Liệu các hãng làm game ngày nay có quá lạm dụng quảng cáo "bẩn"?

    PV, Minh Tiến 

    Quảng cáo từ lâu đã là một phương thức marketing được sử dụng rộng rãi trong mọi ngành công nghiệp và hầu hết các công ty. Ngành công nghiệp game không phải là một ngoại lệ. Tuy nhiên nhiều hãng đã lợi dụng quảng cáo không chỉ để tạo chỗ đứng cho sản phẩm của mình mà còn phá hoại hình ảnh của đối thủ cạnh tranh trong mắt khách hàng.

    Nhiều người sẽ cho rằng dùng cách quảng cáo như vậy cũng chẳng có gì sai. Nhưng nếu những sản phẩm bị phá hoại hình ảnh lại chính là nguyên nhân dẫn đến sự ra đời hay sự thành công của sản phẩm được quảng cáo, đó lại là vấn đề.
     
    Trong các quảng cáo của PSP mới đây, Sony luôn tìm cách chế giễu game trên di động, đặc biệt là iPhone. Thông điệp được Sony đưa ra là các game di động luôn "dở tệ" và không thể so sánh với những trải nghiệm game trên PSP.
     
     
    Cùng thời điểm những quảng cáo trên ra đời, dịch vụ phân phối điện tử PlayStation Minis của Sony cũng đạt được những thành công to lớn về mặt doanh số. Dịch vụ này có nhiều điểm tương đồng với iTunes App Store của Apple. Tuy không nói ra, ai cũng biết rằng nếu không có sản phẩm của Apple thì ý tưởng ra đời của Minis thậm chí còn không tồn tại. Sony đã tìm cách hạ thấp sản phẩm của chính hãng đã khơi dậy ý tưởng kinh doanh cho mình, và đây rõ ràng là một hành động không lấy gì làm tốt đẹp.
     
    Cách quảng cáo của Sony không hề mới. Sega cũng đã từng có một chiến dịch marketing tương tự nhằm vào Nintendo với mục đích làm giảm giá trị của đối thủ cạnh tranh trực tiếp với mình. Đáng buồn thay, phương thức marketing mà Sony đang sử dụng cũng trở thành chiêu bài của nhiều hãng phát hành game nhằm thu hút sự chú ý của cộng đồng đối với những tựa game "sinh sau đẻ muộn".
     
    Grand Theft Auto 4 của Rockstar là một tựa game vô cùng thành công với 17 triệu đĩa bán ra trên toàn thế giới. Sự nổi tiếng của series game này đã làm cho THQ và Volition - những nhà sản xuất Saints Row 2 - cảm thấy lo ngại và họ quyết định làm quảng cáo nhằm giảm tiếng tăm của Grand Theft Auto.
     
     
    Đoạn video quảng cáo của THQ có so sánh những việc người chơi được làm trong Grand Theft Auto 4 với những gì mà họ sẽ được thực hiện trong Saints Row 2. Tiêu biểu là so sánh giữa việc xem tivi trong game Grand Theft Auto với rất nhiều hoạt động sôi nổi và cuốn hút của Saint Row. Ý nghĩa của đoạn quảng cáo này là khá rõ ràng, khẳng định Saint Row 2 có một môi trường thú vị và không hề "nhàm chán" như Grand Theft Auto 4.
     
    Activision cũng marketing game đua xe Blur với phương thức tương tự. Một cậu bé đang tham gia cuộc đua xe với các nhân vật hoạt hình ngộ nghĩnh bỗng nhìn nhìn thấy và bị cuốn hút vào một cuộc đua xe với đồ họa thực tế, tốc độ cao và những màn bắn súng đẹp mắt của Blur. Đây rõ ràng là quảng cáo nhằm vào Mario Kart, tựa game đua xe trên nền đồ họa hoạt hình nhẹ nhàng.
     
     
    Activision buộc phải dùng cách quảng cáo không đẹp này, bởi những gì Mario Kart làm được là quá ấn tượng: 22.5 triệu bản và vẫn luôn xuất hiện trong top 20 game bán chạy nhất trong tất cả các tháng kể từ ngày đầu ra mắt. Tuy nhiên liệu trong số những người chơi Mario Kart, có bao nhiêu người sẽ chuyển sang chơi Blur khi mà đã bị giễu cợt một cách gián tiếp qua đoạn video quảng cáo trên?
     
    Cả hai quảng cáo của BlurSaints Row 2 đều mang tính sáng tạo và hài hước. Chúng còn cùng có mục đích tấn công những tựa game cạnh tranh trực tiếp với mình. Nhưng không thể phủ nhận BlurSaints Row 2 đều thừa hưởng những ý tưởng từ chính đối thủ. Nếu không có sự thành công của Mario Kart, có thể Blur đã trở thành một game hoàn toàn khác.
     
     
    Nếu không có Grand Theft Auto, Saints Row thậm chí có thể không tồn tại. Thay vì hạ thấp những sản phẩm truyền ý tưởng cho chúng, BlurSaints Row 2 nên tỏ ra biết ơn, hay chí ít là không lôi những sản phẩm đó vào quảng cáo của mình.
     
    Một game được xây dựng từ những ý tưởng có sẵn hoàn toàn không phải là xấu. Nó có thể bổ sung thêm những tính năng mới để tạo ra những trải nghiệm thú vị hơn. Saints Row, Blur và nhiều tựa game PSP khác đều đã chứng tỏ được điều này. Đó là những game có những trải nghiệm riêng, thú vị theo một cách rất riêng.
     
     
    Vì vậy, các hãng làm game không nhất thiết phải hạ thấp những tựa game khác để sản phẩm mình có được sự chú ý. Họ chỉ cần đưa ra những lí do khiến game của mình lôi cuốn, và người chơi sẽ tìm đến với họ.
     

    NỔI BẬT TRANG CHỦ