Để đảm bảo việc sản xuất điện thoại, Apple và Samsung phải làm việc trực tiếp vào các mỏ khai thác Cobalt

    Nguyễn Hải,  

    Xa hơn việc đảm bảo nguồn cung vật liệu về Cobalt thiết yếu, người ta còn kỳ vọng việc này sẽ giảm thiểu các tác động đến môi trường và đảm bảo hơn về quyền con người.

    Có thể cuối cùng Apple đã phát ngán với việc một số đối tác phi đạo đức trong chuỗi cung cấp của mình đẩy công ty vào tình trạng thiếu hụt nguồn cung. Theo một báo cáo mới từ Bloomberg, Apple “đang đàm phán để lần đầu tiên tìm kiếm các nguồn cung dài hạn về cobalt trực tiếp từ những người thợ mỏ.”

    Nếu báo cáo này là đúng, Apple sẽ bắt đầu làm việc trực tiếp với các mỏ khai thác, vốn chủ yếu nằm ở nước Cộng hòa Dân chủ Congo (DRC), và trước đây đã từng bị cáo buộc vi phạm nghiêm trọng quyền con người, bao gồm cả việc sử dụng lao động trẻ em.

    Trên thực tế, Apple (cùng với Samsung và Sony) đã phải hứng chịu sự chỉ trích vào năm 2016 sau khi một báo cáo từ Tổ chức Ân xá Quốc tế cho thấy rằng, công ty đang sử dụng các nhà cung cấp đã mua cobalt từ các khu vực, nơi việc lao động trẻ em diễn ra tràn lan. Theo báo cáo này, khoảng hơn 40.000 trẻ em đang phải làm việc trong các mỏ Cobalt ở DRC.

    DRC là quốc gia cung cấp hơn 50% lượng Cobalt trên toàn cầu. Bản thân kim loại này đã trở nên ngày càng quý giá trong những năm gần đây khi nó là một thành phần quan trọng trong các viên pin Lithium Ion, dùng để cung cấp năng lượng cho điện thoại, laptop và cả những chiếc xe điện trong tương lai nữa.

    Không có Cobalt, sẽ không có xe điện. Không có gì cường điệu khi nói rằng, với các công nghệ ngày nay, Cobalt rất cần thiết để cứu hành tinh khỏi biến đổi khí hậu.” Theo ông David S. Abraham, thành viên cấp cao tại Học viện Phân tích về An ninh Toàn cầu và là người theo dõi về Công nghệ, Trung tâm các vật liệu điện tử và quý hiếm.

    Kim loại này quý giá và hiếm đến nỗi nhiều nhà sản xuất pin đã phải vật lộn để đảm bảo nguồn cung của riêng mình. Nhưng việc có được nguồn Cobalt từ DRC sẽ mang lại cho công ty một số thách thức về chủ nghĩa nhân đạo.

    Đó là lý do tại sao, một số đối thủ của Apple, như Samsung SDI, công ty con của Samsung tập trung gần như hoàn toàn vào việc sản xuất pin, đã tìm kiếm các phương pháp thay thế để đảm bảo chuỗi cung cấp Cobalt. Trong trường hợp của Samsung SDI, tuần trước công ty đã thông báo rằng họ sẽ mua cổ phần của một công ty chuyên tái chế đồ công nghệ cũ để tìm kiếm các mẩu đất hiếm quý giá.

    Abraham nhấn mạnh rằng kế hoạch của Apple có thể là một điều tốt với các mỏ có liên quan đến họ. Ngoài việc khóa chặt nguồn cung đối với một nguyên liệu kim loại ngày càng quý hiếm hơn, việc Apple trực tiếp làm việc với các mỏ, rất có thể sẽ cho phép công ty quản lý tốt hơn việc kim loại hiếm này được khai thác thế nào.

    Họ muốn đảm bảo rằng họ sẽ giảm thiểu các tác động môi trường của việc khai mỏ và sản xuất, cũng như nhiều nhất có thể cho các vấn đề về quyền con người.” Abraham cho biết với trang Gizmodo. “Họ muốn làm những chiếc iPhone của mình và bất kỳ điều gì khác đang được xào nấu trong phòng thí nghiệm của mình, và cũng muốn đảm bảo rằng tên của mình sẽ không xuất hiện trên trang bìa của tạp chí Economist về việc tìm ra kẻ đã đổ thêm dầu cho cuộc chiến ở Congo.”

    Chuỗi cung cấp cho các công ty như Apple và Samsung đã bị kiểm soát chặt chẽ trong vài năm gần đây. Các công ty này – thực ra đa số các công ty sản xuất đồ điện tử - phải dựa vào chuỗi cung cấp với các công ty có bề ngoài không có vấn đề gì về đạo đức. Ví dụ rõ ràng nhất là mối quan hệ giữa Apple với Foxconn, công ty bị phát hạn đã sử dụng các lao động chưa đủ tuổi và nhà ở cho nhân viên có điều kiện tồi tệ.

    Nhưng điều đó vẫn không kinh khủng bằng việc sử dụng lao động chưa đến tuổi làm việc ở các mỏ Cobalt, khai thác Lithium giúp các công ty trở nên giàu có hơn trong khi người dân địa phương rơi vào cảnh khốn khổ, và toàn bộ các thành phố ở Trung Quốc đang chuyển thành bạc và xám vì việc sản xuất graphite. Cobalt, Lithium và Graphite là các chất có vai trò sống còn đối với pin Lithium Ion, hiện đang cung cấp nhiên liệu cho các giải pháp ứng phó với biến đổi khí hậu.

    Abraham nhấn mạnh rằng xu hướng các công ty tìm đến thẳng nguồn cung cho các yếu tố thiết yếu này sẽ tiếp tục gia tăng. “Các công ty đang lo sợ rằng thị trường sẽ không cung cấp những gì cần thiết.” Ông cho biết. Điều đó có nghĩa là trong tương lai gần, chúng ta có thể bắt đầu thấy ngày càng nhiều mỏ của Apple và các nhà máy chế biến của Samsung xuất hiện.

    Điều này có thể làm một số người lo ngại về việc các công ty trở nên càng ngày càng to lớn hơn và bao phủ rộng hơn, nhưng nếu các công ty này có thể giảm được số vụ vi phạm quyền con người đang xẩy ra thường xuyên ở những khu mỏ này, tương lai đó sẽ không hoàn toàn đáng buồn.

    Tham khảo Gizmodo

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