Hệ điều hành này thực sự là ông vua của thiết bị di động khi nó đã lan tỏa đến mọi ngóc ngách của thế giới này.
Năm 2015, startup OpenSignal tại London công bố số liệu cho thấy, tính đến thời điểm đó, có khoảng 24.000 loại thiết bị Android, cả điện thoại và tablet, từ hơn 1.300 thương hiệu hiện đang được sử dụng. Còn theo báo cáo mới nhất của IDC, 87,6% trong số 344,7 triệu smartphone xuất xưởng trong quý hai 2016 được trang bị Android, 11,7% chạy trên hệ điều hành iOS của Apple.
Vậy làm thế nào Android có thể trở nên thành công như vậy? Đó chính là nhờ triết lý mã nguồn mở của nền tảng này.
Nền tảng miễn phí cho cộng đồng
Khởi đầu Android là một nền tảng tiến bộ cho các camera kỹ thuật số với khả năng kết nối mạng. Khi các nhà sáng lập của Android Inc., Andy Rubin và Matias Duarte nhận ra rằng thị trường camera quá nhỏ bé so với cấu trúc của cả một ngành kinh doanh mới, công ty chuyển phần mềm này sang một lĩnh vực hứa hẹn hơn, smartphone.
Đó là vào mùa thu năm 2004. Chỉ một năm sau, Google mua lại Android Inc. với một mức giá không tiết lộ, nhiều người ước tính giá trị khoảng 50 triệu USD.
Ngay từ ban đầu, Android chưa bao giờ được tạo ra để mang lại lợi nhuận tức thời. Nó được thiết kế để thúc đẩy doanh số camera kỹ thuật số và các dịch vụ liên quan, vì vậy phần mềm này được xây dựng xung quanh nhân Linux miễn phí và gắn kèm với giấy phép mã nguồn mở Apache 2.0. Chiến lược này được duy trì khi Android Inc. đưa phần mềm này vào điện thoại, và tiếp tục một lần nữa khi Google sở hữu nó.
“Chúng tôi muốn càng nhiều di động sử dụng Android càng tốt.” Rubin cho biết. “Vì vậy, thay vì tính phí 99 USD hay 59 USD hay 69 USD để sử dụng Android, chúng tôi biến nó thành một nền tảng miễn phí, vì chúng tôi hiểu rằng ngành công nghiệp này rất nhạy cảm về giá.”
Andy Rubin, cha đẻ của Android
Loại bỏ được động lực về lợi nhuận, bước đi hợp lý tiếp theo là cung cấp cho cộng đồng mã nguồn mở một trung tâm phát triển để duy trì Android. Và vì vậy, Android Open Source Project (AOSP) ra đời. Thông báo này được đưa ra vào tháng Mười năm 2008, cùng lúc với việc ra mắt thiết bị thương mại đầu tiên chạy Android.
Chưa đầy 30 tháng sau , một đội quân Android đã được thành lập với đủ các ngóc ngách để đạt tới 33.3% thị phần toàn cầu. Dù đã đạt đến vị trí người đứng đầu về hệ điều hành smartphone, Android vẫn xem triết lý mã nguồn mở là trung tâm của mình, cho dù Google sau đó đã đăng ký giấy phép độc quyền cho một số thành phần quan trọng nhất của nó.
Vì vậy hiện giờ, cho dù bạn có thể chỉnh sửa và xây dựng hầu như toàn bộ Android dựa trên các dòng code miễn phí, nhưng bạn sẽ cần những phần đặc trưng của Google để cung cấp một trải nghiệm người dùng chất lượng cao. Những công cụ phần mềm không mở này bao gồm Gmail, Google Maps, và toàn bộ gói phần mềm Google Play, cũng như Play Store, nơi phần lớn người dùng Android tìm được những ứng dụng họ cần.
Thị phần của các hệ điều hành di động.
Chính triết lý mã nguồn mở đã đem lại nhiều lợi ích cho nền tảng này, cũng như bản thân Google:
- Họ có thể đón nhận được những ý tưởng mới từ cộng đồng các nhà phát triển, không chỉ là các cơ hội mới của nhà phát triển mà còn là những ý tưởng giúp giải quyết bất kỳ vấn đề nào.
- Google sẽ nhận được sự giúp đỡ miễn phí cho nỗ lực phát triển phần mềm của mình, bên cạnh việc chạy các dòng code mới qua lớp bảo mật và tích hợp vào công ty trước khi xếp nó vào mã cơ sở thương mại.
