Gặp gỡ "bố già" trong ngành sản xuất tin fake: Gã đàn ông khiến cả thế giới phải chao đảo chỉ với vài con chữ
Christopher Blair là một trong những kẻ có khả năng tạo ra một tin fake như thật, và từ đó dấy lên trận chiến giữa những faker và kẻ đi "bóc phốt".
- Cùng nghe cựu CEO Google, Eric Schmidt, nói về 3 thất bại lớn mà các startup công nghệ hay gặp phải
- Chuyện chỉ có ở Trung Quốc: Vận động viên gian lận đường chạy marathon bằng cách chạy tắt qua dải phân cách cho nhanh
- "Cãi nhau" 30 phút trên sóng truyền hình chưa đủ, lãnh đạo Fastgo và TS. Lương Hoài Nam tiếp tục "khẩu chiến" trên Facebook, mới nửa ngày đã "đá qua lại" gần 400 bình luận
Christopher Blair, như mọi ngày, tay cầm cốc cafe, mắt nhìn chăm chú vào 3 chiếc màn hình trước mặt.
Blair đang ở trong phòng làm việc - chính là căn hộ của y, nằm ở ngoại ô cách Portland, Maine (Hoa Kỳ) khoảng 45 phút lái xe. Gã uống thêm một ngụm cafe, quan sát thanh bookmark, hít một hơi thật sâu, rồi bắt đầu đăng nhập vào một trong những website được đính lên đó.
Christopher Blair
Đầu gã bắt đầu hoạt động. Ngày hôm nay, ai sẽ là người "may mắn" được... lên thớt? Bill Clinton? Hillary Clinton? Nhà Obama? Mà chẳng cần phải là người, là chính sách thôi cũng được. Luật kiểm soát súng đạn? Cảnh sát đánh người? Hay nữ quyền? Bất kỳ thứ gì, miễn là gây được sự chú ý.
Kế đến là đi vào chi tiết. Đầu gã tiếp tục "nảy số", có thể là một câu chuyện gây tranh cãi, một vụ án nào đó, một điều luật mới, hoặc một nghị định chính phủ được sửa đổi. Từ trước đến giờ, gã đã quá quen với việc "sửa hộ" luật cho chính phủ Mỹ. Gã đã chế ra đến 30 cái nghị định giả, trong khi bản thật cũng chỉ có 27 cái thôi.
Blair bắt đầu tập trung, người hướng về phía trước, tay lướt trên bàn phím như những gì gã vẫn làm mỗi ngày. Và...
Tin Sốc: Tàu chở hàng của Quỹ Clinton Foundation bị bắt tại cảng Baltimore, đang chở ma túy, súng đạn và nô lệ tình dục
Christopher Blair
Những con chữ tiếp tục tuôn ra. Không cần dữ liệu thực tế, không cần nghiên cứu, không cần thông tin, chẳng cần gì cả. Ngón tay của gã lướt trên bàn phím, thành từng từ, từng đoạn, và một bài viết dài khoảng 200 chữ ra đời. Chẳng tốn mấy thời gian.
Không buồn đọc lại, gã bấm nút "Đăng tải", ngả người ra sau rồi nhìn số like và share tăng dần.
Cách đó 5000km, tại một thị trấn nhỏ cách thủ đô Brussels của Bỉ 1h lái xe có một văn phòng khác, nằm dưới tầng hầm của một căn hộ giống với Blair. Đó là nơi ở của Maarten Schenk.
Phía bên ngoài, lũ trẻ nhà Schenk đang chơi, tận hưởng khí trời ấm áp dễ chịu của một buổi chiều mùa hạ. Còn dưới hầm, Schenk đang ngồi tại bàn làm việc đặt trong góc, trước mặt là 3 cái màn hình, cũng giống với Blair.
Ông chợt nhận ra có điều không ổn trên một góc màn hình. Cả nước Mỹ đang dậy sóng, rất nhiều người truy cập vào một website. Câu chuyện từ website ấy đang được chia sẻ dữ dội trên Facebook và vô số các trang mạng xã hội khác.
Maarten Schenk
Rất nhanh chóng, Schenk đăng nhập vào một trong những website của mình. Nhiệm vụ của ông là nói với cả thế giới rằng thứ mọi người đang thấy - trong trường hợp này là con tàu của Quỹ Clinton Foundation - là hoàn toàn bịa đặt
Tin ấy là giả, 100% giả mạo!
Bố già trong "ngành" Fake news
Christopher Blair lớn lên tại Lowell, Massachusetts. Gã có một người cha dượng từng là ứng viên thượng viện của đảng Dân chủ.
