Đừng đem so sánh thương vụ Samsung mua Harman với thương vụ Apple mua Beats, bản chất rất khác nhau
Quả thật Harman và Beats đều là các tên tuổi lớn trong lĩnh vực âm thanh, song hai thương hiệu này đã và sẽ phục vụ những mục đích cực kỳ khác biệt khi về tay hai đại kỳ phùng địch thủ lớn nhất của thế giới hi-tech.
Không một thử thách nào có thể làm chùn chân những tham vọng khổng lồ của Samsung: vào ngày 14/11 vừa qua, gã khổng lồ Hàn Quốc đã chính thức công bố thương vụ mua lại tập đoàn thiết bị âm thanh Harman International Industries trong bản hợp đồng trị giá 8 tỷ USD. Đây là thương vụ thâu tóm lớn nhất từng được thực hiện bởi bất kỳ một tập đoàn Hàn Quốc nào và có lẽ cũng là thương vụ đáng chú ý nhất trong lịch sử ngành thiết bị âm thanh những năm gần đây.
Dĩ nhiên, phần đông người tiêu dùng sẽ không mất nhiều thời gian để so sánh thương vụ đình đám này với thương vụ Apple mua lại Beats vào năm 2014. Trong nửa đầu năm 2014 khá nhàm chán, công ty của Tim Cook đã bỏ ra 3 tỷ USD để sở hữu thương hiệu tai nghe cao cáp của rapper/producer Dr. Dre. 3 năm sau, khi Samsung đã sở hữu Harman, liệu cuộc chiến Apple vs Samsung có dịch chuyển từ thế giới smartphone sang thế giới tai nghe cao cấp (hoặc loa di động)?
Câu trả lời 99% là "Không".
Apple & Beats: Chiếc khiên phòng thủ
Đầu tiên, hãy cùng nhìn lại thương vụ Apple Beats vào 3 năm trước. Nhắc đến Beats nhiều người hiển nhiên sẽ nghĩ đến những mẫu tai nghe đắt tiền được sự hậu thuẫn của các ngôi sao USUK hàng đầu như Eminem, Rihanna, Lady Gaga hoặc Miley Cyrus. Song, vấn đề lớn nhất mà Apple cần mua lại Beats để giải quyết không nằm ở phần cứng mà là nhạc số. Năm 2014, trong bối cảnh các dịch vụ phát trực tiếp như Spotify, Pandora, Amazon Prime Music và Google Play Music càng bành trướng, doanh thu chợ iTunes lao dốc, Apple đứng trước nguy cơ đánh mất vị thế là đích đến của các fan yêu nhạc/các nhà sản xuất âm nhạc và cả giới trẻ "sành" nhạc trẻ – một vị thế vốn đã được thiết lập bởi iPod từ tận 2001.
Apple cần thâu tóm một dịch vụ stream nhạc vừa có tiềm năng, vừa... chưa thành công (để giảm giá thành). Lựa chọn của Tim Cook là Beats Music, nửa còn lại của thương hiệu Beats bên cạnh Beats Electronics. Đến nay, với lượng người dùng trả phí lên tới 15 triệu người dùng (số liệu tháng 6 vừa qua), Apple từ chỗ chẳng có gì trở thành một trong những tên tuổi lớn nhất của làng stream nhạc.
Dĩ nhiên, thương vụ Apple Beats không chỉ có duy nhất yếu tố Beats Music. Đối tượng người mua sản phẩm Táo và Beats vốn đã khá tương thích nhau: dư dả về tài chính và sẵn sàng mua những sản phẩm (theo ấn tượng của họ là) tốt nhất, bất kể giá thành là bao nhiêu. Những thương hiệu iPhone, iPad, Mac vào thời điểm 2014 cũng đang mất dần giá trị lôi cuốn độc đáo với giới trẻ, và Beats – thương hiệu lựa chọn của các ngôi sao nhạc Pop đình đám nhất – cũng sẽ một "liều thuốc" hữu dụng với Apple.
Nhưng tất cả những sự thật này cũng chỉ nói lên một bản chất duy nhất về thương vụ Apple Beats: Apple mua lại thương hiệu tai nghe đình đám của Dre chủ yếu là để bảo vệ những miếng bánh đã có sẵn chứ không phải là để tìm tòi những thị trường mới/non trẻ. Doanh thu các mảng dịch vụ (gộp chung Apple Music và các dịch vụ iCloud) và "thiết bị khác" (gộp chung tai Beats, Watch, iPad và Apple TV) đã gia tăng, song vẫn là quá nhỏ so với doanh thu từ iPhone, iPad và Mac. Sau thương vụ mua Beats với giá trị lớn nhất lịch sử công ty – cao gấp 6 lần khoản tiền mua lại NeXT Inc. để đưa Steve Jobs trở lại, người ta vẫn gọi Apple là "the iPhone company".
