Độc lạ Nokia: Tự tay trao 30.800 USD/người cho nhân viên cũ để đi khởi nghiệp, lo từ A-Z nhưng lại hào phóng không lấy cổ phần của bất kỳ công ty nào

    Thùy Bảo , Nhịp sống thị trường 

    Nokia đã chi 185.000 USD để giúp đỡ các nhân viên cũ.

    Trong thời kỳ suy thoái năm 2011, Nokia đã phải cắt giảm một lượng lớn nhân sự. Tuy nhiên, thay vì sa thải “ồ ạt” thẳng thừng, công ty này đã cho ra đời chương trình Bridge nhằm giúp đỡ những nhân viên bị mất việc.

    Trong khuôn khổ chương trình, Nokia sẽ trích số tiền 185.000 USD (hơn 4,3 tỷ đồng vào thời điểm đó) để hỗ trợ những nhân viên bị sa thải có cơ hội được tự “start up” doanh nghiệp của riêng mình trước khi họ tìm tới các nhà đầu tư mạo hiểm (VC) và các nhà đầu tư thiên thần (người có giá trị tài sản đầu tư lớn).

    Nghĩa là thông qua chương trình này, các nhân viên từng làm việc với Nokia sau khi tách ra, thành lập công ty riêng sẽ được hãng điện thoại hỗ trợ về mặt huy động vốn, đào tạo cũng như tạo các cơ hội hợp tác.

    Vào thời điểm đó, Nokia phải “vật lộn” để cạnh tranh với những gã khổng lồ Apple và Android. Mảng điện thoại di động của thương hiệu này đã rất “chênh vênh”, doanh số bán hàng giảm và nguồn tiền mặt cũng ngày càng hao hụt.

    Vì vậy, hơn 100 công ty trong vườn ươm doanh nghiệp của Nokia đã được thành lập, chỉ riêng Anh đã có hàng chục công ty start up từ các cựu nhân viên Nokia. Vườn ươm doanh nghiệp được hiểu là mô hình hỗ trợ doanh nghiệp, tạo điều kiện để nó được thành lập và phát triển.

    Mặc dù Nokia chưa công bố danh sách chính xác nhưng nhiều người đã biết tới Jolla, công ty khởi nghiệp được tạo ra bởi các cựu giám đốc điều hành của Nokia. Công ty này có kế hoạch ra mắt các dòng smartphone riêng và chạy hệ điều hành MeeGo.

    Vốn dĩ mô hình vươn ươm doanh nghiệp không hề mới lạ. Ví dụ Microsoft cũng từng ra mắt Bing Fund hay Pearson cũng có một vườn ươm công nghệ. Tuy nhiên, Nokia lại khác biệt. Công ty đã tạo điều kiện phát triển, trao cơ hội “khởi nghiệp” mới cho các nhân viên chuẩn bị rời công ty. Điều nhân văn là hàng nghìn người trong số họ có khả năng sẽ không có việc làm ngay sau khi rời khỏi hãng điện thoại này. Nhưng nay thì khác.

    Một mặt, việc thành lập công ty riêng được xây dựng từ những dự án mà các nhân viên cũ đã làm nhưng bị dừng do thay đổi chiến lược công ty như Meego. Mặt khác cũng có những công ty mới với những dự án hoàn toàn khác biệt. David Hall, người phát ngôn của chương trình Nokia Bridge tại Anh đã nói rằng một trong những công ty khởi nghiệp được Nokia “hậu thuẫn” đang tiến hành kinh doanh xuất nhập khẩu rượu - một lĩnh vực hoàn toàn khác xa công nghệ và điện thoại di động.

    Nokia chỉ đánh giá tính tiềm năng của kế hoạch kinh doanh. Nếu triển vọng, công ty này sẽ hỗ trợ nhân viên “sắp bị sa thải” một cách tốt nhất. Mỗi nhân viên sau khi tách ra làm riêng sẽ được hỗ trợ 30.800 USD hoặc 20.000 bảng ở Anh. Đối với 1 dự án khởi nghiệp, tối đa sẽ được 4 cựu nhân viên Nokia, nghĩa là công ty đó sẽ nhận được khoản hỗ trợ trị giá khoảng 100.000 bảng.

    Andrew Cooper, giám đốc chương trình Bridge cũng nói thêm rằng các dự án do các cá nhân đơn lẻ thực hiện phổ biến hơn là nhóm bốn người, ít nhất ở Anh là như vậy.

    Ngoài ra, mỗi công ty khởi nghiệp nếu đủ điều kiện cũng có thể nhận thêm khoản tài trợ lên tới 50.000 bảng Anh nữa. Ông David Hall cũng lưu ý rằng Nokia không hề có cổ phần trong bất kỳ công ty khởi nghiệp nào và không chuyển giao quyền sử dụng tài sản trí tuệ cho các công ty này.

    Chương trình Nokia Bridge bắt đầu vào tháng 4 năm 2011. Nó đã giúp đỡ 60% trong tổng số 18.000 nhân viên bị sa thải ngày ấy. Đây được coi là một trong những “bão sa thải” có tâm nhất của giới công nghệ.

    Tham khảo TechCrunch

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