Định kỳ vệ sinh bình nóng lạnh: thực sự cần thiết hay chiêu trò của thợ điện nước để moi tiền gia chủ?
Để có được câu trả lời chính xác và khách quan nhất, chúng ta hãy cùng nhau mổ xẻ và phân tích chi tiết cấu tạo, nguyên lý hoạt động của bình nóng lạnh nhé!
Ở bài trước các bạn đã được chứng kiến trường hợp vệ sinh bình nóng lạnh (loại gián tiếp) lần đầu sau hơn chục năm bị quên lãng. Có những bình luận cho rằng việc vệ sinh này là không cần thiết bởi bình nóng lạnh của gia đình họ hơn 20 năm không đụng gì đến mà vẫn hoạt động tốt, chẳng sao cả; người khác thì nói 5-7 năm là thay luôn bình mới, khỏi phải vệ sinh; thậm chí có ý kiến còn nghi ngờ đây là chiêu trò moi tiền của thợ điện nước.
Vậy thực hư hiệu quả của việc bảo trì, bảo dưỡng bình nóng lạnh là thế nào?
Cấu tạo của bình nóng lạnh
Để hiểu được vấn đề thì chúng ta sẽ cùng nhau "mổ xẻ" một chiếc bình nóng lạnh loại gián tiếp mà đa số các hộ gia đình miền Bắc vẫn đang sử dụng:
1. Vỏ bình
Vỏ bình nóng lạnh thường được làm bằng nhựa cao cấp đối với bình nhỏ và bằng thép sơn tĩnh điện đối với loại bình cỡ lớn.
2. Lớp cách nhiệt (hay còn gọi là lớp bảo ôn)
Giống với tủ lạnh, lớp cách nhiệt này được làm từ xốp polyurethan (PU). Xốp PU được bơm vào khoảng trống giữa vỏ bình và lõi bình để giữ nhiệt, giảm thất thoát nhiệt ra bên ngoài, từ đó giúp tiết kiệm điện và đảm bảo an toàn cho người dùng.
3. Ruột bình chứa
Khác với bình nóng lạnh trực tiếp, ruột bình chứa của bình nóng lạnh gián tiếp là bộ phận trữ nước trước và sau khi đun. Ruột bình thường sẽ được tráng một lớp men để bảo vệ lõi bình khỏi nguy cơ bị ăn mòn gây ra hư hỏng, chập mạch và rò rỉ. Mỗi hãng sẽ có một kiểu marketing về kiểu trang men này như men titanium, men kim cương,...
4. Núm điều chỉnh, cảm biến nhiệt và rơ le bảo vệ
Núm điều chỉnh có chức năng cài đặt, thay đổi nhiệt độ làm nóng nước. Khi nhiệt độ đạt mức cài đặt, cảm biến nhiệt sẽ truyền tín hiệu về rơ le để ngắt điện vào thanh đốt, còn khi nhiệt độ giảm xuống thì rơ le sẽ lại cấp điện cho thanh đốt hoạt động.
Trong trường hợp cảm biến nhiệt bị hỏng thì rơ le sẽ cắt điện toàn hệ thống để đảm bảo an toàn cho người và thiết bị.
5. Thiết bị chống giật (ELCB)
Dây chống rò điện ELCB là bộ phận không thể thiếu ở bình nóng lạnh (cả trực tiếp và gián tiếp). Khi phát hiện dòng điện rò rỉ chạy trong mạch điện, ELCB sẽ tự động ngắt điện để tránh sự cố đáng tiếc xảy ra. Để sử dụng lại bình nóng lạnh thì cần bật lại công tắc (reset).
6. Thanh gia nhiệt (thanh đốt hay thanh mayso) và gioăng (ron) cao su bịt kín
Thanh đốt là bộ phận trực tiếp làm nóng nước trong bình chứa. Thanh đốt này thường được làm bằng đồng, hợp kim thép hoặc inox 304 nhưng nói chung phải đảm bảo những điều kiện như truyền nhiệt tốt, cách điện tốt, tuổi thọ cao, ít bị ăn mòn.
Gioăng cao su và thanh magie thay thế
Gioăng cao su là chi tiết nhỏ đi kèm với bộ phận thành đốt bình nóng lạnh để tạo độ kín khít, ngăn sự rò rỉ nước ra bên ngoài trong quá trình sử dụng.
7. Thanh magie (hay thanh khử cặn)
Mặc dù ruột bình nóng lạnh đã được tráng men nhưng vẫn sẽ tồn tại các điểm rất nhỏ có lớp men bị lỗi hoặc mỏng, từ đó dễ bị gỉ hoặc ăn mòn khi tiếp xúc với nước và môi trường nhiệt độ cao trong thời gian dài.
Thanh magie và gioăng cao su có bán nhiều trên thị trường
Do đó, các nhà sản xuất đưa thanh magie (Mg) vào trong bình nóng lạnh (Mg) để nó tham gia phản ứng hóa học với một số tạp chất có trong nước và giúp chống lại sự bán cặn trên thanh đốt cũng như giảm thiểu sự ăn mòn hóa học tại các mối hàn, bảo vệ lõi bình không bị thủng.
8. Đầu nước vào/ra và van một chiều
Màu đỏ chỉ đường nước nóng ra ngoài, được quy ước đặt bên trái bình, còn màu xanh chỉ đường cấp nước lạnh vào cho bình.
Van một chiều (hay còn gọi là van an toàn) có 2 chức năng:
Chỉ cho nước đi vào bình mà không cho chảy theo chiều ngược lại kể cả khi nguồn cấp vào hệ thống bị hết nước. Nhờ vậy, trong bình luôn giữ một lượng nước ổn định để làm ngập kín thanh gia nhiệt.
