Doanh nghiệp công nghệ gặp khó gì với “Make in Vietnam”?

    Thái Trang, Theo Trí Thức Trẻ 

    Tại phiên thảo luận diễn ra trong khuôn khổ Diễn đàn doanh nghiệp công nghệ Việt Nam lần đầu được tổ chức cho Bộ Thông tin và Truyền thông chủ trì ngày 9/5/2019, các doanh nghiệp công nghệ lớn cùng với cơ quan nhà nước đã cùng nhau chia sẻ kinh nghiệm và thảo luận về những vướng mắc còn tồn tại trong việc kết nối với thị trường và đưa sản phẩm vào thị trường.

    Ông Lương Tuấn Thành – Giám đốc công nghệ CMC: "Khi ta làm ra sản phẩm mà không biết sale và marketing hay thậm chí là chuyển miễn phí cho khách hàng thì rất khó bán. Làm ra sản phẩm tốt nhưng chưa gửi được thông điệp tốt đến khách hàng tiềm năng của mình thì cũng khó bán được. Vì khách hàng không biết sản phẩm có giá trị gì và có sẵn sàng mua hay không. Món quà để cho khách hàng dùng thử và khách dùng tốt thì tự họ sẽ giới thiệu cho khách hàng xung quanh. Nếu ta tự tin sản phẩm là tốt thì cộng đồng chính là kênh bán hàng tốt nhất".

    Ông Thành cũng cho biết, thực ra khi chính phủ càng lớn, doanh nghiệp càng lớn thì hệ thống IT công nghệ càng lớn và quy trình càng phức tạp. "Khi chúng tôi trao đổi với chính phủ Singapore, họ nhìn nhận rất rõ hệ thống thông tin đã ổn định nhiều năm, chỉ cải thiện nâng cấp thì rất khó đi nhanh. Đầu tư kiểu gì cũng khó đi nhanh. Ta không thể nào vừa làm ổn định phục vụ số đông lại vừa làm công nghệ mới như AI cùng lúc, ta cần phải suy nghĩ hai vấn đề này tách bạch nhau.

    Đối với các dự án lớn đòi hỏi đấu thầu vẫn cần phải theo quy trình. Cần phải tách bạch các bài toán lớn và việc sáng tạo, tạo ra giải pháp vượt trội. Doanh nghiệp cần phải nghiên cứu thật kỹ vì cái gì mới sẽ phát triển rất nhanh nhưng cũng đầy rủi ro.

    Ông Lê Minh Quốc - Giám đốc Kỹ thuật MK Smart: Thực ra có thể con đường như bấy lâu nay chúng ta đã nói, xác định đầu tiên làm chủ thị trường trong nước mới ra nước ngoài. Nhưng khi tổng kết, doanh số xuất khẩu chiếm đến 60-70% sang các thị trường Nhật, một số quốc gia châu Á khác, Châu Phi...

    Người Việt vẫn có tâm lý sử dụng đồ ngoại và tôi cũng không biết tâm lý này bao giờ mới xóa bỏ được. Mặc dù người Việt hoàn toàn có thể làm được. Người Việt làm được nhưng không bán được chính là những rào cản rất lớn.

    Bên cạnh đó, thực trạng hiện nay là doanh nghiệp nước ngoài được ưu đãi hơn doanh nghiệp Việt Nam. Tôi muốn nhấn mạnh một điều, sản phẩm Việt Nam của chúng tôi hy vọng được cạnh tranh bình đẳng với doanh nghiệp nước ngoài.

    Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường: Thời gian vừa qua Bộ y tế đã tổ chức cuộc thi Y tế thông minh – lựa chọn sản phẩm công nghệ ứng dụng vào ngành y tế. Chúng tôi khẳng định doanh nghiệp công nghệ thông tin Việt Nam đủ năng lực, đủ trí tuệ để giải quyết cơ bản hầu hết các bài toán y tế của Việt Nam.

    Chỉ có 3 lĩnh vực các doanh nghiệp chưa quan tâm và đầu tư chưa nhiều nên chưa làm, có thể là do cơ chế tài chính, dự án y tế chưa hấp dẫn được các doanh nghiệp. Thứ nhất là bệnh án điện tử, thứ hai là hệ thống lưu trữ và truyền tải hình ảnh pacs và thứ ba trí tuệ nhân tạo trong y tế

    Bộ trưởng Bộ Tài nguyên Môi trường Trần Hồng Hà: Cơ quan nhà nước có những quy định đã tồn tại từ rất lâu. Có những thể chế để thay đổi phải mất rất nhiều thời gian, đó là rào cản với các doanh nghiệp. Ta chưa có cơ chế để duy trì vận hành hệ thống và hoàn thiện.

    Nhiều lúc, doanh nghiệp làm xong cơ quan nhà nước chưa kịp dùng đã hết tiền để chi cho bảo hành nên rất khó. Nên doanh nghiệp còn chưa kịp chứng minh tính hiệu quả của ứng dụng trong công tác quản lý nhà nước. Chúng tôi cũng muốn nếu doanh nghiệp tham gia một cách có trách nhiệm thì phải cùng với cơ quan nhà nước chứng minh hiệu quả mà ứng dụng đem lại. Nếu chúng ta chỉ đi được nửa đường và không chứng minh được hiệu quả thì cũng khó để giải trình.

    Ông Dư Thái Hùng - đại diện MobiFone: Ngoài khó khăn liên quan đến quy trình thì cũng có cái khó liên quan đến quy định nhà nước. Đôi khi nhà nước quy định rõ chỉ tiêu kỹ thuật, nên các sản phẩm mới không thể đầu tư được vì không biết đó là gì.

    Ông Lý Quốc Chính - CEO VNPT Technology: VNPT không tham gia vào các dự án với chính phủ nhiều lắm nhưng cũng gặp khá nhiều khó khăn với câu hỏi làm thế nào để trả lương xứng đáng cho người lao động. Hiện tại lương cho các chuyên gia một tháng chỉ 7-8 triệu trong khi lương sinh viên mới ra trường trả từng đó họ đã đi chỗ khác . Thứ hai là chuyển giao công nghệ phải tuân theo luật đấu thầu. Các doanh nghiệp nước ngoài không phải ai cũng hỗ trợ việc đấu thầu. Nếu chỉ có 1-2 nhà cung cấp cũng không đủ để đấu thầu. Chúng tôi nhiều lúc cũng khó khăn đến mức không mua nữa mà phải tự làm.

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