà sản xuất phải "ngậm ngùi" vì doanh số bết bát.
Chúng ta hãy cùng nhau điểm lại những thiết bị đeo nổi bật nhất trong năm 2015 (cả tốt nhất lẫn tệ nhất).
Fitbit Charge HR
Fitbit là một trong những thương hiệu chiếm lĩnh thị trường vòng đeo tay chăm sóc sức khỏe kể từ năm 2013 và công ty này một lần nữa giữ vững danh hiệu này khi trình làng tracker tốt nhất của mình là Fitbit Charge HR. Thiết bị được trang bị các tính năng cơ bản nhất của một chiếc vòng đeo tay chăm sóc sức khỏe đồng thời được bổ sung thêm một số tính năng mới khác. Quan trọng nhất thiết bị này còn thu hút người dùng ở mức giá khá thấp, chỉ 150 USD. Fitbit Charge HR có khả năng đếm bước đi, đo khoảng cách, tính toán lượng calo tiêu hao, theo dõi giấc ngủ, đo nhịp tim cho dù là bạn đang tập luyện hay đang ngồi nghỉ. Ngoài ra, thiết bị này cũng thông báo cho người dùng mỗi khi có tin nhắn hay cuộc gọi đến smartphone mà nó kết nối. Bản cập nhật mới nhất còn bổ sung thêm tính năng SmartTrack để tự động nhận biết một số hoạt động của người dùng và bật các chế độ phù hợp.
Thị trường của những vòng đeo tay chăm sóc sức khỏe mang thương hiệu Fitbit khá rộng lớn do chi phí cho thiết bị khá hợp lý và tính hiệu quả mà nó mang lại. Fitbit Charge HR là một sự lựa chọn dễ dàng cho những người mới bắt đầu làm quen với loại thiết bị này vì nó có mức giá thấp hơn nhiều so với Fitbit Surge (250 USD) nhưng được trang bị tính năng gần tương tự. Nói chung, Fotbit vẫn là cái tên hàng đầu trên thị trường tracker thể dục vì sự linh hoạt của các sản phẩm mà công ty cung cấp (giá cả hợp lý, tính năng phù hợp với nhiều đối tượng người dùng).
Microsoft Band phiên bản mới
Microsoft Band phiên bản đầu tiên đã đạt được một số thành công nhất định, ít nhất nó cũng được trang bị một thư viện các bài tập khá đầy đủ để người dùng lựa chọn, tuy nhiên thiết kế vụng về của nó đã gây ít nhiều khó chịu cho người đeo. Microsoft đã cải thiện hầu hết các khuyết điểm của sản phẩm này trong phiên bản mới được phát hành trong năm nay, kể cả việc mở rộng hệ thống các bài tập trang bị cho thiết bị. Máy có khả năng tương thích với các thiết bị chạy Android, iOS và Windows đồng thời được tích hợp một số tính năng thú vị như tùy chỉnh báo động, hiển thị thông báo từ smartphone, các ứng dụng và chương trình có thể truy cập trực tiếp từ màn hình của thiết bị.
Tính năng tốt nhất của thiết bị này là Microsoft Health, bao gồm việc tập luyện theo hướng dẫn (giống như trên phiên bản gốc) và các thiết lập tùy biến cho các bài tập (vừa được thêm vào). Các tính năng này thực sự khiến người dùng có thêm một huấn luyện viên cá nhân và giúp họ tập luyện một cách hợp lý nhất. Thay vì chỉ đếm bước chân và calo, Microsoft Band mới còn mang đến cho bạn nhiều sự lựa chọn để kiểm soát hoạt động và tận dụng tối đa các tính năng của thiết bị này.
Fossil Q
Fossil đã quay trở lại thị trường thiết bị đeo trong năm nay và ít nhiều gây được sự chú ý cho người dùng. Công ty chuyên về thời trang này cũng không xa lạ với giới công nghệ vì họ đã cố gắng phát hành một thiết bị đeo nhiều năm về trước nhưng dòng thiết bị đeo thương hiệu "Q" là một bộ sưu tập vòng đeo tay thể dục và smartwatch dành cho năm 2015.
Nhiều thiết bị của dòng sản phẩm này đã được trình làng như vòng đeo tay Q Reveler/Dreamer, Q Grant không có mặt đồng hồ hiển thị, smartwatch Q Founder chạy Android Wear. Các thiết bị này thể hiện đúng chất thời trang của Fossil với thiết kế dây gồm nhiều chất liệu như da, kim loại. Mỗi sản phẩm không chỉ thuần tùy có ý nghĩa về mặt công nghệ mà còn là một phụ kiện thời trang dành cho người dùng sành điệu.
