Đố bạn biết điểm chung của Sony, Fujifilm và Toshiba?

    Lê Hoàng,  

    "Bật mí": đó cũng là điểm chung của Fujitsu, Hitachi và Isuzu.

    Đáp án: Sony, Fujifilm và Toshiba cùng nằm trong một keiretsu. Fujitsu, Hitachi và Isuzu cũng nằm trong một keiretsu khác. Tương tự, Nissan, Yamaha và Canon cùng thuộc về một keiretsu có tên Fuyo.

    Vậy keiretsu là gì? Đây là mô hình kinh doanh đặc trưng tại Nhật Bản, cũng giống như chaebol là mô hình kinh doanh đặc trưng tại Hàn Quốc. Một keiretsu thực chất là một tập đoàn lớn có từ 15 – 30 công ty thành viên, trải dài trên rất nhiều lĩnh vực khác nhau: công nghệ điện tử, điện hạt nhân, công nghiệp nặng, giải trí/phim ảnh, game, quần áo, TV, linh kiện, tài chính, dầu mỏ v...v... Nhật Bản hiện đang có 8 keiretsu khổng lồ, kiểm soát toàn bộ khung cảnh tài chính/công nghiệp tại đất nước này và thậm chí là cả nhiều quốc gia trên thế giới.

    Một số keiretsu đáng chú ý.
    Một số keiretsu đáng chú ý.

    Về bản chất, keiretsu là một mạng lưới các mối quan hệ nhiều chiều giữa các công ty thành viên. Các mối quan hệ này được chia làm hai dạng: chiều dọc và chiều ngang. Trong keiretsu tích hợp chiều dọc, công ty hùng mạnh nhất sẽ đứng ra chịu trách nhiệm về tài chính và nhân lực trong khi các công ty con chủ yếu tồn tại để nắm một phần nhỏ trong chuỗi cung ứng (sản xuất linh kiện, sản xuất một vài dòng sản phẩm) hoặc phân phối sản phẩm cho công ty mẹ. Ví dụ điển hình nhất là Toyota Group: Daido Steel bán linh kiện cho Toyota, Idemitsu Kosan bán nhiên liệu cho Toyota, Daihatsu sản xuất một số dòng xe giá rẻ và động cơ cho Toyota...

    Khác với keiretsu chiều dọc, keiretsu tích hợp theo chiều ngang sẽ có trung tâm là một ngân hàng lớn. Các công ty con trong keiretsu dạng này thường kinh doanh trong các lĩnh vực tưởng như không hề liên quan chút nào đến nhau. Ví dụ, Canon (máy ảnh) và Nissan (xe hơi) cùng thuộc một keiretsu với nhà sản xuất nước giải khát Sapporo và công ty tàu lửa Tobu. Trong một keiretsu chiều ngang, tiềm lực tài chính và nhân sự cũng được chia sẻ giữa ngân hàng trung tâm và các công ty con giống như keiretsu chiều dọc. Một nhà lãnh đạo cao cấp của Nissan có thể sẽ góp mặt trong hội đồng quản trị của Yamaha, Sapporo hay Canon.

    So sánh keiretsu chiều dọc (trái) và keiretsu chiều ngang (phải).
    So sánh keiretsu chiều dọc (trái) và keiretsu chiều ngang (phải).

    Từng là mô hình kinh tế đại diện cho Nhật Bản trong thời kỳ huy hoàng, keiretsu bỗng trở thành một tội đồ của thời đại. Sau các cuộc khủng hoảng kinh tế của thập niên 1990, các tập đoàn khổng lồ của Nhật Bản bị coi là lý do khiến cho kinh tế nước này không thể thích ứng với thời đại: xu hướng chia sẻ rủi ro tài chính và nhân lực khiến cho các công ty con làm ăn thất bát có thể tiếp tục tồn tại và gia tăng sức ì cho cả keiretsu cũng như cả nền kinh tế Nhật Bản.

    Kể từ đó, nhiều keiretsu đã bắt đầu giảm mức độ phụ thuộc hoặc cải tổ dần dần theo hướng công ty mẹ thâu tóm các công ty con. Đến nay, trong khi văn hóa keiretsu vẫn còn hiện hữu rõ ràng, các keiretsu chỉ còn là cái bóng phai tàn của một nền kinh tế rệu rã tại Nhật Bản.

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