Điện thoại ngày nay thật tẻ nhạt: Có ai nhớ thiết kế "cạy nắp lưng, tháo rời pin" như các mẫu Nokia ngày xưa?
Điện thoại Nokia xưa kia mỗi lần đánh rơi là nắp lưng, pin văng tung tóe khắp nơi. Nhưng bạn chỉ cần nhặt các bộ phận, lắp lại như cũ là tiếp tục sử dụng một cách bình thường, trái ngược với sự mỏng manh trên những chiếc điện thoại hiện đại ngày nay.
- Hết khiến giới công nghệ ngỡ ngàng với chip 7nm, Huawei Mate 60 Pro còn 'gây sốc' về tỷ lệ nội địa hóa linh kiện
- Bphone hết hàng sau khi giảm giá, bất chấp tuyên bố “Bphone không cần giảm giá đã hết hàng” của CEO Nguyễn Tử Quảng
- Còn hơn cả một smartphone, Mate 60 Pro là câu trả lời của Huawei cho các biện pháp trừng phạt từ Mỹ
- Thực hư "tính năng" mới của Facebook: Chỉ cho phép đăng nhập một tài khoản trên một thiết bị?
Điện thoại một thời tháo lắp pin quá dễ dàng
Khi mẫu điện thoại Fairphone 5 được giới thiệu, người dùng lập tức nhớ đến những chiếc điện thoại Nokia "huyền thoại một thời" nhờ vào hai đặc điểm không thể nào quên: Nắp lưng dễ thay đổi và pin có thể tháo rời.
Khi mở nắp lưng Fairphone 5 và lấy pin ra, chúng ta có cảm giác như quay ngược thời gian về trải nghiệm chiếc điện thoại đầu tiên từ những năm 2000.
Chắc hẳn nhiều người từng không ít lần đánh rơi điện thoại, khiến nắp lưng và pin văng khắp nơi. Nhưng mọi thứ chẳng có vấn đề gì, khi bạn chỉ cần đi thu lại các bộ phận rồi lắp lại như cũ và tiếp tục sử dụng như chưa từng có khoảnh khắc rơi vỡ nào xảy ra.
Vào thời điểm cách đây 20 năm, điện thoại được thiết kế xoay quanh sự tiện lợi và khả năng sửa chữa. Bạn có thể tháo khung sau hoặc khung trước và thay đổi màu toàn bộ điện thoại chỉ với giá vài trăm nghìn.
Pin có tuổi thọ khoảng một năm, vì vậy bạn sẽ cần mua pin mới khi cảm thấy chúng có dấu hiệu lão hóa. Tuy nhiên, việc mua pin hết sức dễ dàng và ngay cả các cửa hàng nhỏ lẻ luôn sẵn sàng sửa chữa cho bất kỳ hỏng hóc nào đó.
Khi điện thoại hết pin vào buổi chiều của một ngày cực kỳ bận rộn, bạn có thể tìm sự trợ giúp từ cục pin dự phòng. Tháo cục pin đã hết ra, lắp cục pin thứ hai vào và tiếp tục sử dụng.
Không có dây cáp lủng lẳng, không có bộ sạc mang theo và không có chuyện điện thoại quá nóng. Chưa kể bạn có thể thay pin sau vài năm để giữ điện thoại luôn trong tình trạng hoạt động tối ưu.
Những giải pháp này lẽ ra càng phải thể hiện tính hiệu quả vào đầu những năm 2010, nhưng bằng cách nào đó, sự tiến bộ công nghệ lại khiến chúng biến mất.
Điều đó cũng tương tự đối với việc các hãng sản xuất từ bỏ cổng 3,5mm vì lý do khó chống nước và chiếm nhiều không gian bên trong điện thoại.
Một trong những tính năng khiến nhiều người nuối tiếc nhất bên cạnh pin tháo rời là khe cắm thẻ nhớ. Kể từ sự tiên phong của Apple khi không trang bị tính năng này ngay từ đầu trên iPhone, các thiết bị Android về sau cũng dần dần từ bỏ.
Khi hết dung lượng, bạn chẳng còn cách nào để bổ sung trong những trường hợp khẩn cấp ngoại trừ việc phải xóa dữ liệu cũ đi hoặc trả tiền cho lưu trữ đám mây. Giải pháp duy nhất là ngay từ đầu hãy trả nhiều tiền hơn để mua thiết bị có bộ nhớ lưu trữ cao hơn.
Còn với việc không thể tháo rời pin, bạn chẳng còn lựa chọn nào ngoài việc gửi điện thoại đến trung tâm bảo hành để thay pin.
