Hãng máy tính bình dân này đang thách thức "đế chế thiết kế" của Apple bằng một sản phẩm giá vỏn vẹn 129 USD

    Ngocmiz,  

    Sau nhiều năm chuyên tâm thiết kế các dòng máy tính giá rẻ cho những nước đang phát triển, Endless cuối cùng cũng đến với thị trường Mỹ.

    Hai chiếc máy tính Mission Mini và Mission One vừa ra mắt tại hội chợ hàng điện tử tiêu dùng CES năm nay là hai chiếc hộp nhựa pha gỗ tối giản với kích cỡ chỉ bằng một chiếc router wifi nên có thể đặt ngay trên mặt bàn. Cả hai máy đều có một cổng USB ở mặt trước, vài cổng kết nối ở mặt sau, một số lỗ thoát nhiệt ở phần nắp trên – tất cả chỉ có vậy, đơn giản đến mức khó tin!

     Hình ảnh Mission One (bên phải) và Mission Mini với giá lần lượt 249 USD và 129 USD

    Hình ảnh Mission One (bên phải) và Mission Mini với giá lần lượt 249 USD và 129 USD

    Hai dòng máy tính này được phát triển bởi Endless, một startup được thành lập từ 5 năm trước tại San Francisc với sứ mệnh mang những chiếc máy tính và hệ điều hành giá rẻ đến với tầng lớp người dùng bình dân.

    Chiếc Endless Mini (cho thị trường các nước đang phát triển) được bán ra với giá chỉ 79 USD không đi kèm bàn phím hay màn hình nên cực kỳ phù hợp với những người chưa từng tiếp cận với máy tính ở các nước đang phát triển.

     Endless Mini, sản phẩm giá chỉ 79 USD

    Endless Mini, sản phẩm giá chỉ 79 USD

    Chia sẻ về lý do tập trung vào máy tính chứ không phải smartphone cho các thị trường này, CEO Matt Dalio chia sẻ: “Máy tính có thể thay đổi cuộc sống của họ. Đối với các bậc cha mẹ thì smartphone có thể đủ dùng, nhưng học sinh sinh viên thì cần máy tính để học bài, viết luận và lập trình. Liệu có ai muốn viết bài trên iPhone không?”

     Chiếc máy vô cùng nhỏ gọn nên có thể đặt trên bàn, ngay cạnh màn hình

    Chiếc máy vô cùng nhỏ gọn nên có thể đặt trên bàn, ngay cạnh màn hình

    Đây chính là sứ mệnh của Endless – cho dù có sống ở bất cứ đâu thì bạn cũng có quyền được sử dụng máy tính. Hãng máy tính này tìm cách hạ giá sản phẩm bằng việc sử dụng chip xử lý ARM thay cho các loại chip Intel đắt đỏ. Endless cũng tự xây dựng cho mình một hệ điều hành đơn giản để ai cũng có thể sử dụng nhưng cũng tích hợp thêm các tính năng dạy trẻ em học code. Hệ điều hành này hiện cũng hoàn toàn miễn phí trên mạng nên người dùng cũng không phải chịu thêm chi phí nào khác ngoài giá gốc chiếc máy tính.

    Về thiết kế, Endless đã dành nhiều tháng đi thực địa tại Guatemala, Trung Quốc, Mexico để nói chuyện trực tiếp với người tiêu dùng về những yếu tố họ mong muốn từ một chiếc máy tính. Thiết kế hình tròn của Endless Mini cũng xuất phát từ việc công ty đã quan sát nhu cầu của người dân các nước này. Hầu như mọi đồ đạc trong các ngôi nhà ở Guatemala đều bằng gỗ và trông khá mộc mạc quê mùa. Người dân ở đây thích thứ gì đó nhìn mới mẻ và nổi bật trong nhà.

    Khi về đến thị trường Mỹ, Endless đã sửa đổi lại thiết kế để cho ra mắt dòng Mission bằng gỗ pha nhựa. Không như người dùng các quốc gia đang phát triển, người Mỹ thích những món đồ thiết kế nguyên bản và không cầu kỳ.

    Dòng Mission One đắt hơn Mini hầu hết ở nguyên liệu cấu thành chất lượng cao hơn, nhưng Endless vẫn luôn giữ tôn chỉ là thiết kế không nên là yếu tố khiến sản phẩm bị đội giá. Điều này hoàn toàn trái ngược với Apple với các sản phẩm đắt đỏ phần nhiều do kiểu dáng ấn tượng cũng như sự tôn thờ mà hãng có được từ đó. Tuy nhiên, với những sản phẩm lần này, Endless đã chứng minh được rằng những sản phẩm có thiết kế đẹp không nhất thiết phải bị đội giá cao.

    Dalio chia sẻ: “Nhựa đẹp và nhựa xấu cũng đều có giá như nhau. Thiết kế thực chất chỉ là mức độ quan tâm bạn dành vào đó mà thôi.” Endless không thu phí người dùng phần đó, và các sản phẩm của hãng vẫn chủ yếu nhắm đến mục tiêu đưa máy tính tới khắp các hang cùng ngõ hẻm trên thế giới.

    Tham khảo Fast Company

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