Được kỳ vọng sẽ trở thành chuẩn kết nối phổ thông, USB-C lại đang gặp rất nhiều rắc rối

    Tấn Minh,  

    USB-C đã gây bối rối tột độ đối với người dùng điện thoại và laptop, khi mà 2 sợi cáp trông y hệt nhau lại truyền tải dữ liệu và điện năng ở các mức độ khác nhau.

    Bạn hẳn từng thấy loại kết nối này trên một số thiết bị mới mua thời gian gần đây. Cáp USB-C là một sợi cáp tuyệt vời. Nó có thể truyền tải dữ liệu, điện năng, video, audio, và mọi hãng sản xuất đều có thể ứng dụng nó - không như cáp Lightning độc quyền của Apple. Mọi người đều kỳ vọng USB-C sẽ trở thành một chuẩn kết nối phổ thông. Nhưng chờ chút. Bạn có bao giờ thắc mắc tại sao sợi cáp USB-C này lại có giá cao hơn rất nhiều so với sợi cáp USB-C khác? Và tại sao sợi cáp này lại truyền tải dữ liệu và điện năng chậm hơn sợi kia? Hai sợi cáp trông tương đồng nhau lại khác nhau đến thế, có lý do gì chăng?

    Dù đã xuất hiện được nhiều năm, vẫn có nhiều điều khó hiểu xoay quanh USB-C. Nó được tạo ra với mục tiêu trở thành một chuẩn kết nối phổ thông, làm cầu nôi giữa điện thoại, máy tính, các loại củ sạc, và các phụ kiện khác. Nhưng nó lại có một điểm trừ lớn. Cái tên USB-C ám chỉ một dạng cổng kết nối vật lý chứ không phải một giao thức. Ngay cả khi hai sợi cáp USB-C có đầu nối vật lý như nhau, điều diễn ra bên trong hai sợi cáp đó lại có thể rất khác biệt. Giao thức, hay thông số, quyết định những thứ cáp có thể truyền thay và tốc độ khi truyền tải. Một sợi cáp USB-C có thể có tốc độ bằng USB 3.1, 3.0, hay 2.0. 

    Một số sợi cáp USB-C thậm chí còn là USB 3.1 thế hệ 2 nữa. Có nghĩa là chúng có thể được dùng để truyền tải một bộ phim HD chỉ trong vòng 5 giây, với tốc độ khoảng 10 gigabits/s. Nhưng, bạn cũng có thể thấy một sợi cáp USB-C khác chậm chẳng khác gì rùa bò với thông số USB 2.0. Truyền tải bộ phim HD noi trên sẽ mất gần 2 phút ở tốc độ 480 megabits/s. Sợi cáp USB-C mà bạn thường dùng để sạc điện thoại có lẽ chẳng nhanh như sợi cáp đi kèm với ổ cứng gắn ngoài mới nhất của mình. 

    Khó hiểu hơn nữa, một số sợi cáp USB-C có thể dùng chung với một màn hình thứ hai, trong khi số khác không hề có khả năng truyền tải tín hiệu video như vậy. Bạn có thể dễ dàng...loạn não nếu cầm nhầm hai sợi cáp khác nhau, và mọi thứ có thể càng phức tạp hơn nữa khi bạn sử dụng adapter để chuyển từ USB-C sang một kết nối khác, như jack headphone chẳng hạn. Không phải mọi adapter đều như nhau. Một adapter headphone đi kèm với điện thoại chưa chắc có thể hoạt động với một chiếc điện thoại đến từ một công ty khác!

    Vậy những điều nói trên gây ra nguy hại gì? 

    Cáp USB-C còn dùng để truyền tải điện năng. Sự việc sẽ phức tạp hơn nhiều khi bạn muốn dùng một sợi cáp để truyền đúng lượng điện năng nhất định đến thiết bị của mình. Nhiều smartphone và laptop có thể sạc được qua USB-C, nhưng lượng điện năng mà những sợi cáp đó có thể truyền tải lại không giống nhau. Trong một số trường hợp, một chiếc laptop có thể đòi hỏi lượng điện năng gấp đôi so với một chiếc smartphone. Hậu quả của việc sử dụng nhầm cáp có thể rất nguy hiểm. Không chỉ khiến quá trình sạc chậm đi, nếu bạn kết nối một thiết bị USB-C vào một chiếc laptop vốn đòi hỏi nhiều năng lượng hơn mức cổng USB-C có thể đáp ứng, có khả năng cổng đó sẽ ngừng hoạt động hoàn toàn. Vào năm 2016, một kỹ sư Google đã thử nghiệm nhiều sợi cáp USB-C từ đủ hãng sản xuất mà anh này mua từ Amazon. Một sợi cáp trong số đó đã khiến chiếc Pixelbook của anh ngừng hoạt động. Nhưng tại sao các công ty lớn như Google và Apple lại hỗ trợ một cổng kết nối đầy trở ngại như vậy?

    Được kỳ vọng sẽ trở thành chuẩn kết nối phổ thông, USB-C lại đang gặp rất nhiều rắc rối - Ảnh 1.

    Cáp USB-C lẽ ra phải có một bộ phận an toàn tích hợp bên trong để ngăn các thiệt hại có nguy cơ xảy ra. Nếu chúng được dùng trên một thiết bị không hỗ trợ mức điện năng tối đa chúng mang lại, sợi cáp sẽ có thể giúp thiết bị được an toàn. Nhưng đôi lúc các nhà sản xuất sẽ... lược bỏ bộ phận an toàn này để giảm giá thành. Những sợi cáp không đáp ứng tiêu chí của chuẩn USB-C có thể gây thiệt hại nghiêm trọng cho thiết bị của bạn. Nhưng cần nhắc lại rằng, mọi chuyện tồi tệ chỉ xảy ra khi sợi cáp bạn dùng không có cơ chế an toàn nào.

    Vậy bạn có thể làm gì để hạn chế sử dụng sai cáp? Luôn mua cáp từ các nhãn hiệu đáng tin cậy, đọc kỹ miêu tả và đánh giá sản phẩm, và đảm bảo mọi người khác đang sử dụng sợi cáp đúng loại bạn cần trong trường hợp cần mượn. Bạn cũng có thể gắn nhãn lên các sợi cáp để tránh nhầm lẫn với một sợi cáp tương tự khác. Cuối cùng, chỉ nên dùng sợi cáp đi kèm với thiết bị nhằm tránh những "bất ngờ" không lường trước được.

    Dù có những rủi ro, USB-C vẫn thực sự mang lại nhiều giá trị hấp dẫn cho người tiêu dùng. Nó có thể được dùng trong nhiều trường hợp và không đắt đỏ như những sợi cáp độc quyền khác. Nhưng để tận dụng tốt những ưu điểm của USB-C, bạn phải biết sợi cáp của mình có thể và không thể dùng vào việc gì để không tự mình gây hại cho chính thiết bị của mình.

    Và đừng quên một lợi thế rất lớn của USB-C: bạn cắm kiểu gì cũng được!

    Tham khảo: BusinessInsider

    Tags:
    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