HTC không phải là Motorola: Một cái nhìn toàn diện hơn về dã tâm của Google
Nếu các tin đồn là chính xác, biến động lớn nhất của thị trường smartphone trong năm nay sẽ không phải là iPhone 8.
Ngay trước thềm sự kiện ra mắt của iPhone 8, Google đã bất ngờ chiếm lấy sự chú ý của cộng đồng công nghệ toàn cầu khi thông tin rằng hãng này đã "đi vào giai đoạn đàm phán cuối cùng để mua HTC" xuất hiện.
Với những người hâm mộ Google (và cả HTC), đây có lẽ là một thông tin bất ngờ nhưng không... đáng ngạc nhiên. Bởi nhìn từ bên ngoài, mọi thứ đều là hợp lý: HTC đã liên tục thua lỗ trong nhiều năm, còn Google thì rõ ràng là đang cần đẩy mạnh tham vọng phần cứng của mình.
Song, bóng ma của thương vụ Motorola vẫn còn rất rõ ràng. HTC liệu có chịu chung một số phận với Motorola?
Không có chuyện làm hiệp sĩ
Khi thực hiện thương vụ mua lại Motorola vào năm 2011, Google đã từng bị chỉ trích là "hiệp sĩ giáp trắng" khi cứu vớt một công ty đã thua lỗ trong vòng 5 quý tài chính liên tiếp. Cũng giống như HTC, Motorola là một trong những thế lực đại diện cho thế giới Android trước khi Samsung vươn lên đứng đầu thế giới: nhiều fan của Google chắc hẳn vẫn còn nhớ Motorola DROID là một cột mốc chói lọi trong sự trỗi dậy của Android.
Nhưng trong thế giới kinh doanh, chẳng có ai làm từ thiện không công cả. Thương vụ của Google với Motorola cũng vậy: năm 2009, một liên minh bao gồm Apple, BlackBerry, Microsoft và Sony đã bỏ ra tới 4.5 tỷ USD để mua lại 6.000 bằng sáng chế liên quan tới công nghệ di động của nhà mạng Nortel. Google không có tên trong danh sách này, và người ta đã từng lo sợ rằng "thánh chiến" của Steve Jobs sẽ được thực hiện qua kho bằng sáng chế khổng lồ của Nortel.
Mua lại Motorola chính là vũ khí để chống lại Apple và Microsoft: theo tuyên bố của 2 nhà sáng lập Sergey Brin và Larry Page, Google mua Motorola để sở hữu 17.000 bằng sáng chế của gã khổng lồ di động một thời này. Nếu như Apple dám chĩa súng về phía Android, Google sẽ chĩa... tên lửa về phía iPhone.
Những mục đích khác biệt
Tính cho đến thời điểm bị bán lại cho Lenovo với giá thấp hơn gần 10 tỷ USD so với giá mua của Google, Motorola Mobility đã hoạt động đúng với vai trò "bình phong bằng sáng chế" của mình: giữa bộ phận phát triển Android và Motorola Mobility hoàn toàn không có bất kỳ một sợi dây liên kết nào cả. Motorola không được đặc quyền nào từ Google, thậm chí nhiều mẫu máy Moto còn không được trang bị Android mới nhất. Khi đẩy Motorola cho Lenovo, Google chỉ giữ lại kho bằng sáng chế và phòng nghiên cứu cấp cao ATAP (nơi khai sinh ra dự án yểu mệnh Project Ara).
Google bán Motorola cho Lenovo với giá rất rẻ là bởi Google không cần mảng sản xuất điện thoại của Motorola.
Cái giá 2,9 tỷ USD bán đi không phải là lỗ: ngay từ đầu, Google đã không cần đến mảng sản xuất của Motorola.
Nhưng hiện tại, Google không cần gì ngoài mảng sản xuất smartphone của HTC cả.
Miếng mồi ngon HTC
Đi lên từ vai trò là một OEM (sản xuất gia công) cho các nhà mạng, HTC không hề có được một kho bằng sáng chế ấn tượng như Motorola. Tất cả những gì HTC có chỉ là khả năng sản xuất những chiếc điện thoại thực sự chất lượng: kể từ HTC One M7 (2013) tới nay, gần như bất cứ một mẫu đầu bảng nào của HTC cũng được báo giới và người hâm mộ đánh giá cao.
