[Infographic] Tê giác hai sừng Sumatra vừa chính thức tuyệt chủng ở Malaysia

    zknight,  

    Mọi nỗ lực để nhân giống loài tê giác quý hiếm này ở Malaysia đều đã thất bại.

    Theo một báo cáo mới được công bố, tê giác Sumatra (còn gọi là tê giác hai sừng) đã chính thức tuyệt chủng ở Malaysia. Con tê giác Sumatra cuối cùng của nước này có tên là Iman đã chết vì ung thư vào thứ bảy tuần trước.

    Dấu mốc tuyệt chủng đã được báo trước từ tháng Năm, sau cái chết của con tê giác Sumatra đực cuối cùng ở Malaysia tên là Tam. Với sự ra đi của Iman, hiện tê giác Sumatra chỉ còn khoảng 80 cá thể, tất cả đều chỉ còn sống ở Indonesia.

    "Kể từ khi bị bắt để bảo tồn vào tháng 3 năm 2014 cho tới khi qua đời, Iman đã nhận được sự quan tâm chăm sóc tốt nhất. Không ai có thể làm gì hơn được nữa", Christine Liew, Giám đốc Sở Du lịch, Văn hóa và Môi trường tiểu bang Sabah, Malaysia cho biết.

    [Infographic] Tê giác hai sừng Sumatra vừa chính thức tuyệt chủng ở Malaysia - Ảnh 1.

    Trước đó năm 2008, con tê giác Sumatra đực tên là Tam được phát hiện khi mắc kẹt trong một đồn điền dầu cọ. Nó đã được chuyển đến Khu bảo tồn Động vật hoang dã Tabin ở bang Sabah.

    Những nỗ lực để nhân giống Tam với Iman và một con tê giác cái khác có tên Punt Puntung, bị bắt năm 2011 đã tỏ ra không thành công. Puntung đã chết vào năm 2017, cũng do bệnh ung thư.

    Sau nhiều thập kỷ phải đối mặt với nạn săn trộm và thu hẹp môi trường sống, hiện tê giác Sumatra chỉ còn dưới 80 cá thể tồn tại trong tự nhiên. Hầu hết những con tê giác này phân bố đảo Sumatra gần đó. Phần còn lại nằm rải rác ở Kalimantan trên đảo Borneo Indonesia.

    Loài tê giác Sumatra có một đặc điểm sinh học kỳ lạ. Theo các chuyên gia động vật, những con tê giác cái thường phát triển những khối u nang và u xơ tử cung nếu không giao phối trong một thời gian dài.

    Đó là lý do tại sao, vào năm 2018, các tổ chức bảo tồn động vật hàng đầu thế giới đã hợp tác với nhau để triển khai một chương trình chưa từng có mang tên Giải cứu tê giác Sumatra.

    Trong chương trình này, các nhà nghiên cứu sẽ đi tìm bắt những con tê giác hoang dã và đem chúng về các khu bảo tồn để nuôi nhốt và cho chúng giao phối với nhau.

    "Chúng tôi phải bắt những con tê giác lẻ loi còn lại ở Kalimantan và Sumatra, rồi cố gắng hết sức để khuyến khích chúng sinh con", nhà bảo tồn Margaret Kinnaird đến từ WWF International cho biết.

    "Cái chết của Tam nhấn mạnh tầm quan trọng của những nỗ lực hợp tác thúc đẩy dự án Cứu hộ Tê giác Sumatra".

    [Infographic] Tê giác hai sừng Sumatra vừa chính thức tuyệt chủng ở Malaysia - Ảnh 2.

    Hiện cả thế giới chỉ còn khoảng 80 cá thể tê giác hai sừng Sumatra.

    Con tê giác đực cuối cùng

    Trở lại khoảng thời gian tháng 4 năm nay, khi cả hai cá thể tê giác Sumatra cuối cùng ở Malaysia còn sống. Họ vẫn còn hi vọng. Tuy nhiên, sức khỏe của con tê giác đực tên Tam sau đó đã dần dần suy giảm.