Tại sao công nghệ ngày càng rắc rối như vậy?
Trong khi cái chết dần dần của giắc cắm tai nghe đã làm dấy lên những cuộc tranh luận và bảo vệ gay gắt thì pin rời lại từ bỏ sân khấu một cách lặng lẽ.
Số phận của nó đã bị định đoạt ngay khi Samsung từ bỏ trên hai thiết bị hàng đầu của hãng là Galaxy S và Galaxy Note vào năm 2014, bất chấp nỗ lực dũng cảm tiếp bước của LG. Ra mắt vào năm 2016, LG G5 và V20 là những chiếc điện thoại cuối cùng ra mắt với pin rời.
Ngày nay, thỉnh thoảng pin rời vẫn được nhắc đến như một dạng thiết kế huyền thoại.
Trong cuộc khảo sát của Android Authority năm 2021 với 27.000 người, 27% - tỷ lệ cao đáng ngạc nhiên - cho biết muốn có pin rời trên mọi điện thoại. Trong khi đó, 47% cho biết đây là một tính năng tốt nhưng không cần thiết và chỉ 26% không quan tâm chút nào đến việc có pin rời.
Pin rời rất tiện lợi nhưng cũng hạn chế rất nhiều về thiết kế trên điện thoại. Trong sáu năm qua, ngành công nghiệp đã quyết định những chiếc điện thoại hàng đầu phải có thiết kế nguyên khối với mặt lưng bằng kính và khung nhôm. Sử dụng nắp lưng nhựa để dễ tháo pin nhìn qua trông có vẻ khiến thiết bị có cảm giác rẻ tiền.
Cùng với đó, sử dụng thân kim loại và mặt lưng kính lại không phù hợp cho việc tháo rời thường xuyên.
Nếu bạn muốn điện thoại bền bỉ, chống nước và bụi tốt, thiết bị sẽ cần phải có ít khe hở và tháo rời pin hay nắp lưng càng không được khuyến cáo. Cuối cùng, pin tháo rời chiếm nhiều không gian vật lý trong giới hạn vốn đã chật hẹp của một chiếc điện thoại hiện đại.
Không giống như pin kín, pin rời cần có thêm một lớp trợ lực để bảo vệ pin khỏi tác động hàng ngày. Điều này làm tăng thêm độ dày cho thiết bị, đánh mất đi tính thẩm mỹ.
Thay vì lãng phí không gian cho pin, các nhà thiết kế có thể trang bị thêm tính năng khác như loa âm thanh nổi, sạc không dây, cảm biến vân tay ở mặt sau v.v…
Tất cả những yếu tố trên đã định hình nên thiết kế tiêu biểu của một chiếc điện thoại hiện đại: Mỏng, nguyên khối, mặt lưng kính, khung kim loại.
Sự tối ưu đó đã tạo ra doanh số hàng trăm triệu điện thoại mỗi năm. Mặc định này thành công đến nỗi vào năm 2023, hầu hết các điện thoại đều trông giống nhau.
Một trong những lý do khác vĩ mô hơn cho việc từ bỏ pin rời là giảm thiểu lượng pin tổng thể sản xuất ra mỗi năm cho mục đích bảo vệ môi trường.
Nhưng cũng có một động cơ thầm kín hơn cả đó là các nhà sản xuất cũng được lợi nhiều từ việc từ bỏ pin rời.
Việc tước bỏ khả năng thay thế pin sẽ mở ra một số kênh doanh thu mới cho các nhà sản xuất điện thoại, chẳng hạn như tính phí sửa chữa pin cho người mua.
Ý đồ của các nhà sản xuất muốn hướng tới là "lỗi thời theo kế hoạch". Họ muốn bạn mua một chiếc điện thoại mới thường xuyên hơn, trong vòng 2-3 năm, và các đặc quyền như pin tháo rời hay bộ nhớ mở rộng sẽ cản trở hướng đi đó.
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Nóng: CEO Jensen Huang trở lại Việt Nam sau 1 năm, Nvidia 'giữ lời hứa' mở trung tâm nghiên cứu và dữ liệu AI
Chính phủ Việt Nam và Nvidia ký kết mở Trung tâm R&D và Trung tâm Dữ liệu AI dưới sự chứng kiến của Thủ tướng Phạm Minh Chính và CEO Nvidia Jensen Huang.
Mở hộp MacBook Pro 16 inch M4 Pro chính hãng tại Việt Nam trị giá hơn 100 triệu đồng: Nhanh, mạnh, màn hình Nano-texture dùng rất thích