Doanh nhân trẻ nói về cách vượt qua “một tuổi trẻ hoang mang”

    Kim yến, Theo Diễn đàn đầu tư 

    "Hoang mang là một tiến trình kéo dài cả một đời người, còn hoang mang là còn suy tư về mục đích đời mình, các bạn hãy… bình tĩnh mà hoang mang", Thi Anh Đào, nữ doanh nhân trẻ đưa ra lời khuyên chân thành.

    Tuổi trẻ với bao nhiêu phong ba bão táp của thời đại, với những trải nghiệm về sự lạc lõng, cô đơn, nổi loạn, lý tưởng và hoài bão… làm thế nào để tìm hướng đi cho đời mình? Làm thế nào để biết mình thực sự là ai? Muốn gì? Đâu là thế mạnh của mình?

    Nữ doanh nhân trẻ Thi Anh Đào và nhà báo Lương Nguyễn An Điền đã chia sẻ, lắng nghe và giúp các bạn sinh viên nhận biết chính mình tốt hơn, để giảm bớt những hoang mang trong cuộc sống, giúp các bạn tự tin, rõ ràng hơn trước các quyết định của đời mình.

    Áp lực từ “hiệu ứng đám đông” và nỗi mơ hồ về ước mơ của chính mình

    Không ngạc nhiên khi chủ đề “Tôi không hoang mang” đã thu hút hàng ngàn bạn trẻ của đại học Tôn Đức Thắng đến tham gia, đặt câu hỏi vô cùng thẳng thắn và chân thành. Khán phòng chật kín, các em ngồi đến giây phút cuối cùng, lắng nghe và trao đổi với các diễn giả doanh nhân, nhà báo.

    Đó là Thi Anh Đào, nữ doanh nhân trẻ được vinh danh trong Forbes Under 30 năm 2015, đồng sáng lập Công ty Quảng cáo trực tuyến Emerald năm 24 tuổi, tác giả cuốn sách "Nhìn. Hỏi. Rồi, nhảy đi" và Lương Nguyễn An Điền, Thạc sĩ báo chí tại Columbia, phóng viên báo chí quốc tế được nhận giải thưởng của Hiệp hội báo chí nước ngoài năm 2016, tác giả "Không nổi tiếng cũng đâu có sao!".

    Cuộc giao lưu đã cho thấy những hoang mang dễ thấy nhất của sinh viên là làm sao lựa chọn trúng nghề nghiệp khi đứng trước những ngã rẽ phải chọn lựa khi vừa ra trường.

    Rất nhiều em muốn một đằng, chọn một nẻo, đa số chạy theo hiệu ứng của đám đông, ít ai dám theo đuổi đến cùng đam mê của chính mình. Đáng lo hơn nữa là phần lớn các em không biết mình là ai, thực sự muốn gì, và rất mơ hồ trong việc chọn ngành học.

    Một bạn gái trẻ học năm thứ ba khoa môi trường cho biết: “Đến giờ, tôi vẫn không biết tương lai của mình sẽ di về đâu. Hoang mang là từ khóa đang ám ảnh nhiều nhất giới trẻ trong việc tìm kiếm con đường đi của riêng mình. Ngay từ năm lớp 10 tôi đã suy nghĩ về việc chọn nghề. Là người yêu thiên nhiên, thích trồng cây, thích nhìn bầu trời, nên tôi chọn ngành môi trường, nhưng khi học thấy ngành môi trường không giống điều mình suy nghĩ, không biết có nên tiếp tục hay chọn hướng khác hay không, vì tôi đã học ba năm rồi, tốn biết bao nhiêu tiền học phí…”.

    Bạn Trường An, sinh viên khoa tài chính ngân hàng tâm sự: Ước mơ của tôi sau khi ra trường có thể tạo sự nghiệp riêng. Thường người ta hay chọn ngành Quản trị kinh doanh, nhưng tôi thấy không rõ ràng cho lắm. Quá trình nguyên một năm nghiên cứu sở thích của mình, tôi lại thấy trái ngược ước mơ là muốn có sự nghiệp riêng, nhưng không có đủ động lực, nên cứ chập chững giữa việc học, không nỗ lực hết mình. Tôi thích phát triển bản thân, đi vào tâm lý con người nhiều hơn, thích giao tiếp, lắng nghe người khác nói chuyện… nhưng lại chọn ngành tài chính ngân hàng.

