Facebook tràn lan hội nhóm hướng dẫn và chia sẻ cách... bùng app vay tiền

    Anh Ngọc, Nhịp sống thị trường 

    Thời gian qua, vay tiền online trở nên phổ biến nhờ sự thuận tiện và dễ dàng. Tuy nhiên, trên mạng xã hội xuất hiện nhiều hội nhóm hướng dẫn bùng tiền vay qua ứng dụng (app) hoặc qua web.

    "Hội bùng app vay tiền online và chia sẻ cách đối phó"

    Hiện nay, trên mạng xã hội xuất hiện tràn lan các hội nhóm hướng dẫn bùng tiền vay qua ứng dụng. Mỗi nhóm đều có vài nghìn cho tài vài chục thành viên. Nhóm ít nhất có hơn 600 người và nhiều nhất có tới 86.000 thành viên với khoảng hơn bài viết trong một ngày.

    Facebook tràn lan hội nhóm hướng dẫn và chia sẻ cách... bùng app vay tiền - Ảnh 1.

    Ảnh: Chụp màn hình

    Các bài viết trong những hội nhóm này thường chia sẻ về cách trốn nợ hoặc "khoe chiến tích" đã bùng được tiền vay của những app nào. Một số bài khác của các thành viên hỏi liệu có bùng tiền vay của một app nào đó không.

    Dưới bài viết của các tài khoản này đều có hàng trăm bình luận chúc mừng và xin đường link các app này để đăng ký khoản vay, có người than đã nhiều ngày mà chưa “cày” được app nào.

    Ngoài ra, nắm được điểm yếu về sự không chính thống của những ứng dụng vay tiền online, đã có trường hợp mở dịch vụ hỗ trợ bùng tiền vay app. Đã có tài khoản Facebook đăng ở trong nhóm: “Nhận hỗ trợ bùng app phí sau. Mọi người sẽ được cho vào nhóm kín trên zalo anh chị đang được hội em hỗ trợ lưu ý chỉ hỗ trợ bùng cho những ai không đủ khả năng, trả nợ app không hỗ trợ vay app”.

    Cũng từ đó, các dịch vụ hỗ trợ trốn nợ cũng mọc lên như nấm trong những hội nhóm này như làm CMND/CCCD giả, nhận “cày” ứng dụng vay tiền online, bán tài khoản Facebook ảo, bán danh bạ giả, nhận gọi điện trấn an người thân... Với CMND giả và danh bạ mới, người vay dễ dàng vay tiền mà không sợ bị ảnh hưởng đến gia đình, người thân. Thậm chí có thành viên còn rao bán sẵn bộ hồ sơ “đẹp” để vay tiền qua app với mức chi phí nhỏ.

    Những hội nhóm chỉ cách quỵt nợ tiền vay qua app sẽ bị xử phạt như thế nào?

    Hành vi sử dụng thông tin giả mạo để vay tiền online qua app, web rồi quỵt nợ, có dấu hiệu của tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản quy định tại Điều 174 Bộ luật Hình sự năm 2015. Ngoài ra, những người kích động, xúi giục, chỉ cách lừa đảo, hoặc cung cấp những điều kiện cần thiết cho người thực hiện hành vi lừa đảo nêu trên, có thể bị xử lý hình sự với vai trò đồng phạm.

    Theo Điều 174 Bộ luật Hình sự năm 2015, người nào bằng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản của người khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng sẽ bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm nếu thuộc các trường hợp:

    - Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản mà còn vi phạm.

    - Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội.

    - Tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ.

    Ngoài ra, nếu chiếm đoạt từ 500.000.000 đồng trở lên sẽ bị áp dụng mức hình phạt cao nhất là 20 năm tù hoặc chung thân.

    Chính vì vậy, người dân nên cân nhắc và tìm hiểu kỹ các quy định thỏa thuận đối với các app tín dụng khi vay tiền, tránh gặp phải những hậu quả không đáng có. Nếu có nhu cầu vay vốn phục vụ chi tiêu cá nhân thì nên tìm hiểu từ những tổ chức tín dụng uy tín của các ngân hàng, tại đây các tổ chức nêu trên sẽ có các chính sách cụ thể về lãi suất vay, thời hạn vay, lãi vay… và có các chính sách đảm bảo điều kiện cho người dân.

    (Tổng hợp)

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