“Khám nghiệm” Nintendo 3DS

    PV, Vi Dũng 

    Cuối cùng thì Nintendo đã chịu tiết lộ những chi tiết mới nhất và được cho là đắt giá nhất về chiếc máy chơi game cầm tay nổi tiếng: Nintendo 3DS.

    Như đã giới thiệu ở những bài báo trước, vào ngày 19/1 vừa qua, tại New York - Mỹ và Amsterdam - Hà Lan, đã diễn ra hai cuộc họp báo của Nintendo giới thiệu về vũ khí chiến lược của người khổng lồ xứ Hoa anh đào sẽ ra mắt vào khoảng tháng 3 năm nay. Trước đó, có khá nhiều lời đồn thổi xung quanh hệ máy được mong đợi nhất của năm 2010 này. Thậm chí 3DS còn được ví như iPhone 4 thứ 2 khi “dính líu” vào vụ “lộ hàng” đầy bất ngờ tại Trung Quốc cách đây không lâu. Và rạng sáng nay, theo giờ Việt Nam, Nintendo đã chính thức vén mức màn bí mật bao phủ lên 3DS khiến giới hâm mộ đứng ngồi không yên kể từ lần đầu xuất hiện tại hội chợ E3 2010.
            
    Dường như những lời đồn đại cũng làm cho tấm màn bí mật mà Nintendo cố gắng bao trùm lên 3DS trở thành vô nghĩa. Tuy nhiên, tại buổi họp báo đêm qua, bên cạnh những gì “thế giới đã biết” thì Nintendo đã mang đến cho cả khán phòng cũng như làng công nghệ thế giới một khái niệm mới về “Next-gen Handheld” (tạm dịch: Máy chơi game cầm tay thế hệ mới) qua những thông tin chi tiết về sản phẩm này của mình.
        
    Đồ họa
       
    Đúng như cái tên của nó, 3DS sở hữu một màn hình rộng LCD 3D 3,53 inch độ phân giải 800 x 240 pixel, không hỗ trợ chức năng cảm ứng như DS truyền thống nhưng bù lại là khả năng trình diễn 3D không cần dùng kính hỗ trợ. Tuy nhiên, vì tính năng nổi bật góp phần làm nên thành công của dòng máy DS là màn hình cảm ứng nên Nintendo vẫn tích hợp chức năng này ở màn hình rộng 3,02 inch phía dưới, độ phân giải 320 x 240 pixel. Song, thật tiếc vì màn hình cảm ứng của 3DS không thể hiển thị hình ảnh 3D như màn hình phía trên, đơn giản là do nhà sản xuất đã gặp chút khó khăn trong việc tích hợp công nghệ không kính vào màn hình cảm ứng vốn có của mình.
       
               
    Bút cảm ứng stylus đã trở lại và “lợi hại hơn xưa” khi phần thân được chế tạo bằng kim loại, có khả năng kéo dài, giúp chiều dài của bút có thể lên đến 4 inch (khoảng 100 mm). Không chỉ có vậy, ở bên phải màn hình 3D có một phím trượt nhỏ, giúp điều chỉnh độ sâu của hình ảnh 3D hiển thị, hay thậm chí là… tắt tính năng 3D đi nếu bạn muốn. Cả 2 màn hình đều có khả năng hiển thị 16,77 triệu màu, thay vì 256.000 màu như ở DSi. Đây quả thực là một bước tiến khá xa trong nỗ lực cải thiện đồ họa cho máy chơi game cầm tay của Nintendo.
        
    Với chip đồ họa PICA200, những gì 3DS đem đến cho những người tham dự buổi họp báo thông qua Kid Icarus, Dead or Alive hay thậm chí là Resident Evil Revelations quả thực vô cùng xuất sắc. Hơn thế nữa, 3DS cũng được đi kèm với 6 thẻ AR card, giúp bạn có thêm những trải nghiệm thực tế ảo sống động hơn qua những tựa game tương tự như trò chơi thực tế ảo nổi tiếng trên hệ máyPlayStation 3: Eye Of Judgement.
           

    Sơ đồ mô phỏng chức năng hiển thị hình ảnh 3D không cần kính của Nintendo 3DS.
            
