Nó đã được phóng đại lên tới 300.000 lần.
Virus corona mới gây ra dịch viêm đường hô hấp cấp Covid-19 đã lây nhiễm cho hơn 67.000 người trên thế giới và giết chết hơn 1.500 người trong số họ. Đa số các bệnh nhân này đều là người Trung Quốc, và có thể họ sẽ không bao giờ nhìn thấy thủ phạm đã gây bệnh và giết chết mình.
Đó là vì virus, bây giờ đã có được cái tên chính thức của nó là SARS-CoV-2, chỉ có kích thước vỏn vẹn 100 nanomet, nhỏ hơn 750 lần so với đường kính sợi tóc người. Ngay cả các kính hiển vi quang học cũng sẽ phải thất bại trong việc phóng đại virus, bởi độ dài bước sóng ánh sáng nhìn thấy còn lớn gấp 3-7 lần kích thước của nó.
Nhưng bằng hai kỹ thuật kính hiển vi điện tử quét (SEM) và kính hiển vi điện tử truyền qua (TEM) - sử dụng các chùm electron bắn vào virus thay cho sóng ánh sáng - các nhà khoa học tại Phòng thí nghiệm Rocky Mountains thuộc Viện Dị ứng và Bệnh Truyền nhiễm Quốc gia Hoa Kỳ đã chụp được những bức ảnh chân thật nhất về chủng virus corona đang gây ra dịch viêm đường hô hấp cấp Covid-19.
Và thật đáng kinh ngạc, chủng virus lây lan mạnh và chết người này còn có thể khiến mọi người chú ý đến nó... trên khía cạnh thẩm mỹ:
Hình ảnh bạn vừa thấy phía trên là một virus SARS-CoV-2 phân lập được từ một bệnh nhân người Mỹ. Nó được chụp dưới kính hiển vi điện tử quét (SEM) và được tô màu trong quá trình xử lý ảnh.
Lưu ý rằng kính hiển vi điện tử sử dụng chùm electron thay cho sóng ánh sáng khả kiến có màu sắc, vì vậy, tất cả những gì nó chụp được chỉ là một tấm ảnh đen trắng. Trong quá trình xử lý ảnh, các nhà khoa học có thể thêm màu vào để quan sát các đối tượng như virus dễ dàng hơn.
Trong bức ảnh này, các hạt virus SARS-CoV-2 đã được tô màu vàng, trong khi bề mặt của những tế bào có màu xanh lam và màu hồng.
Trên đây là những bức ảnh được chụp bằng kính hiển vi điện tử quét (SEM), với các hạt electron quét qua bề mặt virus corona. Nhưng để có được một độ phóng đại và độ phân giải cao hơn nữa, các nhà khoa học tại Phòng thí nghiệm Rocky Mountains phải sử dụng đến kính hiển vi điện tử truyền qua (TEM) với các hạt electron bắn xuyên qua virus.
Các hạt electron này khi gặp bề mặt virus sẽ giảm tốc độ, bị hấp thụ hoặc bị tán xạ, các cảm biến của TEM đo đạc các thay đổi này và tái tạo lại thành hình ảnh mẫu virus. Ở độ phân giải của TEM, chúng ta có thể nhìn rõ các cấu trúc dạng gai hoặc vương miện trên bề mặt virus SARS-CoV-2, hay còn gọi là virus corona mới:
Đó chính là những thụ thể protein mà virus sử dụng để xâm nhập vào bên trong tế bào con người. Các nhà khoa học đang cố gắng tìm ra một loại thuốc hoặc vắc-xin có thể hòa tan những thụ thể này. Làm được điều đó sẽ khiến virus bị bất hoạt và sau đó tự chết mà không thể lây nhiễm thêm được nữa.
Những hình ảnh của SARS-CoV-2 thực sự rất giống với các chủng virus khác trong họ corona như SARS hoặc MERS. Các virus này chỉ có những sự khác biệt nhỏ trong bộ gen của chúng. Tuy nhiên, chính những sự khác biệt này lại ảnh hưởng lớn tới độc tính và khả năng lây lan của virus.
Trong khi tỷ lệ tử vong khi nhiễm virus MERS có thể lên tới gần 35%, tỷ lệ tử vong của SARS là gần 10% thì virus corona đang gây ra dịch Covid-19 chỉ giết chết 2-3% số người nhiễm bệnh.
Bù lại, virus này lại có tốc độ lây lan lớn. Trong dịch MERS năm 2015, thế giới chỉ ghi nhận 2.494 ca nhiễm bệnh, trong dịch SARS năm 2003 là 8.096 ca thì tính tới thời điểm này, virus corona mới đã lây nhiễm cho 67.102 người.
*Mời bạn đọc cập nhật những thông tin mới nhất về dịch Covid-19 do virus corona mới gây ra tại đây:
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Nhà sáng lập TSMC nhận định về Intel: Sẽ tốt hơn nếu không cố chen chân vào mảng sản xuất chip, đáng lẽ nên tập trung vào AI
Morris Chang, nhà sáng lập TSMC, đã thẳng thắn nhận định chiến lược kinh doanh của Intel, cho rằng "Đội Xanh" đáng lẽ không nên bước chân vào lĩnh vực sản xuất chip và thay vào đó nên tập trung vào thị trường AI.
Chủ tịch Huawei tự hào khoe Mate 70 là điện thoại với chip 100% Made in China: "Tự chủ ngành bán dẫn đã trở thành hiện thực"