Hóa ra chúng ta không hề bận, tất cả chỉ đang giả vờ thế thôi

    Lưu An,  

    Con người bị “ép” phải nói dối về mức độ bận rộn của mình. Hơn một nửa số người trẻ từ 18 đến 34 tuổi cho biết họ phóng đại mức độ bận rộn với người khác để chứng tỏ cuộc sống của mình có ý nghĩa.

    Trong kỷ nguyên của công nghệ và thông tin không giới hạn, cuộc sống diễn ra quá nhanh khiến con người luôn mệt mỏi. Đặc biệt là khi bạn phải làm những công việc mà mình cảm thấy áp lực về thời gian, bạn sẽ thấy mình lúc nào cũng “đầu bù tóc rối” mà vẫn không xong việc. Nhưng liệu chúng ta có thực sự bận rộn đến vậy không?

    Một nghiên cứu mới đây đã có câu trả lời: Chúng ta không hề bận như những gì mọi người vẫn nghĩ.

    Cụ thể, nghiên cứu tiến hành trên 10.000 người lớn thuộc nhiều thế hệ khác nhau tại 28 quốc gia trên thế giới, công ty marketing toàn cầu Havas Worldwide đã phối hợp với công ty nghiên cứu thị trường Market Probe International, hỏi những người tham gia về cách mà công nghệ và sự kết nối ảnh hưởng đến cuộc sống của họ.

    Kết quả, họ đã đưa ra một phát hiện có thể khiến thế giới ngỡ ngàng: Con người bị “ép” phải nói dối về mức độ bận rộn của mình.

    Trả lời câu hỏi “Có phải bạn thường giả vờ bận rộn hơn thực tế không”, hơn một nửa số người trẻ từ 18 đến 34 tuổi cho biết họ phóng đại mức độ bận rộn của mình khi nói chuyện với những người khác. Tương tự, thế hệ lớn tuổi hơn cũng buộc phải phóng đại mức độ bận rộn mặc dù mức độ thấp hơn một chút.

    Xét về tổng thể, có 57-65% những người tham gia khảo sát thuộc mọi thế hệ nói rằng họ cũng biết người khác đang giả vờ bận rộn hơn so với thực tế.

    Các tác giả của nghiên cứu cho biết khuynh hướng “nói dối” về mức độ bận rộn xuất phát từ niềm tin của con người khi cho rằng bận rộn tương đương với một cuộc sống có ý nghĩa và không ai muốn bị “xuống hạng” chỉ vì rảnh rỗi.

    Họ phát hiện ra rằng niềm tin này được hoan nghênh rộng rãi ở các quốc gia đề cao lối sống bận rộn như Đức hoặc Mỹ. Ngược lại ở các quốc gia đề cao giải trí sau công việc như Ý và Bỉ, bận rộn được coi là “một điều tốt”.

    Hầu hết những người tham gia khảo sát từ 28 quốc gia cho biết họ đều bị rơi vào tình trạng “mâu thuẫn trung lập”. Họ ngưỡng mộ sự bận rộn nhưng cũng muốn bản thân sống chậm lại. Trạng thái mâu thuẫn này sẽ dẫn đến căng thẳng tinh thần và khao khát “thổi phồng” mọi thứ.

    Đồng thời, nghiên cứu cũng chỉ ra rằng, cứ 5 người tham gia khảo sát thì chỉ có một người thừa nhận là họ đang sống vội.

    Ngoài ra, một nghiên cứu do cục Thống kê lao động Hoa Kỳ tiến hành, cho thấy người Mỹ làm việc một cách rất thong thả và ngủ trong giờ thường xuyên, mặc dù Mỹ nổi tiếng là quốc gia bận rộn và làm việc quá sức.

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