Giúp xả nước khi gặp sự cố, tháo bình ra để vệ sinh hoặc di chuyển vị trí.
Nguyên lý hoạt động
Chức năng của bình nóng lạnh là làm nóng nước (bằng dây điện trở công suất lớn) và duy trì nước nóng ở một nhiệt độ nhất định, Như vậy, có thể nói bình nóng lạnh giống như một chiếc bình thủy điện khổng lồ. Khi được cấp điện, dòng điện sẽ đi qua rơ le đến thanh đốt và làm nóng thanh đốt. Nhiệt từ thanh đốt sẽ khiến cho nước trong bình nóng lên. Khi đạt đến nhiệt độ cài đặt, cảm biến nhiệt sẽ "báo" cho rơ le biết để ngắt điện. Nếu nước trong bình nguội đi xuống dưới nhiệt độ cài đặt thì chính cảm biến nhiệt này sẽ lại "yêu cầu" rơ le cấp điện tiếp để đun nước.
Nhận định
Ở trên chúng ta đã cùng nhau tìm hiểu về cấu tạo cũng như nguyên lý hoạt động của bình nóng lạnh. Qua đó, có thể nhận thấy rằng, trong trường hợp bình nóng lạnh vẫn hoạt động bình thường sau một thời gian dài thì:
1. Vẫn có một bộ phận nhanh "hỏng" nhất và cần phải thay thế định kỳ là thanh magie (Mg).
Thanh Magiê dùng làm tác nhân hoá học để trung hoà nước, tiêu huỷ các hợp chất hoá học có trong nước hoặc sinh ra trong quá trình đun nóng. Có thể nói, thanh magiê chính là vật "thế thân" thay cho lõi bình, tránh được hiện tượng ăn mòn bình chứa và nó sẽ bị "mòn" đi trong quá trình sử dụng.
Không có điều gì là tuyệt đối và bề mặt tráng men của lõi bình nước nóng cũng vậy. Trong quá trình chế tạo không thể tránh được những điểm chết không có men hoặc điểm lỗi với lớp men mỏng. Càng nhiều những điểm như vậy thì thanh magie tan ra càng nhanh. Khi thanh magie tan hết thì cũng là lúc ruột bình nước nóng không được bảo vệ và cần phải thay thế thanh magie khác, nếu không ruột bình sẽ bị ăn mòn và gây ra rò rỉ nước.
Theo khuyến cáo của các nhà sản xuất bình nóng lạnh, thanh magie cần phải được thay thế định kỳ sau 1-2 năm. Với những nơi có nguồn nước "xấu", nhiều tạp chất thì quá trình thanh magie bị ăn mòn xảy ra càng nhanh hơn.
2. Thanh gia nhiệt (thanh đốt) hoạt động giống như mayso trong ấm đun nước điện
Vì lý do này nên không thể tránh khỏi bị cặn canxi trong nước bám vào, lâu ngày sẽ khiến hiệu suất làm nóng nước giảm. Có thể lúc mới lắp đặt chỉ mất 20 phút là bình đã làm nóng được nước nhưng sau thời gian dài lớp cặn canxi bám dày lên sẽ khiến cho việc đun nước phải mất nhiều thời gian hơn, từ đó gây tốn điện.
3. Quá trình làm nóng nước sẽ sinh ra các cặn vôi, tạp chất bẩn
Tùy thuộc vào nguồn nước thì lượng cặn và tạp chất này sinh ra nhiều hay ít, và chúng sẽ bám lại trên thành vỏ bình. Nếu để lâu ngày các cặn bám này có thể làm hỏng lớp tráng men khiến cho bình bị han gỉ, gây ra hiện tượng rò rỉ nước ở bình nóng lạnh và có thể gây nguy hiểm lớn nếu kết hợp với sự rò điện.
4. Gioăng cao su của bình nóng lạnh chịu áp lực lớn và nhiệt độ cao khi nước trong bình bị đun nóng.
Do phải tiếp xúc với nước nóng lâu ngày làm giãn nở, khiến gioăng cao su bị thoái hóa, bị rách, bị nứt nẻ hoặc bị chai cứng mất độ đàn hồi... dẫn đến nước trong bình bị rò rỉ, thấm ra vỏ bình, từ đó dẫn điện ra bên ngoài gây nên chập điện.
5. Bình nóng lạnh giống như một chiếc bình thủy điện
Mặc dù bình nóng lạnh được thiết kế hiện đại hơn chiếc bình thủy đun nước, nhưng với nguyên lý hoạt động tương tự nhau thì nguy cơ gây giật cho người sử dụng của 2 thiết bị này là như nhau bởi các linh kiện như rơ le, cảm biến, thanh đốt đều có tuổi thọ nhất định.
Kết luận
Đến đây chắc hẳn các bạn cũng đã tự có cho mình được câu trả lời về việc vệ sinh, bảo trì, bảo dưỡng bình nóng lạnh có cần thiết hay không. Theo chúng tôi, có câu "của bền tại người", mọi thiết bị muốn hoạt động bền bỉ, kéo dài tuổi thọ thì đều cần phải được bảo dưỡng, bảo trì định kỳ và bình nóng lạnh cũng không phải là ngoại lệ. Hơn nữa, chăm chút cho các thiết bị gia dụng nói chung và bình nóng lạnh nói riêng cũng là đang chăm chút cho sự an toàn và tiện nghi của chính chúng ta.
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Google: Giải được bài toán 10 triệu tỷ tỷ năm chỉ trong 5 phút, chip lượng tử mới là bằng chứng về đa vũ trụ
Điều đáng ngạc nhiên hơn cả là nhiều người trên cộng đồng mạng thế giới lại đang đồng tình với kết luận của Google.
Gần 2025 rồi mà vẫn dùng USB để lưu công việc thì quả là lỗi thời