Giá trị của khuôn mặt: 7 điều về bảo mật nhận dạng khuôn mặt có thể có trong chiếc iPhone 8 ra mắt tháng tới

    Dink,  

    Trong tình hình bảo mật gặp nhiều vấn đề hiện nay, đây có lẽ là thứ được mong chờ nhất trong sự kiện ra mắt iPhone 8.

    Trong vòng 5 năm qua, khái niệm bảo mật sinh trắc học đã có những bước tiến vượt bậc, mà có lẽ đáng kể nhất là bước thẳng từ phim điều tra giả tưởng ra công nghệ đời thực, công nghệ có thể có trên tay của bất kì người dùng nào. Phải công nhận rằng chúng khiến cuộc sống chúng ta dễ thở hơn vài phần, kín đáo hơn nhiều phần, và phần lớn đời tư ta đã được bảo mật tốt hơn. Có lẽ là bắt đầu với cảm biến vân tay Touch ID của iPhone 5S, việc sử dụng sinh trắc học trong các thiết bị cầm tay mới trở nên thực sự phổ biến.

    Được đằng chân lân đằng mặt, bước tiến tiếp theo của Apple là sử dụng chính khuôn mặt của người sử dụng làm chìa khóa để mở thiết bị của mình. Và công nghệ nhận dạng khuôn mặt mới của họ cũng vượt khỏi cái chuẩn quét mặt dạng 2D thông thường. Nghe chừng đây sẽ là một công nghệ chứa vô vàn hứa hẹn về độ chuẩn xác cũng như tính bảo mật.

    Công ty Tascent phát triển và sản xuất nhiều giải pháp sinh trắc học (mống mắt, khuôn mặt, vân tay) cho khoảng 10 triệu người mỗi năm. Một trong số những khách hàng của họ là Apple và chiếc iPhone, hệ thống ấy được thiết kế để nhận dạng chủ nhân một cách chính xác và hoàn hảo.

    Hiển nhiên là họ chưa có thông tin gì về công nghệ nhận dạng khuôn mặt mới có thể sẽ có trên iPhone 8, nhưng ít nhiều Tascent vẫn là chuyên gia về sinh trắc học, có hẳn phải có đôi điều để nói về vấn đề này. Đúng vậy, đây là 7 điều mà Tascent muốn nói về bảo mật sinh trắc học cũng như về chiếc iPhone 8 sắp tới:

    1. Bảo mật vân tay là một khởi đầu không tồi, nhưng còn quá nhiều giới hạn.

    Không thể chối cãi việc cảm biến vân tay, đơn cử như công nghệ Touch ID của Apple, là một bước nhảy vọt lớn trong áp dụng sinh trắc học vào bảo mật. Với đại đa số người dùng, việc chỉ cần dùng ngón tay chạm vào máy để mở khóa quả là một sự tiện lợi họ chưa từng trải nghiệm. Thế là có thể bỏ lại sự lằng nhằng của mật khẩu, của mã PIN và tự tin đối mặt với tính đãng trí quên mật khẩu.

    Các nhà sản xuất cũng hồ hởi, khi mà cảm biến vân tay có giá rẻ, không tốn quá nhiều năng lượng và dễ dàng lắp đặt. Tuy nhiên, chúng có vô vàn giới hạn.

    Với đa số người, trong đa số lúc, thì vân tay tiện lợi và hoạt động trơn tru êm ái. Nhưng với số ít người có da tay quá khô hoặc quá ẩm, tay đổ mồ hôi do vận động hay ướt vì nhiều lý do khác, cảm biến vân tay sẽ không hoạt động. Vân tay của bạn dù không thay đổi trong suốt cuộc đời bạn, nhưng nó cũng già đi theo bạn và hiển nhiên, một cái khóa gỉ sét không thể vặn ổ một cách nhanh chóng.

    Người ta đồn rằng cảm biến nhận dạng khuôn mặt mới sẽ thay luôn Touch ID trên iPhone, thế là không còn những sự bất tiện kể trên nữa. Những nhà phát triển tại Apple dũng cảm đối diện với cái mới và đưa tới cho người dùng một trải nghiệm chính xác chưa từng có trước đây, đây là điều đáng khen ngợi.

