Giải được bài toán thế kỷ, Trung Quốc vượt Mỹ sắp thực hiện nhiệm vụ khó nhất lịch sử trên Mặt trăng

    Trang Ly,  

    Trung Quốc đón năm 2024 với một loạt sứ mệnh vũ trụ đầy tham vọng.

    Theo thông tin vũ trụ mới nhất từ Global Times (Trung Quốc) ngày 15/2, tàu chở tên lửa Yuanwang-22 của Trung Quốc đã vận chuyển thành công tên lửa Long March-8 đến Trung tâm phóng tàu vũ trụ Văn Xương, tỉnh Hải Nam, miền Nam Trung Quốc.

    Tên lửa Long March-8 (Trường Chinh 8) sẽ đảm nhận nhiệm vụ phóng Vệ tinh chuyển tiếp Queqiao-2 - thành phần quan trọng cho các sứ mệnh thăm dò Mặt trăng Giai đoạn 4 của Trung Quốc - lên Mặt trăng, Học viện công nghệ Thiết bị phóng của Trung Quốc (CALT) thông tin.

    Tại Trung tâm phóng tàu vũ trụ Văn Xương, Long March-8 sẽ trải qua công việc lắp ráp và thử nghiệm chung trước khi lên đường.

    Trong khi đó, Queqiao-2 (Cầu Ô Thước 2) của Trung Quốc, một vệ tinh chuyển tiếp liên lạc giữa phía xa của Mặt trăng và Trái đất, cũng được dự kiến phóng vào nửa đầu năm 2024 (vào tháng 3/2024), Cơ quan Vũ trụ Quốc gia Trung Quốc thông tin vào đầu tháng 2/2024.

    Queqiao-2 sẽ đóng vai trò là nền tảng chuyển tiếp cho Giai đoạn 4 của Chương trình thám hiểm Mặt trăng của Trung Quốc, cung cấp dịch vụ liên lạc cho các sứ mệnh Mặt trăng mới Chang'e-6, Chang'e-7 và Chang'e-8.

    Cột mốc 2024: Trung Quốc lên Mặt trăng làm điều chưa nước nào dám

    Công tác chuẩn bị đầy đủ của Trung Quốc đối với vệ tinh Queqiao-2 cho thấy Bắc Kinh gần như sẵn sàng cho sứ mệnh phóng tàu vũ trụ của Chang'e-6 (Hằng Nga 6) lên Mặt trăng, dự kiến vào nửa đầu năm 2024.

    Nếu Trung Quốc phóng Chang'e-6 thành công, Trung Quốc sẽ có được khởi đầu thuận lợi cho sứ mệnh Mặt trăng mà chưa một quốc gia nào trong lịch sử thử/làm được: Hạ cánh xuống phía xa Mặt trăng - Thu thập mẫu vật - Đưa trở về Trái đất.

    Sứ mệnh Chang'e-6 dự kiến khởi động vào quý 2 năm 2024 và sẽ nhắm vào miệng núi lửa Apollo ở vĩ độ trung bình trong lưu vực Nam Cực-Aitken.

    Lưu vực Nam Cực-Aitken ở phía xa của Mặt trăng không chỉ nằm ở phía xa của Mặt trăng mà còn là nơi mà chưa có quốc gia nào trên thế giới đặt chân tới.

    Giải được bài toán thế kỷ, Trung Quốc vượt Mỹ sắp thực hiện nhiệm vụ khó nhất lịch sử trên Mặt trăng- Ảnh 1.

    Hình ảnh mô phỏng tàu đổ bộ Mặt trăng của Trung Quốc. Ảnh: Soha

    Dự án này không chỉ là bước đột phá lớn về hành trình khám phá Mặt trăng của Trung Quốc mà còn là thời điểm lịch sử khi công nghệ hàng không vũ trụ của Trung Quốc đạt đến một tầm cao mới.

    Quả thực, Chang'e-6 là một sứ mệnh rất phức tạp trong số các sứ mệnh thám hiểm Mặt trăng của Trung Quốc. Sau khi hạ cánh xuống Mặt trăng, tàu thăm dò cần có khả năng tự động lấy mẫu, bay lên, cất cánh, và trở về Trái đất - tất cả đều tự động. 

    Đó là một nhiệm vụ đầy khó khăn và thử thách. Đổi lại, nếu thành công Chang'e-6 (đưa mẫu vật Mặt trăng về Trái đất thành công), đó sẽ là cuộc trình diễn công nghệ vũ trụ đỉnh cao mà cả Mỹ, Nga, Ấn Độ chưa từng làm được.

    Hơn nữa, điều quan trọng nhất, khác biệt nhất so với sứ mệnh Chang'e-5 (2020) là sứ mệnh Chang'e-6 lần này có một mắt xích cực kỳ quan trọng: Sự trợ giúp đắc lực của vệ tinh chuyển tiếp Queqiao-2.

