iPhone cao cấp được tân trang đang đe doạ sự phát triển của các điện thoại Android giá rẻ mới ra mắt
Phân khúc phát triển nhanh nhất trên thị trường smartphone toàn cầu không thuộc về các điện thoại Android giá rẻ như Google kỳ vọng.
Thay vào đó, theo dữ liệu thị trường mới nhất vừa được công bố, các điện thoại chất lượng cao hàng tân trang với thương hiệu nhiều người thèm muốn nhưng lại có thể được bán ở một mức giá vừa phải mới là kẻ chiến thắng ở đây - một phân khúc mà iPhone của Apple đang dẫn trước Android một khoảng cách khá xa.
Dữ liệu này được công bố bởi công ty Counterpoint Research, cho thấy "thị trường smartphone tân trang toàn cầu đã tăng trưởng 13% từ năm 2016 đến 2017, gần đạt đến mức 140 triệu thiết bị". Trong khi đó, thị trường smartphone mới dù lớn hơn, nhưng chỉ tăng trưởng gần 3% trong năm qua, đạt mức 33,8 triệu thiết bị mà thôi.
Về phía Apple, doanh số iPhone mới được bán ra năm ngoái khá ế ẩm; trong Quý 4, số lượng máy bán ra thậm chí còn giảm nhẹ 1%, vẫn còn khá ít khi so với mức giảm 5% của cả ngành công nghiệp di động. Tuy nhiên, dù bán được ít thiết bị hơn, Apple vẫn đạt mức doanh thu cao hơn 13% nhờ bán được nhiều sản phẩm cao cấp, bao gồm các mẫu iPhone "siêu sang" là iPhone 8 và iPhone X, với mức giá khởi điểm lần lượt là 699 USD và 999 USD.
Về phía Android, doanh số bán ra ngày càng giảm sút thực sự là một thảm hoạ kinh doanh, bởi hầu hết các nhà sản xuất chẳng hề có ý định bán các điện thoại bình dân và trung cấp. Trong khi chật vật để duy trì doanh số, cuộc chiến cạnh tranh giữa các smartphone Android - vốn ngày càng hao hao nhau về thiết kế lẫn cấu hình - trở nên khốc liệt hơn bao giờ hết.
Điều này đã khiến hơn 100 nhà sản xuất điện thoại phải rời khỏi thị trường smartphone ở Trung Quốc, sau khi đã đẩy nhiều nhà sản xuất PC như HP ra khỏi vòng chiến. Các nhà phân tích dự báo rằng cuộc chiến nội bộ giữa các nhà sản xuất smartphone Android sẽ còn gay cấn hơn nhiều trong năm nay.
Trong khi các nhà sản xuất điện thoại Android giá rẻ tranh chấp lẫn nhau, các thiết bị cao cấp của Apple sau khi được tân trang đã trở lại làm mưa làm gió trên thị trường di động. Có vẻ như đây là xu hướng chung diễn ra đối với nhiều thị trường hàng hoá khác nhau, mà nổi bật là thị trường xe hơi khi nhiều nhà sản xuất xe hơi hạng sang gần đây cũng tung ra các mẫu xe đã qua sử dụng được chứng nhận kỹ càng để cạnh tranh trực tiếp với các mẫu xe mới, bình dân.
Sự tăng trưởng đáng ngạc nhiên của các smartphone đã qua sử dụng
Báo cáo của Counterpoint về mảng kinh doanh điện thoại tân trang cho thấy "chỉ có 25% các điện thoại đã qua sử dụng được bán trở lại trên thị trường", và nhấn mạnh rằng "trong số này, chỉ một số là hàng tân trang".
Tuy nhiên, những mẫu máy tân trang lại có tác động khá lớn đối với cả thị trường di động nói chung. Với mức tăng trưởng 13%, các smartphone tân trạng hiện chiếm gần 10% thị trường smartphone toàn cầu.
