Hậu vận sóng gió của Masayoshi Son: Thừa nhận thất bại vì tham 'liều ăn nhiều', bất lực nhìn Vision Fund thua lỗ chục tỷ USD
Chiến lược "liều ăn nhiều" của Masayoshi Son dường như đã chứng minh là thất bại.
- Thua lỗ kỷ lục, chiến lược của Masayoshi Son đang gây nhiều hoài nghi
- Từng có lúc lãi nhiều hơn bất kỳ công ty Nhật Bản nào, Softbank của Masayoshi Son hiện thua lỗ trên mọi mặt trận, sắp tạo ra kỷ lục đáng buồn
- Tất tần tật về Web 3.0: Thứ được Google, Masayoshi Son, Mark Zuckerberg đốt tiền không tiếc tay, riêng Elon Musk lắc đầu ngao ngán 'chuyện cổ tích đang bị thổi phồng'
Chiến lược "liều ăn nhiều" của Masayoshi Son dường như đã chứng minh là thất bại.
Theo thông tin của tờ Financial Times, Softbank sắp sa thải 30% lực lượng nhân sự tại Quỹ Vision khi tập đoàn Nhật Bản tìm cách cắt giảm mạnh chi phí. Động thái này diễn ra sau khi Softbank chịu mức thua lỗ hàng quý cao kỷ lục giữa bối cảnh thị trường công nghệ trải qua cơn địa chấn mạnh.
Tập đoàn Nhật Bản bắt đầu thông báo tới nhân viên về việc cắt giảm trong thời gian tới vào ngày thứ 3. Nguồn tin cho biết, khoảng 150 trong số 500 nhân viên của chi nhánh Vision Fund sẽ mất việc.
Bước đi này trên thực tế đã được đồn đoán từ trước tuy nhiên con số nhân sự bị sa thải được tiết lộ đã tăng gấp đôi so với dự đoán trước đó. Hiện vẫn chưa rõ những bộ phận nào sẽ chịu ảnh hưởng trong đợt cắt giảm lần này nhưng việc cắt giảm dự kiến sẽ ảnh hưởng tới các nhân viên tại tất cả các văn phòng của chi nhánh trên toàn thế giới.
Giá trị của các công ty công nghệ và đồng yên yếu đã khiến công ty của tỷ phú Masayoshi Son chịu khoản lỗ ròng 3,1 nghìn tỷ yên (23 tỷ USD) trong 3 tháng tính tới tháng 6. Son gần đây thừa nhận ông nên đầu tư chọn lọc hơn và nói với các nhà đầu tư rằng cảm thấy “xấu hổ với chính mình vì quá ham lãi trong quá khứ”.
Son nói thêm vào tháng 8 rằng Softbank sẽ tự điều chỉnh thành một “tập đoàn thực thi cắt giảm chi phí mạnh sau khi khoản lãi đầu tư 7 nghìn tỷ yên tại quỹ Vision 2 đã hoàn toàn bốc hơi trong 6 tháng qua”.
Vision Fund của Softbank – quỹ vốn tập trung vào đầu tư vào những công ty có công nghệ tốt đã báo cáo khoản lỗ gộp 2,3 nghìn tỷ yên trong giai đoạn từ tháng 4 – tháng 6, theo sau là khoản lỗ 2,2 nghìn tỷ yên vào quý trước. Công ty này cũng chịu khoản lỗ liên quan tới ngoại tệ tới 6 tỷ USD do đồng yên yếu.
“Nếu chúng tôi chọn lọc hơn 1 chút và đầu tư đúng cách, tổn thất sẽ không nhiều”, Son nói.
Cổ phiếu công ty đã giảm 23% trong 12 tháng qua.
2 ngày sau khi báo cáo kết quả kinh doanh quý tồi tệ nhất, Softbank nói họ sẽ thu về khoản lãi 4,6 nghìn tỷ yên (33,6 tỷ USD) bằng việc bán cổ phiếu Alibaba. Kết quả là lượng cổ phần của Softbank tại Alibaba cũng sẽ giảm đáng kể sau thương vụ này.
THẤT BẠI CỦA MASAYOSHI SON
Ở tuổi 65, Son đã tạo dựng được danh tiếng với một phong cách khá ấn tượng. Ông ấy đã mua một trong những ngôi nhà đắt nhất ở Mỹ, từng khoe khoang sở thích đầu tư vào những “gã điên” (ám chỉ nhà sáng lập của các startup ông cho là tiềm năng) và được biết đến là người có những bài thuyết trình bằng PowerPoint quanh co và siêu thực.
Trong một buổi nói chuyện năm 2010 về tầm nhìn dài hạn của mình, Son đã trình chiếu một slide trong đó bàn tay con người chuyển một trái tim hoạt hình lớn màu đỏ cho một con robot. Vào năm 2019, trong một nỗ lực xoay chuyển WeWork, Son đã hiển thị một biểu đồ về lợi nhuận trong tương lai của công ty có tựa đề “Minh họa giả thuyết về EBIDTA”.
Bài thuyết trình gần đây nhất của ông ấy cũng gây ấn tượng không kém. Son bắt đầu công bố kết quả kinh doanh hàng quý của mình bằng cách cho thấy bức chân dung của một vị tướng quân Nhật Bản thời phong kiến có tên Tokugawa Ieyasu. Ngụ ý của Son về hình ảnh này hoàn toàn không rõ ràng, nhưng có vẻ như Son hứa hẹn sẽ có cách tiếp cận rõ ràng hơn để đầu tư trong tương lai.
