Cùng điểm lại những ngày Tết truyền thống của người Việt - bạn có thể biết nhưng không hiểu.
Đối với người Việt Nam, tiếng Tết đã trở nên vô cùng thân thuộc. Bên cạnh ngày Tết cổ truyền truyền thống, trong năm còn có rất nhiều ngày tết khác.
Mỗi ngày lễ, Tết đều mang ý nghĩa và nét đặc trưng riêng. Nhưng có lẽ chính nhịp sống hối hả hàng ngày khiến cho không phải ai cũng biết rõ nguồn gốc và tại sao lại có những ngày lễ, tết truyền thống trong một năm Âm lịch. Vậy một năm âm lịch có bao nhiêu ngày Tết? Câu trả lời sẽ được bật mí ngay dưới đây.
1. Tết Nguyên Đán - 1/1 âm lịch
Tết Nguyên Đán (hay Tết Ta, Tết Cả) là dịp lễ quan trọng nhất trong văn hóa người Việt Nam. Đây là điểm giao thời giữa năm cũ và năm mới, giữa một chu kỳ vận hành của đất trời, vạn vật cỏ cây.
Khoảng thời gian này cũng là dịp để gia đình, họ hàng, làng xóm, người thân xa gần sum họp, đoàn tụ thăm hỏi, tri ân ông bà tổ tiên và cầu chúc cho nhau những điều tốt đẹp.
Cũng bởi Tết là khởi đầu cho một năm mới may mắn thế nên, dù khó khăn, các gia đình vẫn gắng sửa soạn mâm cỗ cúng gia tiên thịnh soạn.
Mâm cỗ Tết miền Bắc, đặc biệt là mâm cỗ Tết của người Hà Nội thường rất bài bản theo đúng nét cổ truyền của dân tộc.
Mâm cỗ Tết miền Bắc thường có 4 bát, 4 đĩa tượng trưng cho tứ trụ, bốn mùa và bốn phương. Cỗ lớn thì 6 bát 6 đĩa hoặc 8 bát 8 đĩa tượng trưng cho phát lộc, phát tài. Bốn đĩa gồm hai đĩa thịt có thể là gà và heo, một đĩa nem, một đĩa giò lụa, có thể thêm một đĩa giò mỡ (giò thủ hoặc thịt đông). Bốn bát gồm bát ninh, bát măng hầm giò heo, bát miến, bát bóng. Đây là những yêu cầu căn bản của mâm cỗ. Tùy gia đình có thể thêm những món như nộm, xào, ngày tết còn có món đặc trưng như bánh chưng, dưa hành. Tráng miệng có mứt sen, mứt quất, mứt gừng, chè kho.
Miền Trung với đặc điểm khí hậu đặc trưng nên nét văn hóa ẩm thực cũng có đôi phần khác biệt.
Những món cơ bản thường thấy trong mâm cỗ miền Trung thường bao gồm thịt gà, thịt heo, cá, giò lụa, dưa món, cơm trắng... được chia ra thành từng đĩa nhỏ, mỗi thứ một ít, bày biện trên chiếc mâm tròn, như một cách thể hiện sự chắt chiu và san sẻ.
Với thói quen "cuốn" nên mâm cỗ Tết của một vài gia đình ở miền Trung thường xuất hiện các món cuốn từ thịt luộc cuốn bánh tráng, nem lụi cuốn bánh tráng, cá kho, cá hấp - cuốn chung với bánh tráng và rau sống.
Mâm cỗ miền Nam có phần phong phú và không gò bó về nghi thức nhưng luôn có bánh tét, thịt heo kho nước dừa với trứng hoặc cá lóc kèm dưa giá, canh khổ qua nhồi thịt.
Ngoài ra mâm cỗ Tết của Nam bộ cũng không thể thiếu các món nguội như gỏi ngó sen, tai heo ngâm dấm, phá lấu, chả giò, lạp xưởng tươi…
2. Tết Nguyên Tiêu - vào ngày Rằm tháng Giêng
Tết Nguyên Tiêu (hay Tết Thượng Nguyên) diễn ra vào ngày Rằm tháng Giêng - ngày trăng tròn đầu tiên của năm. Đây còn được coi là ngày vía của Phật tổ.
Bởi vậy mà ngày này nhiều người thường đi lễ chùa bởi họ tin vào ngày Rằm tháng Giêng, Đức Phật giáng lâm tại chùa để chứng độ cho lòng thành của các tín đồ Phật giáo. Sau khi đi chùa, mọi người về nhà họp mặt cúng gia tiên và ăn cỗ.
