Đế chế Apple lao đao vì chiếc điện thoại 100% 'cây nhà lá vườn', giá 960 USD của Trung Quốc

    Phương Linh, Nhịp Sống Thị Trường 

    Tim Cook có lẽ đã không lường trước được những khó khăn có thể xảy ra với Apple.

    Đế chế Apple lao đao vì chiếc điện thoại 100% 'cây nhà lá vườn', giá 960 USD của Trung Quốc - Ảnh 1.

    Chỉ còn chưa đầy một tuần nữa là đến ngày ra mắt iPhone 15, tờ BusinessInsider nhận định rằng chắc chắn Apple sẽ tạo ra tiếng vang lớn khi hãng chuẩn bị cho sự kiện lớn nhất trong năm của mình. Ấy vậy mà, trớ trêu thay, công ty giá trị nhất thế giới lại đang phải đối mặt với sự sụt giảm đột ngột 200 tỷ USD giá trị thị trường chỉ trong 2 ngày.

    Những tin đồn gần đây ở Trung Quốc, thị trường phát triển nhanh nhất của Apple bên ngoài nước Mỹ báo hiệu rằng dòng điện thoại mới của họ có thể sẽ không còn đắt như tôm tươi như những mẫu trước đây nữa. Đây cũng là điều đáng ngại cho sự thống trị của linh vực công nghệ của Mỹ ở phạm vi rộng hơn.

    Trung Quốc là một thị trường cực kỳ quan trọng đối với Apple, nơi tạo ra gần 1/5 trong tổng doanh thu ròng trị giá 394,3 tỷ USD từ khu vực này trong năm tài chính gần đây nhất.

    CEO Tim Cook đã đến thăm Trung Quốc vào tháng 3 để cố gắng xoa dịu mối quan hệ giữa 2 bên.

    Cook cho biết vào thời điểm đó: “Sự đổi mới đang phát triển nhanh chóng ở Trung Quốc và tôi tin rằng sẽ còn tăng tốc hơn nữa”. Tim Cook đúng, nhưng có lẽ đã không lường trước được những khó khăn có thể xảy ra với công ty của mình.

    Và nhìn từ Apple, có thể thấy một tương lai mới của lĩnh vực công nghệ Mỹ có thể đang hình thành.

    Đối thủ cạnh tranh chính của Apple tại Trung Quốc, Huawei, đã ra mắt dòng điện thoại thông minh 5G mới có tên Mate 60 Pro. Đây rõ ràng là một cú sốc lớn: Bất chấp các lệnh trừng phạt nặng nề về chip của phương Tây đối với Huawei, điều đáng lẽ phải làm ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh điện thoại của hãng này thì hiện nay, hầu như toàn bộ phần cứng của Mate 60 đều được sản xuất tại Trung Quốc.

    Mặc dù Trung Quốc đã có nhiều công ty công nghệ “cây nhà lá vườn” phục vụ thị trường nội địa trong một thời gian dài, chẳng hạn như Huawei, Xiaomi và Oppo, nhưng các công ty này trước đây vẫn phụ thuộc vào xuất khẩu của Mỹ để đảm bảo các linh kiện giúp điện thoại của họ ngang bằng với điện thoại của phương Tây.

    Điều đó đã thay đổi trong những năm gần đây, khi căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc sôi sục về các vấn đề bao gồm an ninh, thương mại khiến Washington phải đưa ra các chính sách cấm các công ty Trung Quốc sử dụng thiết bị của phương Tây.

    Cụ thể, các biện pháp kiểm soát được chính quyền ông Biden đưa ra vào ngày 7/10 năm ngoái đã hạn chế đáng kể việc xuất khẩu công nghệ quan trọng như chip sang Trung Quốc.

    Nhưng chiếc điện thoại mới trị giá 960 USD của Huawei chứa đầy công nghệ tiên tiến và được sản xuất trong nước, chẳng hạn như bộ xử lý 7 nanomet do Tập đoàn Quốc tế Sản xuất Chất bán dẫn của Trung Quốc chế tạo. Các bộ phận khác được cho là cũng có nguồn gốc địa phương, sản xuất từ Bắc Kinh đến Quảng Châu.

    Dù khả năng thực tế của chiếc điện thoại mới này là gì thì đó cũng là tín hiệu gửi tới người tiêu dùng Trung Quốc - và các nhà lập pháp phương Tây - rằng các nhà sản xuất Trung Quốc hoàn toàn có thể cung cấp cho họ những công nghệ “cây nhà lá vườn”.

    Theo các nhà phân tích tại Jefferies, những diễn biến này đủ để đe dọa doanh số bán iPhone mới ở Trung Quốc. "Người tiêu dùng Trung Quốc coi đây là một chiến thắng lớn trước các lệnh trừng phạt của Mỹ". Họ ước tính Mate 60 có thể chiếm tới 38% doanh số bán iPhone tại Trung Quốc.

    Nguồn: BI


    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