Game thủ chuyên nghiệp sau khi giải nghệ: Người tiếp tục gắn bó với gaming, kẻ vất vả tìm kiếm công việc mới

    Z-Lion,  

    Kết thúc sự nghiệp ở độ tuổi còn khá trẻ nhưng không phải game thủ nào cũng đủ bản lĩnh và may mắn để tiếp tục theo đuổi đam mê của mình.

    Đối với giới game thủ chuyên nghiệp thì 25 chính là độ tuổi giải nghệ trung bình, khá trẻ so với đa số các ngành nghề khác. Những chuyên gia trong lĩnh vực gaming cho rằng độ tuổi này là lúc khả năng phản xạ của game thủ bắt đầu có dấu hiệu đi xuống và sẽ tạo ra bất lợi khi thi đấu, nhất là với những tựa game bắn súng góc nhìn thứ nhất (fps). 

    Tuy nhiên, điều mà ít ai biết (hoặc không mấy quan tâm) chính là cuộc sống của game thủ sau khi giải nghệ. Các game thủ sẽ ra sao, sẽ phải làm gì để tiếp tục cuộc sống của mình khi kết thúc sự nghiệp ở lứa tuổi “lưng chừng xuân” như vậy, trong khi vẫn còn cả một tương lai rất dài ở phía trước?

    Game thủ chuyên nghiệp sau khi giải nghệ: Người tiếp tục gắn bó với gaming, kẻ vất vả tìm kiếm công việc mới - Ảnh 1.

    Giải nghệ ở độ tuổi còn khá trẻ, các game thủ sẽ làm gì để tiếp tục cuộc sống của mình?

    Cũng giống như những môn thể thao khác, có rất nhiều con đường để các “cao thủ” trong làng gaming tiếp tục gắn bó với bộ môn mình yêu thích kể cả sau khi giải nghệ. Với những game thủ huyền thoại có kĩ năng chuyên môn cao, họ hoàn toàn có thể trở thành huấn luyện viên hoặc chuyên viên phân tích cho một đội tuyển esport chuyên nghiệp.

    Masumi Fukuda, tổng biên tập tạp chí Game Star cho biết: “Gaming và esport thực chất cũng giống các môn thể thao khác, như bóng chày chẳng hạn. Các cầu thủ nổi tiếng hoàn toàn có thể trở thành quản lý đội bóng hoặc thậm chí là huấn luyện viên sau khi giải nghệ”.

    Bên cạnh đó, một xu hướng nghề nghiệp khác cũng rất phổ biến đối với giới game thủ chính là trở thành các nhà tổ chức sự kiện cho những người chơi khác. Ngoài ra, họ còn có thể đóng vai trò bình luận viên (caster) - một nhân tố không thể thiếu trong những giải đấu chuyện nghiệp.

    Game thủ chuyên nghiệp sau khi giải nghệ: Người tiếp tục gắn bó với gaming, kẻ vất vả tìm kiếm công việc mới - Ảnh 2.

    Trở thành huấn luyện viên esport hoặc bình luận viên cho các giải đấu gaming là những lựa chọn phổ biến nhất đối với các game thủ chuyên nghiệp sau khi giải nghệ.

    Trong vài năm trở lại đây, với sự phát triển bùng nổ của công nghệ và các dịch vụ trực tuyến, những game thủ giải nghệ có thể tiếp tục sự nghiệp gaming bằng cách trở thành streamer để tận dụng lượng fan đông đảo vốn có của mình. Streamer là một thuật ngữ mới xuất hiện (có lẽ bắt nguồn từ tính năng Live Stream trên các nền tảng mạng xã hội ngày nay). Đây là những người phát sóng trực tiếp quá trình chơi game của mình trên YouTube hoặc Twitch và kiếm thu nhập từ quảng cáo, những thuê bao trả phí (đối với Twitch) cũng như từ sự ủng hộ, quyên góp của fan.

    Mặc dù streamer được đánh giá là một trong những công việc mang đến thu nhập cao nhất hiện nay cho game thủ, nhưng để trở thành một streamer giỏi, nổi tiếng lại là một câu chuyện hoàn toàn khác. Bởi vì ngoài kĩ năng chơi game điêu luyện ra, điều quan trọng nhất giúp streamer thu hút người xem chính là khiếu trò chuyện, bình luận hài hước hoặc lôi cuốn của mình.

    Một số thống kê cho thấy những streamer hàng đầu thế giới như Dr. DisRespect hay Tyler “Ninja” Blevins đã nhận được hàng nghìn USD do fan đóng góp trong quá trình stream game trên Twitch. Mới đây, Ninja còn gây sốt khi cùng với nam rapper đình đám Drake chinh phục tựa game ăn khách Fortnite với lượng người xem kỷ lục lên đến hơn 600.000 lượt theo dõi. Không ít người yêu thích chơi game đã tìm đến những kênh stream “ăn khách” này để học hỏi kinh nghiệm hay đơn giản chỉ là thư giãn cuối ngày.