Sự hài hòa giữa vị mặn của nước chấm, ngọt của bánh, chua của dưa hành, cay của ớt... tạo nên mâm cỗ đủ đầy, mong yên ấm an lành, xua đi vận đủi trong năm mới.
Mâm cỗ cúng gia tiên ngày Rằm tháng Giêng cũng không khác nhiều so với mâm cỗ ngày Tết. Bánh chưng tượng trưng cho sự sinh sôi nảy nở của muôn loài; thịt lợn đã chế biến thuộc về âm, dưa hành rau củ thuộc về dương, âm dương hài hòa tượng trưng cho sự phát triển.
Ngoài ra trong mâm cỗ còn có thể có thêm cơm tẻ là lương thực hàng ngày. Mâm cỗ có nếp có tẻ, có âm dương đầy đủ để sinh sôi nảy nở. Bát nước chấm đặt giữa mâm hình tròn tượng trưng cho trời đất vũ trụ, kết nối cổ kim.
3. Tết Hàn Thực vào 3/3 âm lịch
Vào ngày Tết Hàn thực (3/3 âm lịch) người dân khắp nơi đều sửa soạn những đĩa bánh trôi, bánh chay để dâng lên thờ cúng tổ tiên.
Tết này xuất phát từ một câu chuyện thời nhà Tấn ở Trung Quốc khi Tấn Văn Công không may đốt rừng thiêu chết trung thần phò tá mình 19 năm trời Giới Tử Thôi.
Để tưởng nhớ Thôi, vua Tấn ban lệnh 3/3 - 5/3 âm lịch hàng năm dân phải kiêng đốt lửa, chỉ được ăn đồ nguội mà thôi. Sau này, người Việt cũng theo tục này nhưng chủ yếu làm bánh trôi, bánh chay để thờ cúng tổ tiên, không liên quan tới điển tích kia.
Bánh trôi làm bằng bột nếp nhào nặn với nước, bên trong nhân đường. Đường làm bánh trôi là miếng đường vuông thành sắc cạnh đỏ thắm, đanh giòn với hương thơm ngát.
Bánh chay được làm bằng bột nếp cái hoa vàng, nhưng bên trong nhân lại làm bằng đậu xanh nấu chín. Bánh đựng trong bát, chan thêm chút chè đường quấy với bột sắn dây ướp hoa bưởi.
4. Tết Thanh Minh - khoảng 6/3 - 20/3 âm lịch
Tuy không phải là tết lớn nhưng Tết thanh minh gắn liền với đạo đức của người Việt Nam khi con cháu tưởng nhớ tới công lao của tổ phụ, những người đi trước.
Đây cũng là ngày giỗ tổ chung để mọi người có dịp báo hiếu, trả nghĩa, gọi là đền đáp phần nào ơn sinh thành. Bởi vậy mà vào khoảng từ mùng 6/3 - 20/3 âm lịch, nhiều người thường về với gia đình để tảo mộ, sum họp bên mâm cơm gia đình.
Những ngôi mộ được người nhà dọn dẹp sạch sẽ, vun đắp thêm đất mới, đó là những tâm đức của người đang sống đối với người đã khuất.
Phong tục làm cỏ các phần mộ (lễ tảo mộ), sửa sang, thắp hương, đặt hoa quả, trầu cau... thành kính tưởng nhớ ông bà tổ tiên là những hoạt động không thể thiếu trong ngày lễ quan trọng này.
Đi thăm mộ, nếu thấy cỏ rậm thì phát quang, đất khuyết lở thì đắp lại cho đầy... thắp vài nén hương, đốt vàng mã, đặt thêm bó hoa cho linh hồn người đã khuất.
5. Tết Đoan Ngọ - ngày 5/5 âm lịch
Ở Việt Nam, dân gian còn gọi Tết Đoan Ngọ (diễn ra vào mùng 5/5 âm lịch) là Tết giết sâu bọ. Đây là ngày phát động bắt sâu bọ, tiêu diệt bớt các loài gây hại cho cây trồng trên cánh đồng.
Theo truyền thuyết, ngày 5/5 có nguồn gốc từ văn hóa Trung Hoa. Vào cuối thời Chiến Quốc, có một vị đại thần nước Sở là Khuất Nguyên. Ông là vị trung thần nước Sở và còn là nhà văn hóa nổi tiếng. Do can ngăn vua Hoài Vương không được, lại bị gian thần hãm hại, ông đã uất ức gieo mình xuống sông Mịch La tự vẫn ngày 5/5.