    Bảo mật sinh trắc học là xu hướng đáng để chạy theo. Mỗi người lại thích một kiểu, đó là lý do vì sao Tascent lại thấy chiếc điện thoại mới của Samsung vô cùng thú vị: nó vừa có nhận dạng khuôn mặt, vừa có bảo mật vân tay lẫn mống mắt, bên cạnh những mật khẩu và mã PIN cũ nhưng không thể thiếu. Nhưng họ vẫn rất ngóng chờ xem Apple làm được gì vào sự kiện tháng tới.

    2. Thử thách trong việc đặt cảm biến vân tay sau màn hình LCD hay OLED.

    Một lần nữa, tin đồn cho thấy Apple đang tính đưa cảm biến vân tay xuống dưới lớp màn hình hiển thị OLED của iPhone 8. Trên lý thuyết, thì điều này sẽ cho phép Apple giữ lại Touch ID – bác bỏ tin đồn trong mục 1 phía trên, và cùng lúc đó màn hình hiển thị của iPhone 8 sẽ rộng hơn, tràn tới mép máy. Tuy nhiên, việc đưa cảm biến vân tay xuống dưới lớp màn hình LCD hay OLED kia sẽ là trở ngại không nhỏ.

    Công nghệ hiện tại của Apple là cảm biến vân tay điện dung. Việc đặt một lớp màn hình lên trên nó sẽ là một khó khăn không nhỏ. Màn hình và cảm biến chạm chuẩn hiện tại có thể khiến khả năng tạo hình ảnh sai lệch. Một lớp màn hình, hoặc LCD hoặc OLED, đều rất dày; không biết họ sẽ làm thế nào khi mà thậm chí cái mặt sapphire mỏng cũ cũng đã khiến Touch ID có thể gặp phải vấn đề rồi.

    Có một cách để khắc phục vấn đề này, đó là công nghệ quét vân tay bằng sóng siêu âm của Qualcomm. Nhưng để có thể có được công nghệ này trong chiếc iPhone 8 mới, họ sẽ phải hi sinh thứ gì? Độ chính xác hay thời lượng pin? Giá thành công nghệ (và cả giá thành máy) sẽ như thế nào?

    3. Cái hay cái đẹp của bảo mật sinh trắc: khi người dùng chẳng cần mó tay vào máy.

    Chẳng cần chạm vân tay, máy vẫn có thể mở được bằng mống mắt hay nhận dạng khuôn mặt. Điều ta cần là việc nhận dạng nhanh chóng, chính xác để mỗi khi giơ được máy lên mặt, là thiết bị đã có thể tự mở được rồi. Số người vốn đang sử dụng công nghệ sinh trắc sẽ thấy cỗ máy của mình được cải tiến hơn nhiều, mà những người vốn không dùng được nay sẽ sử dụng dễ dàng hơn.

    Mà đứng từ phương diện của nhà sản xuất, đây cũng là một điểm lợi. Camera trước sẽ còn tồn tại về lâu về dài, camera trước sẽ còn được cải tiến nhiều nữa, và sẽ rất không khôn ngoan nếu không đầu tư những ứng dụng sử dụng camera trước.

     Đây có lẽ sẽ là cách mở điện thoại bằng nhận diện khuôn mặt kiểu sang chảnh?

    Đây có lẽ sẽ là cách mở điện thoại bằng nhận diện khuôn mặt kiểu sang chảnh?

