Gấu trúc khổng lồ có thể sinh sống được trên cao nguyên không?

    Đức Khương, Phụ nữ Việt Nam 

    Gấu trúc khổng lồ là một loài gấu nguồn gốc tại Trung Quốc. Nó dễ dàng được nhận ra bởi các mảnh màu đen, lớn xung quanh mắt, trên tai, và tứ chi nó.

    Trên Internet gần đây xuất hiện một đoạn video ngắn về "Gấu trúc khổng lồ hoang dã được tìm thấy ở cao nguyên Thanh Hải", địa điểm trong video có vẻ là một nơi tương đối hoang vắng, khắp nơi là cát vàng và đá. Sau khi đoạn video được đăng tải, nó đã nhanh chóng làm cư dân mạng bàn tán xôn xao, nhiều người cho rằng không thể có chuyện gấu trúc khổng lồ hoang dã xuất hiện ở Thanh Hải bởi chúng sẽ không thể sinh sống được tại đó.

    Qi Xinzhang, phó giám đốc Trung tâm nhân giống và cứu hộ động vật hoang dã Thanh Hải, Trung Quốc đề cập: "Thanh Hải nằm ở phía đông bắc của cao nguyên Thanh Hải-Tây Tạng. Không có tre nứa. Những con gấu trúc khổng lồ sẽ chết đói khi chúng đến đây. Khí hậu tại đây lạnh và khô, vì vậy không có nơi nào để gấu trúc khổng lồ tồn tại".

    Gấu trúc khổng lồ có thể sinh sống được trên cao nguyên không? - Ảnh 1.

    Gấu trúc khổng lồ rất ưa ẩm và chúng thích ở trong môi trường có độ ẩm khoảng 80%.Tuy nhiên, khí hậu tại Thanh Hải rất khô, hoàn toàn không thích hợp để gấu trúc khổng lồ sinh tồn, vì vậy khả năng cao là video đề cập ở trên là giả để thu hút sự chú ý và thu hút lưu lượng truy cập.

    Tình trạng hiện tại của gấu trúc khổng lồ

    Gấu trúc khổng lồ được coi là bảo vật quốc gia của Trung Quốc, vì vẻ ngoài dễ thương và hành vi ngây thơ nên được mọi người trên toàn thế giới yêu thích. 

    Những con gấu trúc khổng lồ trong tâm trí của hầu hết mọi người đều sống ở Tứ Xuyên, Trung Quốc nhưng trên thực tế, có hai phân loài gấu trúc khổng lồ, đó là phân loài Tứ Xuyên và phân loài Tần Lĩnh.

    Ngoài Tứ Xuyên, còn có một loại gấu trúc khổng lồ sống ở dãy núi Tần Lĩnh. So với phân loài Tứ Xuyên, gấu trúc khổng lồ Tần Lĩnh có kích thước lớn hơn, nhưng đầu của chúng lại nhỏ hơn phân loài kia. Ở bên ngoài, phân loài Tứ Xuyên dễ thương hơn, vì vậy hình ảnh chung về những chú gấu trúc khổng lồ dễ thương hầu như đều là gấu trúc khổng lồ Tứ Xuyên.

    Gấu trúc khổng lồ có thể sinh sống được trên cao nguyên không? - Ảnh 2.

    Phạm vi phân bố của gấu trúc khổng lồ rất hẹp và hầu hết các cá thể hoang dã sống ở Tứ Xuyên. Theo dữ liệu điều tra dân số lần thứ tư về gấu trúc khổng lồ do Cục Lâm nghiệp và Đồng cỏ tỉnh Tứ Xuyên công bố, quần thể gấu trúc khổng lồ ở Tứ Xuyên là 1206 con, chiếm 76% số lượng gấu trúc khổng lồ của Trung Quốc.

    Mặc dù Tứ Xuyên là tỉnh có số lượng gấu trúc khổng lồ hoang dã phân bố lớn nhất, nhưng nơi sinh sống không nhiều, trên lý thuyết chỉ có gần 30.000 km vuông, trên thực tế, ngoại trừ sông, đường, núi cao, những nơi không có tre trúc, thì những nơi khác gấu trúc không thể vào được và khu vực gấu trúc khổng lồ sinh sống chỉ chiếm khoảng 20% tổng diện tích kể trên. Môi trường sống của loài vật này bị chia cắt nghiêm trọng, và không có môi trường sống nào của chúng nằm ở tỉnh Thanh Hải.

    Gấu trúc khổng lồ có thể sinh sống được trên cao nguyên không? - Ảnh 3.

    Thói quen sống của gấu trúc khổng lồ

    Nhiều người có thể nghĩ rằng hầu hết các loài động vật đều có thói quen di cư, chẳng hạn như linh dương đầu bò trên thảo nguyên châu Phi, sống bằng nước và cỏ; hay báo tuyết trên cao nguyên tuyết phủ, sẽ đi đến rừng ở độ cao thấp hơn vào mùa đông.