Thương tiếc người trung nghĩa, mỗi năm cứ đến ngày đó, người dân Trung Quốc xưa lại làm bánh, quấn chỉ ngũ sắc bên ngoài (ý làm cho cá sợ, khỏi đớp mất) rồi bơi thuyền ra giữa sông, ném bánh, lấy bỏ gạo vào ống tre rồi thả xuống sông cúng Khuất Nguyên.
Mâm cúng ngày Tết Đoan Ngọ thường gồm các loại hoa quả, xôi chè, rượu nếp... Theo dân gian Việt Nam, khi ăn bánh ú tro, rượu nếp, hoa quả lúc mới ngủ dậy thì sâu bọ, giun sán trong người sẽ bị chết hết.
6. Tết Trung Nguyên vào Rằm tháng Bảy
Xuất phát từ truyền thuyết về Bồ tát Mục Kiền Liên đại hiếu đã cứu mẹ của mình ra khỏi kiếp ngạ quỷ.
Vu Lan là ngày lễ hàng năm để tưởng nhớ công ơn cha mẹ (và tổ tiên nói chung). Ngoài ra, vào ngày Rằm tháng Bảy theo tín ngưỡng là ngày xá tội vong nhân.
Bao nhiêu tội nhân ở dưới âm phủ ngày hôm đó đều được tha tội. Bởi vậy trên dương thế gia đình đều cúng gia tiên, còn ở chùa thường làm chay chẩn tế và cầu kinh Vu Lan.
Tết Trung Nguyên đồng thời để cúng những linh hồn bơ vơ không được ai chăm sóc. Nhiều người thường hay thả chim lên trời, thả cá xuống sông để làm điều phúc đức.
Trên mâm cúng gia tiên bày đặt một mâm cỗ mặn, tiền vàng và cả những vật dụng dành cho người cõi âm làm bằng giấy tượng trưng. Những vật dụng này gồm quần áo, giày dép, đồ trang sức... hay cả nhà cao tầng, ô tô, xe máy, điện thoại... để người cõi âm có được một cuộc sống tiện nghi giống như người trên dương gian.
Bên cạnh đó, nhiều nhà có lệ cúng chúng sinh (hay cúng bố thí cho các cô hồn) bị thất cơ lỡ vận, không nơi nương tựa và chịu nhiều oan trái ở kiếp trước...
Lễ vật gồm quần áo chúng sinh với nhiều màu sắc, các loại bỏng ngô, chè lam, kẹo vừng, cháo, tiền vàng, cốc nước trắng, cốc gạo trộn lẫn với muối (cốc này sẽ được rắc ra vỉa hè hoặc sân nhà về bốn phương tám hướng sau khi cúng xong), ngô, khoai lang luộc, cháo hoa...
7. Tết Trung Thu vào Rằm tháng Tám
Theo phong tục người Việt, Tết Trung Thu được tổ chức vào giữa mùa thu - Rằm tháng Tám. Trong dịp này người ta làm cỗ cúng gia tiên và bày bánh trái ra sân cúng Mặt trăng.
Nhân dịp tết này, người lớn thì uống rượu, thưởng trăng, và hát trống quân; trẻ em thì rước đèn, đi xem múa lân, ca hát các bài hát Trung Thu, và vui hưởng bánh kẹo cùng các thứ trái cây do cha mẹ bày ở ngoài sân trong đêm Trung Thu dưới hình thức một mâm cỗ.
Theo tục lệ, việc trẻ con thưởng thức bánh kẹo trái cây trong đêm Trung Thu này được gọi là "phá cỗ".
Vào ngày Rằm tháng 8, người ta thường tặng nhau những chiếc bánh trung thu với ý nghĩa chúc cho mọi điều trong cuộc sống được tròn đầy, viên mãn.
Bánh dẻo được làm từ bột nếp trắng tinh nhồi với đường và nước hoa bưởi thơm lừng, nhân làm bằng hột sen hay đậu xanh tán nhuyễn – mang sắc thái của đất nước Việt Nam.
Bánh nướng gồm hai phần: vỏ bánh và thân bánh. Vỏ bánh làm bằng bột mì dậy men trộn với trứng gà và chút rượu, nhân có thể được làm hột sen tán nhuyễn bao bọc lấy lòng đỏ trứng muối; nhân thập cẩm gồm đủ thứ như dăm bông, thịt lợn, vi yến, dừa, hạt dưa, ngó sen, bí đao… Hình tròn của bánh thể hiện hình dáng vầng trăng thu tròn, biểu tượng ý nghĩa "đoàn viên gia đình".