    Game thủ chuyên nghiệp sau khi giải nghệ: Người tiếp tục gắn bó với gaming, kẻ vất vả tìm kiếm công việc mới - Ảnh 3.

    Ninja cũng như các streamer khác có thể kiếm bộn tiền từ việc stream game trên Twitch hoặc YouTube.

    Ngoài ra, có một bộ phận nhỏ game thủ chuyên nghiệp đã thu về nguồn lợi nhuận khổng lồ trong suốt sự nghiệp thi đấu của mình. Vì thế, vấn đề về tài chính không thực sự tạo ra áp lực cho họ kể cả sau khi đã giải nghệ. 

    Ví dụ, tổng chi phí giải thưởng cho một giải đấu “Dota 2” trong năm 2017 rơi vào mức 24.7 triệu USD, cao nhất trong lịch sử esport theo thống kê của trang esportsearnings.com. Trong đó, giải nhất trị giá 10.8 triệu USD đã thuộc về 5 thành viên của đội tuyển Liquid, đồng nghĩa với việc mỗi người bỏ túi đến hơn 2.1 triệu USD.

    Game thủ chuyên nghiệp sau khi giải nghệ: Người tiếp tục gắn bó với gaming, kẻ vất vả tìm kiếm công việc mới - Ảnh 4.

    Tổng giải thưởng cực "khủng" của Dota 2 trong 4 năm gần đây.

    Tuy nhiên, một game thủ giấu tên đã từng cay đắng chia sẻ rằng đó mới chỉ là mặt tích cực mà không phải ai sau khi giải nghệ cũng có thể đạt được. Những game thủ chuyên nghiệp thường phải bỏ học từ rất sớm để tập trung toàn bộ tinh thần và kĩ năng cho môi trường esport. Đây vẫn luôn được coi là canh bạc “được ăn cả, ngã về không” bởi nếu không thể trụ lại trong ngành công nghiệp gaming sau khi kết thúc sự nghiệp thi đấu, chắc chắn họ sẽ gặp rất nhiều khó khăn để tìm kiếm một công việc mới phù hợp với mình.

    Game thủ này cho biết: “Tất nhiên là một số người vẫn có thể duy trì cuộc sống bằng các công việc bán thời gian không liên quan đến gaming. Tuy nhiên, đa số những người khác đều lâm vào tình trạng thất nghiệp”. Đó chính là những vấn đề chưa được giải quyết triệt để trong ngành công nghiệp còn rất non trẻ này. 

    Game thủ chuyên nghiệp sau khi giải nghệ: Người tiếp tục gắn bó với gaming, kẻ vất vả tìm kiếm công việc mới - Ảnh 5.

    Nếu không cực kỳ thành công, các game thủ sẽ gặp rất nhiều khó khăn để có thể tìm kiếm công việc mới sau khi giải nghệ.

    Mới đây, Liên đoàn eSport quốc tế (có trụ sở tại Hàn Quốc) đã quyết định sẽ thành lập “Học viện eSport” để đào tạo những kĩ năng nghề nghiệp khác cho game thủ, giúp họ có nhiều lựa chọn trong tương lai hơn sau khi giải nghệ.

    Leopold Chung, tổng thư ký của liên đoàn này cho biết: “Chỉ có game thủ đẳng cấp nhất mới có cơ hội thành công trong lĩnh vực gaming sau khi giải nghệ. Vậy còn đại đa những game thủ còn lại thì sao? Học viện của chúng tôi sẽ đào tạo để giúp họ trong công việc mới cũng như trong quá trình chuyển đổi ngành nghề”.

    Nobuyuki Umezaki, CEO của đội tuyển esport Nhật Bản DetonatioN Gaming cũng mong muốn có thể giải quyết vấn đề này. Ông cho biết: “Các công ty game tại Nhật thường chia sẻ với tôi rằng họ gặp rất nhiều khó khăn trong việc tìm kiếm nhân sự phù hợp. Là công ty chuyên về game, họ muốn nhân viên của mình phải hiểu sản phẩm mà họ tạo ra. Vì thế, tôi hi vọng có thể thiết lập một hệ thống đào tạo các cựu game thủ chuyên nghiệp và đề cử họ cho những công ty này. Tôi nghĩ đây là chiến lược cực kỳ hợp lí ở thời điểm hiện tại, trong bối cảnh mà Nhật đang phải đối mặt với vấn đề thiếu hụt nguồn lao động”.

    Theo Asia.Nikkei

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