Dù có phiên điều trần dễ dàng nhưng Mark Zuckerberg vẫn phải lảng tránh, trả lời vòng vo với 5 câu hỏi sau của các nghị sĩ

    Thế Anh, Theo Trí Thức Trẻ 

    Mặc dù được cho là đã dễ dàng vượt qua phiên điều trần nhờ những câu hỏi đơn giản, thiên về tìm hiểu cách sử dụng Facebook của các thượng nghị sĩ Mỹ nhưng trong số hơn 100 câu hỏi, vẫn có 5 điều mà Mark Zuckerberg phải lảng tránh, không thể trả lời đúng trọng tâm.

    Giới truyền thông nước ngoài đang đặc biệt chú ý đến phiên điều trần của Mark Zuckerberg trước quốc hội Mỹ về vụ bê bối tiết lộ thông tin người dùng Facebook . Và trong ngày đầu tiên, đa phần các câu hỏi của các thượng nghị sĩ Mỹ đều được đánh giá là quá dễ dàng, chỉ xoay quanh việc tìm hiểu cách sử dụng Facebook mà thôi.

    Bước sang ngày thứ 2, phiên điều trần đã trở nên nóng hơn đôi chút và trong số hơn 100 câu hỏi được đưa ra suốt 10 tiếng đồng hồ, cũng vẫn có những câu hỏi khó khiến Mark Zuckerberg phải lảng tránh hay trả lời vòng vo không đúng trọng tâm.

    Facebook có theo dõi hành vi người dùng Internet ngoài ứng dụng này hay không?

    Câu hỏi được thượng nghị sĩ Roger Wicker thuộc Đảng Cộng Hòa, đến từ Mississippi đặt ra khi ông thấy rằng có báo cáo về việc Facebook thậm chí vẫn theo dõi hành vi sử dụng internet của người dùng kể cả khi họ đã đăng xuất khỏi tài khoản Facebook của mình.

    "Thưa thượng nghị sĩ, tôi muốn chắc chắn rằng tôi hiểu chính xác câu hỏi của ngài, nên có lẽ sẽ tốt hơn nếu tôi có được đội ngũ của mình ở đây để hỗ trợ giải đáp." Zuckerberg trả lời.

    Khi bị gây áp lực lần nữa, Zuckerberg cho biết: "Tôi biết rằng mọi người dùng đều có cookies khi sử dụng internet và nó giúp tạo mối liên kết giữa các lần sử dụng."

    Zuckerberg trả lời thêm rằng Facebook làm điều này vì một vài lý do chính đáng như một cách bảo mật, đảm bảo rằng các quảng cáo của mình hướng tới đúng đối tượng một cách hiệu quả. Zuckerberg cũng nhấn mạnh rằng team hỗ trợ cho anh ta sẽ trả lời câu hỏi này một cách rõ ràng hơn.

    Cuối cùng, sau khi bị nữ nghị sĩ Đảng Dân Chủ Kathy Castor đặt câu hỏi, Zuckerberg đã phải thừa nhận rằng Facebook thực sự theo dõi người dùng của mình kể cả khi họ không đăng nhập vào mạng xã hội này.

    Nếu tôi xóa Facebook, sẽ phải mất bao lâu để Facebook loại bỏ hết dữ liệu về tôi?

    Dean Heller, thượng nghị sĩ Đảng Cộng Hòa đến từ Nevada đã đặt ra câu hỏi trên. Zuckerberg trả lời: "Tôi thực sự chưa có được câu trả lời chính xác ngay lúc này. Nhưng tôi biết là chúng tôi sẽ cố gắng xóa dữ liệu này nhanh nhất có thể."

    "Chúng tôi có một hệ thống tương đối phức tạp và nó... sẽ phải mất một khoảng thời gian để hoàn thành quy trình này. Nhưng tôi nghĩ là chúng tôi sẽ xóa nhanh nhất có thể, và tôi có thể giải thích kĩ hơn hoặc để nhóm hỗ trợ mình giải thích về vấn đề này." ông chủ của Facebook trả lời

    Thực tế thì theo điều khoản được Facebook từng công bố thì sẽ phải tốn khoảng 90 ngày để có thể xóa hoàn toàn tài khoản facebook của một cá nhân nào đó.

    Zuckerberg nhấn mạnh rằng người dùng có thể và được quyền xóa toàn bộ dữ liệu về bản thân họ, nhưng lại không thể làm rõ được xem mất bao nhiêu thời gian để dữ liệu người dùng này bị xóa bỏ khi mà nó được Facebook chia sẻ cho một bên thứ 3, như các công ty phát triển ứng dụng chẳng hạn.

    Ai là đối thủ cạnh tranh lớn nhất của Facebook hiện nay?