Đáng tiếc rằng chất lượng không đi kèm với doanh số: HTC thiếu đi bộ máy marketing khổng lồ và nguồn tài chính dồi dào như các đối thủ Samsung, LG và Sony. Trong những thời khắc khó khăn, Samsung có thể lấy tiền từ bán dẫn để "đổ" vào Galaxy, LG có thể lấy tiền từ mảng màn hình để "đổ" vào dòng G, Sony có thể lấy tiền từ PlayStation để nuôi sống Xperia. Nhưng HTC thì không có gì ngoài điện thoại và mảng Vive VR quá nhỏ bé. Những cú sảy chân tai hại như Evo 4G/Thunderbolt, "thảm họa" loạn danh mục vào năm 2011, 2012, HTC First ("smartphone Facebook") hay One M9 đã khiến HTC ngày một chìm sâu vào khó khăn.
Tình cảnh khó khăn của HTC biến công ty này thành một miếng mồi ngon cho Google: tài sản của công ty Đài Loan được định giá chỉ vào khoảng 2 tỷ USD, tiền trong ngân hàng chỉ còn hơn 800 triệu USD.
Mảnh ghép cần có của Google
HTC chính là OEM của Pixel, chiếc "smartphone chính hiệu Google" đầu tiên ra mắt vào năm ngoái. Cũng giống như những mẫu HTC đầu bảng, Pixel mang đến sự ổn định mà người ta thường mong muốn ở một sản phẩm đầu bảng.
Nhưng Pixel cũng không phải là một chiếc điện thoại hoàn hảo. Trong khi trải nghiệm "Android màu sắc Google" được đánh giá cao, rất nhiều khía cạnh về phần cứng đã bị người hâm mộ lên tiếng chê bai: thiết kế gợi nhắc One A9 (vốn là... bản sao của iPhone), pin yếu, không chống nước, camera không chống rung... Nếu Google thực sự muốn nghiêm túc làm điện thoại, Google cần có một tuyên ngôn mạnh mẽ hơn, đình đám hơn trước iPhone, Galaxy S và Galaxy Note.
Google cần một bộ máy phần cứng hùng mạnh hơn để chấm dứt cái dớp "sản phẩm có vẻ thú vị nhưng hóa ra lại chẳng có gì đặc biệt".
2018 sẽ là thời điểm Google buộc phải thực hiện được yêu cầu này. Thị trường smartphone toàn cầu cũng đã bão hòa rõ rệt – khi thị trường bão hòa, sức hút sẽ chuyển dần lên phân khúc cao cấp. Apple đang ngự trị một cách tuyệt đối trên phân khúc cao cấp: mỗi quý, Táo bán được hàng chục triệu iPhone trong khi Samsung chẳng mấy khi dám công bố các con số chính thức về Galaxy S hay Galaxy Note. Mua lại HTC để tạo ra sự kết hợp nhuần nhuyễn nhất giữa phần cứng và phần mềm sẽ là chìa khóa để tạo ra trải nghiệm Android có thể đánh bại iPhone.
Hiển nhiên, bộ máy tài chính và marketing vững mạnh của Google sẽ góp phần quan trọng để đưa Pixel lên ngang tầm Apple và Samsung. Google có mọi thứ để tạo ra một sản phẩm có thể đe dọa tới iPhone, ngoại trừ một bộ phận phần cứng giàu kinh nghiệm và thành tích.
Với Google, mục tiêu và hoàn cảnh khi mua HTC đều đã trở nên khác biệt so với năm 2011. Quan trọng nhất, số tiền mà Google cần phải chi cho cổ đông HTC có lẽ sẽ thấp hơn rất nhiều so với mức 2,9 tỷ USD thu được khi bán Lenovo cho Motorola. Google sẽ không đối xử với HTC một cách tệ bạc như Motorola ngày nào, bởi đây là thời điểm hợp lý nhất để mở một cuộc chiến tổng lực trên thị trường Android cao cấp.
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Sự thật từ nghiên cứu khoa học: Chơi trò chơi điện tử có ảnh hưởng bất ngờ đến chỉ số IQ của trẻ em!
Trò chơi điện tử từ lâu đã là chủ đề gây tranh cãi khi nhắc đến ảnh hưởng của chúng đối với trẻ em. Trong khi nhiều ý kiến chỉ trích việc chơi game có thể gây hại cho sự phát triển trí não, thì một nghiên cứu khoa học đã mang đến cái nhìn khác biệt, cho thấy mối liên hệ tích cực giữa việc chơi game và sự gia tăng trí thông minh ở trẻ nhỏ.
Những tiểu tiết bạn có thể đã bỏ qua trong trailer The Witcher 4