Đồng sáng lập WhatsApp: Vì tiền, tôi đã bán quyền riêng tư của người dùng cho Facebook

    Chíp,  

    Cũng theo Brian Acton, đồng sáng lập WhatsApp, Facebook đã có kế hoạch phân phát quảng cáo trên WhatsApp từ trước khi thâu tóm ứng dụng nhắn tin này.

    Năm 2017, Brian Action đã rời khỏi Facebook. Dù thiệt hại tới 850 triệu USD nhưng Acton vẫn quyết định ra đi do bất đồng quan điểm. Ông chống lại ý định đưa quảng cáo lên WhatsApp của Facebook nhưng không thành công nên quyết định ra đi.

    Kể từ khi thành lập vào năm 2009, WhatsApp không bao giờ muốn hiển thị quảng cáo làm phiền người dùng. Cả Acton và đồng sáng lập Jan Koum đều ghét ý tưởng kiếm tiền bằng quảng cáo. Phương châm của họ tại WhatsApp là: "Không quảng cáo, không game và không mánh lới".

    Năm 2014, Facebook chi tới 22 tỷ USD để thâu tóm WhatsApp. Acton chia sẻ rằng thời điểm đó ông không hề biết Facebook đã có kế hoạch và công nghệ phục vụ việc pha trộn dữ liệu giữa các nền tảng và qua đó tạo ra doanh thu từ quảng cáo. Ông nói thêm rằng thời điểm đó Mark Zuckerberg đã tỏ ý hỗ trợ áp dụng mã hóa toàn bộ tin nhắn dù cho nó ngăn chặn việc thu thập dữ liệu người dùng.

    Đồng sáng lập WhatsApp: Vì tiền, tôi đã bán quyền riêng tư của người dùng cho Facebook - Ảnh 1.

    Đồng sáng lập WhatsApp Brian Acton và Jan Koum

    Acton và Koum đã không thể từ chối đề nghị của Zuckerberg. Mọi thắc mắc của họ đều được CEO Facebook giải đáp rất nhanh và Zuckerberg cũng hết lời ngợi khen hai sáng lập WhatsApp. Thậm chí, CEO Facebook còn hứa rằng sẽ không ép WhatsApp phải kiếm ra tiền trong tương lai.

    Thế nhưng 18 tháng sau khi thâu tóm, Facebook đã thay đổi điều khoản dịch vụ của WhatsApp để cho phép nó chia sẻ dữ liệu với các nền tảng khác của công ty. Để làm điều này, Facebook sẵn sàng trả 122 triệu USD tiền phạt cho EU vì đưa thông tin sai lệch về thương vụ thâu tóm.

    Sau đó, Acton cũng phát hiện ra rằng Facebook có một số phương pháp để chia sẻ dữ liệu giữa các nền tảng. Phương pháp thứ nhất là kết nối tài khoản Facebook và WhatsApp qua chuỗi 128 bit đại diện cho số điện thoại của người dùng. Phương pháp thứ hai là kết nối tài khoản trên hai nền tảng dựa trên việc so sánh và trùng khớp số điện thoại.

    Năm ngoái, Facebook đã bắt đầu khám phá thêm nhiều cách kiếm tiền từ WhatsApp. Một trong những cách đó là hiển thị quảng cáo trong tính năng Status, bản sao của Stories trên Instagram, và một cách khác là bán các công cụ kinh doanh và phân tích cho người dùng. Acton đề nghị kiếm tiền bằng cách ra các gói thuê bao để không thu thập dữ liệu của người dùng nhưng các quản lý của Facebook gạt đi.

    Các đồng sáng lập của WhatsApp có một điều khoản trong hợp đồng cho phép họ rút toàn bộ số cổ phiếu nếu Facebook triển khai các phương thức kiếm tiền mà không được sự đồng ý của họ. Tuy nhiên, Acton đã không kích hoạt điều khoản ấy. Ông bỏ đi, để lại số cổ phiếu trị giá 850 triệu USD.

    "Tôi đã bán công ty của mình", Acton nói. "Vì lợi ích cá nhân to lớn mà tôi đã bán quyền riêng tư của người dùng cho Facebook. Tôi đã quyết định và thỏa hiệp với điều ấy và ngày nào tôi cũng cảm thấy hối hận".

    Hồi tháng 3, Acton đã đăng lên Twitter rằng: Đã đến lúc xóa Facebook.

    Trong khi đó, Alex Stamos cựu Giám đốc Bảo mật của Facebook lại ủng hộ quyết định hiển thị quảng cáo tên WhatsApp. Ông này cho rằng cần phải tạo ra doanh thu để duy trì một ứng dụng nhắn tin mã hóa như WhatsApp.

    WhatsApp hiện đang là một trong những ứng dụng nhắn tin phổ biến nhất trên thế giới. Theo báo cáo mới nhất, WhatsApp hiện có 1,5 tỷ người dùng. Sau khi bán lại WhatsApp cho Facebook, cả Acton và Koum đều trở thành tỷ phú. Hiện Acton có trong tay khối tài sản trị giá 3,6 tỷ USD trong khi Jan Koum sở hữu 9,7 tỷ USD.

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