Điểm lại những thất bại phần cứng đáng quên nhất của Google

    Lê Hoàng,  

    Trên lĩnh vực mà Apple hiện vẫn đang đi đầu, Google chỉ có toàn những sản phẩm thất bại.

    Bạn không thể phủ nhận vị trí số 1 của Google về lĩnh vực ứng dụng dịch vụ cung cấp qua mạng. Hệ điều hành di động của hãng đứng đầu thế giới về thị phần, các dịch vụ tìm kiếm, bản đồ, chia sẻ video và email có gắn mác Google đều không thể bị thay thế bởi bất cứ đối thủ nào cả.

    Nhưng như lịch sử đã luôn chứng minh, một công ty mạnh về phần mềm dịch vụ không thể mạnh về phần cứng và ngược lại. Microsoft đã từng đứng đầu thế giới trong hàng thập kỷ nhưng cũng không ra mắt được một thiết bị phần cứng "ra hồn" nào trong suốt khoảng thời gian đó. Apple hiện đang đứng đầu ngành sản xuất phần cứng (ít nhất là về lợi nhuận) nhưng cũng chẳng có dịch vụ phần mềm nào ra hồn. Không mấy bất ngờ, lịch sử của Google cũng tràn ngập những thiết bị thất bại.

    Hãy cùng điểm qua những thiết bị phần cứng đáng... quên của Google trong những năm gần đây.

    Nexus Player

    Đây là sản phẩm phần cứng bị khai tử gần đây nhất của Google với "thông cáo" vừa được gã khổng lồ tìm kiếm gửi đi vào ngày 24/5 vừa qua. Cũng giống như các mẫu smartphone và tablet Nexus, chiếc Nexus Player là sản phẩm biểu trưng cho một nền tảng phần mềm hoàn toàn mới của Google: Android TV. Do đó, chúng ta khó có thể sử dụng doanh số của Nexus Player để đánh giá về thành công của chính thiết bị này.

    Vậy Android TV có phải là một nền tảng thành công? Đáng tiếc, câu trả lời có vẻ là "Không". Google tự hào khẳng định hệ điều hành này đã thu được "hàng triệu" lượt kích hoạt, nhưng doanh số TV và đầu giải mã bán ra mỗi năm đều vượt mốc 200 triệu USD trong vòng 2 năm kể từ ngày Android TV và Nexus Player ra đời. Nền tảng Android dành cho TV của Google chỉ được một vài nhà sản xuất có thị phần thuộc top dưới như Sony và Sharp lựa chọn, trong khi 2 ông lớn đang thống trị thị trường TV hiện nay là Samsung và LG đều có hệ điều hành smart TV riêng.

    Android TV mới chỉ được các nhà sản xuất TV... thất thế ưa thích.
    Android TV mới chỉ được các nhà sản xuất TV... thất thế ưa thích.

    Đó có lẽ cũng là lý do vì sao Android TV thất thế. Hiểu rõ khả năng thao túng của Google, những nhà sản xuất vốn đã ngồi chiếu trên như Samsung và LG cũng chẳng có mấy lý do để trao phần "hồn" trên TV của mình cho gã khổng lồ tìm kiếm. Về mặt tính năng, hệ điều hành Android cũng chẳng thực sự đem lại lợi ích gì cho TV cả. Ngay đến cả các tựa game Android trên TV cũng bị các game thủ truyền thống... khinh ghét.

    Điều an ủi cho Google là sự thất bại của Android TV (và trước đó là Google TV) lại phần nhiều là do một sản phẩm Google khác mang tới: Chromecast. Nền tảng phát nội dung đơn giản, dễ dùng này của Google hiện được nhiều nhà sản xuất lựa chọn, và chính chiếc Chromecast do Google sản xuất cũng bán được tới 20 triệu đơn vị chỉ trong vòng chưa đầy 2 năm sau khi ra mắt. Đáng tiếc rằng nền tảng đơn giản này lại vô tình làm hại một đàn em có tiềm năng thu lời "khủng" cho Google, kéo theo đó là cuộc sống và cái chết vô nghĩa của Nexus Player.

    Google Glass

    Cũng giống như Nexus Player, Google Glass không chỉ là một sản phẩm phần cứng mà còn mang tham vọng khai phá một nền tảng hoàn toàn mới, chưa từng có ai nghĩ tới trước đó: kính thông minh. Đáng tiếc, trong khi Android TV ít nhất là vẫn còn tồn tại tới giờ phút này còn kính thông minh thì vẫn là một khái niệm hoàn toàn xa vời.

    Chúng ta có rất nhiều điều để nói về cái chết đau đớn của Google Glass, nhưng câu hỏi đầu tiên mà người ta cần phải nghĩ đến vẫn là, chiếc kính này mang lại lợi ích gì cho người tiêu dùng? Cuối cùng thì mọi người cũng chỉ nhìn thấy cụm camera bề thế được gắn vào chiếc kính này và lên tiếng phàn nàn về quyền riêng tư của họ. Màn hình siêu việt tích hợp trên mặt kính cũng như các biện pháp nhập liệu sáng tạo qua touchpad và giọng nói bị bỏ quên, song ngay cả sự lãng quên đó cũng đặt ra câu hỏi cuối cùng thì Glass mang lại lợi ích gì cho những người đã có sẵn smartphone?