    Bạn Thúy Duyên nguyện vọng 1 là Đại học Luật, nhưng không trúng tuyển, nên đã học năm hai ngành Xã hội học, Khoa học xã hội và nhân văn cho biết: “Tôi đã hoang mang từ khi bước chân vào đại học, lạc chân vào ngành xã hội học càng hoang mang vì không biết ra trường sẽ làm ở đâu, làm cái gì… Thích đọc sách kỹ năng sống, đam mê viết, muốn tương lai xuất bản sách, nhưng tôi không biết để trở thành tác giả phải bắt đầu từ đâu…”.

    Một bạn sinh viên khoa điện, nhưng lại thích ngành y, nên đã vừa học điện, vừa đọc thêm sách để theo ngành y. Mơ ước của bạn là chăm sóc sức khỏe và chữa bệnh cho người khác. “Tôi là người vui tính, sáng tạo và tử tế, thích chăm sóc sức khỏe cho mọi người, nhưng lại thích làm gì có nhiều tiền… nên cần phải hỏi mình thêm nữa là thực sự muốn gì?”.

    Trong rất nhiều câu hỏi đặt ra, thật hiếm hoi có Thảo, sinh viên ngành Công tác xã hội của Đại học Khoa học xã hội và nhân văn, một cô gái trẻ dám sống theo tiếng gọi của con tim, nhưng đã vấp phải lực cản rất lớn từ gia đình.

    Thảo chia sẻ: Cha mẹ em thường nói con hãy cố gắng thi vào ngành luật, nhưng từ cấp ba em đã thích làm việc với con người, giúp đỡ người yếu thế. Khi em về nói với mẹ mình muốn học ngành công tác xã hội, mẹ bị khủng hoảng, vì đây là một ngành rất lạ.

    Dù đủ mạnh mẽ để vượt qua hiệu ứng đám đông, nhưng em vẫn phải nói với mẹ con sẽ ghi nguyện vọng một là ngành luật, nguyện vọng hai là công tác xã hội. Từ đó, em tìm hiểu tất cả tài liệu về ngành này, để ở nhà cho mẹ đọc.

    May mắn mẹ hiểu ra ủng hộ con đường của em. Điều em muốn chia sẻ là tuổi trẻ hôm nay bị hiệu ứng đám đông tác dộng rất nhiều, khiến cho họ không dám đến gần với ước mơ.

    Để hiểu rõ chính mình, hãy biết đặt câu hỏi

    Lương Nguyễn An Điền chia sẻ: Câu chuyện “hoang mang” trên con đường của bản thân không phải chỉ là câu chuyện chỉ gặp ở những người trẻ tuổi, mà còn ở những lứa tuổi lớn hơn, thậm chí ở tuổi của chúng tôi, cái tuổi vốn đã ổn định.

    Không “hoang mang” là chuyện bình thường, nhưng “hoang mang” cũng không là bất thường.

    Những người trẻ tuổi đã có sẵn tâm huyết, tri thức, niềm đam mê, và họ có lợi thế hơn ở “sức trẻ”, “tuổi trẻ”, thứ họ thiếu đó chính là một định hướng đúng và kiên định trong sự lựa chọn của mình.

    Chỉ cần có được sự kiên định đó, là các bạn đã thôi “hoang mang”!.

     Nhà báo Lương Nguyễn An Điền

    Nhà báo Lương Nguyễn An Điền

    "Chọn ngành biên, phiên dịch bắt đầu bằng sở thích cá nhân, vì tôi vốn là dân học tiếng Anh trường Sư phạm, năm 3 chọn ngành biên, phiên dịch, mọi người xúm lại hỏi sau này ra trường làm gì? Hay chỉ ra trường ngồi dịch như mấy ông già ở đường Lý Thái Tổ? Đó là nỗi sợ của đám đông. Đám đông không phải lúc nào cũng đúng, và bây giờ thấy càng sai", Lương Nguyễn An Điền nói.