Người ta đã bày tỏ quan ngại rằng việc kéo dài vòng đời và chu kỳ hoạt động của các đời iPhone hiện tại là một mối đe doạ tiềm tàng đến sự tăng trưởng doanh số trong tương lai của Apple. Tuy nhiên, Counterpoint chỉ ra rằng "sự tăng trưởng thấp của thị trường smartphone mới trong năm 2017 có thể một phần là do sự tăng trưởng của thị trường smartphone tân trạng. Việc chậm cải tiến đã khiến các smartphone flagship đã hai năm tuổi nay gần như tương đồng về mặt thiết kế và tính năng với hầu hết các mẫu smartphone tầm trung gần đây.
"Do đó, thị trường smartphone mới bình dân và tầm trung đang bị nuốt chửng bởi các điện thoại cao cấp hàng tân trang, chủ yếu là Apple iPhone, và một số ít các smartphone Samsung Galaxy".
Một yếu tố mang lại lợi thế cho Apple trong việc bán iPhone tân trang cho người dùng không đủ chi phí để mua điện thoại mới, và muốn mua một chiếc Android giá thấp hơn, là việc hãng hỗ trợ các phần cứng của mình thông qua các bản cập nhật iOS từ 4-5 năm so với từ 1-2 năm đối với các điện thoại Android.
Các iPhone mới còn được trang bị vi xử lý nhanh hơn, cùng một hệ điều hành iOS hiện đại, hiệu quả. Android, đặc biệt là các mẫu máy giá rẻ, được trang bị các con chip yếu kém và đi kèm với hệ điều hành Android lỗi thời vốn nổi tiếng tệ về khoản quản lý bộ nhớ và các tác vụ liên quan CPU.
Doanh số Android bị ảnh hưởng bởi hiệu năng máy kém, ngay cả đối với các thiết bị mới
Phân khúc điện thoại tân trang tăng trưởng nhanh hơn cả Ấn Độ, và Apple đang dẫn đầu với khoảng cách khá lớn
Counterpoint chỉ ra rằng sự thống trị của Apple và Samsung "rõ ràng hơn trên thị trường tân trang so với trên thị trường smartphone mới", và hai công ty này chiếm "gần 3/4 thị trường smartphone tân trang, với Apple đang dẫn đầu với khoảng cách khá lớn".
Về lợi nhuận, "sự thống trị này còn lớn hơn nữa, khi hai gã khổng lồ smartphone này kiểm soát hơn 80% lợi nhuận trên thị trường smartphone tân trang".
Counterpoint cho biết "nhiều người rất bất ngờ khi biết rằng thị trường smartphone tăng trưởng nhanh nhất trong năm 2017 không phải là Ấn Độ hay bất kỳ thị trường mới nổi nào khác, mà là thị trường hàng tân trang. Các smartphone tân trang sẽ khiến thị trường thiết bị mới tiếp tục giảm sút trong năm 2018".
Bên cạnh đó, các khu vực có doanh số smartphone tân trang cao nhất là Mỹ và châu Âu, còn thị trường tăng trưởng nhanh nhất đối với smartphone tân trang là châu Phi, Đông Nam Á và Ấn Độ.
"Ngành công nghiệp di động thông qua phân tích dữ liệu để dự đoán mức giá bán lại trong tương lai của các thiết bị, tức là người tiêu dùng có thể bán lại thiết bị của mình cho nhà sản xuất với một mức giá được đảm bảo. Nhờ đó, họ có thể chịu được mức giá cao của các smartphone flagship mới nhất, hay ít ra là giảm bớt phần nào khoản chi phí cần bỏ ra cho chiếc điện thoại tiếp theo của họ".
Tham khảo: AppleInsider
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Vì sao các nữ phi hành gia phải uống thuốc tránh thai trước khi bước vào cuộc hành trình xa xôi trong không gian?
Việc các nữ phi hành gia sử dụng thuốc tránh thai trước khi thực hiện các nhiệm vụ không gian là một biện pháp nhằm đảm bảo sức khỏe, an toàn và hiệu suất làm việc của họ. Mặc dù có một số hạn chế, nhưng đây vẫn là một giải pháp được nhiều người lựa chọn trong điều kiện hiện tại.
Bị Mỹ cấm vận đủ đường, nhà sáng lập Huawei Nhậm Chính Phi vẫn hết lời khen ngợi: "Mỹ đã thiết lập một chuẩn mực trên toàn thế giới"