- Việc xem xét chéo phần mềm có xu hướng trở nên đáng tin cậy hơn, nhờ vào sự tham gia của cộng đồng trong việc tìm kiếm các dòng code lỗi. Theo báo cáo vào năm 2014 của hãng phân tích chất lượng code Coverity, các dự án mã nguồn mở có tỷ lệ lỗi chỉ ở mức 0,61 trên mỗi 1.000 dòng code, trong khi các dự án phát triển thương mại dừng lại ở tỷ lệ 0,76 lỗi. Cũng chính vì thiếu cộng đồng này, các bản Android của riêng những nhà sản xuất thiết bị như Samsung hay Xiaomi bổ sung vào thường kém ổn định và chậm hơn của Google.
- Và tất nhiên, chiến lược mã nguồn mở sẽ giúp các nhà sản xuất thiết bị tinh chỉnh Android cho những mục đích riêng của họ. Sự giao thoa về code không chỉ đem lại lợi ích chung cho cả cộng đồng Android mà còn giúp tìm ra những ngách thị trường mới. Về mặt kỹ thuật, mỗi khi nhà cung cấp bổ sung các dòng code phù hợp với phần cứng và ứng dụng riêng của họ sẽ lại làm sản sinh ra một sự giao thoa mới. Điều tương tự cũng diễn ra với các bản Android của bên thứ ba như Cyanogenmod và CopperheadOS.
Đa dạng lựa chọn ở phân khúc cao cấp
Điều này tất nhiên đem lại một lợi ích không nhỏ cho người dùng khi Android có thể đáp ứng đa dạng nhu cầu của họ. Với những người thích trải nghiệm thuần Android nhất và cấu hình mạnh mẽ, họ có thể tìm đến các thiết bị do Google phát triển như Nexus hoặc Pixel, một số người khác lựa chọn thiết kế kiểu dáng đẹp và màn hình phù hợp với VR, họ sẽ chiếc Samsung Galaxy S7 phù hợp với ý muốn của mình.
Chiếc HTC 10 cũng có thiết kế độc đáo và màn hình chất lượng cao hơn Pixel, đi kèm với nó là một dàn loa ngoài stereo mạnh mẽ. Trong khi đó, những thiết bị của OnePlus 3T có lựa chọn phần cứng ngang bằng các thiết bị hàng đầu, với RAM nhiều hơn 50% so với điện thoại của Google – quan trọng hơn là mức giá 439 USD, thấp hơn đáng kể so với 649 USD của Pixel.
Trong khi người dùng có rất nhiều sự lựa chọn trong phân khúc thị trường cao cấp, nhưng điều này vẫn không thể so sánh được sự thừa thãi với những thiết bị từ phân khúc giá thấp.
Các lựa chọn entry-level
Với phân khúc smartphone giá thấp, Android gần như thống trị toàn bộ sân chơi này. Tại Mỹ, trong khi hầu hết các nhà mạng bán ra chiếc iPhone SE, chiếc iPhone rẻ nhất đến nay, với mức giá khởi điểm từ 320 USD đến 400 USD, thì tại thế giới Android, mọi chuyện diễn ra rất khác biệt.
Các nhà mạng lớn tại Mỹ đều đưa ra những thiết bị Android cấp thấp với mức giá rẻ hơn rất nhiều. Một chiếc ZTE Avid Trio mới được T-Mobile bán ra chỉ giá 99 USD, trong khi đó Sprint lại có chiếc LG Tribute 5 với mức giá 120 USD, tương đương với chiếc LG K4 LTE của Verizon. AT&T có sự lựa chọn cao hơn một chút với chiếc LG K10 150 USD. Còn nếu bạn hài lòng với những thiết bị đã qua sử dụng hay tân trang lại, số tiền mà bạn tiết kiệm được có thể còn lớn hơn nữa.
Chiếc ZTE Avid Trio.
Tuy nhiên, đổi lại với mức giá rẻ, có một số điểm bất tiện đi kèm với những chiếc Android này. Không thiết bị giá rẻ nào đi kèm với phiên bản Android mới nhất và tốt nhất. Chiếc Tribute 5 ra mắt vào tháng Một 2016 với phiên bản Android nhiều năm tuổi 4.4.2. Chiếc K4 và K10 ra mắt với phiên bản Android 5.1.1 Lollipop nhưng đã được lên phiên bản 6.0.1 Marshmallow. Chiếc Avid Trio mới được T-Mobile giới thiệu vài tuần gần đây và vẫn đang chạy Marshmallow nguyên bản.
