Là mẫu smartphone đầu tiên đến từ thương hiệu Huawei có mức giá chính hãng chạm ngưỡng 20 triệu đồng tại Việt Nam, là sản phẩm được DxOMark đánh giá sở hữu camera tốt nhất thế giới hiện tại, Huawei P20 Pro xứng đáng nhận được sự háo hức của người dùng để tìm kiếm điều mới mẻ ở phân khúc cao cấp.
Phân khúc cao cấp, danh xưng hữu hình mà vô hình ấy lâu nay người dùng nước ta chỉ quen điểm mặt vài cái tên từ Apple, Samsung hay Sony. Những hãng điện thoại khác không phải không làm được smartphone cao cấp, thậm chí một số hãng đã thử mang những gì tinh túy nhất vào thị trường nước ta nhưng rồi đều từ bỏ một cách "không kèn trống". Thế mới nói Huawei P20 Pro giờ đây không phải đầu tiên nhưng lại đang tiên phong để thay đổi quan điểm người tiêu dùng Việt, chen chân vào một nơi mà trước giờ những cái tên quen thuộc đã cắm rễ quá sâu. Nhưng flagship của Huawei có lý do để tự tin gánh vác sứ mạng này.
Cụm ba camera sau là điều đầu tiên khiến người ta ấn tượng về P20 Pro
Từ khi ra mắt thế giới, Huawei P20 Pro gây ngạc nhiên khi vượt qua hàng loạt tên tuổi khác để ghi nhận mức điểm kỷ lục 109 trên chuyên trang đánh giá DxOMark. Qua hàng loạt bài đánh giá tích cực tại các trang nước ngoài lại càng làm háo hức hơn màn thể hiện của sản phẩm này tại thị trường Việt Nam. Và giờ đây khi được cầm Huawei P20 Pro trên tay, ấn tượng là những gì bộ ba camera sau của máy ghi dấu trong tôi.
Ứng dụng chụp ảnh trên Huawei P20 Pro tích hợp rất nhiều tùy chỉnh. Để làm chủ bạn hẳn cần thời gian kha khá để khám phá hết
Thời gian trải nghiệm chưa nhiều, những gì tôi cảm nhận chủ yếu là khoảnh khắc giơ lên và bấm chụp để máy tự động xử lý hoàn toàn. Đây được coi là đặc sản trên smartphone hiện nay khi giúp người dùng giải phóng khỏi những kiến thức, kỹ thuật rối rắm của bộ môn nhiếp ảnh.
Sự kết hợp của camera 40 MP cảm biến 1/1.7 inch F/1.8 tiêu cự 27 mm, camera đơn sắc 20 MP F/1.6 cùng camera tele 8 MP F/2.4 tiêu cự 80 mm, ngoài ra cả ba ống kính đều được hãng hợp tác sản xuất cùng Leica dường như là những trang bị quá đủ đầy cho một chiếc smartphone với mong muốn chất lượng hình ra tiệm cận hơn với máy ảnh. Phần cứng tốt đi kèm phần mềm tối ưu mà đặc biệt là hệ thống trí tuệ nhân tạo Master AI giúp camera Huawei P20 Pro tỏa sáng.
Máy chụp chân dung và xử lý phần phông nền trong điều kiện ban đêm khá tốt
Vẫn ấn tượng về khả năng chụp ảnh đen trắng từ thời Huawei P9, nay với P20 Pro tôi lại có dịp tìm lại cảm xúc với thể loại ảnh đơn sắc này. Cảm giác ấy giờ đây còn đặc biệt hơn với khả năng xóa phông ảo diệu. Tất nhiên nó đa phần vẫn đến từ thuật toán xử lý như nhiều smartphone khác và trong đêm tối khi ánh sáng nhập nhằng thì việc xóa phông lem nhem một vài chi tiết vẫn diễn ra.
Máy xử lý xóa phông hơi lem mất phần kính và một chút tóc của mẫu nhưng nhìn chung nhờ chi tiết của cảm biến đơn sắc mang lại quá tốt nên vẫn có thể làm hài lòng đa phần người dùng
Chế độ Ban Đêm trong ứng dụng camera trên máy như một giải pháp khác biệt nâng cao chất lượng ảnh trong điều kiện ánh sáng yếu của Huawei. Không sở hữu khẩu độ khủng như Galaxy S9, P20 Pro áp dụng khả năng chống rung bằng AI, chỉ việc giữ máy chắc tay một chút là tôi đã có ngay một tấm ảnh phơi sáng 4 giây, thật vi diệu. Nhờ vậy nên ảnh khá sạch sẽ, ít nhiễu hạt nhưng máy khử nhiễu khá mạnh tay khiến các chi tiết nhỏ bị bệt lại.
