Vài tháng nữa sẽ là giai đoạn cực kỳ khó khăn với các quốc gia tại Bắc bán cầu trong cuộc chiến chống lại COVID-19.
Đại dịch càng đáng lo ngại hơn khi đang có dấu hiệu gia tăng mạnh mẽ vào mùa đông. Tổ chức Y tế thế giới vừa đưa ra cảnh báo rằng, các quốc gia ở Bắc bán cầu đang trong giai đoạn dịch COVID-19 nguy cấp. Hiện đại dịch COVID-19 đã cướp đi sinh mạng của hơn 1,1 triệu người và làm gần 43 triệu người mắc bệnh trên toàn cầu.
Đặc biệt khi mùa đông tới, khả năng lây nhiễm virus SARS-CoV-2 tăng cao, nhiều khả năng, kịch bản xấu với số người mắc mới và tử vong sẽ tăng cao.
Ông Tedros Adhanom Ghebreyesus - Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới cho rằng: "Khi Bắc bán cầu bước vào mùa đông, chúng ta đang thấy các ca bệnh tăng nhanh, đặc biệt là ở châu Âu và Bắc Mỹ. Khi số ca bệnh tăng lên, số người cần giường trong bệnh viện và chăm sóc đặc biệt cũng tăng lên. Tuy nhiên, khi bệnh viện đạt và vượt quá công suất sẽ là một tình huống hết sức khó khăn và nguy hiểm cho cả người bệnh và nhân viên y tế".
Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh châu Âu (ECDC) - cơ quan kiểm soát dịch bệnh của Liên minh châu Âu (EU), cảnh báo mức độ lây lan virus SARS-CoV-2 tại Anh và hơn 20 nước thành viên khác của liên minh này vẫn rất "đáng quan ngại". Theo đánh giá mới nhất của ECDC, toàn bộ các nước thành viên EU, ngoại trừ CH Síp, Estonia, Phần Lan và Hy Lạp, đều có mức độ lây lan dịch bệnh ở mức đáng báo động. Trước đó 1 tháng, danh sách này chỉ có 7 nước.
Mẫu máu dùng trong thử nghiệm vaccine COVID-19 được xử lý tại Viện Jenner Institute, đại học Oxford, Anh. Ảnh: AP.
Tổng Giám đốc WHO nhấn mạnh tầm quan trọng của chính phủ các quốc gia trong việc phá vỡ các chuỗi lây truyền và thực hiện các biện pháp cơ bản để cứu sống nhiều người hơn, bao gồm tích cực xác định các trường hợp mới, điều tra các ổ dịch, cách ly những người nhiễm bệnh và những người tiếp xúc gần, cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe chất lượng cao, hỗ trợ nhân viên y tế và bảo vệ các nhóm dễ bị tổn thương.
"Tôi biết có sự mệt mỏi, nhưng virus đã cho thấy rằng khi chúng ta mất cảnh giác, nó có thể bùng phát trở lại với tốc độ chóng mặt và đe dọa các bệnh viện và hệ thống y tế", Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới nói.
Các chuyên gia của WHO kêu gọi các quốc gia sớm hành động để tránh khỏi một lần nữa phải thực hiện các biện pháp cứng rắn như đóng cửa biên giới, thực hiện giãn cách xã hội. Vì nếu như vậy sẽ gây ra nhiều thiệt hại về kinh tế, đồng thời người dân sẽ rất mệt mỏi và chán chường.
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Vì sao các nữ phi hành gia phải uống thuốc tránh thai trước khi bước vào cuộc hành trình xa xôi trong không gian?
Việc các nữ phi hành gia sử dụng thuốc tránh thai trước khi thực hiện các nhiệm vụ không gian là một biện pháp nhằm đảm bảo sức khỏe, an toàn và hiệu suất làm việc của họ. Mặc dù có một số hạn chế, nhưng đây vẫn là một giải pháp được nhiều người lựa chọn trong điều kiện hiện tại.
Bị Mỹ cấm vận đủ đường, nhà sáng lập Huawei Nhậm Chính Phi vẫn hết lời khen ngợi: "Mỹ đã thiết lập một chuẩn mực trên toàn thế giới"