Điều chưa biết về di cốt người vừa được phát hiện có niên đại 10.000 năm trước ở Hà Nam

    Gia Linh,  

    T.S Phạm Thanh Sơn (Viện Khảo cổ học, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam - người trực tiếp khai quật ở Hà Nam - khẳng định di cốt người có niên đại cách đây khoảng 10.000 năm được phát hiện ở Hà Nam thuộc văn hóa Hòa Bình.

    Từ năm 2021-2022, Bảo tàng tỉnh Hà Nam và Viện Khảo cổ học đã tiến hành điều tra, điền dã, khảo sát và đánh giá toàn diện hệ thống các di tích trên địa bàn. Họ phát hiện hơn 20 di tích và dấu tích có tiềm năng nghiên cứu, sẽ được khai quật và thám sát trong tương lai.

    Trong cuộc khai quật lần đầu tại hố khai quật H1, thuộc vùng Trung tâm danh thắng Tam Chúc, thị trấn Ba Sao (Kim Bảng, Hà Nam), các nhà khoa học đã phát hiện ba mộ táng trẻ em và người trưởng thành.

    PGS.TS Nguyễn Lân Cường - Tổng Thư ký Hội khảo cổ học Việt Nam - cho biết đây là dạng mộ cải táng và dạng mộ song táng, với cách chôn nằm co bó gối. Điều này đánh dấu lần đầu tiên phát hiện di cốt người có niên đại cách đây khoảng 10.000 năm.

    Điều chưa biết về di cốt người vừa được phát hiện có niên đại 10.000 năm trước ở Hà Nam - Ảnh 1.

    Di cốt được phát hiện tại hố khai quật H1 có niên đại cách đây khoảng 10.000 năm.

    “Mộ song táng của một thanh niên 17-20 tuổi và em bé gái khoảng 4-5 tuổi. Tôi cho rằng họ là anh em mà không phải cha con, bởi thanh niên đang nằm trong tư thế bó gối nhưng trong tay trái lại ôm đứa bé. Cả hai mất cùng thời điểm nên được chôn cùng nhau. Trong văn hóa Hòa Bình mộ theo tư thế nằm co một người rất nhiều, nhưng trường hợp ôm nhau như vậy tôi chưa thấy bao giờ”, PGS.TS Nguyễn Lân Cường chia sẻ với Tiền Phong .

    Điều chưa biết về di cốt người vừa được phát hiện có niên đại 10.000 năm trước ở Hà Nam - Ảnh 2.

    PGS.TS Nguyễn Lân Cường nghiên cứu di cốt người tiền sử tại hố khai quật H1.

    Các nhà khảo cổ học muốn tiếp tục nghiên cứu để xác định chính xác tuổi, giới tính và chủng tộc của những di cốt này. “Chúng tôi đang thực hiện carbon phóng xạ để xác định niên đại chính xác hơn. Tuy nhiên, thông qua những công cụ đồ đá chôn cùng, chúng tôi xác định được di cốt này thuộc niên đại 10.000 năm trước và thuộc về văn hóa Hòa Bình. Tướng nằm co là một đặc trưng của nền văn hóa này”, PGS.TS Nguyễn Lân Cường phân tích.

    Điều chưa biết về di cốt người vừa được phát hiện có niên đại 10.000 năm trước ở Hà Nam - Ảnh 3.

    TS. Phạm Thanh Sơn xử lý di cốt người thuộc niên đại 10.000 năm trước.

    Bên cạnh đó, Tổng Thư ký Hội khảo cổ học Việt Nam cho rằng sau khi xác định được chính xác niên đại của di cốt này, ông mong muốn khu vực được cải tạo thành địa điểm du lịch, tham quan để khách du lịch khám phá về nền văn minh 10.000 năm trước. Hiện tại khu vực vào đến hố khai quật H1 khá khó di chuyển, có đoạn các chuyên gia phải bám dây để vào.

    “Chùa Tam Chúc thu hút rất đông khách du lịch trong và ngoài nước. Sau này khu vực này còn có thể thành điểm tham quan, khám phá về công cụ, văn hóa của 10.000 năm trước, giúp Việt Nam tăng giá trị trên trường quốc tế”, PGS.TS Nguyễn Lân Cường nêu.

    Điều chưa biết về di cốt người vừa được phát hiện có niên đại 10.000 năm trước ở Hà Nam - Ảnh 4.

    Hiện vật trong hố khai quật tại chùa Vân Mộng.

    Các nhà nghiên cứu cũng phát hiện di tích động vật, bao gồm vỏ nhuyễn thể cùng với xương răng động vật. Chúng được phát hiện với số lượng đáng kể qua các lớp đào. Loại công cụ đá tại hố khai quật có kích thước không lớn, nhưng những đặc điểm về loại hình và kỹ thuật cho thấy sưu tập hiện vật đá ở đây thuộc văn hóa Hòa Bình.

    Ngoài ra, tại các điểm di tích khác như ngôi tháp mộ trong khuôn viên đền Lảnh Giang, phế tích kiến trúc tại chùa Vân Mộng, đào thám tại Hang Chuông, tổ Viên Quang Chân Nhân, căn cứ địa Lạt Sơn, chùa Đặng Xá, chùa Đồng Vũ, chùa Ngò, cũng phát hiện nhiều di tích quý giá.

     

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