Thời còn trẻ, Blair làm công nhân xây dựng trong hơn 20 năm, khiến sức khỏe bị tổn hại khá nghiêm trọng. Đến cuối những năm 2000, suy thoái kinh tế ập đến khiến Blair buộc phải tìm một nguồn thu nhập khác, và gã chọn viết blog chính trị.
Blair thích viết. Gã biết rằng mình có biệt tài biến những câu chuyện trở nên thật sống động. Gã viết và viết, cảm thấy thật tự do vì được nói những gì mình muốn - như tranh luận về các chính sách của chính phủ. Nhưng dù vui vẻ bao nhiêu thì gã cũng sớm nhận ra một sự thật, đó là blog không trả tiền cho gã.
Blair bắt đầu suy nghĩ, và gã quyết định thử một chiến thuật khác. Gã viết những câu chuyện bịa đặt sao cho giống y như thật: có cả tiêu đề, nội dung thật sống động. Mọi thứ đi từ cái đầu gã xuống dưới bàn phím, thành những con chữ trên màn hình, rồi xuất hiện trên mạng.
Khi thấy hàng trăm ngàn người thích và chia sẻ bài viết của mình, gã cũng cảm thấy bản thân có được chút giá trị. Và thực tế thì rõ ràng mọi người thích những câu chuyện bịa của gã, hơn là các bài về quan điểm và đúng sự thật.
Vợ của Blair chẳng mấy quan tâm. Bà cho rằng gã chỉ phí thời gian, và chúng chẳng đem lại điều gì. Nhưng tiếc là bà đã nhầm. Khi các tin tức giả được người đọc quan tâm, gã bắt đầu sử dụng nền tảng của Google để thu tiền quảng cáo. Đến năm 2014, Blair bỏ việc, chỉ ngồi nhà viết tin thôi.
"Khi việc viết lách bắt đầu hái ra tiền mà không gây tổn hại đến cơ thể như lúc làm công nhân, đó là lúc tôi quyết định ở nhà và chuyên tâm đầu tư vào nó," - Blair chia sẻ với một nụ cười sảng khoái.
Ngày qua ngày, Blair ngồi viết, sử dụng các bí danh giả như Busta Troll hay Flagg Eagleton. Gã tấn công tất cả mọi đối tượng, từ cựu tổng thống Obama, quyền tự do, nữ quyền, chính sách với người da đen... Gã thấy sung sướng khi người ta xem những lời bịa đặt của gã là sự thật, rồi chia sẻ câu chuyện ấy như thể nó đến từ một trang tin uy tín.
Thành công từ những mẩu tin giả mạo, Blair sau đó lập một trang Facebook mang tên America's Last Line of Defense (tạm dịch: Tuyến phòng thủ cuối cùng của Hoa Kỳ). Trên trang luôn đăng tải những mẩu tin - dĩ nhiên là fake - với tiêu đề cực kỳ nhạy cảm và mang tính chất công kích cao. Mục tiêu chỉ đơn giản là kích động vào cảm xúc và khiến người đọc phải chia sẻ chúng.
Bản thân Blair cũng thừa nhận rằng những tiêu đề gã viết mang đậm chất phân biệt và nhảm nhí. Nhưng chúng lại cực kỳ hot - thực sự là như vậy, với độ viral (lan tỏa) cực cao. Người ta nhìn tiêu đề rồi bấm vào đọc, và từng cú click ấy chính là tiền.
Và người giải mã tin fake
Quay trở lại căn phòng dưới tầng hầm ở Bỉ, nơi Maarten Schenk đang làm việc. Schenk là một lập trình viên. Ông đã tạo ra một phần mềm có khả năng quét các câu chuyện đang được lan tỏa trên Facebook, mang tên Trendolizer.
Schenk ban đầu sẽ viết và chia sẻ chúng trên blog cá nhân. Nhưng khổ nỗi, chẳng ai đọc, bởi ông phải chịu sự cạnh tranh quá lớn từ các công ty truyền thông. Ở thời điểm ông bắt đầu viết về một thông tin đang lan tỏa, các trang tin lớn đã nhanh chóng đăng tải mất rồi.
Nhưng cũng giống như Blair, Schenk tìm ra một con đường khác, và nó liên quan đến fake news. Thế giới ảo có những người thích và chia sẻ tin fake, thì cũng có một bộ phận trân trọng những ai đứng ra vạch trần các thông tin ấy.
Schenk tìm những bản tin fake và viết bài vạch trần chúng, từ đó lượng người tiếp cận blog của ông bắt đầu tăng lên. Việc có nhiều người tiếp cận cho phép Schenk kiếm được tiền, dù không nhiều bằng Blair, nhưng cũng đủ để ông bắt đầu chuyên tâm đi "bóc phốt" các bản tin fake.
