Dùng thử bảng vẽ Gaomon 1060Pro: Giá chỉ 600k nhưng trải nghiệm không thua hàng Wacom tầm 2 triệu, có tin được không?
Gaomon 1060Pro được bán với giá quanh mức gần 1 triệu mà được quảng cáo là có loạt tính năng không thua gì các sản phẩm Wacom tầm 2 - 3 triệu, sự thật thế nào?
Hội mê vẽ vời, nhiều hoa tay chắc không ít lần mơ về những chiếc bảng vẽ điện tử xịn sò từ Wacom. Tuy nhiên, giấc mơ thì mãi là giấc mơ, vì bảng vẽ từ hãng này thường có giá khá cao, ít cũng khoảng 2 triệu đồng trở lên mới có một cái be bé, “dùng tạm” cho người mới bắt đầu.
Ước mơ xa vời của hội mê vẽ điện tử đây...
Thế nhưng, ở thị trường nội địa Trung Quốc thì khác, khi mà các loại bảng vẽ điện tử giá siêu siêu rẻ, chỉ từ 400.000 - 500.000 đồng cũng đã được bày bán từ lâu. Trong số này, sản phẩm nổi bật nhất phải kể tới là Gaomon 1060Pro đời 2019 - phiên bản nối tiếp đời 2017 vốn cũng nhận nhiều đánh giá tích cực nhưng hạn chế về tính năng.
Tìm kiếm trên các trang TMĐT, bạn có thể thấy bảng vẽ này thường được rao bán với giá khoảng từ 600.000 - 800.000 đồng tùy nơi. Có shop lại bán với giá hơn 1 triệu đồng cho bản tiêu chuẩn, và cao dần lên tới 1.7 triệu đồng cho bản nâng cấp kèm nhiều phụ kiện và bảo hành tới 12 tháng 1 đổi 1.
Có nơi bán giá hơn 1 triệu đồng, nhiều lựa chọn bảo hành và gói phụ kiện.
Nhưng cũng có chỗ bán chỉ hơn 600.000 đồng, vẫn nhận nhiều đánh giá 5 sao nhưng hậu mãi thì không chắc.
Nhìn chung, hầu hết đánh giá về sản phẩm này trên mạng đều rất tốt từ khi ra mắt. Tuy nhiên, để thực sự biết nó tốt đến mức nào, và có đáng với mức giá không, hãy cùng WeBuy xem xét nhé.
Mở hộp: Đúng chất “boy nhà nghèo”
Đúng là vì giá rẻ nên hộp đựng sản phẩm cũng được tối giản hết mức: Chỉ là một khay giấy carton khá mỏng, không có đệm xốp bảo vệ, nếu nhìn qua nhiều người sẽ nghĩ là hàng “lởm”. Tuy nhiên, điểm cộng là Gaomon vẫn tặng kèm kha khá phụ kiện, từ bộ 8 ngòi bút thay thế cho tới đầu chuyển từ USB-A sang USB-C và MicroUSB để dùng với điện thoại.
Hộp đựng, thông tin sản phẩm và các phụ kiện đi kèm.
Cảm nhận đầu tiên về chiếc bảng vẽ là rất rất to, kích thước lớn ngang ngửa một chiếc laptop 14 - 15 inch và dày khoảng 1cm. Vì thế nên bảng này chỉ hợp dùng một chỗ chứ không linh động cho lắm.
Gaomon 1060Pro to hơn cả chiếc Zenbook 14 inch.
Chất lượng gia công thì khá sơ sài, nhìn qua là thấy ngay chất nhựa rẻ tiền, viền nhựa cắt không sắc sảo vào hở mép khá nhiều, trông giống món đồ chơi cho trẻ con hơn. Gaomon còn tiết kiệm chi phí sản xuất tới mức sử dụng cổng miniUSB cổ lỗ sĩ cho một thiết bị bán ra năm 2019 thay vì microUSB hay USB-C đời mới và phổ biến hơn.
Chất lượng gia công không ổn lắm, dù sao vẫn phù hợp với mức giá chỉ vài trăm nghìn đồng. Bề mặt các món này đều dễ dính bụi bẩn mà lại khó lau sạch.
Chiếc bút thì có thiết kế na ná bao loại bút vẽ điện tử khác trên thị trường, đầu bút tháo ra được và không dùng pin. Phần thân thuôn dài bằng nhựa nhám, có bọc cao su để cầm chắc chắn hơn. Cảm giác vẽ bằng bút này chỉ vừa đủ dùng vì phần thân rỗng, cầm lên thấy hụt hẫng, không đầm tay. Được cái là hai nút bấm rất thích, độ nảy rõ ràng, dễ chịu.
Bút vẽ thân nhựa hơi nhẹ quá, đầu bút không tạo được ma sát nên không thật lắm.
Bù lại thì khả năng nhận diện lực nhấn cực kì tốt.
Điểm trừ lớn của bảng vẽ này là dãy phím tắt bên trái kêu rất to, bấm 1 phát là cả nhà nghe thấy nên thật sự không hợp để dùng nếu nhà nhỏ mà đông người, lại thích vẽ vời vào ban đêm.
Tương thích với hầu hết phần mềm phổ biến, chạy tốt trên Windows, MacOS và cả Android
Bảng vẽ này có thể dùng thay thế chuột ngay khi cắm vào máy tính Windows mà không cần cài đặt driver. Thậm chí, tính năng nhận diện nét bút đậm nhạt cũng hoạt động trong các ứng dụng hỗ trợ như Photoshop hay Sketchbook. Các tính năng của Windows Ink cũng được hỗ trợ hoàn hảo.
