Có thể nhiều người đang lo lắng cho tương lai của Apple, nhưng nếu nhìn xa hơn chúng ta sẽ thấy Apple đang phát triển theo hướng khá an toàn.
Khoảng mùa hè năm trước, CEO Apple, ông Tim Cook, đã công bố tầm nhìn của mình về một công ty sẽ tồn tại 1.000 năm.
Cụ thể, ông đã chia sẻ trong buổi phỏng vấn rằng Apple đang lên kế hoạch cho tương lai cực dài. "Chúng tôi không lên kế hoạch cho vài quý hay vài năm, chúng tôi đang lên kế hoạch cho cả ngàn năm cơ, cho nên chúng tôi sẽ tạo ra những sản phẩm tốt nhất", Cook cho biết.
Tuy nhiên, lịch trình phát triển trong 1000 năm đó của Apple đã và đang vướng phải nhiều rắc rối, với danh sách đối thủ đang ngày càng tăng cùng những khó khăn khác mà gã khổng lồ này đang gặp phải.
Ví dụ như:
Dòng điện thoại Pixel của Google đang phát triển ở mảng mà iPhone yếu kém.
Các máy tính và tablet của Microsoft đang được chào đón nhiều hơn.
Trợ lí ảo Alexa của Amazon đang dần thống trị thị trường nhà thông minh trước khi Apple có thể xâm chiếm vị trí đó với HomeKit.
Trong khi đó, một fan kì cựu của Apple, người đã chuyển từ Mac qua Windows, cho biết Apple đang dần mất "lửa" vì họ đang quá tập trung vào thiết kế và phần cứng, thay vì cho ra những sản phẩm khiến cả thế giới phải há miệng thán phục như trước đây. Trong những năm nay, Apple đã không còn sáng tạo với chiếc iPhone nữa, trong khi đó công ty có nhiều dự án bí ẩn và không được hấp dẫn cho lắm, ví dụ như Apple Car hay kính thông minh Apple.
Những điều trên không phải là những nhân tố thuận lợi cho tham vọng 1.000 năm của công ty. Với vai trò CEO Apple trong vài năm tiếp theo, ông Tim Cook còn phải cố gắng rất nhiều.
Tuy vậy, chúng ta hãy để việc trên qua một bên và nhìn lại những gì Apple đã và đang làm để đảm bảo được tương lai. Có thể những việc này, có thể sẽ không khiến công ty tồn tại trong 1000 năm, nhưng nó đủ để minh chứng rằng Apple đang biết rõ họ sẽ đi về đâu trong tương lai.
Trẻ em là tương lai của Apple
Về mặt ngắn hạn, Apple đang dần từ bỏ cái thứ gọi là "Thuế Apple", hay nói cách khác là số tiền người dùng chấp nhận bỏ thêm để mua sản phẩm từ công ty, thay vì mua các sản phẩm từ những đối thủ khác có giá rẻ hơn với phần cứng và cấu hình tương đương. Apple đang giảm giá sản phẩm để mở rộng đối tượng người dùng.
Chiếc iPad giá rẻ Apple mới giới thiệu.
Trong tuần qua, Apple đã giới thiệu chiếc iPad giá rẻ và tiến hành nâng cấp nhỏ cho chiếc iPhone rẻ nhất của họ: iPhone SE. Nó đã cho thấy tham vọng đánh vào thị trường Android của Apple về mặt giá cả, thay vì chỉ tính năng như trước đây. Chiếc iPad giá rẻ rất phù hợp với nhiều người dùng, đồng thời nó cũng khiến các sản phẩm của Apple có thể dễ dàng được trang bị trong các lớp học.
Ông Cook đã nhiều lần nhắc rằng ông muốn Swift, ngôn ngữ lập trình của riêng Apple, trở thành một công cụ hữu ích cho những trẻ em muốn dấn thân vào mảng lập trình. Swift về mặt lý thuyết có thể được sử dụng để xây dựng phần mềm cho bất kỳ công cụ nào, nhưng nó sẽ cho kết quả tốt nhất nếu xây dựng ứng dụng cho iPhone và Mac.