    Tuy nhiên, hầu hết các loài động vật này đều có tính di động cao và có hành vi khám phá rõ rệt. Ví dụ, có một con hổ Bengal ở Ấn Độ có thể đi bộ hàng nghìn km từ Khu bảo tồn động vật hoang dã Tipishwar đến Khu bảo tồn động vật hoang dã Danyang Nanga.

    Thế nhưng ghấu trúc khổng lồ thực chất là một loài động vật rất lười biếng, được mệnh danh là "ẩn sĩ trong rừng trúc". Bởi vì trong quá trình tiến hóa, gấu trúc khổng lồ đã gần như từ bỏ thịt và tre chiếm 99% khẩu phần ăn của nó.

    Tre là một loại thực phẩm có tỷ lệ hấp thụ calo với gấu trúc thấp hơn nhiều so với thịt. Điều này đã khiến gấu trúc khổng lồ phải ăn rất nhiều thức ăn để duy trì năng lượng cần thiết cho sự sống, vì vậy gấu trúc khổng lồ dành nhiều thời gian cho việc ăn uống mỗi ngày.

    Đồng thời, chúng sẽ giảm thiểu tối đa các hoạt động không cần thiết, vì vậy gấu trúc khổng lồ đã trở nên rất lười vận động, chúng ăn, ngủ hoặc chơi mỗi ngày, và phạm vi hoạt động của chúng rất hạn chế.

    Sông Shaliu ở Thanh Hải cách xa Tứ Xuyên, Thiểm Tây và Cam Nam, việc gấu trúc khổng lồ hoang dã lang thang ở đó đơn giản là không thực tế.

    Gấu trúc khổng lồ có thể sinh sống được trên cao nguyên không? - Ảnh 4.

    Thanh Hải không có gấu trúc khổng lồ từ thời cổ đại

    Chưa nói đến việc ngày nay Thanh Hải không có gấu trúc khổng lồ, ngay cả dữ liệu hóa thạch được khai quật cũng cho thấy trong lịch sử không có gấu trúc khổng lồ ở Thanh Hải. Gấu trúc khổng lồ được mệnh danh là "hóa thạch sống" của giới động vật, chúng đã tồn tại trên Trái Đất khoảng 8 triệu năm.

    Tổ tiên lâu đời nhất được biết đến của gấu trúc khổng lồ là một loài động vật nhỏ được tiến hóa từ một loài giống gấu sống vào cuối thế Miocene.

    Ngoại hình của con gấu trúc đầu tiên rất khác so với gấu trúc khổng lồ hiện đại và cơ thể của nó chỉ tương đương với một con cáo béo. Những con gấu trúc đầu tiên là loài ăn thịt, chủ yếu là ăn một số động vật nhỏ trên Trái Đất vào thời điểm đó.

    Gấu trúc khổng lồ có thể sinh sống được trên cao nguyên không? - Ảnh 5.

    Quá trình tiến hóa của gấu trúc khổng lồ đại khái đã trải qua bốn giai đoạn, đó là giai đoạn của gấu trúc đầu tiên, giai đoạn của loài gấu trúc khổng lồ nhỏ, giai đoạn của gấu trúc khổng lồ Papian và giai đoạn của loài gấu trúc khổng lồ hiện đại.

    Vào đầu thế Pleistocen, loài gấu trúc khổng lồ nhỏ đã tiến hóa và vào thời điểm này, chúng đã chuyển sang dựa vào tre làm thức ăn chính. Các loài gấu trúc khổng lồ nhỏ có bề ngoài gần giống với gấu trúc khổng lồ hiện đại, nhưng kích thước nhỏ hơn.

    Vào giữa và cuối kỷ Pleistocen, gấu trúc khổng lồ Papian xuất hiện, kích thước cơ thể lớn hơn gấu trúc khổng lồ hiện đại khoảng 12%, đây cũng là giai đoạn mà họ gấu trúc khổng lồ đạt đến thời kỳ hoàng kim.

    Trong suốt thời kỳ Pleistocene, môi trường sống của gấu trúc khổng lồ được phân bố rộng rãi, bao phủ hầu hết các khu vực phía đông và phía nam của Trung Quốc, thậm chí đã từng mở rộng sang Myanmar và Việt Nam. Mặc dù gấu trúc khổng lồ đang ở thời kỳ hoàng kim nhưng phạm vi phân bố của nó không chạm đến tỉnh Thanh Hải.

    Có nhiều ý kiến cho rằng quá trình tiến hóa của gấu trúc khổng lồ đến giai đoạn gấu trúc khổng lồ hiện đại là dấu chấm hết cho quá trình tiến hóa của loài, nếu không có sự bảo vệ then chốt của con người thì có lẽ chúng đã biến mất khỏi Trái Đất. 

    Bất kể từ góc độ phân bố cổ xưa và hiện đại hay tập quán và thói quen kiếm ăn của chúng, chúng ta vẫn có thể khẳng định được rằng không thể có gấu trúc khổng lồ hoang dã ở cao nguyên Thanh Hải.

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