    Sự tỉnh táo và cảm giác thèm ăn của nó đều giảm xuống, Giám đốc Sở Động vật hoang dã Sabah, Augustine Tuuga nói với tờ Malaysia The Star. Kết quả xét nghiệm nước tiểu của Tam cho thấy thận của nó và có lẽ các cơ quan khác đã bắt đầu bị suy.

    Nhà chức trách không cho biết tại sao sức khỏe của Tam lại xuống cấp nhanh như vậy, nhưng nó có thể đơn giản là do tuổi già. Tam được ước tính đã 30 tuổi và những con tê giác Sumatra chỉ có tuổi thọ từ 35 đến 40 năm, Tuuga nói với The Straits Times.

    "Chúng tôi đã hy vọng rất nhiều rằng trong điều kiện nuôi nhốt Tam sẽ sinh ra những đứa con tiếp theo, nhưng hy vọng đó đã bị tan vỡ khi hai con cái còn lại ở Tabin không thể mang thai", Kinnaird nói.

    Trong khi Tam không thể tự mình sinh ra bất kỳ đứa con nào, sự hiện diện của con tê giác đực này trong điều kiện nuôi nhốt vẫn giúp chúng ta hiểu rõ hơn về loài tê giác Sumatra.

    Một tổ chức có tên Liên minh Tê giác Borneo khi đó đã sử dụng các kỹ thuật sinh sản tiên tiến, để thu hoạch trứng và cố gắng tạo ra phôi tê giác Sumatra. Đó là một bước tiến để hiểu về đặc điểm sinh học của loài vật này, Susie Ellis, giám đốc điều hành của Tổ chức Tê giác Quốc tế cho biết.

    "Công chúng cần phải hiểu sự tồn tại của loài tê giác Sumatra bấp bênh như thế nào. Sự ra đi của Tam đại diện cho khoảng một phần trăm dân số của chúng".

    [Infographic] Tê giác hai sừng Sumatra vừa chính thức tuyệt chủng ở Malaysia - Ảnh 3.

    Loài tê giác hai sừng Sumatra vẫn còn hi vọng ở Indonesia.

    Thắp lại những hi vọng

    Kinnaird, điều phối viên công tác bảo tồn tê giác Sumatra của WWF International cho biết: Cái chết bi thảm của Tam là một lời cảnh tỉnh cho chúng ta, thúc đẩy chúng ta phải tìm được nhiều hơn nữa những con tê giác trong tự nhiên.

    Tin tốt là vào cuối năm ngoái, các nhà bảo tồn đã bắt giữ được thêm một con tê giác Sumatra cái, có tên là Pahu. Con tê giác này đã được cảnh sát hộ tống đến một cơ sở chăn nuôi ở Kelian.

    Theo như các chuyên gia có thể nói, Pahu dường như khỏe mạnh về mặt sinh sản. Kinnaird cho biết con tê giác này đang sinh trưởng rất tốt trong ngôi nhà mới của mình, và nếu may mắn, nó có thể sớm sinh được con.

    "Các cuộc điều tra gần đây nhất của chúng tôi cho thấy có những con tê giác khác vẫn đang lang thang trong rừng Kalimantan", Kinnaird nói. "Điều này thắp lên trong tôi một niềm hy vọng mới".

    "Chúng tôi cần tiếp tục tập trung hết sức lực để cứu 80 con tê giác Sumatra còn lại, sử dụng các phương pháp kết hợp bảo vệ chuyên sâu và hoạt động nuôi nhốt, đồng thời làm việc với người dân địa phương để khơi dậy niềm tự hào rằng tê giác là một phần di sản sinh thái của họ", Ellis nói. "Đây là trận chiến mà chúng ta không thể thua".

    Tham khảo Nationalgeographic

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