Hầu hết các ứng dụng hỗ trợ vẽ đều dùng được ngay dù chưa cài đặt phần mềm điều khiển.
Tuy nhiên, để tận dụng được hàng phím tắt bên trái bảng vẽ thì phải cài thêm phần mềm từ Gaomon. Bản gốc của phần mềm này hoàn toàn là tiếng Trung vì đây là hàng nội địa, nhưng đã có cả phiên bản tiếng Anh với tính năng y hệt (dù không phải do Gaomon biên dịch và phát triển).
Phiên bản tiếng Anh dù không phải "chính chủ" Gaomon nhưng dùng được. Tuy nhiên một số người dùng đã phản ánh tình trạng không hoạt động ổn định và lỗi vặt.
Ngoài 12 phím tắt bên trái, bảng vẽ Gaomon 1060Pro có thêm dãy 16 phím ảo phía trên mà bạn có thể gán thành các phím hay tổ hợp phím cần thiết. WeBuy đã thử dùng với Photoshop, Sketchbook và MediBang Paint Pro, bảng vẽ này tương thích rất tốt, nhận diện nét gần như hoàn hảo, độ trễ thấp dù một số phím tắt thì tùy phần mềm mới hoạt động được.
Thử vẽ fanart Én bằng MediBang Paint Pro. Vì kích thước lớn và bề mặt khá trơn nên cần rất nhiều thời gian để làm quen.
Gaomon 1060Pro chỉ tương thích với các thiết bị Android 6.0 trở lên, hỗ trợ nhận diện nét bút trong các ứng dụng tương thích như Picsart, Sketchbook... Tuy nhiên, các mẫu máy Samsung thì lại không hiện con trỏ chuột nên gần như không dùng được. Ngoại trừ dòng Note, khi mà bảng vẽ này có thể dùng thay thế bút S Pen với các tính năng gần như đều hỗ trợ, kể cả bấm nút trên thân bút để mở nhanh ứng dụng.
Gaomon 1060Pro tương thích tốt với các máy Android trừ Samsung, nhưng dòng Galaxy Note lại dùng rất tốt.
Cảm giác viết, vẽ: Ổn, nhưng vẫn khá "rẻ tiền"
Bề mặt bảng vẽ có đánh nhám thật đấy, nhưng cảm giác lướt bút vẫn giả tạo vì khá trơn, mất nhiều thời gian mới có thể làm quen. Bù lại thì khả năng nhận diện lực nhấn hoạt động hoàn hảo, nét thanh đậm thể hiện rõ ràng, chỉ thiếu khả năng nhận diện độ nghiêng thôi.
Cảm giác lướt bút không thật vì không có ma sát.
Sử dụng với các phần mềm Photoshop, MediBang Paint Pro hay Sketchbook, nét bút ra rất đều, mượt và độ trễ rất thấp, chỉ khi lướt thật nhanh mới thấy hơi chậm một chút.
Vẽ vời bằng bảng này cũng rất vui lại hợp túi tiền, nhìn chung thì vẫn là rất tốt trong tầm giá.
Vậy có đáng mua không?
Nếu chỉ so riêng về thông số trên giấy thì đúng là Gaomon 1060Pro ngang bằng, thậm chí vượt trội so với các dòng Wacom tầm giá 2 - 3 triệu đồng. Tuy nhiên, về chất lượng thành phẩm, độ tương thích, chế độ hậu mãi và nhiều khía cạnh khác thì chưa thể sánh được.
Với những ai muốn thử sức với nghề vẽ hoặc chỉ muốn “nghịch” cho vui thì bảng vẽ Gaomon 1060Pro rất đáng để thử vì giá quá rẻ. Dù vậy, cũng vì mức giá rẻ, cộng thêm việc là hàng nội địa Trung Quốc, không có chế độ bảo hành thực thụ nên bạn cần lựa chọn nơi mua kĩ càng kẻo bị lừa.
Với những ai muốn theo đuổi nghề vẽ một cách nghiêm túc thì nên lựa chọn các thương hiệu quốc tế lớn với chế độ bảo hành tốt hơn, chất lượng đảm bảo, tương thích hoàn hảo hơn và thường là còn đi kèm cả bản quyền sử dụng các phần mềm chính chủ.
Còn lựa chọn nào khác trong phân khúc siêu rẻ không?
Thương hiệu Huion cũng có vài loại bảng vẽ giá siêu rẻ nhưng tính năng kém hơn một chút.
Cùng thương hiệu Gaomon còn có thêm mẫu WH850 giá khoảng hơn 800.000 đồng, tính năng kém hơn 1060Pro chút xíu nhưng có thêm kết nối không dây. Ngoài ra, một thương hiệu khác từ Trung Quốc cũng có tiếng là Huion với vài sản phẩm bảng vẽ mini như H420 giá chỉ từ 500.000 đồng. Cao hơn một chút thì có XP-Pen Star G430S và G640, giá đều quanh mức 1 triệu đồng.
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Samsung và cuộc cách mạng AI: Hệ sinh thái toàn diện từ TV đến điện thoại di động đã thay đổi đời sống của người tiêu dùng như thế nào?
Với chiến lược toàn diện, Samsung đã sẵn sàng cho một cuộc cách mạng công nghệ tiếp theo, nơi AI đóng vai trò trung tâm. “Ông lớn" Hàn Quốc chứng minh trí tuệ nhân tạo không chỉ là một tính năng trong các thiết bị, mà còn là cốt lõi trong chiến lược đổi mới của họ.
Nhà sáng lập TSMC nhận định về Intel: Sẽ tốt hơn nếu không cố chen chân vào mảng sản xuất chip, đáng lẽ nên tập trung vào AI