Khi cá ngoài biển vướng phải túi nilon, trong cơ thể người, tinh trùng cũng đang bơi cạnh hạt vi nhựa

    Thanh Long,  

    Cả hành tinh đều đang bơi trong nhựa.

    Đó là thực tế vừa được chỉ ra từ một nghiên cứu đăng trên tạp chí Science of the Total Environment. Các nhà khoa học đã chụp được ảnh tinh trùng người bơi cạnh những hạt vi nhựa có kích thước lớn gấp đôi so với chúng.

    Điều đáng chú ý là những hạt vi nhựa này có thể giải phóng những hóa chất ảnh hưởng tới hormone và khả năng sinh sản của con người.

    Khi có sự xuất hiện của các hạt vi nhựa, tinh trùng thể hiện một loạt các đặc tính bất thường như bị ngắn, méo đầu, đuôi không đều... Tính di động của tinh trùng khi bơi cạnh các hạt vi nhựa cũng giảm sút, xuất hiện các tinh trùng bơi kém, cong đuôi thậm chí cuộn tròn tại chỗ.

    Những quan sát này một lần nữa làm dấy lên mối lo ngại về hậu quả của phơi nhiễm hạt vi nhựa đối với sức khỏe con người.

    Khi cá ngoài biển vướng phải túi nilon, trong cơ thể người, tinh trùng cũng đang bơi cạnh hạt vi nhựa- Ảnh 1.

    Sử dụng kính hiển vi quang phổ Raman, các nhà khoa học đã chụp được ảnh của 8 loại hạt vi nhựa trong mẫu tinh dịch người.

    Nghiên cứu kiểm tra thấy 100% mẫu tinh trùng chứa hạt vi nhựa

    Nghiên cứu được thực hiện bởi các nhà khoa học đến từ Trung Quốc. Trong đó, họ đã thu thập 36 mẫu tinh dịch của nam giới, những người đi khám sức khỏe tiền hôn nhân một cách ngẫu nhiên.

    Sử dụng một kỹ thuật kính hiển vi hiện đại, gọi là kính hiển vi quang phổ Raman, các nhà khoa học đã quan sát thấy sự hiện diện của hạt vi nhựa bên trong 100% các mẫu tinh dịch.

    Trung bình, trong mỗi mẫu tinh dịch phát hiện được ít nhất 2 hạt vi nhựa. Các hạt vi nhựa có kích thước dao dộng từ 0,72 đến 6,46 μm. Trong khi đó, kích thước trung bình của phần đầu tinh trùng người là 3 μm.

    Điều đó có nghĩa là một số tinh trùng người đang phải bơi bên cạnh những hạt vi nhựa to gấp đôi so với đầu của mình.

    Các hạt vi nhựa xuất hiện trong tinh trùng người thuộc về 8 loại nhựa khác nhau, nhiều nhất là nhựa polystyrene (PS) thành phần có trong hộp xốp đựng thức ăn, kế đó là nhựa polyetylen (PE) được dùng làm túi nilon và nhựa polyvinyl clorua (PVC) thành phần của ống nước.

    Khi cá ngoài biển vướng phải túi nilon, trong cơ thể người, tinh trùng cũng đang bơi cạnh hạt vi nhựa- Ảnh 2.

    Tỷ lệ các loại hạt vi nhựa được tìm thấy trong 36/36 mẫu tinh dịch được thu thập.

    Khi cá ngoài biển vướng phải túi nilon, trong cơ thể người, tinh trùng cũng đang bơi cạnh hạt vi nhựa- Ảnh 3.

    Phát hiện các khuyết tật của tinh trùng khi bơi bên cạnh các hạt vi nhựa.

    Các nhà nghiên cứu cũng nhận thấy một phổ các tế bào tinh trùng bất thường bơi trong tinh dịch cùng với các mảnh vi nhựa. Đáng lo ngại là nhiều tế bào tinh trùng bị ngắn, cong, cuộn tròn hoặc có đuôi không đều, một số dường như gặp khó khăn khi di chuyển bình thường.

    "Mặc dù những quan sát này rất thuyết phục, việc thiết lập mối liên hệ nhân quả trực tiếp giữa phơi nhiễm với vi nhựa và hiện tượng bất thường của tinh trùng vẫn chưa được xác định", các nhà nghiên cứu vẫn còn thận trọng.

    Mặc dù vậy, chúng ta có những lý do chính đáng để lo ngại.

    Trong tử cung phụ nữ cũng có hạt vi nhựa

    Một nghiên cứu mới xuất bản hồi đầu tháng 6 của các nhà khoa học đến từ Đại học Bắc Kinh, Trung Quốc cũng phát hiện hạt vi nhựa bên trong tử cung của phụ nữ. Vì vậy, không quá để nói nếu muốn cạnh tranh sinh sản trong thời đại này, tinh trùng của con người đang phải bơi cạnh những hạt vi nhựa.

    Nghiên cứu đã chỉ ra rằng ở phụ nữ vô sinh, nội mạc tử cung của họ cũng chứa nhiều loại vi nhựa, chủ yếu bao gồm polyamide (PA), polyurethane (PU), polyethylene terephthalate (PET), polypropylene (PP), polystyrene (PS) và polyethylene (PE).