    "Đam mê của tôi rất đơn giản, từ này tiếng Việt dịch sang tiếng Anh thế nào? Học thuộc tất cả những từ mình gặp là bí quyết, không có yếu tố nào là con đường tắt ngoài khổ luyện. Hồi đại học, mê phiên dịch, được giới thiệu đi phiên dịch từ tiếng Việt sang tiếng Anh ở báo Thanh Niên, có lúc cũng hoang mang, may mắn khi có bản tiếng Anh của Thanh Niên, mình ở lại", An Điền nói thêm.

    "Tôi có yếu tố may mắn, biết rõ mình muốn gì sớm và theo đuổi nó, có người giúp đỡ mình để theo đuổi đến cùng. Nhưng may mắn chỉ đến với người biết mình muốn gì và đi tới cùng với nó. Sau khi ra cuốn sách "Không nổi tiếng cũng đâu có sao, tôi lại hoang mang, dù xã hội nhìn vào thì rất “lấp lánh”, một chàng từng học Havard về… Lứa tuổi nào cũng hoang mang. Hoang mang là chuyện bình thường. Khi một tổ chức oằn mình để thay đổi là lúc hoang mang, nhưng hoang mang để thay đổi thì đâu có sao”, An Điền bộc bạch.

    Bằng trải nghiệm sau rất nhiều năm làm cố vấn cho các bạn trẻ, Thi Anh Đào nói: Câu chuyện “hoang mang”, đứng ở một tầng ý nghĩa khác, nó lại chính là điểm bắt đầu để đi tìm một quyết định, một sự lựa chọn đúng. Tìm ra rồi thì chúng ta sẽ có được lộ trình của tương lai, của sự nghiệp rõ ràng hơn. Và chỉ cần kiên định với lộ trình đó, con đường chinh phục tương lai sẽ trở nên gần hơn bao giờ hết.

    "Đào từng gặp rất nhiều trường hợp, các bạn học sinh, sinh viên thường nghĩ rằng mình không “hoang mang”, bởi các bạn có mục tiêu rất rõ ràng, nhưng khi đi sâu phân tích mục tiêu đó cho các bạn, thì các bạn lại nhận ra mình “hoang mang” hơn bao giờ hết", cô chia sẻ.

    "Câu chuyện chọn ngành quảng cáo trực tuyến và khởi nghiệp khi tuổi đời chỉ mới 24, cho đến khi bán công ty cho tập đoàn nước ngoài của tôi cũng đầy hoang mang. Hồi xưa đi học, ước gì có ai đó vỗ vai mình nói bạn làm cái đó sai rồi? Hoặc bạn đang gần đúng đó, hãy đi tiếp đi? Nhưng không có", Anh Đào nhớ lại.

    "Chính vì vậy mà bây giờ, tôi đã bỏ thời gian rất nhiều để nói chuyện với các bạn sinh viên hoàn toàn miễn phí, nó đòi hỏi mình phải đầy nhiệt huyết, và nhận được sự đón đợi, ủng hộ và lắng nghe của các bạn. Viết. Nhìn. Hỏi. Rồi, nhảy đi, tôi muốn giúp các bạn trẻ nhận biết chính mình. Vì tôi tin rằng một phần quan trọng nhất của thành công không chỉ dừng ở việc chúng ta đạt được thành tựu gì, mà là chúng ta sẽ trở thành con người thế nào trên bước đường đạt được thành công đó", Anh Đào nói.

    Hãy cho các bạn hỏi chính mình, rằng 5 hay 10 năm nữa, tôi là người như thế nào? Tôi là ai? Tính cách nổi bật của tôi? Tôi sẽ làm trong lĩnh vực nào? Tôi được mọi người biết đến bởi….? Những gì tôi phải làm trong 5-10 năm tới để đạt được con người và tương lai mà tôi mong muốn?…

    Chúng ta nên dẹp chuyện đi tìm đam mê sang một bên - đó là chuyện hết sức mất thời gian vô ích và huyễn hoặc. Đam mê vốn không phải và không nên là thứ mà ta đi tìm từ bên ngoài bản thân mình.

    Lời khuyên của tôi là hãy quay lại điểm xuất phát vì sao bạn chọn con đường này để gắn bó. Đó mới chính là đam mê thật sự, đó mới chính là thứ “neo” bạn lại trong những ngày giông bão, Anh Đào giải thích.

