FPT nói nhiều về robot, xe tự lái, nhưng lại không có ý định tham gia sản xuất, vậy thực chất những công nghệ này nghiên cứu để làm gì?
"Tự hành thực chất là tiến hóa của robot. Cuộc chơi mà FPT tổ chức chỉ là để cho sinh viên trải nghiệm công nghệ mới. Còn trên thực tế, các bạn sinh viên chưa thể làm được những công nghệ đó", Giám đốc công nghệ FPT nhận định.
Sáng nay (8/5), Cuộc Đua Số - cuộc thi lập trình điều khiển xe không người lái và đua xe trên sa hình mô phỏng đường phố thật đầu tiên tại Việt Nam dành cho sinh viên Đại học trên cả nước đã đi đến vòng chung kết.
Tới dự "Lễ công bố Vòng chung kết Cuộc thi Cuộc Đua Số", ông Lê Hồng Việt - Giám đốc công nghệ FPT phát biểu:
"Thời gian gần đây, chủ đề xe tự lái trở nên "nóng" vì từ các ông lớn như Google, Apple... đến Tesla đều tham gia. Các cuộc cách mạng công nghiệp truớc đây có tàu lửa, máy bay, giờ tới lúc người ta quay lại với... ô tô. Khi ô tô tự lái được thì hệ thống thông minh cũng có những tính năng gần như con người".
Theo ông Việt, công nghệ xe tự lái nói chung có 5 cấp độ. Thế giới đang ở giữa cấp độ 3, một số công ty như Tesla đang ở mức cho ô tô tự lái trên đường cao tốc, và còn rất lâu nữa để hoàn toàn tự động hóa.
Nói về công nghệ xe tự lái ở FPT, ông Lê Hồng Việt cho biết, hiện tại Tập đoàn đang triển khai một số dự án liên quan đến công nghệ xe tự hành cho các khách hàng lớn trong lĩnh vực automotive như:
- Quay video hàng trăm nghìn km các cung đường cao tốc trên khắp thế giới rồi tag các thành phần hiển thị trong video - đây là công đoạn rất quan trọng trong phát triển trí tuệ nhân tạo, phục vụ việc học máy, đặc biệt là deep learning.
- Phát triển các thiết bị giao tiếp gắn trong xe (gọi là gateway), các thiết bị này sẽ kết nối xe với cloud, đảm bảo xe luôn luôn được kết nối với internet qua đường 4G/LTE.
- Đưa các thông tin thu nhận được từ hệ thống tự lái (từ các camera và cảm biến) lên trên cloud cho các trung tâm xử lý.
- Người dùng có thể liên hệ với trung tâm xử lý khi có trường hợp khẩn cấp, sau đó dựa vào các thông tin đưa lên server trung tâm sẽ đưa ra hướng xử lý hoặc trung tâm sẽ tự động đề xuất cho người dùng trong trường hợp phát hiện có vấn đề hoặc hiểu được khách hàng. Ví dụ như động cơ xe có vấn đề thì trung tâm sẽ khuyến cáo và gửi danh sách các trạm sửa chữa gần nhất để xe đến sửa chữa...
Ngoài ra FPT cũng tham gia các dự án về công nghệ giao tiếp giữa ô tô với các thiết bị thông minh như giữa các ô tô với nhau, với thiết bị thông minh thông qua các công nghệ như V2X, V2Home...
Trả lời câu hỏi từ phóng viên: "FPT nói nhiều về robot, xe tự hành, nhưng lại không có ý định tham gia sản xuất, vậy thực chất những công nghệ này nghiên cứu để làm gì?", ông Việt cho hay:
"Tự hành thực chất là tiến hóa của robot. Cuộc chơi mà FPT tổ chức chỉ là để cho sinh viên trải nghiệm công nghệ mới. Còn trên thực tế, các bạn sinh viên chưa thể làm được những công nghệ đó.
Còn ở FPT, chúng tôi nghiên cứu để làm chủ công nghệ và ứng dụng vào nhiều sản phẩm khác nhau. Ví dụ cuộc thi dùng công nghệ giọng nói năm 2015, chúng tôi có những kho dữ liệu về giọng nói khổng lồ. Công nghệ Text to Speech mà chúng tôi xây dựng có thể tự tin làm tốt hơn Google về Tiếng Việt".
Liên quan tới cuộc thi Cuộc Đua Số, ngày 10/5 tới đây, tại nhà thi đấu Cầu Giấy - Hà Nội, 8 nhóm sinh viên đến từ 8 trường đại học trên cả nước sẽ thi đấu trận cuối cùng của cuộc thi công nghệ điều khiển xe không người lái đầu tiên tại Việt Nam.
"Những thách thức công nghệ trong Cuộc Đua Số 2016 - 2017 là bước khởi đầu cho việc bắt kịp với xu hướng của thế giới.
Trong các năm sau, những thách thức này sẽ tiếp tục được nâng cao để phù hợp với sự phát triển của công nghệ trong lĩnh vực tự hành trên thế giới. Và sau 5 năm, từ Cuộc Đua Số, những thiết bị tự hành được phát triển bởi trí tuệ Việt Nam có thể ứng dụng trong thực tế cuộc sống", Giám đốc công nghệ FPT nhận định.
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Google: Giải được bài toán 10 triệu tỷ tỷ năm chỉ trong 5 phút, chip lượng tử mới là bằng chứng về đa vũ trụ
Điều đáng ngạc nhiên hơn cả là nhiều người trên cộng đồng mạng thế giới lại đang đồng tình với kết luận của Google.
Gần 2025 rồi mà vẫn dùng USB để lưu công việc thì quả là lỗi thời