Vi diệu là điều tôi có thể nói trong bức ảnh này khi chỉ cầm tay thôi mà tôi vẫn chụp được bức ảnh có mức phơi sáng 4 giây
Master AI hoạt động khá hiệu quả khi tự động nhận biết và thiết lập thông số phù hợp đồng thời tút tát lại màu sắc bắt mắt hơn. Màu sắc sặc sỡ hơn so với thực tế là điều dễ dàng nhận ra và sẽ có nhiều người thích hoặc không thích điều này.
Máy tự nhận rằng đang chụp đồ ăn trong tấm ảnh này, màu sắc trở nên rực rỡ hơn nhằm kích thích vị giác
Camera trước dù nhiều không nổi bật bằng người anh em phía sau nhưng nhìn chung vẫn đáp ứng tốt nhu cầu selfie hiện nay với nhiều chế độ từ xóa phông, bộ lọc hiệu ứng… xuất hiện đầy đủ.
Thiết kế đi theo trào lưu nhưng vẫn có nét riêng
Xu hướng màn hình có tai thỏ đang được rất nhiều hãng theo đuổi và không có gì lạ khi P20 Pro là cái tên giúp nối dài danh sách. Mặc dù tai thỏ vẫn đang nhận được nhiều luồng ý kiến yêu và ghét nhưng phải công nhận nhờ kiểu thiết kế này giúp giảm tối đa độ dày cạnh trên, dưới, diện tích hiển thị nhờ vậy được cải thiện.
Như muốn chiều lòng tất cả, P20 Pro tự động ẩn đi tai thỏ trong các tựa game, video hoặc có thể tắt hẳn tai thỏ đi với tùy chọn cung cấp sẵn trong Settings.
Tai thỏ trên máy có diện tích chiếm dụng nhỏ hơn khá nhiều nếu như so sánh với iPhone X. Điều này có được nhờ Huawei sử dụng loa thoại hình tròn. Đáng tiếc chính chi tiết này lại được làm hơi bị lộ thiên khiến mặt trước trở nên kém sang.
Loa thoại quá dễ thấy làm mất đi tính liền mạch mà màn hình chiếm trọn mặt trước mang lại
Một điểm nhỏ quen mà lạ ở mặt trước là sự xuất hiện của nút Home kiêm cảm biến vân tay cạnh dưới. Quen khi nút thần thánh này đã gắn bó biết bao thế hệ smartphone nhưng lạ vì chuyển qua tỷ lệ 19:9, hầu hết điện thoại đều chỉ sử dụng nút điều hướng ảo trong màn hình (chính flagship của Huawei cũng có điều này). Kích thước không quá to nên việc đưa ngón tay cái xuống nút Home này khá dễ dàng, không quá với như suy nghĩ lúc tôi mới nhìn vào.
Nút Home kiêm cảm biến vân tay được đặt ngay cạnh dưới của máy
Điểm nhấn trong thiết kế của máy đến từ mặt kính phía sau. Bằng chất liệu kính với cách phối sắc tím, xanh hòa quyện vào nhau, sắc độ thay đổi theo góc nhìn và cường độ ánh sáng giúp tạo được ấn tượng mạnh mẽ với mọi người xung quanh. Có một số tương đồng ta có thể bắt gặp trong sản phẩm Nova 3e (tên quốc tế là P20 Lite) nhưng ở bản Pro được nâng tầm hơn, xứng đáng với phân khúc cao cấp mà nó hướng đến.
Mặt lưng là nơi thu hút nhất trong thiết kế của Huawei P20 Pro
Cụm ba camera sau cùng logo Leica, Huawei đặt dọc cũng tạo nên nét độc đáo cho sản phẩm đầu bảng của Huawei. Hãng cho biết điều này được lấy cảm hứng từ các mẫu máy ảnh CyberShots của Sony và tạo nên cái nhìn ấn tượng hơn khi cầm máy ngang chụp ảnh. Tuy nhiên với cá nhân tôi, sự lạc quẻ của camera thứ ba là một sự khó hiểu trong thiết kế của Huawei P20 Pro.
Nói về màn hình OLED 6,1 inch độ phân giải 1.080 x 2.240 pixel của máy, mọi thứ đều ổn trừ một điều, độ sáng tối đa không cao như nhiều sản phẩm cao cấp khác tôi có dịp dùng qua. Việc này chắc chắn có ảnh hưởng tới trải nghiệm nhìn khi dùng trực tiếp dưới nắng gắt.
Màn hình hiển thị trong trẻo, các chi tiết mịn màng nhưng độ sáng tối đa chưa cao
Hệ điều hành Android 8.1 cùng giao diện EMUI 8.1 mới nhất cung cấp nhiều chức năng tùy chỉnh thú vị mà trong thời gian ngắn tôi chưa trải nghiệm hết. Tuy nhiên có một việc Huawei cần cập nhật sớm là các bộ theme tích hợp sẵn đang còn hơi màu mè và chưa thực sự mang lại vẻ cao cấp cho một smartphone trị giá 20 triệu đồng.
