Galaxy Note7 phát nổ: “Lửa thử vàng” nhà thừa kế Samsung

    PV,  

    Mẫu điện thoại Galaxy Note7 lỗi được xem là phép thử khốc liệt đối với khả năng lãnh đạo của Lee Jae-yong, người thừa kế tập đoàn Samsung.

    Sau nhiều cuộc điện thoại với Giám đốc mảng di động của Samsung D.J. Koh, Lee Jae-yong đã quyết định khai tử mẫu Galaxy Note7. Động thái này cũng dập tắt hy vọng đặt vào mẫu điện thoại được xem là sẽ giúp Samsung lật đổ iPhone mới của Apple, một nguồn thạo tin Samsung trả lời Nhật báo phố Wall.

    Thay vào đó, mẫu điện thoại cứ đột nhiên phát nổ này đã trở thành một gánh nặng, đẩy Samsung vào một vụ khủng hoảng hình ảnh.

    Hôm thứ Ba, Samsung đã khuyến cáo tất cả người dùng Galaxy Note7 trên toàn cầu ngay lập tức tắt nguồn máy.

    Quyết định của ông Lee được đưa ra một tháng sau lệnh triệu hồi 2,5 triệu thiết bị đầu tiên của Samsung.

    Tập đoàn đã tiêu tốn hơn 4 tỷ USD, bao gồm chi phí thu hồi và doanh số thất thoát, theo ước tính của các chuyên gia. Như vậy, có khả năng toàn bộ lợi nhuận mảng di động trong cả quý đã “vỗ cánh bay”.

    Nguồn tin cho hay ông Lee vội vãi hối thúc thu hồi Note7 để dập tắt tác hại tiềm tàng đối với danh tiếng của tập đoàn. Ông đã chỉ đạo vượt cấp các lãnh đạo có trách nhiệm trong việc này, sau khi họ lấp liếm bằng cách báo cáo giảm tỷ lệ máy phát nổ.

    Cuối tháng Chín, một số đầu báo đưa tin các máy mà Samsung chuẩn bị tung ra để thay thế máy thu hồi cũng có tình trạng tương tự.

    Ban đầu, ông Lee vẫn ngần ngừ và muốn xuất xưởng máy bất chấp tin đồn. Tuy nhiên sau khi một máy bay của Southwest Airlines phải sơ tán vì điện thoại Samsung đột nhiên bốc khói, thì ông bắt đầu nghĩ tới việc ngừng sản xuất hoàn toàn Note7.

    Khi làm việc với ông Koh, ông Lee cho rằng lệnh bắt khách tắt nguồn Note7 trong cả hành trình bay của hàng không Mỹ sẽ bôi nhọ hình ảnh của tập đoàn.

    Chuyên gia Mark Newman tại công ty Sanford C. Bernstein & Co ở Hong Kong cho rằng để bảo vệ hình ảnh thương hiệu, Samsung cần hành động “nhanh gọn và dứt điểm”. Thậm chí, ông còn cho rằng Samsung nên khai tử luôn cả dòng Galaxy Note.

    Samsung đã có trong tay mẫu Galaxy S chủ đạo bán chạy hơn rất nhiều lần so với Galaxy Note với tỷ lệ xấp xỉ 3:1

     Lee Jae-yong đã quyết định khai tử mẫu Galaxy Note7.

    Lee Jae-yong đã quyết định khai tử mẫu Galaxy Note7.

    Bê bối của Note7 xảy ra khi Samsung đang gượng dậy sau hai năm lợi nhuận giảm sút. Cổ phiếu công ty đang ở đỉnh cao mọi thời đại.

    Nhưng ngay sau lệnh ngừng sản xuất vào thứ Ba, cổ phiếu hãng giảm 8%, mạnh nhất tám năm. Galaxy Note7 của Samsung bị ngừng bán là tin vui mùa bán hàng ngày lễ của các công ty đối thủ như Huawei và Apple.

    Ngay đến cả Google – nhà sản xuất Android, hệ điều hành của hầu hết điện thoại Samsung – cũng đang tìm đường quay trở lại thị trường smartphone.

    Chưa hết, quỹ đầu tư Elliott Management mới đây đã lật lại yêu cầu Samsung chia tách công ty con số một của mình và trả khoản cổ tức 27 tỷ USD cho các cổ đông.

    Elliott kêu gọi chia Samsung Electronics thành một công ty kinh doanh và một công ty holding (chủ cổ phần), đồng thời sáp nhập công ty holding nói trên với Samsung C&T.

    Là một công ty con của tập đoàn Samsung chuyên trách về lĩnh vực xây dựng, Samsung C&T hiện đang là phương tiện đầu tư chính của ông Lee.

    Chiến dịch này được Elliott Management phát động ngay trước thềm đại hội đồng cổ đông của Samsung được tổ chức vào cuối tháng 10. Người ta cho rằng ông Lee sẽ lần đầu tiên giành một ghế trong hội đồng quản trị thông qua cuộc bỏ phiếu.

    Hiện tại, Lee Jae-yong đang là nhà điều hành trực tiếp của Samsung sau khi chủ tịch Lee Kun-hee phải nhập viện vì đau tim vào năm 2014.

    Trái với sự xông xáo của cha trong các quyết định chủ chốt của tập đoàn, Lee Jae-yong giữ thái độ kín kẽ.

    Giữa những năm 1990, ông Lee Kun-hee đã thẳng tay cho đốt 150.000 chiếc điện thoại Samsung bị lỗi và bắt 2.000 nhân viên chứng kiến. Sau đó, ông điều xe lu đến ủi nát đống tro tàn.

    Ngược lại, Lee Jae-yong chú tâm hơn tới đường hướng vĩ mô của cả tập đoàn, ví dụ như cải cách cấu trúc sở hữu chéo chằng chịt của tập đoàn gia đình. Những quyết định vi mô liên quan đến chiến lược cho từng mảng được ông Lee giao cho các giám đốc cấp dưới như Koh.

    Mặc dù từ khi bê bối diễn ra, ông Lee khá kín tiếng và không nhận trả lời phỏng vấn báo chí, có một số dấu hiệu cho thấy ông sẽ xuất hiện nhiều hơn, nhất là sau đại hội đồng cổ đông sắp tới.

    Nếu giành đủ số phiếu vào ban quan trị, ông sẽ có quyền hạn về mặt pháp lý đối với tập đoàn hơn. Trước đây, các quyết sách ông đưa ra chủ yếu được thực hiện thông qua các kênh không chính thống, nguồn tin cho hay.

    Theo người đồng hành

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