8. Tết Táo Quân - ngày 23 tháng Chạp
Theo quan niệm truyền thống, các vị thần Táo (hay Vua bếp) là người coi sóc bếp lửa trong gia đình sẽ cưỡi cá chép bay về trời, thay mặt gia chủ bẩm báo mọi sự trong gia đình năm cũ đã qua; cũng đồng thời thay gia chủ bày tỏ mong muốn một năm mới vạn sự an lành, đủ ăn đủ mặc.
Mâm cỗ cúng ông Công ông Táo sẽ gồm có ba bộ mã, hai bộ đàn ông tượng trưng cho hai Táo ông và một bộ đàn bà tượng trưng cho Táo bà.
Ngoài ra còn có vàng mã khác, hương, hoa, oản, quả, cau, trầu. Một mâm cỗ được chuẩn bị cẩn thận, đầy đủ gồm món mặn, ngọt đầy đủ.
Trong truyền thuyết, cá chép là phương tiện duy nhất có thể đưa Táo Quân về trời. Bởi thế, vào ngày này, sau khi làm lễ xong, các gia đình đều cúng con cá chép rồi đem ra sông hay ra ao thả, ngụ ý "cá hóa long", nghĩa là cá sẽ hóa rồng, vượt vũ môn, làm phương tiện cho Táo quân cưỡi về trời.
Ở miền Trung, tục cúng Táo quân có phần đơn giản hơn. Tượng ba ông Táo cũ bằng đất nung được tiễn khỏi bàn thờ bếp, đưa đến đặt cạnh các am miếu ở đầu xóm, hay ở dước gốc cổ thụ cạnh ngã ba đường.
Tượng ba ông Táo mới được rước lên bàn thờ, bắt đầu "nhiệm kỳ" một năm coi sóc bếp núc cho gia chủ. Ở vài nơi thay vì cúng cá, họ lại cúng kèm ngựa giấy trắng với yên cương hoặc chỉ có thêm một đôi hài vàng mã.
Tết Táo Quân của người miền Nam giản dị hơn người miền Bắc, chỉ cần một đĩa "thèo lèo cứt chuột", một bộ "cò bay, ngựa chạy", bình bông, nhang đèn hay đĩa trái cây là đủ rồi.
"Thèo lèo" là kẹo đậu phộng, "cứt chuột" là kẹo vừng đen. "Cò bay, ngựa chạy" là hình con cò và con ngựa cắt bằng giấy, không làm có khung tre cầu kỳ kiểu miền Bắc. Tết Táo Quân trong Nam không mua cá chép thả trong chậu rồi thả sông, không hóa vàng áo mũ thờ, vì không thờ áo mũ.
Bên cạnh đó, trong năm còn có nhiều ngày Tết khác:
-Tết Khai Hạ (mùng 7 tháng Giêng) - Tết mở đầu ngày vui để chào mùa Xuân mới, cầu mong sự may mắn cho cả năm.
- Tết Trùng Cửu hay Tết Trùng Dương (mùng 9/9 âm lịch). Tết Trùng cửu lấy sự lặp lại của hai số 9 để nói về sự trường thọ.
- Tết Trùng thập (10/10 âm lịch) Đây là Tết của các thầy thuốc. Theo sách Dược lễ thì đến ngày Mười tháng Mười, cây thuốc mới tụ được khí âm dương, mới kết được sắc tứ thời, trở nên tốt nhất.
- Tết Hạ Nguyên hay Tết Cơm mới - (ngày 15/10). Ở nông thôn, Tết này được tổ chức rất lớn vì đây là dịp nấu cơm gạo mới - trước để cúng tổ tiên, sau để tự thưởng công cày cấy.
Theo Kênh 14 / Trí thức trẻ
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Sự thật từ nghiên cứu khoa học: Chơi trò chơi điện tử có ảnh hưởng bất ngờ đến chỉ số IQ của trẻ em!
Trò chơi điện tử từ lâu đã là chủ đề gây tranh cãi khi nhắc đến ảnh hưởng của chúng đối với trẻ em. Trong khi nhiều ý kiến chỉ trích việc chơi game có thể gây hại cho sự phát triển trí não, thì một nghiên cứu khoa học đã mang đến cái nhìn khác biệt, cho thấy mối liên hệ tích cực giữa việc chơi game và sự gia tăng trí thông minh ở trẻ nhỏ.
Trải nghiệm game trên Mac mini M4 Pro: Cậu bé tí hon bước ra biển lớn gaming