    Các hạt vi nhựa được cho là có thể giải phóng hơn 2.400 hóa chất có hại cho sức khỏe con người. Nhiều trong số đó có thể ảnh hưởng tới hormone sinh sản ở cả nam giới và nữ giới.

    Khi cá ngoài biển vướng phải túi nilon, trong cơ thể người, tinh trùng cũng đang bơi cạnh hạt vi nhựa- Ảnh 4.

    Ảnh minh họa.

    Ví dụ như Bisphenol A (BPA), một hóa chất được thêm vào nhựa để giúp chúng cứng hơn. Một khi bị nhiễm vào cơ thể, BPA có thể bắt chước hormone sinh dục nữ estrogen, làm giảm ham muốn tình dục, chức năng cương dương và số lượng tinh trùng.

    Đối với phụ nữ, phơi nhiễm với BPA từ nhựa có thể làm giảm chất lượng trứng, rối loạn kinh nguyệt thậm chí nguy cơ sẩy thai cao hơn.

    Năm 2020, một nghiên cứu của Đại học New Mexico cũng phát hiện hạt vi nhựa có thể len lỏi vào tận nhau thai người. Các hạt nhựa này có kích cỡ từ 6,5 đến 790 microgram với mật độ trung bình 128,6 microgram trên mỗi gram nhau thai của 61/61 người phụ nữ đã hiến tặng chúng.

    Ở nồng độ này, các nhà khoa học lo ngại phơi nhiễm vi nhựa có thể ảnh hưởng tới khả năng phát triển của thai nhi, từ việc sinh non, trẻ nhẹ cân cho tới vấn đề sa sút trí tuệ.

    Khi cá ngoài biển vướng phải túi nilon, trong cơ thể người, tinh trùng cũng đang bơi cạnh hạt vi nhựa- Ảnh 5.

    Ảnh minh họa.

    Cả hành tinh đang cùng bơi trong nhựa

    Việc tinh trùng người đang bơi bên cạnh những hạt vi nhựa phản ánh một thực tế đang xảy ra trên quy mô hành tinh, khi cá biển bơi cạnh chai nhựa, rùa bị mắc vào lưới cước, các loài chim ăn đầy một bụng rác thải nhựa và túi nilon làm tắc đường ruột chó mèo.

    Nhựa đang tràn ngập đại dương, đất liền, trong khí quyển và trong cả cơ thể chúng ta. Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP) ước tính con người đang sản xuất hơn 450 triệu tấn nhựa mỗi năm. Kể từ khi biết hút dầu mỏ lên từ lòng đất rồi lấy dầu mỏ để sản xuất nhựa, con người đã tạo ra hơn 8 tỷ tấn vật chất không thể phân hủy này.

    Phần lớn nhựa bị ném vào đại dương, không thể tan vào biển mà chỉ có thể bị phân chia thành các hạt ngày càng nhỏ hơn. Khi các hạt nhựa nhỏ tới mức micomet không thể nhìn thấy bằng mắt thường, chúng được gọi là hạt vi nhựa.

    Một nghiên cứu năm 2019 ước tính chỉ riêng lớp nước mặt trên các đại dương đã có 358.000.000.000.000 (358 nghìn tỷ) hạt vi nhựa, khiến nồng độ vi nhựa trở nên bão hòa và quay trở lại đất liền.

    Gió biển mỗi năm có thể thổi 10 nghìn tỷ hạt vi nhựa trong số đó quay trở lại đất liền. Hậu quả là mỗi người trong số chúng ta đang hít vào hơn 270 hạt vi nhựa mỗi ngày, tương đương với 100.000 hạt/năm.

    Sau khi lọt được qua phổi, vi nhựa sẽ đi vào máu và tới tích tụ tại các cơ quan nội tạng của chúng ta. Năm 2020, một nghiên cứu trên tạp chí của Hiệp hội Hóa học Hoa Kỳ (ACS) đã tìm thấy hạt vi nhựa trong 7 mô nội tạng bao gồm phổi, gan, lá lách và thận của con người.

    Khi cá ngoài biển vướng phải túi nilon, trong cơ thể người, tinh trùng cũng đang bơi cạnh hạt vi nhựa- Ảnh 6.

    Cách hạt vi nhựa vượt qua hàng rào máu của tinh hoàn.

    Tháng trước, một nghiên cứu của các nhà khoa học Mỹ cũng phát hiện vi nhựa trong 100% mẫu tinh hoàn người. Các nhà khoa học cho biết các hạt nhựa hiện đang bị phân mảnh đến độ nhỏ siêu vi, khiến chúng có thể dễ dàng lọt qua hàng rào máu ở tinh hoàn.

    Vì vậy, không khó để tưởng tượng ra điều tất yếu rằng, tinh trùng người bây giờ cũng đang phải bơi cạnh hạt vi nhựa. 

    "Điều này nhấn mạnh sự cần thiết phải nghiên cứu sâu hơn về cách vi nhựa ảnh hưởng đến khả năng sinh sản của nam giới, đặc biệt là khi xét đến mức độ hiện diện phổ biến và độc tính sinh sản tiềm tàng của chúng", các nhà nghiên cứu viết trong phần kết luận bài báo đăng trên tạp chí Science of the Total Environment.

    Nguồn: Sciencealert, Guadian, Sciencedirect


    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