    4. Nhận dạng khuôn mặt và những thử thách với ánh sáng thường.

    Công nghệ nhận dạng khuôn mặt sẽ gặp khó khăn trong nhiều trường hợp và bị ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố, đơn cử như:

    Bóng tối: ngồi trong phòng riêng lúc tắt điện, ngồi trên máy bay đi đêm, ngồi trong rạp phim (dù là bạn không nên bật điện thoại ở trong rạp), bạn sẽ có lúc lôi điện thoại ra xem. Thiếu sáng, camera trước sẽ khó lòng nhận ra mặt bạn để mà mở khóa. Bạn có thể lôi đèn pin ra để tạo anh sáng nhân tạo, nhưng trong rạp phim hay trên máy bay trong lúc mọi người đang ngủ, thì việc đó là không nên. Có lẽ cần một công nghệ nhận dạng khuôn mặt trong bóng đêm, như camera hồng ngoại chẳng hạn.

    Ánh sáng ngoài trời: tối quá cũng khó mà sáng quá cũng khó. Mà đa số người dùng lại sử dụng điện thoại ở ngoài trời sáng, thế nên họ phải sớm tìm ra cách cho phép công nghệ nhận diện khuôn mặt có thể hoạt động được khi Mặt Trời vẫn chói chang trên cao.

    5. Sự tiện lợi, độ thẩm mỹ.

    Một khi Apple cho ta thấy công nghệ nhận dạng khuôn mặt của họ có thể làm được những gì, thì bằng cách nào họ có thể cho chúng ta cảm nhận được rằng công nghệ này dễ sử dụng mà lại có tính thẩm mỹ cao? Cách tiếp cận hợp lý nhất đó là đừng hiển thị mặt khách hàng lên màn hình lúc họ mở khóa, điều đó sẽ làm trải nghiệm sử dụng thiết bị dễ dàng hơn nhiều.

    Bên cạnh đó, tốc độ nhận dạng cũng chính là chìa khóa để mở lòng khách hàng. Họ muốn rằng khi cầm chiếc iPhone lên, nó nhận ra người dùng ngay lập tức và mở khóa ngay. Điều đó sẽ tạo cho người dùng cảm giác họ có thể truy cập dễ dàng vào thiết bị.

    6. Không thể có một lỗ hổng an ninh, một khuôn mặt giả để làm chìa khóa thay thế được.

    Khả năng xác nhận được thật giả là một yếu tố vô cùng quan trọng trong bất kì hệ thống sinh trắc học nào. Khi mà nhận dạng mống mắt, khuôn mặt bị đánh lừa chỉ bởi một bức ảnh chất lượng cao, người dùng muôn nơi sẽ lo lắng cho những thông tin nhạy cảm mà mình có trong máy.

    Để có thể khiến nhận dạng khuôn mặt trở nên an toàn hơn, nhà sản xuất có thể sử dụng nhiều lớp nhận dạng khác nhau: như xác định chuyển động tự nhiên của khuôn mặt, tạo hình 3 chiều hay ảnh hưởng của từng bước sóng ánh sáng khác nhau lên hình ảnh thu vào. Càng phát triển sẽ càng sinh ra những trở ngại và khó khăn mới, vượt qua chúng, thì nhà sản xuất sẽ có một sản phẩm càng ngày càng hoàn thiện và lấy được cảm tình từ người dùng.

    7. Phạm vi của sự bảo mật – Sự an toàn của Secure Enclave.

    Apple đã thành công trong việc đảm bảo dữ liệu vân tay được Touch ID thu về gói gọn chỉ trong hệ thống Secure Enclave, sinh ra để đảm bảo rằng hình ảnh dấu vân tay của bạn không thể được tái tạo. Bởi lẽ dữ liệu được lưu trong đó không thể được truy cập vào qua hệ điều hành hay bởi bất kì ứng dụng nào, nó không được lưu trữ tại server của Apple hay được lưu ở bất kì đâu. Khi quét vân tay, chỉ có hệ thống Secure Enclave hoạt động và mở khóa thiết bị.

    Nếu như dữ liệu của việc nhận dạng khuôn mặt cũng được bảo đảm an toàn như vậy thì sao? Thì người dùng sẽ cảm thấy vô cùng an toàn, ngay cả khi sử dụng một thiết bị mà chìa khóa để mở nó nằm ngay trên mặt mình.

    Có lẽ, lần này Apple sẽ tìm lại được ánh hào quang xưa kia, ánh hào quang của sự đột phá.

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày