Gặp gỡ vị tỷ phú muốn chế tạo 'máy bay Tesla'

    Vũ Anh , Nhịp sống thị trường 

    Richard Chandler, nhà đầu tư 63 tuổi hiện đang kiểm soát Eviation, đặt kỳ vọng rất lớn vào ngành công nghiệp máy bay điện.

     Gặp gỡ vị tỷ phú muốn chế tạo máy bay Tesla - Ảnh 1.

    Không gian yên tĩnh vào một buổi chiều tháng 11 lạnh giá miền đông bang Washington đã bị phá vỡ bởi tiếng động cơ máy bay chiến đấu F/A-18. Bên trong một nhà kho gần đó là Eviation Alice - chiếc máy bay với nước sơn trắng, được kỳ vọng có thể tạo ra bước tiến lớn trong hành trình loại bỏ khí nhà kính của ngành công nghiệp máy bay. Nó có 2 động cơ, gần giống một chiếc Cessna Citation, hoàn toàn chạy bằng pin và nặng hơn 16.000 pound. Theo Forbes, đây là chiếc máy bay điện nặng nhất từng được thông hành.

    Richard Chandler, nhà đầu tư 63 tuổi, hiện đang kiểm soát Eviation và công ty sản xuất động cơ điện MagniX. Ý tưởng ban đầu là lắp đặt những động cơ đó vào xe Jeepney ở Manila để giảm ô nhiễm không khí, song sau khi cân nhắc chi phí, ông Chandler quyết định áp dụng chúng cho những chiếc máy bay.

    Máy bay điện có rất nhiều ưu điểm, vừa giúp không khí sạch hơn, lại vừa tiết kiệm chi phí. Chẳng hạn như Eviation có thể tiết kiệm hơn 40%, thậm chí lên tới 80%, chi phí năng lượng và bảo trì bởi đặc tính của động cơ điện.

    Bất chấp sự hoài nghi sâu sắc từ ngành công nghiệp hàng không truyền thống, các nhà đầu tư ngày càng hướng sự quan tâm về máy bay điện, đặc biệt là những loại cất và hạ cánh thẳng đứng. Hàng tỷ USD đã được đầu tư vào taxi bay, trong đó Joby Aviation, một công ty ở Bắc California, đã huy động được 820 triệu USD vốn đầu tư mạo hiểm từ những công ty như Intel và Toyota trước khi ra mắt công chúng trong một thỏa thuận SPAC trị giá 1,1 tỷ USD vào năm 2021.

    Quan điểm của Chandler là tại sao không điện khí hóa những chiếc máy bay nhỏ thông thường. Ngoài việc rẻ và dễ hơn, việc thay đổi ít động cơ cũng sẽ giúp cơ quan quản lý thoải mái phê duyệt dự án.

    Năm 2019, Richard Chandler mua 70% cổ phần của Eviation, một công ty khởi nghiệp của Israel, để cố gắng cho mọi người thấy động cơ của MagniX có thể hoạt động tốt như thế nào trong một chiếc máy bay được thiết kế dựa hoàn toàn trên động cơ điện.

     Gặp gỡ vị tỷ phú muốn chế tạo máy bay Tesla - Ảnh 2.

    Eviation Alice được kỳ vọng có thể tạo ra bước tiến lớn trong hành trình loại bỏ khí nhà kính của ngành công nghiệp máy bay.

    Với Chandler, Eviation Alice, chiếc máy bay có thể chở tối đa 9 người, chính là “Tesla Model S” của máy bay điện. Nó đắt đỏ, khoảng 7 đến 8 triệu USD, cao hơn gấp đôi so với một động cơ tua-bin cơ bản với sức chứa tương tự, song Chandler vẫn tin rằng, đây sẽ trở thành chất xúc tác cho sự phát triển của một ngành công nghiệp non trẻ. “Đó là tiền thân cho sự thay đổi địa chấn trong ngành hàng không”, ông Richard Chandler nói.

    Quay lại những năm 1980 - thời điểm Chandler gây dựng được khối tài sản trị giá 2,6 tỷ USD nhờ các khoản đầu tư mang tính chiến lược. Tổng cộng, người đàn ông này đã chi khoảng 180 triệu USD cho Eviation và hàng chục triệu USD cho MagniX. Cả hai công ty sau đó được chuyển đến khu vực Seattle để tận dụng hệ sinh thái hàng không vũ trụ do Boeing xây dựng ở Tây Bắc Thái Bình Dương.