Nói cách khác, mục tiêu ngắn hạn của Apple là khiến càng nhiều người sử dụng sản phẩm Apple càng tốt, với mục tiêu chiếm lấy khách hàng khi họ còn nhỏ và khiến họ bị "khoá" trong hệ sinh thái này.
Xây dựng nền móng vững chắc
Apple đã âm thầm xây dựng nền móng vững chắc cho tương lai xa.
Nếu điểm mạnh của công nghệ thực tế tăng cường (augmented reality) là chúng ta không cần nhìn vào điện thoại để có được thông tin mình cần, thì Apple đã có giải pháp tương tự: chiếc Apple Watch giúp người dùng thực hiện các tác vụ cơ bản của điện thoại trên chiếc cổ tay, trong khi chiếc tai nghe không dây AirPods giúp trợ lí ảo Siri luôn ở trên lỗ tai người dùng.
Tuy những điều này không hào nhoáng bằng những ảnh ảo từ thực tế tăng cường - mảng mà cả Magic Leap và Microsoft đang gặp khó khăn trong việc đưa sản phẩm đến tay người dùng, nhưng nó rất thực tế và hữu ích cho mọi người. Ngoài ra, các báo cáo còn cho biết Apple đang thực hiện dự án kính thông minh để lấp vào phần thực tế ảo/thực tế tăng cường mà họ còn thiếu.
Quan trọng hơn, các sản phẩm trên phải được đồng bộ hóa với iPhone một cách mượt mà nhất. Đây là một yếu tố quan trọng, đóng vai trò là cây cầu nối giữa cái cũ và cái mới, giúp khách hàng dễ làm quen hơn khi thử những công nghệ mới từ Apple. Mặt khác, nếu Apple ra mắt chiếc loa ngoài tích hợp Siri tương tự như Amazon Echo, rất có thể nó sẽ cần đồng bộ với iPhone để hoạt động qua con chip Bluetooth W1 mà công ty đã tự phát triển.
Microsoft cho biết một ngày nào đó HoloLens sẽ có thể thay thế mọi màn hình trong nhà.
Có lẽ một ngày nào đó, Apple sẽ không còn lấy iPhone làm sản phẩm chủ đạo để kết nối giữa các thiết bị nữa. Lúc ấy họ sẽ biến iCloud và các dịch vụ khác trở thành môi trường để khiến toàn bộ sản phẩm của mình có thể đồng bộ với nhau mà không cần đến iPhone.
10 thế kỷ
Chiến lược của Apple vẫn sẽ giống như trước đây: khiến mọi người không chỉ mua duy nhất một sản phẩm, mà còn mua nhiều thứ khác trong hệ sinh thái. Có thể nói Apple là một thương hiệu lâu dài, với sự hỗ trợ phần cứng và phần mềm xuất sắc.
Chắc chắn Apple hiểu rằng không có sản phẩm nào sẽ tồn tại mãi, và đó là lí do vì sao công ty đã đề ra kế hoạch tồn tại trong 1.000 năm trên.
Mặt khác, ngay cả khi các sản phẩm và công nghệ mới có vẻ như đang sẵn sàng để chấm dứt triều đại iPhone, Apple đã âm thầm xây một nền móng cực kỳ vững chắc để "khoá" người tiêu dùng vào hệ sinh thái của mình trong nhiều năm tới. Đây là một khởi đầu khá tốt cho một công ty đang có kế hoạch tồn tại trong 10 thế kỷ.
Tham khảo Business Insider
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Sự thật từ nghiên cứu khoa học: Chơi trò chơi điện tử có ảnh hưởng bất ngờ đến chỉ số IQ của trẻ em!
Trò chơi điện tử từ lâu đã là chủ đề gây tranh cãi khi nhắc đến ảnh hưởng của chúng đối với trẻ em. Trong khi nhiều ý kiến chỉ trích việc chơi game có thể gây hại cho sự phát triển trí não, thì một nghiên cứu khoa học đã mang đến cái nhìn khác biệt, cho thấy mối liên hệ tích cực giữa việc chơi game và sự gia tăng trí thông minh ở trẻ nhỏ.
Trải nghiệm game trên Mac mini M4 Pro: Cậu bé tí hon bước ra biển lớn gaming