Mỹ lên kế hoạch chống bão Mặt trời có sức tàn phá ước tính 2000 tỷ USD

    Nova,  

    Một điều đáng quan tâm là NASA đã dự đoán tỷ lệ Trái Đất hứng chịu cơn bão khủng khiếp này lên tới 12%!

    Chính phủ Hoa Kỳ đã lên kế hoạch chuẩn bị đối phó với một thảm họa bão Mặt Trời, có thể tàn phá mạng lưới điện trên khắp thế giới suốt nhiều tháng với tổng thiệt hại có thể lên tới 2000 tỷ USD - tức là lớn hơn 10 lần so với những thảm họa tự nhiên khủng khiếp nhất từng xảy ra với loài người. Kế hoạch này đã được công bố trên trang chủ của Nhà Trắng vào ngày 29/10 vừa qua, một điều đáng quan tâm là NASA đã dự đoán tỷ lệ Trái Đất hứng chịu cơn bão khủng khiếp này lên tới 12%!

    Các cơn bão nguy hiểm của Mặt Trời bắt nguồn từ sự tích tụ năng lượng từ, vốn giải phóng ra các luồng bức xạ khắp hệ mặt trời. Mặc dù luôn có một dòng hạt ổn định từ mặt trời tấn công các hành tinh trong hệ mặt trời, nhưng các cơn bão Mặt Trời sẽ phát thải ra những luồng bức xạ và hạt mạnh mẽ hơn nhiều. Các luồng hạt và bức xạ này khác nhau về tần suất, phụ thuộc vào hoạt động của Mặt Trời và thường phóng theo các hướng ở cách xa Trái Đất.

    Tuy nhiên, cứ khoảng 100 năm, các đợt bùng nổ dữ dội của Mặt Trời được cho là sẽ đe dọa hành tinh của chúng ta. Trận bão địa từ Mặt Trời dữ dội nhất gần đây đã tấn công Trái Đất vào năm 1859, khiến các đường dây điện thoại nổ tung, gây hỏa hoạn tại một số bưu cục và mất điện trên khắp châu Âu và Bắc Mỹ. Trong một thế giới công nghệ - kỹ thuật phát triển hơn nhiều như hiện nay, các chuyên gia cảnh báo, các tác động có thể nghiêm trọng hơn nhiều.

    Các xung điện từ ào ạt từ những trận bùng nổ của mặt trời có thể hủy hoại mạng lưới điện, chấm dứt các tiện ích của nền văn minh hiện đại như điện thoại di động, thẻ tín dụng và Internet. Chỉ tính riêng ở Hòa Kỳ, các nhà nghiên cứu đến từ Viện Khoa học quốc gia đã ước tính tổn thất đối với nền kinh tế nước này có thể lên tới 2.600 tỷ USD. Theo các chuyên gia, việc mất điện sau một trận bão mặt trời dữ dội có thể kéo dài nhiều tháng hoặc thậm chí dài hơn nếu nó phá hỏng các máy biến thế.

    Năm 2012, một trận bão mặt trời khủng khiếp từng tiến rất gần nhưng sượt qua quỹ đạo Trái Đất, mà không tấn công hành tinh của chúng ta. Với phỏng đoán về 12% nguy cơ một trận bão mặt trời tương tự có thể xảy ra vào năm 2022, Nhà Trắng đang chuẩn bị kế hoạch sẵn sàng đối phó. "Nói một cách thẳng thắn, đây có thể là một trong những thảm họa tự nhiên nghiêm trọng nhất mà Mỹ và phần lớn thế giới có khả năng sắp phải đương đầu", chuyên gia tư vấn thời tiết không gian John Kappenman nhấn mạnh.

    John P.Holdren, trợ lý của tổng thống Mỹ về chính khoa học và công nghệ, thừa nhận, các trận bão mặt trời là một thách thức lớn cũng như mối đe dọa thực sự. Nhà chức trách Mỹ đang gấp rút hoàn thiện một chiến lược và kế hoạch hành động đối phó 6 bước, bao gồm cả việc thiết lập một tiêu chuẩn để đo lường chính xác mức độ đe dọa của các sự cố, tương tự như thang độ lớn Richter sử dụng cho các trận động đất, cũng như tập trung cải thiện các công nghệ dự báo. Một trong các mối đe dọa lớn của thời tiết không gian là, các nhà dự đoán hiện chỉ có thời gian cảnh báo khoảng 15 - 60 phút trước một sự cố nghiêm trọng.

    Cụ thể, theo báo cáo của Cục quản lý đại dương và khí quyển quốc gia Hoa Kỳ, trung tâm dự báo thời tiết vũ trụ của cơ quan này đã tiến hành giám sát tất cả các hoạt động trên Mặt Trời liên tục không nghỉ ngay sảu khi NASA đưa ra lời cảnh báo. Giám đốc trung tâm, Thomas Berger, cho biết ngay khi có một luồng năng lượng bất thường thoát ra từ bề mặt của Mặt Trời thì họ sẽ đưa ra một cảnh báo sớm từ trước 12 đến 15 tiếng.

     Vị trí của ACE tương đương với điểm Lagrange L1 trong không gian.

    Vị trí của ACE tương đương với điểm Lagrange L1 trong không gian.

    Ngoài ra, NOAA còn sử dụng vệ tinh thám hiểm cấu tạo (Advanced Composition Explorer - ACE) hoạt động trong vùng không gian giữa Trái Đất và Mặt Trời, với khoảng cách là 1,5 triệu km so với hành tinh của chúng ta, giống như một chiếc "phao cảnh báo sóng thần". Ngay khi cơn bão từ Mặt Trời tiến đến khu vực này, NOAA có thể đưa ra một lời cảnh báo khẩn cấp trước khi vụ va chạm diễn ra khoảng 15 đến 60 phút. Vấn đề ở đây là ACE đã hoạt động hơn 17 năm và sẽ được thay thế bởi vệ tinh Deep Space Climate Observatory - DSCOVR trong tương lai với hi vọng cải thiện khả năng cảnh báo tốt hơn nữa.

    Kế hoạch phòng bị sẽ cho phép các vệ tinh mới trong không gian và các công nghệ mới trên mặt đất phối hợp đưa ra một cảnh báo thích hợp hơn về thảm họa. Nhà chức trách Hoa Kỳ cũng sẽ thúc đẩy nghiên cứu về các ảnh hưởng tiềm tàng của sự cố đối với cơ sở hạ tầng thiết yếu của nước này, nhằm cho phép chính phủ đưa ra kế hoạch phản ứng và hồi phục hiệu quả. Các trường học, học viện, cơ quan chính phủ, truyền thông, ngành công nghiệp bảo hiểm, các tổ chức phi lợi nhuận và lĩnh vực tư nhân đều sẽ tham gia kế hoạch ứng cứu nếu điều tồi tệ nhất xảy ra.

    Tham khảo BusinessInsider

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