Sự đơn giản là chìa khóa cho bộ sưu tập Fossil Q, đặc biệt là với Q Reveler/Dreamer và Q Grant. Các thiết bị này có 3 tính năng chính là theo dõi hoạt động, lọc, theo dõi thông báo và tạo cảm hứng thông qua một số ứng dụng cụ thể. Không giống như nhiều công ty khác, Fossil không quá xa đà vào cuộc đua tính năng, cấu hình cho thiết bị mà tập trung vào khía cạnh thời trang của sản phẩm. Họ chứng minh rằng tính thời trang tạo nên phong cách cho người đeo cũng quan trọng không kém gì tính năng của sản phẩm.
Những thiết bị không đạt được thành công như mong muốn
Jawbone Up3
Vòng đeo tay thể dục mới nhất của Jawbone là một chút thất vọng so với các sản phẩm cùng phân khúc trên thị trường. Jawbone Up3 có giá 179 USD nhưng theo đánh giá của người dùng thì những tính năng mà nó mang lại không đáp ứng được mức giá. Tại thời điểm trình làng, thiết bị chỉ có khả năng theo dõi nhịp tim sinh học lúc bạn nghỉ ngơi nhưng đây là một chỉ số quan trọng cần phải được xác định một cách liên tục. Bản cập nhật phần mềm mới nhất về cơ bản đã giải quyết được vấn đề này nhưng so với các thiết bị rẻ hơn như Fitbit Charge HR hay GArmin Vivosmart HR thì Jawbone Up3 khó lòng cạnh tranh.
LG Watch Urbane LTE
LG Watch Urbane LTE được chờ đợi là một thiết bị mang tính đột phá khi hỗ trợ kết nối dữ liệu di động trực tiếp không cần thông qua smartwatch (có khe cắm sim riêng) nhưng rất tiếc dự án đã bất ngờ bị LG hủy bỏ 2 tuần trước khi sản phẩm được bán ra. LG cho biết hành động này là do một phần cứng tích hợp vào chiếc đồng hồ "không đáp ứng các tiêu chuẩn chất lượng của LG và có khả năng ảnh hưởng đến hình ảnh của chúng tôi trong suốt thời gian thiết bị được lưu hành". Không ai biết chính xác điều gì đã xảy ra, chỉ biết rằng trước đó LG Watch Urbane LTE bị rò rỉ với một màn hình P-OLED độ phân giải 480x480 pixel, chạy Android Wear và hỗ trợ LTE.
Nhiều người vẫn còn đang ôm hi vọng LG sẽ tái khởi động lại dự án này trong một tương lai gần.
Razer Nabu X
Vòng đeo tay Nabu X được trang bị khá nhiều tính năng thú vị như theo dõi hoạt động, chơi game, hiển thị thông báo… Tuy nhiên, vấn đề là tất cả những tính năng này được thể hiện chưa được hoàn thiện trên Nabu X. Mức giá khoảng 50 USD có vẻ khá phù hợp với một thiết bị đeo chuyên chăm sóc sức khỏe nhưng người dùng lại gặp khó khăn khi phải phân biệt màu sắc của các đèn LED nhỏ xíu mỗi khi có thông báo. Không những vậy, tính năng bắt tay để trao đổi các thông tin Facebook, Twitter cũng hoạt động không liên tục.
Điều đáng thất vọng là các nội dung game lại không được xây dựng sẵn cho thiết bị này. Việc tích hợp khả năng chơi game và truyền thông xã hội cho thiết bị theo dõi sức khỏe hứa hẹn sẽ mang đến nhiều trải nghiệ thú vị cho người dùng nhưng có lẽ đó là việc của tương lai.
Apple Watch
Từng là chủ đề "hot" trong làng công nghệ trong suốt một năm nhưng Apple Watch cuối cùng cũng không phải là một cuộc cách mạng như nhiều người vẫn nghĩ. Apple Watch đã làm tốt ở một số tính năng như hiển thị thông báo (kết nối với iPhone), theo dõi nhịp tim, thanh toán di động (Apple Pay) nhưng thiết bị này vẫn cần phải có thêm một số cải tiến để trở nên hoàn thiện. Một số tính năng của watchOS như Glances hoạt động khá chậm chạp, tính năng chia sẻ dữ liệu nhịp tim cũng đã bị các quảng cáo phóng đại quá mức. Giống như hầu hết smartwatch khác, tính năng của Apple Watch sẽ trở nên vô cùng hạn chế khi không được kết nối với iPhone. Và mặc dù Apple đã tuyên bố watchOS 2 sẽ chấp nhận cho các ứng dụng của bên thứ 3 nhưng nhiều nhà phát triển vẫn đang tỏ ra khá dè dặt với vấn đề này. Tóm lại, ngoài thương hiệu quá lớn mà Apple đã xây dựng nên, Apple Watch vẫn chưa xứng đáng là một sản phẩm mang tính đột phá trong lĩnh vực thiết bị đeo.