Ai cũng tin, không có nghĩa là nó đúng sự thật
Schenk biến blog của mình thành một nơi vạch trần tin fake. Trong quá trình ấy, Schenk nhận ra các bản tin dường như có một khuôn mẫu nhất định, và bắt đầu thu thập dữ liệu để tìm ra kẻ đứng đằng sau chúng. Lượng dữ liệu ấy cho phép ông lần về những kẻ tung tin trên phạm vi toàn cầu, kể cả khi website hoặc trang Facebook gốc bị đánh sập.
Hóa ra, rất nhiều trang tin fake thực chất đã lấy nội dung của nhau, và đa số đều dẫn về một nguồn.
Đó là Christopher Blair.
Cuộc chiến giữa các "Faker" và người đi "bóc phốt"
Chẳng mấy chốc, Maarten Schenk nhận ra mình đã bị kéo vào trò chơi mèo vờn chuột.
Những kẻ tung tin giả ngày càng sáng tạo, họ tìm ra những cách đầy mới mẻ để thu hút độc giả. Cùng lúc đó, Schenk cũng cải tiến phần mềm của mình để dễ dàng xác định được những kẻ tung tin đồn, và quan trọng hơn cả là vạch trần chúng trước đông đảo công chúng.
"Tôi muốn họ chỉ cần tìm trên Google là thấy ngay bài "bóc"," - Schenk cho biết.
Theo Schenk, hiện tại trên thế giới chỉ có khoảng 200 tổ chức kiểm tra thông tin giống như ông. Đây là một con số quá nhỏ trong thời buổi công nghệ đã phát triển rất mạnh như hiện nay.
"Chỉ cần thu được lợi nhuận, họ sẽ tiếp tục làm," - Schenk nhận xét. "Người ta sẽ phát triển bộ lọc tin fake tốt hơn, trong khi các faker sẽ tìm ra cách để né chúng."
Tin tức ảo, nhưng hậu quả là thật
Tháng 8/2017, siêu bão Harvey quét qua Texas, giết chết hàng chục người và gây thiệt hại hàng tỉ đô cho thành phố Houston và các khu vực lân cận. Với một người như Blair, sự kiện hot như thế là cơ hội để gã thể hiện tài năng múa bút.
Gã viết thật! Ở đầu kia đất nước, Blair nghĩ ra câu chuyện về một vị lãnh tụ Hồi giáo (imam), đứng đầu một nhà thờ dành cho người theo đạo Hồi tại Texas. Theo như bản tin, người này đã từ chối những người không theo đạo Hồi, không cho họ trú ẩn khi bão kéo đến. Cả hai đối tượng trong câu chuyện - vị lãnh tụ Hồi giáo và nhà thờ - đều là sản phẩm hư cấu 100%.
Như thường lệ, câu chuyện được lan tỏa rất nhanh. Chỉ có điều, bức hình Blair sử dụng lại là người thật. Đó là một vị lãnh tụ Hồi giáo tại Canada tên Ibrahim Hindi, và ông thậm chí còn chưa đến Texas bao giờ. Vậy mà chỉ qua vài phút gõ phím, Hindi đã trở thành đối tượng bị sỉ vả nhiều nhất mạng xã hội.
"Hindi đã biết, và ông đã rất buồn," - Blair kể lại. "Hình ảnh của ông ta ngập tràn Twitter, về việc chúng ta - những kẻ ngoại đạo - đã phân biệt chủng tộc như thế nào. Tôi lập tức gỡ bỏ câu chuyện và gửi cho ông cả triệu lời xin lỗi."
Đó không phải lần đầu tiên các mẩu tin của Blair gây ảnh hưởng đến người thật. Một website khác của gã đã có lần đăng tải câu chuyện về một người lính Mỹ làm phi công. Tuy nhiên, hình ảnh gã sử dụng lại là nhân vật có thật, và người này thì chẳng liên quan gì đến câu chuyện cả.
Schenk chính là người đã "bóc phốt" câu chuyện của Blair. Ông biết đó là một fake news, và tìm hiểu được rằng người kia đã bị kéo vào câu chuyện. Schenk sau đó đã gửi tin nhắn cho Blair, đề nghị gã gỡ bài, rồi từ đó 2 người bắt đầu trò chuyện cùng nhau.
Đó cũng là thời điểm Blair tiết lộ mọi mánh khóe của bản thân, cũng như lý do thực sự khiến gã "chế" ra các bản tin fake.
Mục đích bất ngờ của bố già "ngành" fake news
Blair thực sự thích thú trước việc Schenk chủ động liên lạc, bởi lẽ ông khác với những người đi "bóc phốt" khác. Họ chỉ vạch trần bài viết của gã, nhưng chưa bao giờ nói chuyện với gã cả.
