Hôm nay, người dân Hà Nội, Đà Nẵng và TP.HCM đừng quên theo dõi hiện tượng nhật thực hiếm gặp vào khung giờ sau đây

    Anh Việt,  

    Những người đam mê thiên văn học ở các tỉnh thành phía Bắc sẽ được quan sát được nhật thực một phần với tỉ lệ che phủ cực đại lớn hơn các tỉnh thành phía Nam.

    Là một trong những hiện tượng thiên văn kỳ thú con người có thể theo dõi trực tiếp, nhật thực xảy ra khi Mặt Trăng che khuất một phần hay hoàn toàn Mặt Trời. Điều này diễn ra khi Mặt Trời, Mặt Trăng, Trái Đất nằm cùng trên một đường thẳng hoặc gần thẳng, đồng thời Mặt Trăng đi qua giữa Mặt Trời và Trái Đất.

    Dựa vào các vùng bóng của Mặt Trăng trên bề mặt Trái Đất, có tổng cộng 4 loại nhật thực được phân loại. Với nhật thực toàn phần, đĩa Mặt Trời bị che khuất hoàn toàn. Trong khi đó, với nhật thực một phần, nhật thực hình khuyên, nhật thực lai, Mặt Trời chỉ bị che khuất một phần.

    Hôm nay, người dân Hà Nội, Đà Nẵng và TP.HCM đừng quên theo dõi hiện tượng nhật thực hiếm gặp vào khung giờ sau đây - Ảnh 1.

    Nhật thực một phần, nhật thực toàn phần và nhật thực hình khuyên. Người dân Việt Nam sẽ được theo dõi nhật thực một phần vào chiều nay 21/6/2020

    Đáng chú ý, vào chiều nay (21.06.2020), Việt Nam là một trong số các quốc gia và vùng lãnh thổ có cơ hội quan sát được nhật thực một phần. 

    Dự kiến, nhật thực một phần tại Việt Nam sẽ bắt đầu vào khoảng 13h chiều nay, tính từ thời điểm Mặt Trăng bắt đầu che lấp Mặt Trời, kéo dài liên tục trong 3 tiếng đồng hồ. Tất cả các tỉnh thành tại Việt Nam đều có cơ hội theo dõi nhật thực một phần. Tuy nhiên, những người đam mê thiên văn học ở các tỉnh thành phía Bắc sẽ được quan sát được nhật thực một phần với tỉ lệ che phủ cực đại lớn hơn các tỉnh thành phía Nam.

    Theo Hội Thiên văn nghiệp dư Hà Nội (HAS), tỉ lệ che phủ Mặt Trời cao nhất ở Hà Giang là 79%, trong khi tỷ lệ che phủ ở Cà Mau thấp nhất (27%).

    Tại Hà Nội, nhật thực một phần sẽ bắt đầu vào 13h16 phút, đạt cực đại lúc 14h55 với tỉ lệ che phủ tới 71%, kết thúc vào 16h18. Tại Đà Nẵng, nhật thực một phần bắt đầu lúc 13:30, đạt cực đại lúc 15h04 với tỉ lệ che phủ là 56%. Tại TPHCM, nhật thực bắt đầu từ 13h37, đạt cực đại lúc 15h05 với tỉ lệ che phủ chỉ đạt 36%, kết thúc vào 16h18.

    Hôm nay, người dân Hà Nội, Đà Nẵng và TP.HCM đừng quên theo dõi hiện tượng nhật thực hiếm gặp vào khung giờ sau đây - Ảnh 2.

    Những người đam mê thiên văn học ở các tỉnh thành phía Bắc sẽ được quan sát được nhật thực một phần với tỉ lệ che phủ cực đại lớn hơn các tỉnh thành phía Nam.

    Được biết, sẽ có 3 lần nhật thực xảy ra tại các tỉnh thành phía Nam trong 10 năm tới. Tuy nhiên với các tỉnh thành phía Bắc, phải đến năm 2031 người dân mới có cơ hội chứng kiến một lần nữa hiện tượng nhật thực với tỷ lệ che phủ cao. Do vậy, người yêu thiên văn ở những khu vực này không nên bỏ qua cơ hội chứng kiến hiện tượng kỳ thú rất lâu mới xảy ra một lần.

    Cách quan sát nhật thực an toàn

    Trong thời điểm diễn ra nhật thực, người xem cần hết sức lưu ý không được quan sát trực tiếp bằng mắt thường hay bằng kính râm, do bức xạ của Mặt Trời có thể ảnh hưởng trực tiếp tới mắt. Khi quan sát nhật thực, người xem cần chuẩn bị một chiếc kính lọc ánh sáng dành cho mắt hoặc một lớp kính lọc chuyên dụng (sun filter) nếu quan sát bằng kính thiên văn. 

    Ngoài mua các tấm lọc, kính lọc chuyên dụng, ta còn có thể sử dụng phương pháp dùng chậu nước pha mực. Đầu tiên, chúng ta pha mực đen vào một chậu nước, đặt dưới mặt đất để hứng hình ảnh Mặt Trời trong chậu nước. Bạn cũng có thể sử dụng một tấm kính để tăng độ phản xạ. Mực pha phải đảm bảo độ đen để quan sát không bị chói và hình ảnh thu được rõ ràng.

    Hôm nay, người dân Hà Nội, Đà Nẵng và TP.HCM đừng quên theo dõi hiện tượng nhật thực hiếm gặp vào khung giờ sau đây - Ảnh 3.

    Người dân cần hết sức lưu ý không được quan sát trực tiếp nhật thực bằng mắt thường, do bức xạ của Mặt Trời có thể ảnh hưởng trực tiếp tới mắt. Khi quan sát nhật thực, người xem cần chuẩn bị một chiếc kính lọc ánh sáng dành cho mắt hoặc một lớp kính lọc chuyên dụng (sun filter)

    Người xem cũng có thể quan sát nhật thực gián tiếp bằng cách đặt một tấm bìa có lỗ nhỏ trước ống nhòm, kính thiên văn (hoặc tự chế một chiếc hộp bằng bìa carton), sau đó chiếu ảnh của Mặt Trời lên một tờ giấy trắng. Đặc biệt, bạn cũng có thể ngắm nhật thực qua kính thợ hàn loại số 14 trở lên, hoặc qua đĩa mềm máy tính không bị trầy xước (gấp 2 hoặc 3 lớp có thể sử dụng tương đối an toàn nhưng cho chất lượng ảnh không quá tốt). 

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