    Anh Đào chi sẻ thêm, trong 5 năm liền tôi không biết đi chơi là gì, làm việc mười mấy tiếng một ngày, nhưng đến một ngày muốn tìm người bạn đi ăn tối thì không thể tìm thấy ai!

    Những người như Đào được các bạn nhìn rất ngưỡng mộ, nhưng ít ai nhìn được vào những khoảng tối của mình.

    Thực ra tôi có nhiều khủng hoảng rất lớn, vì thuyền to thì sóng lớn. Công ty đầu tiên thành lập năm 23 tuổi, sau 1 năm phá sản. Thời điểm thành lập công ty thứ hai là khi ba mất, lúc ấy tôi suy sụp lắm, chỉ nghĩ làm sao có lại được cuộc sống?

    Mỗi đêm tôi khóc hết nước mắt, mỗi người sẽ có cái ngưỡng của mình, và phải rất cẩn thận với cái ngưỡng đó, nếu không sẽ suy sụp.

    Làm truyền thông, quan hệ công chúng, có mối quan hệ với hơn 1.000 anh chị làm truyền thông là có thật, nhưng để tìm người bạn có thể moi hết tim gan để nói chuyện được thì không có!

    Là người dẫn dắt mọi người, không có quyền thể hiện nỗi buồn, sự thất vọng. Hoang mang cả bây giờ, khi mình 33 tuổi, sẽ còn làm trong ngành này bao năm nữa? Ra khỏi ngành sẽ làm gì? Mình đã dành cả tuổi thanh cuân cho ngành quảng cáo, nếu ra đời sẽ không biết làm gì.

    Các bạn hoang mang vì có nhiều lý do, vì chưa đủ thông tin. Ở mỗi giai đoạn, sự hoang mang sẽ quay trở lại. Tôi không nghĩ sẽ giúp các bạn bước ra khỏi phòng này không hoang mang nữa. Khi xác định mình hoang mang vì cái gì đã là thành công bước một, bước hai sẽ làm gì với nỗi hoang mang đó?

    Ngày hôm nay các bạn chọn ngành này, rồi phải đứng trước quyết định bỏ hay không bỏ? Chẳng lẽ lỡ học năm thứ ba rồi thì phải học tiếp sao? Chẳng lẽ lỡ yêu rồi phải cưới, lỡ cưới rồi phải sống với nhau suốt đời sao… thế thì lỡ hết cả đời… Nghề nào cũng vậy, được tăng lương, nâng bậc… điều đó hay lắm, nhưng đến lúc trải qua hoang mang, thấy những thứ đó chẳng là gì?

    Nhiều người nói tôi “mày bán công ty được từng đó tiền, sướng quá còn gì?”. Thực ra không phải. Mình còn rất cay đắng, vật vã với nó, nghĩa là mình còn yêu nó, giống như yêu một người mà còn buồn, còn giận là còn cứu vãn được tình yêu đó.

    Tôi lại phải tự hỏi mình muốn gì? Muốn kiếm tiền hay muốn thức dậy cảm thấy hạnh phúc? Nghề của mình mỗi ngày vào công ty giống như đánh trận vậy đó, ra khỏi công ty mà còn toàn thây, không bị khách hàng trách móc, không có khủng hoảng xảy ra là tốt lắm rồi.

    Làm sao để nhận biết chính mình? Phải hỏi và hỏi chính mình đủ nhiều. Điều tôi gặp nhiều nhất ở lứa tuổi sinh viên là các bạn muốn rất nhiều, nhưng không hiểu thực sự muốn gì.

    Nhiều bạn học trái nghề, trái ngành mình yêu thích. Chúng ta chưa tìm hiểu đủ về nghề đó sẽ không đi đường dài được. Điều đó rất nguy hiểm.

     Thi Anh Đào đang chia sẻ kinh nghiệm với sinh viên đại học Tôn Đức Thắng

    Thi Anh Đào đang chia sẻ kinh nghiệm với sinh viên đại học Tôn Đức Thắng

    Áp lực “con nhà người ta”, áp lực sau khi ra trường phải thành công, trở thành người nổi tiếng… cũng là điều ám ảnh giới trẻ hôm nay.