    Nhiệm vụ ban đầu của Queqiao-2 sẽ là hỗ trợ thông tin liên lạc cho Chang'e-6 - nỗ lực đầu tiên trong việc thu thập mẫu vật từ phía xa Mặt trăng của nhân loại.  

    Vậy tại sao lại nói Queqiao-2 là một mắt xích cực kỳ quan trọng?

    Queqiao-2 là phiên bản lớn hơn, nặng hơn, mạnh mẽ hơn của Queqiao-1. Theo chuyên gia vệ tinh Zhang Lihua, vệ tinh Queqiao-2 nặng 1,2 tấn, có ăng-ten parabol đường kính 4,2 mét và thời gian hoạt động hơn 8 năm.

    Queqiao-2 sẽ được sử dụng để thiết lập liên lạc giữa các đội trên Trái đất và tàu vũ trụ đổ bộ ở phía xa Mặt trăng.

    Theo các nhà khoa học, Mặt trăng đi theo quỹ đạo bị khóa thủy triều với Trái đất (hay còn gọi là khóa trọng lực/đồng bộ chuyển động quay), nghĩa là một bán cầu của vệ tinh tự nhiên này luôn hướng về phía hành tinh của chúng ta. 

    Khi các phi hành gia Apollo bay vòng quanh Mặt trăng, liên lạc với Trái đất của họ đều bị cắt mỗi khi mô-đun chỉ huy đi vào vùng phía sau Mặt trăng. Điều này là do Mặt trăng tự chặn tín hiệu vô tuyến, cản trở hoạt động liên lạc khi di chuyển đến giữa Trái đất với bất kỳ tàu vũ trụ nào.

    Nhưng các nhà khoa học Trung Quốc đã giải được bài toán vũ trụ trong hàng thế kỷ qua và vô hiệu hóa được khó khăn mà Mỹ không làm được khi họ cho phóng vệ tinh chuyển tiếp bay quay quỹ đạo của một điểm trong không gian gọi là điểm Lagrangian Trái Đất-Mặt Trăng (L2) và đối diện với phía xa Mặt trăng. 

    Giải được bài toán thế kỷ, Trung Quốc vượt Mỹ sắp thực hiện nhiệm vụ khó nhất lịch sử trên Mặt trăng- Ảnh 2.

    Hình ảnh mô tả cách thức thu/truyền tín hiệu của vệ tinh chuyển tiếp Queqiao-2.

    Giải được bài toán thế kỷ, Trung Quốc vượt Mỹ sắp thực hiện nhiệm vụ khó nhất lịch sử trên Mặt trăng- Ảnh 3.

    Hình ảnh mô tả cách thức thu/truyền tín hiệu của vệ tinh chuyển tiếp Queqiao-2.

    L2 là một điểm cách Mặt trăng khoảng 65.000 km. Đây là một trong năm điểm Lagrange nơi lực hấp dẫn được cân bằng, có nghĩa là Queqiao-2 sẽ vĩnh viễn bay quanh vị trí đó vì trọng lực không kéo nó đi.

    Việc vệ tinh Queqiao-2 được chế tạo để tồn tại và làm việc tại Điểm L2 sẽ giúp nó thu và truyền tín hiệu từ tàu đổ bộ của Chang'e-6 trong khu vực miệng núi lửa Apollo của Mặt trăng đến các trạm mặt đất trên Trái đất.

    Ông Zhang Lihua cho biết, Điểm L2 rất ổn định và cần ít nhiên liệu để duy trì. Điều này giúp các nhà khoa học Trung Quốc ở mặt đất theo dõi được các hoạt động của Chang'e-6 trong sứ mệnh lịch sử của nó.

    Queqiao-2 cũng sẽ phóng cùng một cặp vệ tinh thử nghiệm nhỏ dùng để liên lạc và dẫn đường có tên Tiandu-1 và Tiandu-2. Hai vệ tinh nhỏ này sẽ được sử dụng để thử nghiệm và xác minh các thiết kế cho mạng vệ tinh Queqiao rộng hơn để liên lạc và điều hướng trên Mặt trăng về sau của Trung Quốc. Tương tự, NASA và Cơ quan Vũ trụ Châu Âu (ESA) cũng đang phát triển cơ sở hạ tầng Mặt trăng của riêng họ để hỗ trợ Chương trình Artemis.

    Vệ tinh Queqiao-2 cũng sẽ thực hiện vai trò tương tự để hỗ trợ các sứ mệnh hạ cánh lên cực nam Mặt trăng của Chang'e-7 và Chang'e-8, dự kiến vào năm 2026 và 2028. Các sứ mệnh này sẽ là cơ sở cho một kế hoạch lớn hơn của Trung Quốc, được gọi là Trạm nghiên cứu Mặt trăng Quốc tế, dự kiến sẽ được xây dựng vào những năm 2030, Space.com thông tin.

    Nguồn: Globaltimes.cn, Sohu, Spacenews, Space.com

     

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày