Giá sửa chữa đã cao lại còn kiên quyết đổ lỗi cho người dùng, Apple bị khách hàng chỉ trích thậm tệ
Ngay sau khi Apple công bố chương trình sửa lỗi cho các máy gặp lỗi chết cảm ứng, nhiều người dùng đã tỏ ra rất thất vọng khi biết công ty không chỉ thu phí cao mà còn đổ lỗi cho họ về vấn đề này.
Apple cuối cùng cũng phải đưa ra giải pháp khắc phục lỗi chết cảm ứng trên dòng iPhone 6 Plus khiến cho màn hình hàng loạt máy bị đơ và không phản hồi với các lệnh đưa ra nữa.
Nhiều tháng liền sau khi khách hàng phàn nàn, thậm chí có người còn đệ đơn kiện, Apple mới chính thức thông báo về gói dịch vụ sửa chữa cho những máy có vấn đề. Chi phí sửa lỗi cho người dùng tại Mỹ là 149 USD, trong khi đó người dùng Canada phải bỏ ra tới 189 USD.
Tuy nhiên, ngay sau khi Apple công bố điều này, nhiều người dùng đã tỏ ra rất thất vọng khi biết công ty không chỉ thu phí sửa mà còn đổ lỗi cho họ về vấn đề này.
Trên website của mình, Apple khẳng định lỗi cảm ứng đa điểm này xuất phát từ việc “đánh rơi nhiều lần xuống bề mặt cứng”, khiến chiếc máy phải chịu nhiều sức ép.
Gói dịch vụ nhỏ mọn
Trina Rae Wiegers, một người dùng iPhone nhận xét: “Tôi thấy chuyện này quả là nhỏ mọn. Máy loại nào chả từng bị rơi, và nếu đó là căn nguyên thì lẽ ra nhiều dòng iPhone khác cũng phải gặp vấn đề tương tự chứ. Apple không thể cứ lấy bừa một dòng rồi phán rằng mọi người đã làm rơi chúng được.”
Trina Rae Wiegers
Wiegers cho biết chiếc iPhone 6 của cô có vẻ cũng đang gặp vấn đề này, nhưng tiếc là Apple chỉ đề xuất gói sửa cho dòng 6 Plus. Khi CBC News liên hệ với công ty để hỏi tại sao thì lại không nhận được câu trả lời nào.
Ngay cả trong trường hợp iPhone 6 được Apple đưa ra gói fix lỗi, Wiegers cho biết cô cũng không muốn bỏ ra 189 USD để sửa: “Thật hoang đường, đây là vấn đề Apple gây ra thì họ phải chịu mọi chi phí khắc phục mới đúng.”
Có phải Apple muốn hút máu người dùng?
Wiegers hiện đang khởi kiện Apple lên tòa án tại Canada. Tính đến nay đã có tổng cộng 4 đơn kiện nhắm vào Apple iPhone 6 và 6 Plus với 2 đơn ở Canada và 2 ở Mỹ.
Tony Merchant, một người dùng khởi kiện thì cho rằng Apple đòi thu phí sửa không phải bởi hãng cần tiền mà chỉ đơn giản là để tạo ấn tượng rằng “đây là lỗi của các vị chứ không phải của chúng tôi. Họ không muốn thừa nhận đã thiết kế một chiếc máy lỗi. Thứ đáng ra họ nên làm lúc này là sửa lại miễn phí và bồi thường cho những người dùng hỏng máy.”
Nhiều người dùng cho biết họ thấy một thanh xám mờ xuất hiện ở góc trên máy trước khi màn hình "đơ toàn tập"
Hiện 4 đơn kiện vẫn đang được tòa án xử lý. Apple không đưa ra bình luận gì về vụ việc này.
Không ai hứng thú với dịch vụ sửa lỗi cảm ứng
Lỗi cảm ứng này lần đầu được trang hướng dẫn sửa máy iFixit phát giác trong một bài viết khẳng định rằng các cửa hàng sửa chữa iPhone trên khắp nước Mỹ đang ngập tràn khách hàng đến giải quyết vấn đề này.
Paul So, một người dùng tại Canada có máy dính lỗi cho biết: “Khi mang máy qua Apple Store sửa thì nhân viên chăm sóc khách hàng có thừa nhận lỗi này và giải thích rằng nó xảy ra là do chiếc máy bị cong." So được yêu cầu trả 425 USD để thay máy mới bởi đã hết hạn bảo hành. Anh không đồng ý mức giá này, cũng không muốn phải bỏ ra 189 USD cho lỗi mà anh tin chắc là do Apple. Theo một người dùng khác, nếu tính cả thuế thì số tiền họ bỏ ra sẽ lên đến 200 USD.
Trả lời câu hỏi từ hãng thông tấn CBC News, Apple cho biết công ty đã phản hồi lại phàn nàn của khách hàng và xác nhận đang chạy chương trình sửa iPhone 6 Plus. Theo đó, những người có máy đã vỡ màn hình sẽ không được tham gia chương trình, còn những ai đã đóng tiền sửa máy sẽ được hoàn trả phần thuế phí thừa sau khi trừ đi 189 USD bắt buộc. Có vẻ như Apple nên học hỏi nhiều hơn từ cách Samsung xử lý khủng hoảng Note7 cho người dùng.
Tham khảo CBC
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Vì sao các nữ phi hành gia phải uống thuốc tránh thai trước khi bước vào cuộc hành trình xa xôi trong không gian?
Việc các nữ phi hành gia sử dụng thuốc tránh thai trước khi thực hiện các nhiệm vụ không gian là một biện pháp nhằm đảm bảo sức khỏe, an toàn và hiệu suất làm việc của họ. Mặc dù có một số hạn chế, nhưng đây vẫn là một giải pháp được nhiều người lựa chọn trong điều kiện hiện tại.
Bị Mỹ cấm vận đủ đường, nhà sáng lập Huawei Nhậm Chính Phi vẫn hết lời khen ngợi: "Mỹ đã thiết lập một chuẩn mực trên toàn thế giới"