    Lương Nguyễn An Điền chia sẻ: “Khi mình càng ngó sang bên ngoài nhiều quá càng bị áp lực, phải thật tĩnh lặng, tránh xa áp lực của đám đông để tìm hiểu mình thực sự muốn gì. Nỗi lo lớn nhất sau khi ra trường là thất nghiệp, công việc không đủ trang trải cho bản thân, làm sao kiếm được nhiều tiền, làm sao để thành công… đó chính là áp lực “con nhà người ta”.

    Ba năm đầu tôi đi làm không có đồng lương nào hết, tôi chấp nhận hết vì biết mục tiêu mình ở đằng xa là gì. 3-5 năm đầu sự nghiệp đừng mong kiếm tiền nhiều, mà kiếm một nơi mình có thể học được nhiều nhất, 5 năm sau bạn sẽ là người đặt mức lương ra cho chính mình khi thỏa thuận với công ty.

    Đối với tôi, bước vào ngành nào cuộc là trải nghiệm, là cuộc vui, khi nào thấy chán thì thôi, tôi muốn trải nghiệm cuộc sống với nhiều mầu sắc của nó. Chỉ cần để ý mỗi ngày, những niềm vui nho nhỏ là lẽ sống. Đến một ngày thấy nó mất đi ý nghĩa thì thôi, chia tay…

    Những gì mình tìm kiếm cho đến một ngày môi trường của nghề không còn cho mình điều gì nữa thì mình ra đi thôi. Để tất cả lựa chọn an toàn, phải nhất quán với giá trị của mình, và biết được giá trị sống của mình là gì.

    Một ngày mình đi nhanh quá, vào facebook mấy lần, nhưng chưa bao giờ dừng lại để nghĩ., nhận biết rõ chính mình trước khi muốn rẽ. Những gì lấp lánh người ta đưa lên facebook hết, còn những khoảng tối thì người ta đâu có đưa lên. Một này không TV, không Facebook, tôi thấy mình dễ sống hơn”.

    Chia sẻ về kinh nghiệm của mình, Thi Anh Đào nói: “Có người hỏi tôi lọt vào danh cách của Forbes có là thước đo của thành công? Hồi tôi khởi nghiệp chẳng có đồng nào hết, tôi đặt áp lực nổi tiếng, thành công, tiền nhiều… ra bên ngoài hết, vì kiếm bao nhiêu tiền cũng không đủ. Nếu mình kiếm tiền suốt ngày mà đằng sau mình không còn ai thì kiếm tiền để làm gì? Chỉ khi nào động lực đến từ chính mình thì mới đủ sức chạy đường dài, đó là khi bạn trả lời câu hỏi chắc chắn đúng về mình…".

    "Hồi nhỏ mình vẽ rất đẹp, nhưng lý do lớn nhất không chọn ngành thiết kế thời trang vì tôi thấy bao nhiêu con người đi ra từ ngành thời trang không mấy ai thành công. Thời trẻ tôi từng có ước mơ học ngoại giao, vì thần tượng của tôi là cô Tôn Nữ Thị Ninh, giờ lại theo ngành truyền thông. Người không biết nghĩ mình chọn đúng nghề, đi một hơi từ 2008 đến giờ… Có lẽ mình không hợp ngành ngoại giao nhà nước nên họp ngành ngoại giao doanh nghiệp.

    Thời đó gặp một giám đốc FPT, tôi nói rất hùng dũng “Em muốn làm truyền thông cho FPT”. Anh ấn tượng tôi ở chỗ không biết gì hết mà hùng dũng quá… Để chọn đúng nghề, giỏi chuyên môn, mà không biết cách bán mình để người ta xài, trong những ngành càng có yếu tố cá nhân cao thì càng khó…", Thi Anh Đào nhớ lại.

    "Hoang mang là một tiến trình kéo dài cả một đời người, còn hoang mang là còn suy tư về mục đích đời mình, các bạn hãy… bình tĩnh mà hoang mang. Quan trọng là biết mình hoang mang về cái gì? Hoang mang là cái ở bên trong mình, phải tự mình xử lý nó thôi. Nhận biết chính mình là quan trọng nhất, để biết mình đi đâu, về đâu. Hãy cắt nhỏ ra để biết mình phải làm gì trên con đường đi tới tương lai”, cô khuyên các bạn trẻ.

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