Mặc dù vậy, những chiếc Android giá rẻ vẫn giúp giải quyết một thị trường quan trọng. Có thể những thiết bị như ZTE Avid Trio không thể so sánh được với chiếc iPhone 5S về cấu hình phần cứng hay thiết kế, nhưng chúng đủ tốt để thỉnh thoảng lướt Web, tham gia Facebook hay các kết nối xã hội khác. Hơn nữa, với những người dùng không đam mê công nghệ, chuyện phân mảnh của hệ điều hành hay nâng cấp phiên bản mới dường như không phải vấn đề họ quan tâm.
Điều này đặc biệt đúng với các quốc gia đang phát triển. Ví dụ, tại Ấn Độ, nơi người ta có thể tìm thấy những chiếc Android với mức giá chỉ 45 USD từ các thương hiệu xa lạ như Reliance, Karbonn và Videocon. Với bộ xử lý chậm chạp và RAM tối thiểu, chúng vẫn được cài đặt Android 5.1 và hỗ trợ các tính năng cao cấp như Voice over LTE. Trong khi đó, chiếc iPhone 5S dù được khuyến mại mạnh tay trong tháng 11 vừa qua vẫn có mức giá đến 260 USD. Không lạ khi các số liệu thống kê cho thấy, trong một năm qua, thị phần của iPhone đã giảm thêm 2% tại Ấn Độ, xuống chỉ còn 4% thị phần.
Và Ấn Độ chỉ là một ví dụ điển hình, các câu chuyện tương tự vẫn đang diễn ra ở những khu vực đang phát triển khác như Châu Phi hay Nam Mỹ. Mô hình mã nguồn mở của Android đã giúp họ giành chiến thắng trước chiến lược giá của Apple tại những thị trường này.
Các thiết bị đặc biệt
Không chỉ những xuất hiện trên những chiếc flagship hàng đầu và những thiết bị giá rẻ, Android còn len lỏi đến cả những thị trường ngách rất độc đáo.
Nếu bạn cần một bàn phím vật lý đầy đủ, vẫn còn những chiếc Android cung cấp tính năng đó. Tên tuổi một thời BlackBerry vẫn sản xuất những chiếc Android đi kèm bàn phím cứng trong 2016, và thậm chí công ty còn đang cấp phép bằng sáng chế về bàn phím này cho các công ty khác.
Còn nếu bạn thích một chiếc điện thoại với tính năng của smartphone? Nhà sản xuất Freetel của Nhật vẫn đang tạo ra các thiết bị này. Samsung cũng góp mặt với chiếc điện thoại gập hai màn hình W2016, đi kèm với bàn phím số T9.
Còn nếu bạn cần một chiếc điện thoại nồi đồng cối đá với độ bền theo tiêu chuẩn quân sự? Bạn cũng sẽ có rất nhiều sự lựa chọn cho mình, từ những thiết bị thuộc gia đình Kyocera DuraForce cho đến chiếc Samsung Galaxy Rugby Pro.
Trong khi đó, Apple lại không hề có ý định xây dựng một hệ sinh thái linh hoạt như vậy. Bằng cách giữ chặt những công nghệ cho riêng mình và đảm bảo mỗi thiết bị đều là những cỗ máy sinh lợi trực tiếp, Apple đã tạo ra một nền tảng công nghệ đầy mạnh mẽ và lợi nhuận cao. Tuy nhiên, họ không bao giờ có thể đạt đến độ phổ biến như Android.
Nhưng sự phổ biến của Android liệu có mang lại lợi nhuận cho Google hay không, khi bản thân họ không hề thu phí sử dụng hệ điều hành này.
Động lực lợi nhuận
Không có một hệ sinh thái phổ biến và linh hoạt như Google, nhưng hệ sinh thái đóng kín và được kiểm soát chặt chẽ của Apple lại là một ví dụ hoàn hảo cho mô hình kinh doanh thu lợi nhuận trực tiếp.
Trong khi phải dựa vào các đối tác bên thứ ba để sản xuất phần cứng cho mình, nhưng Apple là người chịu trách nhiệm cung cấp các dịch vụ kết nối đến thiết bị của họ cũng như phân phối đến người dùng cuối cùng. Từ hệ điều hành iOS cho đến các phần cứng mang phong cách thiết kế của Apple, cùng với chuỗi cửa hàng bán lẻ hiệu quả nhất tại Mỹ, công ty sở hữu và tối đa hóa lợi nhuận trên từng công đoạn của chuỗi phân phối đó.
