Những quốc gia Đông Nam Á 'ăn' nhiều vi nhựa nhất thế giới, có Việt Nam

    Hoa Vũ,  

    Nhiều nước khu vực Đông Nam Á nằm trong số những quốc gia dẫn đầu thế giới về hấp thụ vi nhựa do tỷ lệ tiêu thụ hải sản cao.

    Theo một nghiên cứu được công bố trên tạp chí Khoa học và Công nghệ Môi trường, các quốc gia đang công nghiệp hóa nhanh chóng như Indonesia, Malaysia, Philippines và Việt Nam dẫn đầu về mức độ hấp thụ vi nhựa trên toàn cầu, một trong những nguyên nhân do mức tiêu thụ hải sản cao.

    Nghiên cứu chỉ ra trung bình mỗi người Malaysia ăn khoảng 502,3mg vi nhựa mỗi ngày, cao nhất trong số 109 quốc gia về tiêu thụ vi nhựa.

    Báo cáo lưu ý rằng, hơn 50% lượng tiêu thụ vi nhựa của Malaysia đến từ cá.

    Malaysia cũng được ghi nhận trong số 10 quốc gia hít phải hạt vi nhựa nhiều nhất, ước tính khoảng 494.000 hạt vi nhựa mỗi ngày trên đầu người.

    Những quốc gia Đông Nam Á 'ăn' nhiều vi nhựa nhất thế giới, có Việt Nam- Ảnh 1.

    Vùng biển bị ô nhiễm rác thải nhựa. (Ảnh: SCMP)

    Vi nhựa - các hạt nhựa nhỏ hơn 5 mm - thường được tìm thấy trong môi trường nước ngọt và biển, nơi chúng được các sinh vật ăn vào và sau đó được con người tiêu thụ.

    Tác giả nghiên cứu, giáo sư Xiang Zhao tại Đại học Công nghệ Quốc phòng Quốc gia ở Trung Quốc và giáo sư Fengqi You tại Đại học Cornell ở Mỹ, cho biết sự phát triển công nghiệp khiến mức độ ô nhiễm nhựa ngày càng tăng.

    "Vi nhựa trong thức ăn gồm các loại tích tụ trong thực phẩm và vật liệu thải ra từ việc sử dụng nhựa trong sản xuất, chế biến thực phẩm và đồ uống, hay khâu đóng gói sản phẩm cuối cùng" , các nhà nghiên cứu nói. "Trong khi đó, vi nhựa trong không khí chủ yếu bắt nguồn từ sự mài mòn của các vật liệu nhựa, chẳng hạn như từ lốp xe hay sự phân hủy hạt nhựa thuỷ sinh".

    Một nguồn vi nhựa chính gây ảnh hưởng thủy sản là nước thải từ nhựa được quản lý không đúng cách từ các bãi rác hoặc bãi thải lộ thiên.

    “Các hạt vi nhựa có thể gây ô nhiễm hệ thống nước, bao gồm cả môi trường nước ngọt và nước mặn, sau đó phân tán qua dòng nước hoặc không khí thâm nhập vào chuỗi thức ăn”, theo nghiên cứu.

    Lượng vi nhựa đi vào cơ thể qua đường hô hấp và đường ăn uống tăng hơn sáu lần từ năm 1990 đến năm 2018 trên khắp châu Á, châu Phi và châu Mỹ, bao gồm cả hai nền kinh tế lớn nhất thế giới là Mỹ và Trung Quốc.

    Các nhà nghiên cứu cho rằng, việc loại bỏ 90% rác thải nhựa trên toàn cầu có thể giúp giảm hơn 48% lượng vi nhựa hấp thụ vào cơ thể ở các quốc gia Đông Nam Á, nơi ghi nhận phần lớn sự hấp thụ vi nhựa của thế giới.

    "Để giảm thiểu sự hấp thụ vi nhựa và những rủi ro tiềm ẩn cho sức khỏe cộng đồng, chính phủ các nước đang phát triển và các nước công nghiệp hóa ở châu Á, châu Âu, châu Phi, Bắc Mỹ và Nam Mỹ nên khuyến khích việc loại bỏ rác thải nhựa trôi nổi khỏi môi trường nước ngọt và nước mặn thông qua các phương pháp xử lý nước tiên tiến và quản lý chất thải rắn hiệu quả", báo cáo viết.

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