Samsung & Harman: Mũi giáo hướng về tương lai
Sẽ là không có gì khó hiểu nếu như những người hâm mộ công nghệ/âm thanh so sánh thương vụ Samsung Harman với Apple Beats, bởi Harman hiện tại đang sở hữu rất nhiều thương hiệu mạnh và quen thuộc với người tiêu dùng như JBL, Harman Kardon và AKG (thương hiệu audiophile lâu đời của nước Áo). Tuy vậy, đây mới là thông điệp chính mà Samsung và Harman muốn gửi tới giới tài chính:
"Harman là tên tuổi đi đầu thị trường trong lĩnh vực giải pháp xe kết nói, với hơn 30 triệu xe lưu hành đã được trang bị các hệ thống kết nối và audio của Harman, bao gồm các hệ thống giải trí, liên lạc, đảm bảo an toàn và bảo mật. Khoảng 65% trong tổng doanh thu 7,0 tỷ USD của Harman trong thời gian 12 tháng tính đến ngày 30/09/2016 có liên quan tới lĩnh vực xe hơi. Tổng doanh thu của Harman trên thị trường này tính đến ngày 30/06/2016 là khoảng 24 tỷ USD", trích phần đầu tiên trong thông cáo báo chí của Samsung.
Thực tế, Samsung đã dành ra gần như toàn bộ tuyên bố chính thức của mình để khẳng định rằng tham vọng khi mua lại Harman không phải là… âm thanh. Trái lại, đây là bàn đạp để gã khổng lồ Hàn Quốc bước chân vào thị trường xe kết nối hiện tại đang bắt đầu bùng nổ. Theo tuyên bố từ chính Harman đưa ra tới báo chí, lượng xe sử dụng hệ thống infotainment (thông tin/giải trí) của hãng này trên thị trường hiện tại đã lên tới trên 25 triệu. Đừng lầm tưởng rằng các hệ thống này chỉ gói gọn trong những bộ loa và đầu DVD: cả NVIDIA lẫn Tesla đều đã chứng minh rằng infotainment là chìa khóa tới xe IoT và xe tự lái, và giờ là lúc Samsung vào cuộc.
Cũng giống như thương vụ của Apple và Beats, thương vụ Samsung Harman sẽ mang lại lợi ích cho các bên liên quan trên nhiều khía cạnh. Khi sở hữu một công ty đã có sẵn đối tượng người dùng là 25 triệu hệ thống và danh mục khách hàng đông đảo như Harman, Samsung sẽ bước chân vào xâm chiếm lĩnh vực xe kết nối/xe thông minh trên cả hai phương diện phần cứng và phần mềm trong khi cả Apple CarPlay lẫn Android Auto sẽ mãi mãi chỉ dừng ở mức độ phần mềm mà thôi.
Thêm nữa, thương vụ này cũng sẽ mở đường cho Samsung bắt tay với nhiều tên tuổi lớn: chỉ riêng thương hiệu Harman Kardon đã sở hữu nhiều đối tác thuộc phân khúc xe sang BMW, Mercedes-Benz, Volvo và Chrysler. Quả thật, Samsung đã không sai khi khẳng định Harman là một sự lựa chọn tuyệt vời để kết hợp.
Tương lai vạn vật kết nối
Xe kết nối sẽ là mảnh ghép cuối cùng mà Samsung còn thiếu trong cuộc chiến quy mô nhất, quan trọng nhất của thời đại hậu-smartphone: Internet of Things. Trong khi các kỹ sư của Samsung đã có thể chế tạo trợ lý ảo và các giải pháp smart home/IoT của Samsung đã vươn lên đi đầu thế giới từ tận 3 năm trước, Samsung trước đây vẫn thiếu đi những giải pháp âm thanh thực sự thuyết phục, thiếu đi một chỗ đứng vững chắc trên phương tiện đi lại phổ biến nhất của loài người. Lời giải của Hàn Quốc: mua lại một tập đoàn âm thanh có trị giá cao gần 3 lần so với số tiền Apple đã bỏ ra mua Beats.
Bạn nghĩ sao về những chiếc loa JBL “tiến hóa” để trở thành đối trọng của Amazon Echo và Google Home? Một hệ sinh thái Internet of Things gắn mác Samsung từ đồ gia dụng, điện thoại đến “bộ não” của xe hơi? Cũng giống như thương vụ Apple mua Beats, chúng ta sẽ không nhìn thấy đầy đủ những “hoa thơm trái ngọt” mà thương vụ Harman có thể mang lại cho Samsung. Nhưng khác với thương vụ của kỳ phùng địch thủ, Samsung đã bỏ tiền ra mua vũ khí để tấn công vào tương lai chứ không phải để phòng thủ cho quá khứ.
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Samsung và cuộc cách mạng AI: Hệ sinh thái toàn diện từ TV đến điện thoại di động đã thay đổi đời sống của người tiêu dùng như thế nào?
Với chiến lược toàn diện, Samsung đã sẵn sàng cho một cuộc cách mạng công nghệ tiếp theo, nơi AI đóng vai trò trung tâm. “Ông lớn" Hàn Quốc chứng minh trí tuệ nhân tạo không chỉ là một tính năng trong các thiết bị, mà còn là cốt lõi trong chiến lược đổi mới của họ.
Nhà sáng lập TSMC nhận định về Intel: Sẽ tốt hơn nếu không cố chen chân vào mảng sản xuất chip, đáng lẽ nên tập trung vào AI