    Đã có màn hình 3D thì tất nhiên, 3DS cũng phải sở hữu chức năng chụp hình 3D. Chiều lòng các fan hâm mộ, 3DS được tích hợp 2 camera độ phân giải 640 x 480 pixel ở phần nắp máy, phía sau màn hình 3D chính, và một camera độ phân giải tương tự ở bên trong máy, ngay phía trên màn hình. Điều này giúp người sử dụng có thể dễ dàng thiết lập những chatroom cũng như những cuộc gọi video dễ dàng. Trong một số lượng lớn các phần mềm được cài đặt sẵn trên 3DS, bạn có thể tìm thấy phần mềm chỉnh sửa ảnh với khả năng thêm thắt các hiệu ứng cho bức ảnh 3D bạn vừa mới chụp trước khi chia sẻ với mọi người.
              
    Điều khiển
              
    Dường như hệ thống điều khiển của Nintendo 3DS không có gì đổi khác so với toàn bộ các thế hệ DS trước, mà gần đây nhất là DSi, ngoại trừ việc Nintendo tích hợp thêm một cần gạt Analog có thể xoay 360 độ ngay phía trên phím định hướng 4 chiều quen thuộc. Như đã nói ở bài trước, đây được xem là động thái đối đầu trực diện của Nintendo với đối thủ cùng quốc tịch: Sony. Nút Home cũng đã chính thức xuất hiện trên 3DS, giúp bạn có thể đăng nhập vào rất nhiều ứng dụng khác của thiết bị mà không cần phải thoát khỏi trò chơi đang chạy. Không chỉ có vậy, đứa con cưng của gã khổng lồ Nhật bản còn tích hợp thêm cảm biến chuyển động, giúp ghi nhận lại những chuyển động của chiếc máy, và cảm biến thăng bằng (con quay hồi chuyển), có chức năng tương tự cảm biến chuyển động của iPhone. 3DS = iPhone Kinect? Có thể, nhưng vẫn chưa đủ.
        
              
    “Ngoại hình”
                
    Những người có cơ hội được “thấy tận mặt, sờ tận tay” Nintendo 3DS đều có một nhận xét chung là máy cầm rất vừa tay. Khi đóng lại, kích thước của máy lần lượt là: 5,3 x 2,9 x 0,8 inch (tương đương 134,6 x 73,6 x 21mm). Khi có đủ pin, thẻ nhớ (3DS game card và SD card, 3DS tích hợp một cổng nhận thẻ nhớ SD ở bên hông trái máy), thiết bị nặng khoảng 230g, nghĩa là nhẹ hơn phiên bản “khổng lồ” DSi - DSi XL - hơn 100g.
           
    Kết nối
           
    Khả năng kết nối cũng là một tính năng sáng giá, hứa hẹn góp phần không nhỏ cho thành công gần như đã được báo trước của 3DS sau này. 3DS có khả năng kết nối Wi-Fi 2.4 GHz chuẩn 802.11 b/g, hỗ trợ đầy đủ chức năng bảo mật kết nối WPA™/WPA2™. Hai tính năng kết nối rất mạnh khác cũng đã được Nintendo chính thức thông báo sẽ có mặt trong 3DS, đó là SpotPassStreetPass.
          
    Trong khi SpotPass là tính năng tự động quét và kết nối đến những điểm phát sóng Wi-Fi trong vòng bán kính hoạt động (Nintendo khuyến cáo nên để 3DS và điểm phát sóng không dây cách nhau tối đa 30 mét để có hiệu quả sử dụng cao nhất) thì StreetPass là chế độ tự động truy tìm những chiếc máy 3DS đang hoạt động khác quanh thiết bị của bạn, kết nối chúng lại để cùng chơi game cũng như chia sẻ thông tin với nhau. Giống với Sony PSP, 3DS cũng sẽ có nút gạt giúp bật/tắt tính năng kết nối không dây khi người dùng muốn.
                
