Hà Nội đang đổ đông giữa mùa hè còn Ấn Độ lại nắng nóng kỷ lục, chim đang bay cũng rụng xuống
Những hiện tượng thời tiết trái nghịch và cực đoan tiếp tục làm nổi bật sự ảnh hưởng của biến đổi khí hậu với Trái Đất.
Người dân ở Hà Nội và các tỉnh thành phía bắc đang trải qua một đợt không khí lạnh đặc biệt và cực kỳ hiếm gặp. Đó là bởi đợt lạnh này xảy ra ngay trong mùa hè. Nhiệt độ tại một số vùng núi đã giảm xuống 16 độ C ngay giữa tháng 5.
Mức nhiệt trong ngày hè ở thủ đô Hà Nội cũng chưa bao giờ xuống tới ngưỡng 20 độ C như bây giờ, kể từ lần cuối cùng hiện tượng tương tự được ghi nhận vào năm 1981. Đây được đánh giá là một đợt không khí lạnh 40 năm mới có một lần.
Tuy nhiên, nằm cùng trên một đường vĩ tuyến với Hà Nội cách về phía tây 3.500 km, Gujarat là một bang của Ấn Độ lại đang phải chịu một đợt nắng nóng khủng khiếp với mức nhiệt trung bình trên 43 độ C.
Đây được đánh giá là đợt nắng nóng kỷ lục ở Ấn Độ trong vòng hơn 120 năm qua. Nó đã khiến đất trồng nứt nẻ, nước cạn đến lộ ra cả đáy sông và chim đang bay thậm chí cũng rớt xuống đất vì mất nước.
Một nhóm bác sĩ tại bệnh viện thú y ở Gujarat cho biết họ đang phải cấp cứu cho hàng nghìn con chim đã rơi từ trên trời xuống trong đợt nắng nóng kỷ lục từ tháng 3 và vẫn còn đang tiếp diễn.
Tại đây, những con chim đang được bơm nước vào miệng và cho ăn viên nén vitamin để phục hồi thể lực. Ngay cả những loài chim bay cao như bồ câu và diều hâu cũng phải kiệt sức trong những ngày nắng nóng lên tới 46 độ C vừa qua.
"Năm nay là một trong những năm tồi tệ nhất trong lịch sử gần đây. Chúng tôi đã chứng kiến sự gia tăng khoảng 10% số lượng chim cần giải cứu", Manoj Bhavsar, một nhân viên của tổ chức phi chính phủ Jivdaya Charity Trust cho biết.
Nắng nóng tại Ấn Độ không chỉ ảnh hưởng đến các loài động vật, ngay cả sức khỏe con người cũng bị đe dọa. Các bác sĩ trên khắp đất nước đã báo cáo số lượng bệnh nhân nhập viện gia tăng do nắng nóng.
Holy Family, một bệnh viện tại thủ đô New Delhi, đã chứng kiến số ca nhập viện tăng tới 25% trong tháng 4. Ít nhất 25 người đã tử vong ở bang Maharashtra miền tây Ấn Độ, nơi có một trong những hệ thống chăm sóc sức khỏe cộng đồng tốt nhất tại quốc gia này.
Trong khi đó, hơn 470 trường hợp bị đột quỵ vị nắng nóng khác cũng đã được báo cáo.
Tại Gujarat, cơ quan y tế đã khuyến cáo các bệnh viện thành lập ngay một chuyên khoa đặc biệt để cấp cứu các ca đột quỵ vì nắng nóng. Các trường học cũng được yêu cầu mở cửa sớm hơn và học sinh không nhất thiết phải mặc đồng phục.
Các bậc phụ huynh được khuyến cáo nên chuẩn bị sẵn nước oresol cho con mình để bù nước và khoáng, trong khi giáo viên được tập huấn để sơ cứu trong trường hợp học sinh bị say nắng. Một số bang thậm chí đã cho học sinh nghỉ học.