Với mức giá trung bình một chiếc iPhone lên đến 645 USD, nhưng chỉ riêng trong năm tài chính 2016, Apple đã bán được 212 triệu chiếc iPhone với doanh thu đạt mức 136,7 tỷ USD. Lợi nhuận gộp của công ty lên đến 39%, một con số đáng mơ ước đối với bất cứ công ty nào trong ngành bán lẻ cũng như ngành điện tử tiêu dùng.
Trong khi đó, Google vận hành Android theo cách hoàn toàn khác. Thay vì thu được lợi nhuận khổng lồ từ bán thiết bị phần cứng, Android sẽ giúp mang thêm nhiều người truy cập vào các dịch vụ đem lại doanh thu của Google/Alphabet. Nhiều kết nối từ người dùng đến các dịch vụ này hơn, cũng có nghĩa nhiều lượt tìm kiếm web và nhiều click vào quảng cáo hơn, đồng thời các kết nối này sẽ giúp Google thiết lập tên tuổi của mình như một đối tác trực tuyến giá trị và đáng tin cậy.
Chiếc Pixel mới ra mắt sẽ không làm thay đổi cam kết của Google về hệ sinh thái mở đó. Nhưng cũng như những dự án nghiên cứu ô tô tự lái, thiết bị điện toán đeo được, khinh khí cầu phát Internet, và rất nhiều ý tưởng về sản sinh năng lượng tái tạo hay y tế mà Alphabet đang thực hiện, tất cả đều là sự chuẩn bị cho kết thúc không thể tránh khỏi của mô hình kinh doanh tìm kiếm Web và quảng cáo.
Nhưng nếu nhìn vào báo cáo tài chính các quý của Alphabet, rõ ràng công ty chưa sẵn sàng tạo ra đột phá về doanh số với chiếc Pixel cũng như các thiết bị phần cứng khác. Trong khi nhiều dự án vẫn đang nghiên cứu, thì các sản phẩm phần cứng đã ra mắt của công ty mới chỉ chiếm một thành phần nhỏ trong báo cáo tài chính. Nhưng điều đó cũng không thực sự quan trọng khi Android chỉ là cái phễu giúp thu hút và giữ chân người dùng di động trong hệ sinh thái rộng lớn hơn của Google.
Nhưng thực sự Android mở như thế nào?
Hãy nhớ một điều rằng, Android không mở 100% với tất cả mọi người. Hàng loạt bộ phận quan trọng trong toàn bộ trải nghiệm của Android đã bị tách ra để trở thành các công cụ hỗ trợ cho thương hiệu của Google, và chỉ được đưa tới các nhà phát triển thiết bị nếu họ đáp ứng một số tiêu chí nhất định.
Thiết bị của bạn không thể có được toàn bộ trải nghiệm Android của Google nếu thiếu bộ công cụ của họ bao gồm, Google Maps, Gmail, YouTube và trình duyệt Chrome. Thanh tìm kiếm Google Search phải là mặc định trên thiết bị và hiện diện trên màn hình chính. Đó là những gì bạn cần để có thể truy cập một cách chính thức vào Google Play Store, một trong những thành phần quan trọng nhất trong bộ công cụ Google Play.
Tóm lại, Google muốn các thiết bị Android thực sự là cái phễu hút lượt truy cập cho dịch vụ của họ. Từ quan điểm của công ty, đó là lý do Android tồn tại. Nhưng điều này cũng không ngăn cản các đối tác phần cứng tự xây dựng các thư viện ứng dụng của riêng mình, ví dụ như Amazon App Store. Amazon có thể làm được điều này nhờ vào hàng loạt dịch vụ trực tuyến và giải trí của riêng họ, để thay thế cho các tính năng của Google.
Nhưng đại đa số các nhà sản xuất thiết bị khác không có được những lợi thế đó, do vậy họ phải đăng ký trải nghiệm Android với đầy đủ các dịch vụ mặc định của Google. Và như vậy, hệ sinh thái này vẫn không ngừng tăng lên.
Tham khảo Arstechnica
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Sự thật từ nghiên cứu khoa học: Chơi trò chơi điện tử có ảnh hưởng bất ngờ đến chỉ số IQ của trẻ em!
Trò chơi điện tử từ lâu đã là chủ đề gây tranh cãi khi nhắc đến ảnh hưởng của chúng đối với trẻ em. Trong khi nhiều ý kiến chỉ trích việc chơi game có thể gây hại cho sự phát triển trí não, thì một nghiên cứu khoa học đã mang đến cái nhìn khác biệt, cho thấy mối liên hệ tích cực giữa việc chơi game và sự gia tăng trí thông minh ở trẻ nhỏ.
Những tiểu tiết bạn có thể đã bỏ qua trong trailer The Witcher 4