           
    Nếu như PSP chỉ có trình duyệt web tích hợp và hệ thống mạng PlayStation Network để triển khai sức mạnh kết nối thì 3DS có nhiều hơn thế, rất nhiều. Ngoài trình duyệt web và hệ thống cửa hàng ảo Nintendo eShop giúp người sử dụng có thể xem những đoạn trailer, bài nhận xét chấm điểm game, cũng như download gói nội dung số (DLC), thì hệ thống avatar ảo Mii cũng trở lại với công cụ Mii Maker với chế độ nhận diện khuôn mặt cũng như Mii Plaza.
            
    Khả năng chia sẻ dữ liệu trên 3DS cũng rất mạnh, có thể trao đổi thông tin, thậm chí là cả những tựa game giữa 3DS với DSi. Tất nhiên, để tránh tình trạng ăn cắp bản quyền, một số game cũng như gói dữ liệu tải về sẽ không thể trao đổi, bên cạnh tính năng quản lý game theo lứa tuổi. Cuối cùng, 3DS cũng sẽ được tích hợp hệ thống kiểm soát game theo 3 phân vùng: Nhật, Bắc Mỹ, và Châu Âu/Australia.
                 
    Những tính năng và thông tin phần cứng khác
                
    Kế thừa những ưu điểm của người tiền bối, hệ thống game của 3DS, bên cạnh cửa hàng ảo Nintendo eShop, sẽ vẫn còn đó những GameCard lắp ở phía trên máy. GameCard của 3DS có hình dáng và kích cỡ y hệt GameCard cũ, điều này làm cho các tựa game DS cũng như những DSi Ware trước đây của bạn không bị biến thành “đồ thừa” với tính năng tương tích ngược của 3DS.
            
                      
    Thiết bị vẫn có 2 loa stereo bên cạnh màn hình 3D và cổng cắm thẻ nhớ SD (3DS đi kèm với một thẻ nhớ SD 2GB). Ở bên phải , vị trí khớp gập của sản phẩm có một đèn LED đa dụng. Khi tính năng StreetPass được bật, đèn sẽ chuyển sang màu xanh lá cây hay chuyển màu xanh dương khi tính năng SpotPass được khởi động. Khi có bạn bè online, đèn LED sẽ chuyển sang màu cam và cuối cùng, nó sẽ chuyển màu đỏ khi máy sắp hết pin.
            
    Cổng cắm tai nghe và đèn báo nguồn, cũng như Microphone tích hợp được đặt ở cạnh dưới 3DS, dưới màn hình cảm ứng. 3DS sử dụng pin sạc Li-ion 1300 mAh, nhưng nhược điểm của thiết bị này là nó khá đốt pin. 3DS sạc đầy pin sau 3 tiếng rưỡi, nhưng thời lượng họat động khi chơi game với hiệu ứng 3D chỉ là từ 3 đến 5 tiếng, chơi những tựa game DS cũ được 5 đến 8 tiếng. Có lẽ đây là điểm trừ duy nhất của 3DS, khi mà Nintendo DS trước giờ nổi tiếng là một thiết bị “trâu” pin: Một chiếc DS Lite với pin sạc 1000 mAh có thể hoạt động từ 15 đến 19 tiếng, tùy thuộc vào mức độ sáng của màn hình.
              
    Thương mại hóa
             
    Cũng trong buổi họp báo, Nintendo cũng đã chính thức thông báo về ngày xuất hiện cũng như giá cả của thiết bị. 3DS sẽ được chính thức phát hành tại bắc Mỹ vào ngày 27/3 năm nay ở mức giá 249,99 USD. Người tiêu dùng châu Âu sẽ may mắn hơn khi được chạm tay vào thiết bị này sớm 2 ngày so với Bắc Mỹ: 25/3/2011, trong khi tại Nhật, 3DS sẽ đến tay người tiêu dùng vào ngày 26/2 ở mức giá 25.000 Yên.
            
    Tuy nhiên, mức giá của 3DS tại châu Âu vẫn chưa được thống nhất. Theo nguồn tin, hai nhà phân phối HMV và GAME đã báo giá 3DS tại cửa hàng của họ với giá lần lượt là 229,99 Bảng (khoảng 272 Euro) và 219,99 Bảng. Hy vọng, thiết bị này sẽ được về Việt Nam sớm, để thỏa lòng mong đợi của giới hâm mộ Nintendo tại nước nhà.

    NỔI BẬT TRANG CHỦ