Bộ theme cài sẵn trong máy chưa toát được vẻ cao cấp mà một sản phẩm như Huawei P20 Pro phải có
Hiệu năng không phải là mạnh nhất nhưng xứng tầm cao cấp
Thắc mắc về hiệu năng trên một smartphone cao cấp hiện nay dường như đang là việc "lo bò trắng răng". Tuy nhiên có so sánh giữa các sản phẩm với nhau mới có thêm chuyện để nói, hay đơn giản hơn là cập nhật được sức mạnh các thiết bị di động hiện nay đang ở mức nào.
Đi theo giải pháp "cây nhà lá vườn" mà Apple, Samsung đang thực hiện, Huawei cũng trang bị bộ vi xử lý Hisilicon Kirin 970 do chính mình phát triển cho sản phẩm đầu bảng. Sức mạnh tổng thể đến từ sự kết hợp của CPU "nhà làm", nhân đồ họa Mali-G72 MP12, 6 GB RAM, 128 GB bộ nhớ trong có thể không đem lại ngôi vị số một về hiệu năng cho P20 Pro nhưng nó đủ làm yên lòng người dùng về một cái tên mới cùng chip mới trong phân khúc cao cấp.
Trải nghiệm với tựa game sát phần cứng PUBG Mobile, Huawei P20 Pro chơi mượt mà ở thiết lập đồ họa High. Vì khung viền kim loại và mặt lưng bằng kính nên máy nóng lên nhanh và tỏa nhiệt khá nhiều nhiệt ra mặt sau, hơi khó chịu một chút nếu cầm lâu.
Hiệu năng mạnh mẽ giúp máy dễ dàng chiến PUBG với mức thiết lập cao nhất
Dung lượng pin đáng gờm trong phân khúc cao cấp
Huawei P20 Pro được trang bị viên pin dung lượng lên đến 4.000 mAh, một con số hấp dẫn nếu đem so sánh với nhiều sản phẩm khác như Galaxy S9 (3.500 mAh), iPhone X (2.716 mAh), Xperia XZ2 (3.180 mAh). Hiện tại, chúng tôi vẫn chưa đánh giá được chi tiết về thời gian dùng máy sau 1 lần sạc. Tuy nhiên những cảm nhận đầu tiên rất khả quan sau một đêm lang thang chụp ảnh và buổi sáng test game, benchmark, lượng pin của máy vẫn còn quá nửa. Vậy nên đối với những khách sử dụng máy vào những việc nhẹ nhàng như lướt web, vào mạng xã hội thì con số hai ngày là việc hoàn toàn có cơ sở.
Viên pin lớn hứa hẹn giúp người dùng thoải mái dùng máy nguyên một ngày dài với các tác vụ nặng như chơi game, quay phim, chụp hình
Huawei cũng không quên trang bị cho sản phẩm của mình công nghệ sạc nhanh mang tên SuperCharge. Vì chưa dùng hết nổi viên pin 4.000 mAh một lần nào nên phần này tôi sẽ nhường lại cho bài đánh giá chi tiết sắp tới nhưng rõ ràng về lý thuyết P20 Pro được trang bị đầy đủ công nghệ không hề kém cạnh đối thủ của mình.
Hương vị mới cho phân khúc cao cấp
Bên cạnh cái tên iPhone X, Galaxy S9, Galaxy Note8 đã quá đỗi quen thuộc với người dùng nước ta hiện nay thì việc xuất hiện của Huawei P20 Pro mang tới một hương vị thực sự mới lẫn lạ cho phân khúc smartphone cao cấp. Mới vì nó đánh dấu cho sự xuất hiện của một đại diện đến từ Huawei. Lạ vì người dùng bị hấp dẫn bởi mặt lưng quá đổi khác biệt và cụm ba camera xuất sắc. Đây hứa hẹn là vũ khí sắc nhọn để P20 Pro cạnh tranh trên phân khúc khó tính nhất mà nhiều khi chính cảm xúc mới là người dẫn dắt thay vì lý trí.
Thông tin chi tiết về sản phẩm vui lòng truy cập tại đây.
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Sự thật từ nghiên cứu khoa học: Chơi trò chơi điện tử có ảnh hưởng bất ngờ đến chỉ số IQ của trẻ em!
Trò chơi điện tử từ lâu đã là chủ đề gây tranh cãi khi nhắc đến ảnh hưởng của chúng đối với trẻ em. Trong khi nhiều ý kiến chỉ trích việc chơi game có thể gây hại cho sự phát triển trí não, thì một nghiên cứu khoa học đã mang đến cái nhìn khác biệt, cho thấy mối liên hệ tích cực giữa việc chơi game và sự gia tăng trí thông minh ở trẻ nhỏ.
Những tiểu tiết bạn có thể đã bỏ qua trong trailer The Witcher 4