    Eviation chưa có doanh thu đáng kể. MagniX trước đó đã giành được hợp đồng trị giá 74 triệu USD của NASA vào năm 2021 để phát triển động cơ đẩy điện cho máy bay lớn với lộ trình phát triển ngắn hạn rõ ràng. Theo Forbes, hãng hàng không Harbor Air có trụ sở tại Vancouver đã thử nghiệm thủy phi cơ Beaver chạy bằng MagniX từ năm 2019. United Therapeutics cũng đang hướng mục tiêu tới các chuyến bay kéo dài hàng giờ với máy bay trực thăng Robinson R44 chạy bằng MagniX.

    Không rõ chúng sẽ có giá bao nhiêu, song theo Chandler, MagniX phải có giá cao hơn để bù đắp cho nhược điểm về độ bền. Được biết doanh thu từ hoạt động bảo trì được coi là huyết mạch của các nhà sản xuất động cơ.

    Theo Kiruba Haran, Giáo sư kỹ thuật của Đại học Illinois, MagniX đóng góp nhiều cho lĩnh vực máy bay điện, song chỉ có thể cung cấp sức mạnh “khiêm tốn” cho trọng lượng của chính nó. Trong khi đó, các công ty lớn đã đạt được nhiều tiến bộ với các động cơ quy mô megawatt.

     Gặp gỡ vị tỷ phú muốn chế tạo máy bay Tesla - Ảnh 3.

    Hãng hàng không Cape Air đã đặt mua 75 máy bay Alice với mục đích thúc đẩy “tính bền vững, tăng trưởng và đổi mới”.

    Dẫu vậy, Chandler vẫn đánh giá cao triển vọng của Alice. Ông hy vọng những chiếc máy bay như vậy sẽ mở rộng dịch vụ tới các sân bay nhỏ và đáp ứng dịch vụ vận chuyển hàng hóa và chở khách.

    Thắc mắc hiện tại là Alice có thể bay tối đa bao nhiêu km sau một lần sạc và nhu cầu sử dụng máy bay điện sẽ ở mức nào. Riêng về câu hỏi liên quan tới quãng đường tối đa Alice có thể bay sau mỗi lần sạc, Eviation khẳng định chiếc máy bay này có thể đi được 250 dặm. Theo Shashank Sripad, một nhà nghiên cứu về pin từ Carnegie Mellon, tuyên bố của Eviation là khả thi, song vẫn chưa có gì chắc chắn.

    Chandler mong đợi sẽ bán được Alice. Ông lạc quan một phần vì chính phủ nhiều quốc gia trên thế giới đang hướng tới việc ưu tiên sử dụng các phương tiện thân thiện với môi trường, đồng thời đánh thuế cao với những phương tiện thải nhiều khí carbon ra bên ngoài.

    Chandler tin rằng MagniX đang dẫn đầu cuộc đua về máy bay điện. Cả General Electric và Pratt & Whitney đều đang cố gắng thâu tóm công ty này. Giống như Tesla, Chandler cho rằng sự tập trung duy nhất của MagniX vào động cơ điện sẽ giúp hãng tiếp tục phát triển.

    “Thay vì đi tàu hỏa hoặc ô tô trong những chuyến đi dài từ 200 đến 250 dặm, sẽ thú vị hơn rất nhiều nếu bạn đón một chiếc Alice tại sân bay gần đó”, ông Chandler nói.

    Trước đó, hồi cuối tháng 9, sau thời gian dài bị trì hoãn, chuyến bay đầu tiên của Alice đã cất cánh. Sự kiện này đánh dấu bước tiến quan trọng của công ty khởi nghiệp Israel Eviation, sau nhiều tháng thử nghiệm cả trên mặt đất lẫn không trung. Nguyên nhân trì hoãn đến từ nhiều phía, chẳng hạn như thời tiết xấu, COVID-19, vấn đề công nghệ và sự xáo trộn trong hàng ngũ lãnh đạo.

    Cho tới nay, hãng hàng không Cape Air đã đặt mua 75 máy bay Alice với mục đích thúc đẩy “tính bền vững, tăng trưởng và đổi mới”. Trong khi đó, DHL Express đặt mua 12 máy bay Alice eCargo.

    “Hôm nay đánh dấu kỷ nguyên mới của ngành hàng không. Lần đầu tiên chúng ta đã điện khí hóa thành công máy bay với chuyến bay đầu tiên không thể nào quên của Alice”, đại diện công ty cho biết.

    Theo: Forbes

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