Ông cho biết SoftBank sẽ đầu tư ít hơn và sẽ sa thải nhân viên trong toàn công ty. SoftBank, ông nói, đang ở "chế độ phòng thủ". Công ty là nạn nhân của "sự hỗn loạn thị trường" và "bong bóng định giá".
Theo nhận định của Bloomberg, điều Son nói kể trên là đúng, nhưng không đầy đủ. Nếu có bong bóng công nghệ, chính Son là người đóng vai trò quan trọng trong việc thổi phồng nó.
Quỹ Vision ra đời vào năm 2016 trong một chuyến bay đến Trung Đông, khi Son, người đang chuẩn bị tiếp cận các nhà đầu tư trong khu vực, đã gạch bỏ quy mô quỹ dự kiến khi đó của mình là 30 tỷ USD và thay thế nó bằng một con số ấn tượng hơn: 100 tỷ USD. "Cuộc sống quá ngắn để suy nghĩ nhỏ", ông nói với một cấp phó.
SoftBank có xu hướng thể hiện mình là người có triết lý đầu tư phức tạp - kết hợp quan điểm lạc quan về đổi mới công nghệ với quan điểm rằng các công ty trong danh mục đầu tư của công ty sẽ giúp đỡ lẫn nhau.
Trên thực tế, cách tiếp cận của ông đơn giản hơn: SoftBank cố gắng thống trị các ngành công nghiệp non trẻ bằng cách sử dụng lượng tiền mặt khổng lồ. Bắt đầu từ năm 2017, Son xác định các doanh nhân mà ông cho là có triển vọng và sau đó đưa ra số vốn gấp đôi hoặc gấp ba (hoặc nhiều hơn) mà họ yêu cầu. Nếu những người sáng lập lúng túng hoặc cố gắng thương lượng các điều khoản của thỏa thuận, ông sẽ đe dọa đưa khoản đầu tư của mình cho một đối thủ cạnh tranh.
Chiến lược này đã dẫn đến việc đặt cược rất lớn vào công ty chia sẻ xe Trung Quốc Didi Chuxing Technology, cộng với WeWork và Uber, với số vốn đầu tư lần lượt 5,5 tỷ USD, 4,4 tỷ USD và 7,7 tỷ USD vào năm 2017 và đầu năm 2018 — cũng như một loạt của các giao dịch khác với số tiền khiêm tốn hơn. Son đã đầu tư 300 triệu USD vào Wag! (startu cho chó đi dạo), 375 triệu USD vào công ty bánh pizza Zume và 1,5 tỷ USD vào một chuỗi khách sạn bình dân của Ấn Độ.
Xét theo mặt nào đó, đây là sự phát triển vượt bậc của chiến lược phát triển kinh doanh đã trở thành tiêu chuẩn vào thời điểm Quỹ Tầm nhìn bắt đầu thực hiện các giao dịch. Tiền đề của chiến lược, đôi khi được gọi là “Blitzscaling” và được tiên phong bởi người đồng sáng lập PayPal, Peter Thiel. Có thể hiểu đơn giản chiến lược này là các thị trường internet có xu hướng bị độc quyền bởi một người chơi duy nhất (Google trong tìm kiếm, Facebook trong mạng xã hội...).
Theo đó, các công ty khởi nghiệp nên chi nhiều nhất có thể để thiết lập các vị trí trên thị trường ngay cả khi điều đó có nghĩa là chi tiêu nhiều hơn để thu hút khách hàng so với mức bạn có thể kiếm được hoặc hiểu đơn giản hơn là bán sản phẩm thua lỗ. Một khi công ty đã thiết lập sự thống trị, họ có thể tăng giá và cuối cùng thu được lợi nhuận.
Có một logic cho cách tiếp cận này - và thực sự, nó cũng giúp giải thích sự phát triển của một số công ty công nghệ thua lỗ trong nhiều năm trước khi có lãi. Nhưng, vẫn tồn tại hai lỗ hổng quan trọng. Đầu tiên là nó có thể mang tính săn mồi, gây hại cho người tiêu dùng và cuối cùng là chạy theo các cơ quan quản lý. Thứ hai là nó chỉ thành công nếu các doanh nghiệp thực sự là các công ty công nghệ với nền kinh tế cơ bản vững chắc, thay vì các doanh nghiệp có tỷ suất lợi nhuận thấp giả danh là các công ty công nghệ.
Đây chính là điểm sai chí mạng của Son. Cách tiếp cận của SoftBank chủ yếu liên quan đến việc tạo ra sự gián đoạn cho các hoạt động kinh doanh thông thường và hầu như không mang lại lợi nhuận — đi taxi, giao đồ ăn, dắt chó đi dạo, pizza. Điều này đặc biệt đúng trong trường hợp của người sáng lập WeWork, Adam Neumann, người có khả năng phù hợp với "sự vĩ đại" của Son và có khả năng thiên bẩm để biến một công việc kinh doanh bất động sản thương mại có vẻ bình thường thành một thứ gì đó hay ho.
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Cùng nhận tiền của NASA để sản xuất tàu vũ trụ, SpaceX thành công lớn còn Boeing lỗ nặng
Boeing đứng trước những sóng gió lớn nếu không hoàn thành dự án Starliner của mình.
iPhone 14 Pro Max phát nổ khiến người dùng bị thương