     Đây là một cuộc cách mạng khoa học - xã hội không bao giờ diễn ra.

    Đây là một cuộc cách mạng khoa học - xã hội không bao giờ diễn ra.

    Glass được phát triển thời kỳ Google còn chưa cải tổ thành Alphabet, do đó chúng ta không thể biết được cuối cùng thì Google đã "đốt" bao nhiêu tiền vào chiếc kính này. Nhiều người khẳng định con số đó lên tới hàng trăm triệu đô, nhưng dù chỉ là vài chục triệu đô thôi thì Google lẽ ra cũng nên dành một nửa khoản tiền đầu tư vào Glass để nói rõ với người dùng chiếc kính này làm được gì. Những chương trình quảng bá hoành tráng, những người dùng... kém văn hóa bị gọi là "Glasshole" và mức giá thử nghiệm lên tới 15.000 USD đảm bảo cho cái chết tất yếu của chiếc kính này.

    Đã 3 năm trôi qua mà Google Glass 2 vẫn chưa ra lò, lần cuối cùng Google nhắc tới chiếc kính này là khi tuyên bố trao quyền kiểm soát cho CEO của Nest, Tony Fadell, một trong những nhà lãnh đạo kém cỏi nhất của bộ máy Alphabet hiện tại. Quả là một số phận quá bi thảm cho một thiết bị phần cứng đã từng được hy vọng sẽ khai màn thời đại "thiết bị đeo thông minh".

    ChromeBook Pixel

    Đây là thất bại dễ chịu nhất của Google trong lĩnh vực phần cứng. Trong khi thương hiệu Pixel đã được chuyển sang để sử dụng cho tablet Android, hệ điều hành Chrome OS lẫn các mẫu ChromeBook đều tiếp tục sống tốt. Thậm chí, mới đây doanh số ChromeBook còn vượt mặt cả máy Mac của Apple.

    Nhưng điều đó càng làm cho sự tồn tại của ChromeBook Pixel 1 và 2 trở nên khó hiểu. Chìa khóa thành công của ChromeBook là một hệ điều hành có bản chất chỉ là một bản mở rộng của trình duyệt Chrome. Triết lý phần cứng này cho phép đẩy phần nhiều sức mạnh tính toán về đám mây và giảm tối đa giá bán laptop - vốn giờ chỉ đóng vai trò hiển thị giao diện tới người dùng.

    Vậy thì tại sao Google lại bán ra những chiếc ChromeBook có giá ngang ngửa MacBook Pro, Surface Pro? Mục đích của Google là gì? Để chứng tỏ rằng laptop Google cũng có thể có đẳng cấp... thiết kế không thua kém Apple và Microsoft? Không ai biết câu trả lời cho những câu hỏi này, nhưng sự thật là cũng chẳng có ai thích bỏ ra 1500 USD để mua một chiếc PC có tính năng gói gọi trong trình duyệt. Đến năm 2015, Google không làm mới ChromeBook Pixel mà chuyển sang ra mắt một chiếc tablet Android có gắn bàn phím rời tương tự như iPad Pro và Surface.

    Nexus Q

    Không đạt tới quy mô "thảm họa" như Google Glass nhưng Nexus Q cũng là một sản phẩm phần cứng có số phận hẩm hiu của Google: thiết bị stream nhạc và video này chưa một lần được bán tới tay người tiêu dùng, Vào tháng 6/2012, Nexus Q được tặng miễn phí tới người tham dự I/O 2012 trước khi bị Google lùi ngày phát hành tới... vĩnh viễn. Chỉ một năm sau, Nexus Q đã bị ngừng hỗ trợ trên cả Play Music, Play Movies và YouTube.

    Lý do thất bại của chiếc máy này không phải là thiết kế quá kỳ cục mà là số lượng tính năng quá ít ỏi. So với Apple TV, Nexus Q không hỗ trợ các dịch vụ tream của bên thứ ba và cũng không phát nội dung từ các thiết bị phần cứng khác. Rõ ràng là chẳng một người dùng nào muốn bỏ ra 300 USD để mua một thiết bị chỉ có thể chơi nội dung từ YouTube và Google Play lên TV, bất chấp sự thật rằng thiết bị đó có thiết kế khá đẹp và cũng có thể được điều khiển từ smartphone/tablet Android.

    Nhưng cái chết của Nexus Q cũng chứng minh một sự thật quan trọng: Google biết học hỏi từ sai lầm của mình. "Hậu duệ" của Nexus Q là Chromecast đã khắc phục đầy đủ các điểm yếu của thế hệ trước: phụ kiện phát này có kích cỡ nhỏ, giá thành dễ chịu và tương thích tốt với thiết bị Android, iOS và plugin của trình duyệt Chrome trên PC. Chính nhờ những điểm mạnh này mà Chromecast trở thành một cú "hit" của Google, còn Nexus Q thì... chìm vào quên lãng.

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