Ấn Độ hiện đang phải chịu đựng một loạt các đợt nắng nóng kỷ lục trong năm nay mà các chuyên gia cho rằng đó là hậu quả của biến đổi khí hậu. Theo Cục Khí tượng Ấn Độ, họ đã có một tháng 3 và tháng 4 nóng nhất trong lịch sử, với mức nhiệt độ trung bình cao hơn từ 4,5-8,5 độ C.
Vào ngày 27 tháng 4 năm 2022, nhiệt độ cao nhất được ghi nhận tại thành phố Prayagraj đã chạm ngưỡng 45,9 độ C. Tại thành phố Barmer ghi nhận mức nhiệt 45,1 độ C, trong khi nhiều địa phương khác phải chịu mức nhiệt từ 42 đến 44 độ.
Nắng nóng kết hợp với hiện tượng "nhiệt độ bầu ướt" đang thách thức giới hạn chịu đựng của người dân Ấn Độ. Nhiệt độ bầu ướt là đơn vị nhiệt độ thấp nhất có thể đạt được khi không khí bão hòa hơi nước, thường không quá 31 độ C.
Khi nhiệt độ bầu ướt trên 35 dộ C, không khí không thể hấp thụ thêm hơi nước, khiến mồ hôi không bay hơi, làm cho con người gặp các hiện tượng sốc nhiệt như mệt mỏi, chuột rút, phát ban, đặc biệt là tình trạng say nắng với nguy cơ tử vong chỉ sau vài giờ.
Trước đó vào năm 2016, Ấn Độ cũng từng phải hứng chịu một đợt thời tiết nắng nóng vô cùng khắc nghiệt với nền nhiệt tại nhiều khu vực luôn trên ngưỡng 40 độ C. Đặc biệt, vào ngày 19/5/2016, nhiệt độ tại thành phố Phalodi thuộc bang Rajasthan còn đạt mức 51 độ C, con số cao nhất từng được ghi nhận trong lịch sử.
Các chuyên gia cho biết các hiện tượng thời tiết cực đoan tại Ấn Độ gần đây là một hệ quả tất yếu của quá trình biến đổi khí hậu do con người gây ra. Việc đốt cháy nhiên liệu hóa thạch và phá hủy rừng đã giải phóng khí nhà kính vào bầu khí quyển, đồng thời làm tăng tần suất và cường độ của nhiều trận lũ lụt, hạn hán, cháy rừng và bão nhiệt đới...
Friederike Otto, một nhà khoa học tại Viện Grantham của Đại học Imperial College London, cho biết: "Không có gì phải nghi ngờ gì nữa, biến đổi khí hậu là một yếu tố chính làm thay đổi cuộc chơi khi nói đến các đợt nắng nóng với nhiệt độ cực cao".
Bà cảnh báo không chỉ có ở Ấn Độ, nhiều quốc gia khác trên thế giới cũng sẽ phải đối mặt với các đợt nắng nóng kỷ lục xảy ra trong tương lai: "Mọi đợt nắng nóng trên thế giới hiện nay đều đã mạnh hơn và có nhiều khả năng xảy ra hơn, đó là do sự thay đổi của khí hậu mà con người chính là một phần của nguyên nhân".
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Sự thật từ nghiên cứu khoa học: Chơi trò chơi điện tử có ảnh hưởng bất ngờ đến chỉ số IQ của trẻ em!
Trò chơi điện tử từ lâu đã là chủ đề gây tranh cãi khi nhắc đến ảnh hưởng của chúng đối với trẻ em. Trong khi nhiều ý kiến chỉ trích việc chơi game có thể gây hại cho sự phát triển trí não, thì một nghiên cứu khoa học đã mang đến cái nhìn khác biệt, cho thấy mối liên hệ tích cực giữa việc chơi game và sự gia tăng trí thông minh ở trẻ nhỏ.
Những tiểu tiết bạn có thể đã bỏ qua trong trailer The Witcher 4