Schenk thì khác. Ông đã ra mặt, chỉ ra lỗi sai của Blair và khiến gã phải gỡ bài. Rồi sau đó, Blair đã mời Schenk tham gia một nhóm kín trên Facebook, và từ đây Schenk đã hiểu được cặn kẽ mọi chuyện về "ngành chế tin giả" này.
"Ông ta giải thích mọi mánh khóe, về cách họ (những kẻ viết tin) làm việc." - trích lời Schenk.
Schenk cho biết, hóa ra mọi website và trang Facebook của Blair đều có những dòng chữ mang hàm ý chỉ ra rằng đây không phải là tin thật. Gã gọi chúng là những bài "châm biếm", không phải tin tức, không phải quan điểm, cũng không phải để truyên truyền. Mục tiêu của gã là bẫy những kẻ bảo thủ và cả tin, để họ chia sẻ bài viết của mình.
"Chúng tôi đã làm rất nhiều cách để mọi người hiểu đó là các bản tin châm biếm, rằng chúng không có thật," - gã cho biết.
Gã viết ra một câu chuyện, câu chuyện ấy lan tỏa, và đó là khi Christopher Blair hiện nguyên hình từ kẻ viết tin giả trở thành... sứ giả công lý, theo cái cách "troll" nhất có thể.
"Nhiệm vụ đầu tiên là lôi kéo người ta vào bình luận," - gã cho biết. Và rồi vị sứ giả công lý bắt đầu hủy diệt những bình luận mang tính chất công kích cực đoan. Gã báo cáo, rồi gắn cờ những kẻ hung hăng nhất trong số các fan của gã.
"Chúng tôi đã đánh sập hàng trăm tài khoản, trong đó có những kẻ phân biệt chủng tộc hết sức kinh khủng," - gã hào hứng cho biết.
"Chúng tôi khiến nhiều kẻ bị đuổi việc, vạch trần chúng với bạn bè và người thân. Cứ gọi tôi là quái vật đi, tôi tự hào lắm."
Vui mấy thì cũng tàn
Sau một thời gian tung hoành, các độc giả bắt đầu cảnh giác. Họ nhận thức được rằng tin tức được chia sẻ chưa chắc đã đúng sự thật, và từ đó tạo ra một áp lực dành cho các công ty truyền thông phải giải quyết vấn đề này.
Cuối năm 2017, Mark Zuckerberg tuyên bố mục tiêu năm 2018 là tìm cách cải tiến Facebook, không chỉ để ngăn ngừa những câu chuyện mang tính chất thù địch, mà còn để chống lại fake news.
Tháng 4/2018, sau scandal lộ dữ liệu người dùng, Mark Zuckerberg đã phải đứng ra điều trần trước Quốc hội Mỹ. Ông chủ Facebook đã phải giải đáp rất nhiều vấn đề, trong đó có cả vấn đề fake news nữa. Đến tháng 7/2018, Facebook đã đưa ra thay đổi về thuật toán để tăng cường tiếp cận cho các nội dung đến từ bạn bè, gia đình và hội nhóm. Ngược lại, các tin tức được liệt vào dạng "spam, giả mạo, sai mục đích, câu kéo đọc" sẽ bị lọc bỏ triệt để.
Nhiều trang Facebook vì thế mà bị xóa, trong khi các bài post không đạt được độ lan tỏa như trước nữa. Nói cách khác, nguồn tiền dành cho những người như Blair cũng tụt thảm hại. Gã cho biết giờ đây số tiền kiếm được chẳng bằng một góc thời đỉnh cao.
Tuy nhiên, gã cho rằng tiền chưa bao giờ là vấn đề, và tự nhận mình là một dạng "lãnh đạo kháng chiến."
"Mục đích của tôi không phải là tiền. 6 tháng qua, tôi chẳng kiếm được đồng nào. Nhưng nhìn xem, page của tôi vẫn hoạt động. Tôi vẫn sẽ làm, vẫn sẽ viết." - Blair chia sẻ.
"Tôi có niềm tin, và sẽ luôn như vậy."
Tham khảo: BBC
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Vì sao các nữ phi hành gia phải uống thuốc tránh thai trước khi bước vào cuộc hành trình xa xôi trong không gian?
Việc các nữ phi hành gia sử dụng thuốc tránh thai trước khi thực hiện các nhiệm vụ không gian là một biện pháp nhằm đảm bảo sức khỏe, an toàn và hiệu suất làm việc của họ. Mặc dù có một số hạn chế, nhưng đây vẫn là một giải pháp được nhiều người lựa chọn trong điều kiện hiện tại.
Bị Mỹ cấm vận đủ đường, nhà sáng lập Huawei Nhậm Chính Phi vẫn hết lời khen ngợi: "Mỹ đã thiết lập một chuẩn mực trên toàn thế giới"