    Thượng nghị sĩ Graham, thuộc Đảng Cộng Hòa đã hỏi và yêu cầu Zuckerberg chỉ tên ra đối thủ cạnh tranh lớn nhất của Facebook hiện nay.

    "Thưa nghị sĩ, chúng tôi có rất nhiều đối thủ cạnh tranh, tôi có thể nêu tên nhiều đối thủ được không?" Zuckerberg trả lời.

    Zuckerberg bổ sung rằng Facebook đang "dẫm chân" lên khá nhiều công ty công nghệ hàng đầu khác như Apple, Microsoft, Google hay Amazon.

    "Anh không nghĩ rằng công ty của mình đang độc quyền sao?" Thượng nghị sĩ Graham hỏi.

    "Dĩ nhiên là tôi không nghĩ như vậy, có rất nhiều đối thủ cạnh tranh mà chúng tôi phải đối mặt hàng ngày." Zuckerberg cho biết.

    Thực tế thì Zuckerberg bị đánh giá là đã không trả lời đúng trọng tâm câu hỏi và không thể đưa ra một đối thủ cạnh tranh nào thực sự của họ. Một vài chuyên gia truyền thông cho rằng thật khó để trả lời khi mà bản thân Facebook đã sở hữu tới 3 trong số 10 ứng dụng đứng top của Apple App Store như Instagran, Messenger, bản thân Facebook còn sở hữu cả Whatsapp.

    Facebook dự định làm gì khi mà chính sách bảo mật với chính sách dịch vụ của các anh quá rắc rối và lằng nhằng?

    Chính sách về dịch vụ cũng như bảo mật của Facebook được đánh giá là tương đối phức tạp ở thời điểm hiện tại và ngay bản thân Zuckerberg cũng phải thừa nhận rằng đa phần mọi người đều chẳng ai đọc hết các điều khoản này cả. Điều này sẽ dẫn tới một số rắc rối về pháp lý khi dữ liệu người dùng bị xâm phạm.

    Grassley, thượng nghị sĩ thuộc Đảng Cộng Hòa đến từ Iowa đã hỏi vị CEO của Facebook rằng tại sao họ không công bố rõ ràng từ đầu rằng các dữ liệu về người dùng sẽ được sử dụng ra sao.

    "Một bản điều khoản về bảo mật dài quả thật rất rắc rối. Một trong những khó khăn của chúng tôi đó là phải cố gắng làm cho nó trở nên dễ hiểu nhất để mọi người nắm rõ nó, và từ đó, cho người dùng quyền kiểm soát hoàn toàn sản phẩm này." Zuckerberg cũng cho biết thêm rằng đây cũng là khó khăn của các công ty công nghệ khác chứ không chỉ riêng Facebook.

    Nữ nghị sĩ Anna Eshoo thuộc Đảng Dân Chủ cho rằng Facebook cần xem xét và viết lại các điều khoản dịch vụ của mình theo cách dễ hiểu và đại chúng nhất. Hiện Zuckerberg vẫn chưa đưa ra giải pháp nào cho vấn đề này.

    Liệu Facebook có sẵn sàng thay đổi mô hình hoạt động hay không?

    Nữ nghị sĩ Eshoo tiếp tục đặt câu hỏi cho Zuckerberg rằng liệu Facebook có sẵn sàng thay đổi mô hình kinh doanh của mình để bảo vệ sự riêng tư của người dùng hay không?

    "Tôi không thực sự hiểu ý câu hỏi này lắm." Zuckerberg trả lời.

    Nghị sĩ Eshoo cho biết bà sẽ tiếp tục hỏi về vấn đề này sau.

    Trước đây, Zuckerberg từng tiết lộ ý tưởng về việc đưa thêm một phiên bản Facebook có tính phí sử dụng ra thị trường nhưng có vẻ điều này trái với mong muốn của chính vị CEO này bởi trong một bài phỏng vấn trước đó, Zuckerberg đã cho biết: "Để giúp kết nối mọi người trên thế giới, đưa họ tới gần nhau hơn, tôi nghĩ là cần phải cung cấp một dịch vụ mà ai cũng có thể tiếp cận, chi trả được, và chúng tôi đang cố gắng làm điều đó."

    Về vấn đề này, thượng nghị sĩ Thune đã đưa ra quan điểm rõ hơn "Để mô hình kinh doanh này tiếp tục, cả hai phía khách hàng và Facebook cần phải được hiểu rõ mối liên quan giữa họ. Hiện tại thì tôi chưa thấy đủ thuyết phục để cho rằng người dùng Facebook được cung cấp đủ thông tin để đưa ra quyết định đúng đắn."

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày