Đừng mơ đạo nhạc mà không bị lộ: Não bộ con người chỉ mất 100 mili giây để nhận ra giai điệu quen thuộc
Điều này được xác nhận bằng sự giãn nở đồng tử và tín hiệu EEG ghi nhận các kích thích trong vùng vỏ não liên quan đến quá trình truy xuất bộ nhớ.
Não bộ của chúng ta chỉ mất khoảng 100-300 mili giây để nhận ra giai điệu của một bản nhạc quen thuộc. Đó là kết luận rút ra từ một nghiên cứu mới được thực hiện bởi các nhà khoa học đến từ Đại học College London (UCL).
Nghiên cứu này nhấn mạnh sự nhạy bén trong trí nhớ của con người, đặc biệt là kỹ năng ghi nhớ âm nhạc. Đã có các nghiên cứu trước đây cho thấy ở những bệnh nhân sa sút trí tuệ, trí nhớ của họ có thể gặp các lỗi hệ thống, nhưng kỹ năng ghi nhớ âm nhạc vẫn được bảo toàn.
Nghiên cứu mới không chỉ đặt một bước chân vào khám phá quá trình ghi nhớ của não bộ. Nó còn là cơ sở để giải thích tại sao các bản nhạc "đạo nhái" có thể nhanh chóng bị phát hiện đến thế, cũng như tốc độ của trò chơi "Giai điệu thân quen", trong đó các thí sinh có thể nhận diện một bản nhạc chỉ trong vài giây.
Các nhà khoa học cho biết công việc của họ còn có thể giúp phát triển các phương pháp trị liệu âm nhạc dành cho bệnh nhân mắc các vấn đề như thiểu năng trí tuệ.
Đừng mơ đạo nhạc mà không bị lộ: Não bộ con người chỉ mất 100 mili giây để nhận ra một giai điệu quen thuộc
Trong nghiên cứu của mình, các nhà khoa học đến từ Viện nghiên cứu Tai của UCL muốn tìm hiểu chính xác tốc độ mà bộ não con người phản ứng với một giai điệu quen thuộc, cũng như quá trình ghi nhớ các bài hát bên trong não bộ.
Họ đã làm thí nghiệm với 5 người đàn ông và 5 người phụ nữ. Mồi người được yêu cầu kể tên 5 bài hát quen thuộc của mình. Sau đó, với mỗi người tham gia, các nhà khoa học tại UCL đã chọn ra một trong số các bản nhạc yêu thích của họ và trộn giai điệu của nó vào một giai điệu khác tương tự (về tiết tấu, giai điệu, hòa âm, giọng hát và nhạc cụ).
Những tình nguyện viên tham gia sau đó được nghe thụ động 100 đoạn trích (mỗi đoạn chưa tới 1 giây) của cả bài hát lạ và bài hát mà họ đã quen thuộc theo thứ tự ngẫu nhiên. Tổng cộng 400 giây nhạc đã được phát.
Các nhà nghiên cứu đã sử dụng điện não đồ (EEG) - kỹ thuật ghi lại hoạt động điện trong não và đo đồng tử - kỹ thuật đo đường kính đồng tử để kiểm tra kích thích mà các giai điệu tạo ra.
Kết quả cho thấy bộ não con người chỉ mất từ 100 mili giây (0,1 giây) để nhận ra giai điệu bản nhạc quen thuộc kể từ khi nó được phát, với thời gian nhận dạng trung bình trong khoảng từ 100 đến 300 mili giây.
Điều này được xác nhận bằng sự giãn nở đồng tử và các tín hiệu EEG ghi nhận các kích thích trong vùng vỏ não liên quan đến quá trình truy xuất bộ nhớ.
Các nhà khoa học cũng tuyển một nhóm tình nguyện viên đối chứng khác, trong đó, họ được nghe cùng các bản nhạc này nhưng không cảm thấy quen thuộc. Đồng tử và tín hiệu điện não đồ không cho thấy những kích thích đã được nghi nhận trên 10 tình nguyện viên ban đầu.
Thời gian nhận dạng một bản nhạc quen thuộc trung bình trong khoảng từ 100 đến 300 mili giây.
Giáo sư Maria Chait, tác giả nghiên cứu cho biết: "Những phát hiện này chỉ ra một mạch thời gian rất ngắn [trong não bộ cho phép chúng ta nhận diện các giai điệu quen thuộc], và nó phù hợp với [cảm quan của chúng ta] khi các bản nhạc ấy thường được lưu giữ rất sâu sắc bên trong tâm trí".
Hiểu được các não bộ nhận diện các giai điệu quen thuộc không chỉ là một hướng đi trong khoa học cơ bản. Giáo sư Chait cho biết nó còn giúp phát triển một biện pháp trị liệu đang được dùng rất phổ biến ngày nay là trị liệu âm nhạc.
"Có một mối quan tâm ngày càng tăng trong việc khai thác âm nhạc để giúp các bệnh nhân sa sút trí tuệ, bởi trí nhớ liên quan đến âm nhạc có vẻ được bảo quản tốt trong điều kiện cả hệ thống trí nhớ gặp lỗi hệ thống. Xác định chính xác con đường thần kinh và các quá trình hỗ trợ nhận dạng âm nhạc có thể cung cấp manh mối để tìm hiểu cơ sở của hiện tượng này", giáo sư Chait kết luận.
Tham khảo Sciencebeta
NỔI BẬT TRANG CHỦ
iPhone 14 Pro Max phát nổ khiến người dùng bị thương
Vụ việc đang tiếp tục được điều tra, làm rõ.
Tại sao nhân loại lại cần đến máy tính lượng tử, chúng được dùng để làm gì?