Jawbone Up4
Jawbone Up4 hỗ trợ NFC và được đánh giá cao hơn Jawbone Up3 nhưng mục tiêu mà thiết bị này hướng đến vẫn chưa được xác định rõ ràng. Đây là vòng đeo tay đắt nhất của Jawbone với giá 199 USD và tính năng đáng chú ý nhất của nó có lẽ là thanh toán di động với sự hỗ trợ của hệ thống American Express. Mặc dù nổi trội hơn so với Jawbone Up3 nhưng Jawbone Up4 nhìn chung vẫn là một thiết bị theo dõi tập thể dục không có nhiều đột phá trong khi mức giá mà hãng sản xuất đưa ra khá cao nên khó lòng thu hút được người dùng.
Và cái gì tiếp theo?
Theo các nhà phân tích, trong năm 2016 và những năm tiếp theo, thiết bị đeo sẽ dần trở nên phổ biến với cuộc sống của con người. IDC đã dự đoán các lô hàng thiết bị đeo sẽ tăng 133 phần trăm trong năm 2015 và dự kiến đến năm 2019 sẽ có 126,1 triệu thiết bị đeo được xuất xưởng. Trong năm tới người dùng còn có thể chứng kiến sự xuất hiện của quần áo thông minh. Đã có một số ít công ty thử nghiệm quần áo với các tính năng thông minh như Athos, Hexoskin, và Sensoria với một số tính năng cơ bản như theo dõi hoạt động cơ, nhịp tim, thể tích thở và giấc ngủ. Quần áo thông minh sẽ là một phần của thị trường các thiết bị chăm sóc sức khỏe và nó còn thể trở thành trợ thủ đắc lực của các vận động viên trong tương lai khi được trang bị đầy đủ các cảm biến sinh trắc học giúp theo dõi trạng thái cơ thể khi tập luyện.
Tuy nhiên, hầu hết quần áo thông minh sẽ khá đắt tiền. Ví dụ như một bộ đồ của Athos bao gồm một áo thông minh, một cặp quần short thông minh và các mô đun lõi được tích hợp tiêu phí của khách hàng hết 547 USD. Sẽ còn rất lâu nữa để các sản phẩm dạng này trở nên rẻ hơn và có nhiều lựa chọn hơn giống như các vòng đeo tay hiện tại.
Không ai nghi ngờ sự ra mắt của Apple Watch đã khiến nhiều người dùng chú ý hơn đến các smartwatch nhưng đồng hồ thông minh phải trải qua một chặng đường dài nữa để chứng minh tính hữu dụng, sự cần thiết trước khi vượt mặt được những chiếc vòng đeo tay tập thể dục hiện nay. Nói chung, thời lượng pin của smartwatch vẫn còn quá thấp so với các vòng đeo tay, hơn nữa chúng đắt hơn và thiếu nhiều tính năng theo dõi thể dục chuyên sâu mà những người hay tập luyện như các vận động viên rất cần (Apple Watch thậm chí không có GPS nhưng giá thấp nhất cũng đã 350 USD). Đó là chưa kể Apple Watch hay một số đồng hồ thông minh Android Wear cũng không làm được gì nhiều khi người dùng có smartphone bên cạnh, nhất là khi các tracker thể dục có ưu thế là có thể hoạt động bất cứ lúc nào và tiến hành đồng bộ dự liệu với smartwatch sau.
Theo IDC thì: "chìa khóa thành công là tạo ra được những sản phẩm hấp dẫn cho người tiên dùng trung bình. Nhiều người dùng cần một lí do tốt để thay thế các đồng hồ truyền thống hoặc các phụ kiện khác bởi một thiết bị đeo mà phải thường xuyên nạp pin và cập nhật phần mềm cho nó ".
Smartwatch sẽ tiếp tục tồn tại song song với tracker thể dục vì lí do này nhưng không nghi ngờ là những chiếc đồng hồ thông minh sẽ có nhiều cơ hội hơn trong tương lai. Android Wear là hệ điều hành có nhiều chiếc đồng hồ thông minh thời trang nhất vào thời điểm này, bao gồm cả những sản phẩm bắt chước phong cách những những mẫu đồng hồ cổ điển. Ngoài ra, Apple Watch mới cũng được cho là sẽ ra mắt vào đầu năm tới, hứa hẹn sẽ mang đến nhiều thay đổi lớn so với thế hệ đầu tiên. Các thiết bị đeo đã có một khởi đầu tốt và cần phải có thêm một thời gian nữa để có thể trở nên phổ biến như điện thoại ngày nay.
Tham khảo: arstechnica
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Vì sao các nữ phi hành gia phải uống thuốc tránh thai trước khi bước vào cuộc hành trình xa xôi trong không gian?
Việc các nữ phi hành gia sử dụng thuốc tránh thai trước khi thực hiện các nhiệm vụ không gian là một biện pháp nhằm đảm bảo sức khỏe, an toàn và hiệu suất làm việc của họ. Mặc dù có một số hạn chế, nhưng đây vẫn là một giải pháp được nhiều người lựa chọn trong điều kiện hiện tại.
Bị Mỹ cấm vận đủ đường, nhà sáng lập Huawei Nhậm Chính Phi vẫn hết lời khen ngợi: "Mỹ đã thiết lập một chuẩn mực trên toàn thế giới"